Hà Nội, Ngày 28/03/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn nhân sự cao cấp Bộ Nội vụ trong những tháng năm đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân

Ngày đăng: 07/08/2020   15:37
Mặc định Cỡ chữ
Việc lựa chọn nhân sự cao cấp của Bộ Nội vụ trong những tháng, năm đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân là minh chứng cụ thể và điển hình về tài đức và chính sách trọng dụng nhân tài, trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là đỉnh cao của sự kế thừa phương sách dùng người “ dụng nhân như dụng mộc” của ông cha ta trong lịch sử.

Bộ Nội vụ là một trong 13 bộ của Chính phủ lâm thời được thành lập ngày 28/8/1945. Ngay từ ngày đầu thành lập, Bộ Nội vụ đã có vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu Chính phủ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời giao thực hiện chức năng: tổ chức, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng; bảo đảm an ninh chính trị, trị an và đảm nhiệm một phần chức năng của Chủ tịch phủ; theo dõi điều hành công tác nội trị, pháp chế, hành chính công và điều phối hoạt động của các bộ khác. Có thể thấy, tất cả các lĩnh vực công tác của BNV được giao đảm nhiệm đều là những lĩnh vực quan trọng có tính chất nội trị quốc gia. Do vị trí đặc biệt quan trọng của Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời, Chính phủ liên hiệp kháng chiến nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm lựa chọn nhân sự cao cấp bố trí vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Bộ Nội vụ.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn.

Vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ông sinh ngày 28/8/1911 trong gia đình một nhà Nho đức độ ở Lộc Thủy – Lệ Thủy – Quảng Bình. Lớn lên ông học ở Quốc học Huế, sau đó ra Hà Nội học ở trường Albert Sarraut tốt nghiệp nhận bằng cử nhân luật, là giáo sư sử học trường Tư thục Thăng Long. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1928, bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Thiên Huế khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra năm 1930, sau đó được trả tự do. Từ năm 1936 – 1939, ông tham gia tích cực phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương. Năm 1940 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cùng năm này, ông vượt biên sang Trung Quốc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đây, ông trở thành người học trò xuất sắc, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1941, ông cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Cao Bằng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám (CMT8). CMT8 thành công, Chính phủ lâm thời được thành lập, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh “chọn mặt gửi vàng”, tin cậy giao trọng trách giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông là người duy nhất trong Chính phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao thay mặt Chính phủ ký một loạt sắc lệnh quan trọng trong buổi đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân. Chỉ trong 6 tháng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ với tài năng, đức độ của mình ông đã tham mưu cho Chính phủ và chỉ đạo giải tán các tổ chức chính trị phản động, xóa bỏ các chế độ, chính sách của chính quyền thực dân phong kiến; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự trị an, bảo vệ vững chắc chính quyền dân chủ nhân dân.

Đặc biệt, ông đã tham mưu, chỉ đạo xây dựng trình Chính phủ ban hành một loạt các sắc lệnh quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương, xây dựng đội ngũ công chức, chế độ công vụ và quản lý điều hành đất nước theo chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Chỉ trong vòng 6 tháng, ông đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 100 sắc lệnh, trong đó có 30 sắc lệnh ông thay mặt Chính phủ ký ban hành

Vị Bộ trưởng thứ hai của Bộ Nội vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là cụ Huỳnh Thúc Kháng. Sinh ra từ đất Quảng Nam giàu tinh thần yêu nước, cụ là một trí thức đại khoa bảng, nhưng đã từ bỏ chốn quan trường phong kiến hủ bại, tham gia phong trào yêu nước của thế kỷ 20. Cụ là một trong những người sáng lập ra phong trào Duy Tân. Sau cao trào 1908, cụ bị thực dân Pháp giam cầm 13 năm trong nhà tù Côn Đảo. Ra tù, cụ tích cực tham gia cuộc đấu tranh cho độc lập, dân chủ, trên cương vị Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ, chủ bút báo “Tiếng dân”.  CMT8 thành công, với tài năng đức độ, học rộng hiểu sâu và tinh thần vì nước thương dân, cụ tham gia ủng hộ Chính phủ lâm thời của nước VNDCCH.

