Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Chính sách phát triển nhà nước phúc lợi của Thụy Điển – kinh nghiệm cho Việt Nam

Ngày đăng: 03/08/2020   15:59
Mặc định Cỡ chữ
Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có nhiều chuyển dịch mạnh về phát triển kinh tế trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cũng như sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì mô hình quản trị của Thụy Điển có thể mang lại những khuyến nghị tốt cho các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam.

1. Vương quốc Thụy Điển được biết đến như một quốc gia có mức sống cao nhất thế giới, nổi tiếng với chất lượng sống không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới.

Thụy Điển có diện tích 450,295 km2 với dân số khoảng 10,2 triệu người (năm 2018). Thu nhập bình quân đầu người khoảng 58.345 USD/năm, xếp thứ 17 trên thế giới. Chỉ số phát triển con người HDI là 0,933, xếp thứ 7 trên thế giới. Tuổi thọ trung bình của công dân Thụy Điển khoảng 81,2 tuổi và tỷ lệ sinh đẻ là 1,9 trẻ em trên một phụ nữ (1).

Những năm đầu thế kỷ XX được đánh dấu mạnh mẽ bằng những cuộc chiến gay gắt giữa chủ lao động và người làm thuê ở các quốc gia châu Âu. Trong bối cảnh đó, mô hình nhà nước phúc lợi (NNPL) của Thụy Điển được hình thành (những năm 20 của thế kỷ XX). Đây cũng là dấu mốc quan trọng của Nhà nước Thụy Điển với vai trò NNPL. Ba thành tựu quan trọng mà Thụy Điển đạt được ở thời điểm này, gồm:

1) Các chương trình cải cách cố gắng phát triển mối quan hệ thân hữu giữa giai cấp công nhân và các tầng lớp trong xã hội. Ở thời điểm này chưa có sự phân tách sâu sắc trong các tầng lớp xã hội, quý tộc địa chủ và người nông dân dễ dàng có được những vị trí quan trọng trong chính quyền. Do vậy, thay vì quốc gia hóa ruộng đất của nông dân thì chính sách đưa ra là bảo vệ người dân có diện tích đất nhỏ và khuyến khích hợp tác xã.

2) Nhà nước nhận ra sự quan trọng trong hợp tác để tạo nguồn lực tài chính cho cải cách NNPL nên đã không xã hội hóa ruộng đất địa chủ mà khuyến khích sự hợp tác phát triển của các tầng lớp trong xã hội. Sự mở rộng NNPL được tiếp tục tiến hành, chính sách xã hội tập trung và việc mở rộng cơ hội giáo dục, phúc lợi hưu trí và bảo đảm sức khỏe cho tất cả thành phần trong xã hội là như nhau.

3) Chính sách cho người thất nghiệp: Nhà nước hỗ trợ mở rộng các khoản cứu trợ và bảo hiểm thất nghiệp như một chiến lược cho thị trường lao động.

2. Hiệp định Saltsjöbaden năm 1938 là một cơ sở mới giúp cho vai trò của Nhà nước Thụy Điển chủ động hơn trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, một cơ sở của thể chế cho mô hình kinh tế – xã hội mới ở Thụy Điển. Chính phủ đưa ra một cơ chế quản lý lương trực tiếp, đóng vai trò điều tiết nền kinh tế, bảo đảm mối quan hệ giữa các liên đoàn lao động và các hiệp hội ngành, nghề. Thêm nữa, chính sách lương năm 1956 là một bước tiến quan trọng trong việc điều tiết các quy tắc nhà nước dựa trên thỏa thuận giữa cơ quan phụ trách về việc làm (SAF) và Hiệp hội Thương mại Thụy Điển (LO). Chính chính sách này đã biến đổi cấu trúc của nền kinh tế Thụy Điển, tối đa hóa năng lực của lực lượng lao động với nền kinh tế đang bùng nổ ở Thụy Điển.

Tuy nhiên, chênh lệch về thu nhập trong các ngành, các vùng tăng lên, do vậy, Nhà nước liên tục tìm kiếm các giải pháp để giảm sự chênh lệch này và điều đó nhận được sự ủng hộ của các liên đoàn lao động. Mức lương được đề xuất để bảo đảm tính cạnh tranh mà chủ yếu để cân bằng quyền lực giữa giai cấp tư bản và giai cấp công nhân. Triết lý “đoàn kết” của Chính phủ Thụy Điển như một mục tiêu quan trọng trong chính sách lương để bảo đảm tăng thu nhập của người lao động một cách ổn định và tránh sự phân mảnh của thị trường. Nguyên tắc điều hành của Chính phủ Thụy Điển là luôn duy trì triết lý tăng cường vai trò của Nhà nước với thị trường.

Khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 1974 – 1975 đã hạn chế năng lực của Nhà nước Thụy Điển để vốn hóa cho hệ thống phúc lợi. Đứng trước những khó khăn lớn về kinh tế, Nhà nước Thụy Điển đã tái cơ cấu nền kinh tế một cách mạnh mẽ. Ví dụ: với ngành công nghiệp đóng tàu, do quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới, ngành công nghiệp đóng tàu của Thụy Điển cũng tăng trưởng hết sức nhanh chóng.

Tuy nhiên, do sự sụt giảm nhu cầu của nền kinh tế thế giới nên ngành công nghiệp đóng tàu của Thụy Điển cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình trạng đó, Nhà nước Thụy Điển đã tiến hành ghép các doanh nghiệp đóng tàu lại với nhau trong một phức hợp lớn hơn hay một doanh nghiệp lớn hơn, sau đó từ từ làm nhỏ ngành công nghiệp đóng tàu lại theo một kế hoạch được định trước, đồng thời, tạo những lựa chọn nghề nghiệp mới cho các công nhân đóng tàu để bảo đảm chính sách của Nhà nước về thất nghiệp (2).

Cho tới những năm 80 của thế kỷ XX, triết lý NNPL được bảo đảm một cách ổn định hơn ở Thụy Điển. Quy tắc phối hợp tập thể trong công nghiệp được duy trì với mục tiêu hạn chế thất nghiệp và bảo đảm sự công bằng trong mức lương ở các tầng lớp xã hội. Trong các đàm phán cấp quốc gia với các quốc gia khác, Thụy Điển luôn dựa trên chiến lược phúc lợi và chiến lược tăng trưởng việc làm của mình để tiến hành ký kết.

Biến đổi lịch sử với việc kết thúc chiến tranh lạnh cuối những năm 80 thế kỷ XX là bước ngoặt cho sự phát triển của thế giới. Sự phát triển lịch sử của thị trường và tư bản trước đây đã bị hòa tan và tái định hình theo những cấu trúc lãnh thổ và không gian mới. Toàn cầu hóa, châu Âu hóa, thậm chí cả vùng hóa các địa phương đang thay đổi một cách căn bản sự sắp xếp không gian trên toàn cầu. Cải cách quản trị cấu trúc vùng lãnh thổ trở thành nội dung quan trọng trong các nghiên cứu về nhà nước (3).

Cơ chế quản lý của Chính phủ Thụy Điển có nhiều biến đổi từ đầu những năm 90 thế kỷ XX bằng cách tăng cường vai trò của các công ty kinh doanh trong đàm phán lương nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nhưng những biến đổi này không duy trì được lâu, Nhà nước tăng cường những biến đổi trong nền kinh tế hướng tới nâng cấp công nghệ cao cho các ngành và các vùng. Những lo lắng về sự sụp đổ của mô hình Thụy Điễn đã không trở thành hiện thực.

Các chính sách hỗ trợ như giảm thiểu mức lãi tín dụng doanh nghiệp hay sự hiện diện của các ngân hàng cho quá trình tái thiết nền kinh tế công nghệ cao đối với các ngành suy thoái, như công nghiệp đóng tàu, công nghiệp chế biến gỗ… được ban hành. Một loạt các thể chế mới nhằm nâng cao năng lực về công nghệ cao của các ngành công nghiệp được tái thiết ở cấp vùng. Các hạ tầng thể chế cũng được cải thiện để xây dựng năng lực cạnh tranh cấp vùng hướng đến ứng dụng  công nghệ cao. Các chương trình giáo dục đào tạo và huấn luyện cho nhân viên được mở rộng trong hệ thống giáo dục (4).

Sự gia nhập liên minh châu Âu (EU) năm 1995 tạo ra một áp lực cạnh tranh mới cho các ngành công nghiệp của Thụy Điển. Thụy Điển phụ thuộc nhiều hơn vào các chính sách của EU về thị trường lao động và chính sách việc làm. EU yêu cầu các quốc gia thành viên điều chỉnh các cơ chế về lao động và việc làm theo chuẩn chung của EU với mục tiêu hội nhập về việc làm. Tuy nhiên, mục tiêu nâng cao năng lực cho người lao động vô hình chung đã gắn với chính sách nâng cao năng lực cho nhân lực về công nghệ cao ở Thụy Điển.

