Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với lời Bác dạy về chỉnh đốn Đảng

Ngày đăng: 13/08/2020   10:20
Mặc định Cỡ chữ
Khi trở thành người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt nam, thực hiện đúng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nêu cao bản lĩnh kiên cường của người chịu trách nhiệm cao nhất của Đảng trước sứ mệnh lịch sử với quốc gia dân tộc.

Tháng 5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem lại bản Di chúc và “thấy cần phải viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết” về những công việc “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi”; Người dặn “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Lúc ấy người Chính ủy Lê Khả Phiêu cùng Trung đoàn 9 của ông vừa kết thúc hoạt động trong đợt Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở chiến trường Trị Thiên-Huế.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1931-2020)

Rồi 7 năm sau, khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, ông cùng toàn quân toàn dân cả nước bước vào nhiệm vụ mới, thực hiện khát vọng thiêng liêng của Bác Hồ: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Nhưng rồi người quân nhân xứ Thanh Lê Khả Phiêu lại phải tiếp tục những mùa chinh chiến, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác…

Tính từ khi là người lính binh nhì (1950) đến khi được phong quân hàm Thượng tướng (năm 1992) và đến lúc chuyển từ binh nghiệp với cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam sang sự nghiệp chính trị với nhiệm vụ Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng (năm 1996), ông đã có tới 46 năm binh nghiệp.

Thiếu tướng Lê Khả Phiêu và các cán bộ cơ quan chính trị Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia đi công tác, nắm địa hình vùng núi phía Bắc Campuchia năm 1986.

Vào tuổi 60, tướng Lê Khả Phiêu hơn nửa đời binh nghiệp vẫn xông pha với bản lĩnh vững vàng. Vì thế từ năm 1997, Đảng chọn ông làm người đứng đầu của Đảng kế tục và đẩy mạnh sự nghiệp Đổi mới. Thế hệ lãnh đạo của Đảng từ nay có thêm những tướng lĩnh trải qua thực tế kháng chiến vững vàng bản lĩnh và dày dạn kinh nghiệm, có tài thao lược.

Chính trong cuộc chuyển giao ấy, Đảng có một Tổng Bí thư “có những đóng góp tích cực trong việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới”.

Với cá nhân ông, bước chuyển sự nghiệp ấy đưa Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trở thành người đi đầu “trong việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương, tích cực chống tham nhũng” như đánh giá tại Đại hội lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2001.

Nghị quyết chuyên biệt về chỉnh đốn Đảng

Đảm đương cương vị Tổng Bí thư trong lúc đất nước đã chuyển sang đổi mới nhưng sự lãnh đạo của Đảng đứng trước những nguy cơ và thách thức, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp khó lường, ông đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, xây dựng Nhà nước pháp quyền, khai thông nhiều vấn đề lớn trong quan hệ với các nước, mở rộng và củng cố quan hệ đối ngoại vì hòa bình và hữu nghị, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhưng trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng bộc lộ một số yếu kém: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm; bộ máy tổ chức Đảng và Nhà nước chậm củng cố và đổi mới. Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII triệu tập Hội nghị lần thứ 6 (lần 2), tháng 02/1999, nhấn mạnh đến tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình; tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Trong lịch sử Đảng ta, không có đại hội nào và cũng không có Hội nghị Trung ương nào không đề cập đến xây dựng Đảng; từ khi bước vào công cuộc Đổi mới (1986), Đảng đề ra nhiều nghị quyết có nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng. Nhưng chỉ đến Hội nghị lần thứ 6 do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chủ trì mới thực sự có nghị quyết chuyên biệt (Nghi quyết số 09-NQ/TW, ngày 02/02/1999) với tên gọi “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”.

Đúng là tình hình thực tiễn lúc đó đòi hỏi phải tiến hành chỉnh đốn Đảng, phải chống cho bằng được tình trạng tham nhũng, suy thoái của một bộ phận đảng viên, nhưng để làm được việc đó vào thời điểm đó, cần có sự quyết tâm của toàn Đảng, trong đó trước hết là ý chí tâm huyết của người đứng đầu (Tổng Bí thư) mới tạo ra được sự chuyển biến về công tác xây dựng Đảng; và thực tế cho thấy: Ban hành được Nghị quyết đã là lịch sử, việc chỉ đạo tổ chức thực hiện còn có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã thể hiện rõ sự quyết tâm của mình trong việc chống tham nhũng, đương nhiên sẽ “đụng” đến vấn đề lợi ích của một số người và nhóm lợi ích nhiều người. Việc xử lý cán bộ vi phạm, tham nhũng trong hơn 3 năm ông làm Tổng Bí thư được thực hiện một cách rất kiên quyết, nhằm làm trong sạch tổ chức, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, đạt được yêu cầu củng cố lại Đảng. Công việc khó khăn, phức tạp và quyết liệt, nhưng cần thiết và cấp bách, được dư luận, đảng viên, quần chúng nhân dân ủng hộ, ông trở thành người đi đầu, mẫu mực chống tham nhũng.