Tháng 3/1946, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến, giữ chức Bộ trưởng BNV thay đồng chí Võ Nguyên Giáp đi nhận nhiệm vụ khác. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã không quản tuổi cao, cống hiến hết sức mình cho dân, cho nước, tích cực tham gia vào các hoạt động quan trọng của Chính phủ. Từ ngày 29/5 – 21/10/1946, cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao ký các công văn thường ngày và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Ngoài cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh Thúc Kháng còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao trọng trách Quyền Chủ tịch nước, trực tiếp giải quyết các công việc quốc gia đại sự.

Trong nhân sự cao cấp giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Bộ Nội vụ còn có giáo sư Hoàng Minh Giám. Ông sinh ngày 4/11/1904 tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là quận Bắc Từ Liêm thành phố Hà Nội) trong một gia đình nhiều người đỗ khoa bảng. Năm 1926, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Đông Dương khóa III, sau đó dạy học ở Phnôm Pênh (Campuchia), Sài Gòn. Ông tham gia Đảng Xã hội Việt Nam, là Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội. Ông được bổ nhiệm giữ chức Đổng lý đầu tiên của Văn phòng Bộ Nội vụ theo Sắc lệnh số 01/SL ngày 30/8/1945 do Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ ký.

Đến ngày 22/02/1946 cũng theo đề nghị của Bộ Nội vụ, ông được Chủ tịch Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ, giáo sư Hoàng Minh Giám trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đàm phán với Sainteny – đại diện Chính phủ Pháp, ký kết Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946. Từ tháng 6 – 8/1946, ông tham gia phái đoàn của VNDCCH tại Hội nghị Fontainebleau. Đến tháng 11/1946, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Người được bổ nhiệm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ thay giáo sư Hoàng Minh Giám là luật sư Phạm Khắc Hòe. Ông Phạm Khắc Hòe sinh năm 1901 ở Đức Nhân, Đức Thọ, Hà Tĩnh trong một gia đình khoa bảng. Thưở nhỏ, ông học chữ Nho, sau học tiểu học Pháp – Việt, từ năm 1919 – 1922 học ở Trường Quốc học Huế, từ năm 1922 – 1925 học ở Trường Cao đẳng Pháp luật và Hành chính Hà Nội. Năm 1925, ông tốt nghiệp và được phân công làm tham tán toàn sứ làm việc ở Huế và Quy Nhơn. Từ năm 1944 – 1945 làm ngự tiền Văn phòng Đổng lý, hàm thượng thư của vua Bảo Đại.

Ông là người soạn thảo chiếu thoái vị của vua Bảo Đại ngày 22/8/1945, chứng kiến sự hấp hối của triều đình nhà Nguyễn trước và trong CMT8; đồng thời, là người góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của triều đình phong kiến từ bên trong. Ông đã phối hợp với lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận Việt minh tại Huế vận động gây sức ép, buộc Bảo Đại thoái vị. Sau CMT8 năm 1945, ông tham gia chính quyền VNDCCH, được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Nha pháp chính. Đến ngày 22/3/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 31/SL bổ nhiệm giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của Giám đốc Nha pháp chính và Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ, ông còn tham gia các cuộc đàm phán Việt – Pháp ở Đà Lạt với tư cách là cố vấn kiêm Tổng thư ký Đoàn đại biểu Việt Nam. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy trên cương vị Giám đốc Nha Pháp chế – Hành chính, Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ. Ông đã mang hết khả năng, trình độ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của mình cùng với lãnh đạo Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ thực hiện tốt công tác pháp chế – hành chính của chính thể VNDCCH.