Trong suốt những năm 1994 – 2006, Thụy Điển dần biến đổi trở thành một nước dẫn đầu trong nền kinh tế tri thức. Như một kết quả tất yếu, đầu tư của Nhà nước trong giáo dục bậc cao được mở rộng nhằm tăng năng lực cho nguồn nhân lực và bảo đảm cạnh tranh trong lực lượng lao động. Triết lý không có người thất nghiệp được áp dụng trong giai đoạn trước dần dần giảm thiểu, các quy tắc về trợ cấp thất nghiệp và phúc lợi cũng thay đổi. Do các quy định của EU, trợ cấp thất nghiệp bị giảm một nửa nhưng thay vào đó là các chính sách hỗ trợ người dân tìm việc làm, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng những năm 90 của thế kỷ XX. Thực tế đã cho thấy tính hiệu quả của chính sách này, theo thống kê, đã có 5% lực lượng lao động được tuyển dụng từ các chương trình này (5).

Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ Thụy Điển theo đuổi mục tiêu số hóa nền kinh tế tri thức bằng việc nâng cấp hàng loạt các lĩnh vực lõi của nền kinh tế số:

1) Thụy Điển đặt mục tiêu đến năm 2025, 98% dân số Thụy Điển có thể truy cập internet với tốc độ 1 gigabit trên giây (6), thúc đẩy và triển khai mạng lưới băng thông tốc độ cao, thành lập một ủy ban mới về số hóa, thúc đẩy cạnh tranh trong các quy chuẩn hạ tầng số.

2) Thúc đẩy các hoạt động online giữa các cá nhân có trình độ giáo dục thấp và thu nhập thấp, thúc đẩy lan tỏa các công nghệ số trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (Digital Lift), thúc đẩy dịch vụ công số ở các vùng sâu vùng xa (Digital First). Thụy Điển tiếp tục ban hành chiến lược chính phủ số (Digital Government – 2018), theo đó, chính phủ như một nền tảng xoay quanh việc tăng cường các thể chế quản trị của chính phủ số, xây dựng khu vực cộng định hướng dữ liệu, xây dựng chính phủ dữ liệu mở với công nghệ điện toán đám mây, dùng dữ liệu mở làm bàn đạp hướng tới xây dựng chính phủ thông minh (7).

3) Tăng cường kỹ năng nền tảng số như đọc, viết ICT (Informatiom Communication Technology) cho giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường các khóa học ICT về phân tích dữ liệu cho sinh viên đại học, tăng cường các ưu đãi về xã hội hóa đào tạo ICT và phân tích dữ liệu…, từng bước hoàn thiện chiến lược kỹ năng số.

4) Thực hiện hàng loạt các nỗ lực thiếp lập các chính sách ưu tiên cho phát triển công nghệ số, nhân rộng các chương trình khai thác đổi mới công nghệ số trong nền kinh tế hàng hóa, tăng cường việc đánh giá hệ thống các dự án nghiên cứu và đổi mới công nghệ số từ nguồn đầu tư công.

5) Tiếp tục nỗ lực xây dựng thị trường lao động hiệu quả, như thúc đẩy vai trò tích cực của các Ủy ban Hỗ trợ việc làm, giúp đỡ công nhân, người lao động bị tác động bởi chiến lược chuyển đổi số hay như phát triển các quy tắc mới về thị trường lao động số nhằm bảo vệ người lao động.

6) Chiến lược quốc gia về an toàn thông tin của Thụy Điển (năm 2017) được ban hành nhằm hội nhập tốt hơn các chính sách an ninh số trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, như: phát triển các hợp tác đa phương trong bảo đảm an ninh số các các nước trong nhóm OECD, đồng bộ hóa các vấn đề an ninh số cấp quốc gia…

Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có nhiều chuyển dịch mạnh về phát triển kinh tế trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cũng như sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì mô hình quản trị của Thụy Điển có thể mang lại những khuyến nghị tốt cho các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam.

Thứ nhất, biến đổi cấu trúc nền kinh tế nhằm bảo đảm vấn đề công việc cho người lao động là một trong những kinh nghiệm quý giá không chỉ cho Việt Nam mà còn cho nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới. Các nhà hoạch định chính sách nên đưa ra những chính sách ưu tiên tạo việc làm cho người dân theo hướng mới, (Ví dụ như các ngành liên quan đến công nghệ 4.0). Thiếu hụt của thị trường lao động nên được giảm thiểu bằng cách hỗ trợ người lao động chuyển đổi việc làm sang các ngành có nhu cầu lao động cao phù hợp với nhu cầu phát triển vùng và thế giới.