Ông từng phân tích nếu một đảng viên cấp cơ sở suy thoái, hư hỏng sẽ chỉ ảnh hưởng đến cơ sở, nhưng một người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, người giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước mà hư hỏng thì hại cho Đảng, hại cả quốc gia, dân tộc; “Bệnh đã chẩn. Thuốc đã bốc. Nhưng thuốc kê giải bệnh phải uống để chỉnh đốn Đảng không phải là khẩu hiệu”. Ông cũng từng nói: "Sinh hoạt Đảng không phải sinh hoạt câu lạc bộ. Tắm gội phải từ trên đầu xuống chứ không phải từ ngang thắt lưng".

Là người kinh qua công tác Đảng từ rất sớm, ông hiểu rõ cần phải giữ được sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; Đảng muốn vững mạnh, muốn trở thành người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân thì phải giữ vững sinh hoạt đảng, đề cao phê bình và tự phê bình thì Đảng mới lãnh đạo và lớn mạnh được. Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn giải phóng (năm 2012), ông phát biểu: “Để chỉnh đốn Đảng không có vùng cấm”. Chỉnh đốn Đảng lần này không sốt ruột được, phải làm nghiêm túc, làm một cách bài bản, có văn hóa và có đạo lý. Đấu tranh trong Đảng là để xây dựng cho đồng chí mình, cho tổ chức đảng mạnh lên”.

Người tư duy thực tế, giàu thực tiễn địa phương

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng là người tư duy thực tế, giàu thực tiễn địa phương, nắm bắt thực tế nhanh, am hiểu tâm tư nguyện vọng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, phát hiện các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Thực ra thái độ quyết liệt của ông thể hiện từ khi mới tham gia Thường trực Bộ Chính trị, ông đã trực tiếp giải quyết vấn đề mất đoàn kết nội bộ ở Hà Tĩnh khi vừa tách tỉnh; đến việc “làng Nhô” ở Thái Bình, Thường trực Bộ Chính trị Lê Khả Phiêu về tận tỉnh và huyện họp trực tiếp với lãnh đạo địa phương, lắng nghe và trao đổi thẳng thắn những vấn đề cần xử lý công tác tổ chức, công tác cán bộ. Thái độ và phong cách đó của người từng kinh qua công tác ở quân đội là bài học cần có đối với bất cứ người lãnh đạo nào, minh bạch rõ ràng, giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn, dám chịu trách nhiệm, có tầm, có suy nghĩ, có quyết đoán.

Cũng từng thấy hình ảnh Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trung tướng Lê Khả Phiêu khi đi Trường Sa (năm 1992) vẫn ăn, ở sinh hoạt chung như mọi cán bộ chiến sĩ. Từng nghe ông tâm sự với các cựu chiến binh: “Chúng ta là những người lính may mắn còn sống sau chiến tranh, hãy làm tốt những gì có thể làm được để cải thiện cuộc sống cho vợ con và gia đình, làm gương cho làng xóm, xứng đáng với đồng đội đã khuất và bù đắp cho những người đã hi sinh”.

Từng trông hình ảnh Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xắn quần đi vào vùng lũ miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (1999-2000) để tận mắt thị sát và thăm hỏi đồng bào; từng nghe ông kể chuyện vui về người con đã trưởng thành, học nghề lái xe, được cấp bằng chính thống mà đi đâu người cha cũng mất thì giờ ngồi lên xe cùng đi để chỉ đạo và hướng dẫn thì làm sao con tự chủ, tự tin và tiến bộ được...

Bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ và đạo đức người đảng viên cộng sản hòa quyện làm một, hiện thành chân dung con người chân thành, giản dị, khiêm tốn, luôn học hỏi, tâm trong sáng và rất coi trọng dân chủ. Khi trở thành người lãnh đạo Đảng, thực hiện đúng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, ông đứng đầu sóng ngọn gió, nêu cao bản lĩnh kiên cường của người chịu trách nhiệm cao nhất của Đảng trước sứ mệnh lịch sử với quốc gia dân tộc.

Tinh thần ấy, bản lĩnh ấy của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) lịch sử đã lan tỏa “đưa đất nước tiến vào thế kỷ XXI một cách vững vàng, xứng đáng với lòng mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân”./.

Theo: baochinhphu.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Những cống hiến nổi bật của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với cách mạng Việt Nam

Ngày đăng 19/04/2024
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ về việc tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong, Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (01/6/1904 - 01/6/2024), Tạp chí Tổ chức nhà nước trân trọng giới thiệu những cống hiến nổi bật của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với cách mạng Việt Nam theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày đăng 18/04/2024
Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày đăng 17/04/2024
Sáng 17/4, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2024).

Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên "cột mốc vàng" lịch sử Điện Biên Phủ

Ngày đăng 17/04/2024
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "Dù bom đạn xương tan, thịt nát. Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Cam kết mạnh mẽ, nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam

Ngày đăng 16/04/2024
Ngày 15/4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao họp báo công bố Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Sự kiện có sự tham dự của gần 100 đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các cơ quan báo chí Việt Nam và quốc tế.