Trong lịch sử nền hành chính nước nhà, việc sử dụng ông Phạm Khắc Hòe – Đổng lý Văn phòng Hoàng Đế Bảo Đại vào cơ cấu cán bộ chủ chốt của Bộ Nội vụ là ví dụ điển hình minh chứng cho tài năng thu phục những công chức – trí thức của chính quyền cũ, có trình độ năng lực chuyên môn, có tư cách đạo đức tốt vào làm việc cho chính quyền cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chánh Văn phòng đầu tiên của Bộ Nội vụ là ông Hoàng Hữu Nam, tên thật là Phan Bôi. Ông sinh năm 1911 trong một gia đình nổi tiếng về hiếu học, yêu nước và cách mạng. Khi 15, 16 tuổi, ông học Trường Quốc học Huế. Ông sớm tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng trong năm này ông bị thực dân Pháp bắt và đưa ra xét xử trong vụ án “Đông Dương cộng sản”. Ông bị kết án 20 năm tù và bị đầy ra Côn Đảo. Năm 1936, ông được trả tự do, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Hà Nội. Năm 1941, ông lại bị thực dân Pháp bắt đưa đi an trí tại Bắc Mê – Vị Xuyên – Hà Giang, nhà lao Ninh Bình, sau đó bị đầy đi Madagasca (châu Phi).

Tháng 6/1943, ông được phóng thích khỏi Madagasca và được đưa sang Ấn Độ. Để có cơ hội về nước tham gia hoạt động cách mạng, được tổ chức Đảng trong nước đồng ý, ông cùng 6 đồng chí khác cùng bị giam ở Madagasca nhận làm tình báo cho Anh. Cuối năm 1944, sau khi dự huấn luyện nghề tình báo, ông được quân đội Anh đưa về Việt Nam, nhảy dù xuống Cao Bằng, ông bắt nối với cơ sở của ta và được đưa về công tác ở cơ quan Trung ương Đảng. Sau CMT8 thành công, ông và một số đồng chí khác, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng được Bác Hồ phân công ở lại củng cố cơ sở. Tháng 1/1946 ông được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ. Cũng trong năm này, ông được bầu là đại biểu Quốc hội. Tháng 3/1946 khi  Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập thay thế Chính phủ lâm thời, ông Hoàng Hữu Nam được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông còn được giao  nhiệm vụ là Trưởng ban Liên kiểm Việt Pháp. Trong thời gian này, ông tham gia vào nhiều quyết định quan trọng của Trung ương để bảo vệ chính quyền non trẻ. Ông được cử làm đặc phái viên Quân ủy Hội, Chính trị ủy viên Quân đội tiếp phòng Việt Nam. Khi mặt trận Hà Nội vỡ, ông cùng Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc, tiếp tục công tác trong Hội đồng Chính phủ. Ông là một lãnh đạo ưu tú của Bộ Nội vụ, là người cộng tác đắc lực cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 24/4/1947, ông bị mất trên đường công tác tại Tuyên Quang. Sự ra đi của ông trong lúc quốc dân đang cần nhân tài để đảm đương việc nước là một tổn thất lớn lao của Chính phủ và của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ.

Người thứ hai giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ là ông Đặng Việt Châu, tên thật là Đặng Hữu Rạng, sinh năm 1914 ở Bách Tính – Nam Hồng – Nam Trực – Nam Định trong một gia đình nhà Nho khí tiết, không chịu cộng tác với chính quyền thực dân Pháp. Sau khi học xong tiểu học, năm 1929, ông vào học ở trường Thành Chung, Nam Định. Tháng 3/1931, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1937 ông tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách khu C gồm 4 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và Ninh Bình. Ông cùng các đồng chí Xứ ủy lãnh đạo các phong trào đấu tranh công khai. Năm 1939, ông bị mật thám Pháp bắt giam ở nhà lao Bắc Mê (Hà Giang) đầu tháng 8/ 1942 mới được thả, nhưng bị quản thúc. Cuối năm 1944, ông tham gia phái đoàn ngoại giao do đồng chí Hoàng Quốc Việt lãnh đạo từ Hải Phòng sang Quảng Tây, Trung Quốc. Tháng 5/1945 về nước, ông được Xứ ủy giao nhiệm vụ giúp Ban Cán sự Vĩnh Yên lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Vĩnh Yên và được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Vĩnh Yên. Ngày 30/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 85 cử ông giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, sau đó được cử làm Đặc phái viên của Bộ Nội vụ ở Ninh Bình và Thanh Hóa.