Để thực hiện việc chuyển đổi việc làm, Nhà nước cần đầu tư một cách thích đáng vào hệ thống giáo dục – đào tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là một giải pháp vừa có tính trước mắt vừa có tính lâu dài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong giáo dục và đào tạo, các chính sách cần theo hướng xã hội hóa giáo dục, tăng cường sự gắn kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, Nhà nước có thể giảm chính sách hỗ trợ thất nghiệp, thay vào đó là các chính sách hỗ trợ người dân tìm việc làm. Cần có các chính sách khuyến khích và tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ của các trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, nâng tần suất các phiên giao dịch việc làm cũng như đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, đặc biệt chú trọng việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai.

Thứ ba, Nhà nước cần có chính sách hướng tới mô hình phúc lợi việc làm, trong đó lấy chính sách cải cách tiền lương làm nòng cốt. Chính sách tiền lương cần được xây dựng một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nhân lực cũng như nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế và giảm thiểu sự chênh lệch thu nhập giữa các ngành, các vùng. Nhà nước nên điều chỉnh theo hướng tăng mức lương cơ sở để bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế.

Đối với khu vực doanh nghiệp, cần có chính sách tiền lương tối thiểu vùng phù hợp với năng lực chi trả của doanh nghiệp, mức sống của người lao động và tình hình phát triển kinh tế của từng vùng cụ thể. Với các doanh nghiệp nhà nước, nên có chính sách khuyến khích tự chủ về tiền lương dựa trên mức lương tối thiểu nhằm nâng cao tính cạnh tranh cũng như khuyến khích người lao động nâng cao năng suất nhằm bảo đảm cho sự phát triển kinh tế bền vững./.

----------------------------------------

Ghi chú:

1. Wikipedia. (2018). Sweden. from https://en.wikipedia.org/wiki/Sweden

2. Silverman, B. (1980). The Crisis of the Swedish Welfare State. Challenge, 23(3), 36 – 51.

3. Brenner, N. (2004). New State Spaces: Urban Governance and the Rescaling of Statehood. Oxford: Oxford University Press.

4, 5. Koch, M. (2016). The role of the state in employment and welfare regulation: Sweden in the European context. International Review of Social History, 61(S24), 243 – 262.

6. OECD. (2018). OECD Reviews of Digital Transformation: Going Digital in Sweden.

7. OECD. (2019). Digital Government Review of Sweden.

Phạm Duy - Học viện Hành chính Quốc gia, NCS Trường Szent István, Hung-ga-ri

Nguyễn Đức Phong - Trường Đại học Tài chính Quản trị kinh doanh, NCS Trường Szent István, Hung-ga-ri

Theo: quanlynhanuoc.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phần Lan dự kiến cắt giảm lương hưu

Ngày đăng 14/04/2024
Chính phủ Phần Lan không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lương hưu để cải thiện tài chính công.

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Ngày đăng 29/03/2024
Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư và một số khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng 22/03/2024
Nhận diện và phòng ngừa tham nhũng (PNTN) là một vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan tới các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục, từ đó, giúp các cơ quan liên quan tham khảo trong quá trình tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư.

Vận dụng các mô hình văn hóa trong quản lý giáo dục

Ngày đăng 11/03/2024
Hiện nay, hệ thống giáo dục cần được quản lý theo hướng mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các lứa tuổi khác nhau và đáp ứng yêu cầu học tập nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, trong xu thế phát triển xã hội hiện nay đòi hỏi các tổ chức phải trở thành “tổ chức học tập”, “đơn vị học tập” và “xã hội học tập”. Do đó, quản lý không giản đơn là việc thực hiện các chức năng hành chính mà quản lý luôn bao gồm việc xây dựng văn hóa tổ chức theo các mô hình như “ba tầng cấp, bốn chiều cạnh văn hóa” và mô hình “các loại hình văn hóa”(1). Cách tiếp cận quản lý theo mô hình văn hóa không thay thế mà bổ sung làm phong phú và đa dạng cho các cách tiếp cận lý thuyết quản lý đối với các loại tổ chức trong xã hội ngày nay. 

Bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia và những gợi mở đối với Việt Nam

Ngày đăng 27/02/2024
Trong những năm gần đây, vấn đề để lộ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số ở Việt Nam rất đáng báo động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân, cũng như của xã hội. Bài viết nghiên cứu việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia trên thế giới, đây là những kinh nghiệm và gợi mở đối với Việt Nam để tiếp tục có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số hiện nay.