Trong nhân sự cấp cao của Bộ Nội vụ đầu năm 1946, còn có ông Tôn Quang Phiệt được giao phụ trách Nha Thanh tra Bộ. Ông Tôn Quang Phiệt sinh năm 1900 trong một gia đình nhà Nho tại Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An. Thưở nhỏ, ông học ở Trường Thành Chung tại Quốc học Vinh. Năm 1923, học Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Năm 1925, ông cùng Đặng Thai Mai, Phạm Thiều sáng lập ra tổ chức Việt Nam nghĩa đoàn, tham gia đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu, sau đó tổ chức này thống nhất với Hội Phục Việt, ông là Hội trưởng Hội Phục Việt.

Năm 1927, ông tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1930 gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1930, ông bị bắt, bị kết án 7 năm tù, bị đày đi Buôn Mê Thuột. Năm 1934, ông ra tù, bị quản thúc, dạy học ở trường tư thục Vinh, sau đó vào Huế mở trường tư thục Thuận Hóa. Từ 1936 – 1945, tham gia Mặt trận Dân chủ, phong trào Đông Dương đại hội, tham gia hội truyền bá quốc ngữ. Sau CMT8, ông là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng và Ủy ban kháng chiến đầu tiên của Thừa Thiên Huế. Năm 1946, ông là đại biểu Quốc hội khóa I, được Chính phủ giao phụ trách Nha Thanh tra Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, trong cơ cấu nhân sự cao cấp của Bộ Nội vụ từ 28/8/1945 đến tháng 12/ 1946 còn có ông Lê Giản. Trước CMT8, ông tham gia phong trào cách mạng bị thực dân Pháp bắt đầy sang đảo Madagasca (châu Phi). Tháng 6/1943 ông được phóng thích cùng với Hoàng Hữu Nam, ông được quân đội Anh huấn luyện làm tình báo. Sau đó chuyển sang Cục tình báo chiến lược của Mỹ OSS. Cuối năm 1944 ông nhảy dù xuống Việt Bắc, mang điện đài, tài liệu và tiền của địch cho Việt Minh. Tháng 1/1946 được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đảm nhận Giám đốc Nha Công an của Bộ Nội vụ.

Sau khi Nha Công an đổi thành Việt Nam Công an vụ, ngày 08/6/1946 thay mặt Chủ tịch Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ký sắc lệnh cho ông Nguyễn Dương được từ chức Giám đốc Công an vụ; ông Lê Giản được cử làm quyền Giám đốc Việt Nam Công an vụ. Trên cương vị Giám đốc Nha Công an, Quyền Giám đốc Việt Nam Công an vụ, ông Lê Giản đã đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự trị an trong những tháng năm đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân.

Có thể khẳng định, việc lựa chọn nhân sự cao cấp của Bộ Nội vụ trong những tháng, năm đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân là minh chứng cụ thể và điển hình về tài đức và chính sách trọng dụng nhân tài, trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đỉnh cao của sự kế thừa phương sách dùng người “dụng nhân như dụng mộc” của ông cha ta trong lịch sử. Nhiều nhân tài, trí thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Bộ Nội vụ sau này trở thành các cán bộ lãnh đạo kiệt xuất và uy tín của Đảng và Nhà nước.

Việc lựa chọn nhân tài, trí thức vào cơ cấu lãnh đạo cao cấp (nhân sự cao cấp) Bộ Nội vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc là vô cùng sáng suốt, chính xác và hiệu quả. Nhờ có những cán bộ lãnh đạo cao cấp, chủ chốt tài ba này mà Bộ Nội vụ đã  hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao xây dựng và bảo vệ  vững chắc chính quyền dân chủ nhân dân, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến kiến quốc thắng lợi.

-----------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Lịch sử Chính phủ Việt Nam. Tập 1 (1945-1955). H. NXB Chính trị quốc gia, 2005.

2. Lịch sử Bộ Nội vụ. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005.

3. Biên niên lịch sử Bộ Nội vụ (1945-2005). H. NXB Đại học sư phạm Hà Nội, 2007.

PGS.TS Văn Tất Thu - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

 

Theo: quanlynhanuoc.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng 22/09/2020
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng 23/09/2020
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.