Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Đoàn công tác của Bộ Nội vụ làm việc với tỉnh Điện Biên về công tác bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ

Ngày đăng: 10/07/2020   11:23
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 06/7/2020, Đoàn công tác của Bộ Nội vụ do ông Hoàng Quốc Long, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Điện Biên về tình hình thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ), đặc biệt là công tác bố trí, sử dụng đội viên sau khi kết thúc Đề án.

Làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nội vụ có ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên; đại diện một số ban, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo các xã thuộc phạm vi triển khai Đề án; đại diện lãnh đạo một số cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên - Lê Đình Tuyên báo cáo kết quả thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nội vụ.

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lê Đình Tuyên - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên cho biết: Sau khi có Quyết định của Bộ Nội vụ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn 500 tri thức trẻ tình nguyện, UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo Sở Nội vụ tiến hành khảo sát xác định nhu cầu bố trí, sử dụng Đội viên tại các xã thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án, trong đó có 7 huyện đăng ký tham gia với nhu cầu bố trí 10 đội viên cho 10 xã.

Tiếp đó, Hội đồng tuyển chọn tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện thành lập Hội đồng sơ tuyển tại huyện, tổ chức thông báo công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và thu nhận hồ sơ trí thức trẻ, tiến hành sơ tuyển tại huyện và chuyển kết quả sơ tuyển về Hội đồng tuyển chọn tỉnh. Sở Nội vụ (cơ quan thường trực của Hội đồng tuyển chọn tỉnh) đã tiếp nhận 70 hồ sơ đăng ký dự tuyển của các trí thức trẻ gửi về, tổng hợp và báo cáo hội đồng tuyển chọn tỉnh. Kết quả, Hội đồng tuyển chọn được 10/70 tri thức trẻ tình nguyện có kết quả cao nhất để tham gia Đề án 500 thuộc 10 xã của 7 huyện (huyện Tuần Giáo, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà, huyện Nậm Pồ, huyện Mường Nhé, huyện Tủa Chùa, huyện Điện Biên Đông) thuộc tỉnh Điện Biên.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, các Đội viên được tỉnh Điện Biên hết sức quan tâm, từ năm 2016 đến nay tỉnh phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức cho Đội viên Đề án đi tập huấn và bồi dưỡng kiến thức 4 đợt, như sau: Năm 2016 đi trao đổi kiến thức nội dung đề án và đi thực tế tại Ba Vì: Quan trắc nhà máy sữa; Quan trắc trạm thủy văn tại Ba Vì; năm 2017 đi bồi dưỡng kiến thức Đề án tại Lào Cai; năm 2018, 01 đội viên tham gia đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Hàn Quốc; năm 2019 đội viên Đề án được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở Hà Nội về bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội viên Đề án.

Bên cạnh đó, các đội viên tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức cấp xã. Trong 05 năm đội viên Đề án được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ do UBND huyện tổ chức, 04/10 đội viên đi học bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, 04/10 đội viên đi học sơ cấp lý luận chính trị, 2/10 đội viên đi học trung cấp lý luận chính trị, 01 đội viên có trình độ thạc sĩ. Ngoài ra, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại các xã các đội viên được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên ngành do các sở, ngành của tỉnh phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức.

Về chế độ, chính sách đối với đội viên đều được đảm bảo, được hưởng đầy đủ theo quy định của pháp luật và được hưởng các chế độ chính sách như đối với cán bộ, công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; Nghị định số 29/2013/NĐ-CP và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ; được hưởng các chế độ chính sách ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.

Quá trình công tác tại các xã nghèo, nhìn chung đội viên Đề án có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức tốt, chuyên cần, tâm huyết với công việc được giao và địa bàn cơ sở nơi công tác. Tự giác, tích cực học tập, tích luỹ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức, kỹ năng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng vận động quần chúng để đáp ứng nhiệm vụ chính trị được giao; luôn chấp hành tốt sự phân công công tác, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền cấp xã; không vi phạm những điều CBCC không được làm theo quy định; giữ gìn và phát huy khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ; gắn bó với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Có lối sống lành mạnh, khiêm tốn, do đó đa số đội viên được nhân dân tín nhiệm.

Hầu hết đội viên Đề án có tác phong, lề lối làm việc chuẩn mực, đúng quy định của đơn vị công tác và các đoàn thể. Luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao với thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt tình, khắc phục khó khăn và có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó vẫn còn một số ít đội viên còn rụt rè, thiếu chủ động, chưa phát huy tốt năng lực, trình độ trong công tác. 

Quang cảnh buổi làm việc

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế trong việc triển khai Đề án 500 như: Điều kiện, cơ sở vật chất của xã còn khó khăn, một số trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản của cán bộ, công chức cấp xã; thời gian đầu, một số cán bộ, công chức xã, nhân dân địa phương chưa thực sự tin tưởng, chưa đánh giá cao đội viên nên cũng gặp khó khăn trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ. 

Bên cạnh đó, các đội viên có tuổi đời còn trẻ, thời gian đầu chưa có kinh nghiệm công tác. Phần lớn đội viên không phải là người tại địa phương nên việc hiểu biết được phong tục tập quán, lối sống, tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân còn có phần hạn chế. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công, các đội viên Đề án 500 vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là các kỹ năng về quản lý, điều hành, giao tiếp với người dân bản địa; điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo (chưa có nhà công vụ, đi lại khó khăn...). Một số đội viên nắm bắt, triển khai các nghị quyết, chủ trương của cấp ủy đảng còn hạn chế.

Đội viên Lò Thị Ước công tác tại UBND xã Mường Mùn chia sẻ quá trình công tác và tâm tư sau khi Đề án kết thúc.

Chia sẻ quá trình công tác và tâm tư, nguyện vọng với Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, đội viên Lò Thị Ước công tác tại UBND xã Mường Mùn cho biết, Đề án đã tạo cơ hội để trí thức trẻ có môi trường rèn luyện, trải nghiệm, phấn đấu và trưởng thành. Khi tham gia Đề án, đội viên được rèn luyện tại cơ sở, được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, được phát huy trí tuệ của mình, được chính quyền địa phương ghi nhận. Đến nay, khi Đề án đã triển khai được 05 năm, trong bối cảnh các địa phương phải tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ, đội viên mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét, có chủ trương tuyển dụng chính thức đối với các đội viên Đề án, để đội viên được giữ lại công tác tại địa phương, do đã quen với công việc và gắn bó với nhân dân địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo Vũ Văn Đức phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, đại diện lãnh đạo UBND các huyện, các xã thuộc phạm vi thực hiện Đề án đều đánh giá các đội viên chấp hành tốt sự phân công công tác của lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, tận tâm; đồng thời khẳng định các đội viên của Đề án có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bám sát cơ sở, có phương pháp vận động quần chúng, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các xã có đội viên tham gia Đề án đều bày tỏ mong muốn bố trí, sử dụng hợp lý đối với các đội viên đang công tác tại xã và cho rằng đây là nguồn nhân lực có chất lượng cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giám đốc Đề án 500 trí thức trẻ, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Doãn Đức Hảo phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Giám đốc Đề án 500 trí thức trẻ nhận định: Đề án 500 trí thức trẻ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể xã và chính quyền địa phương thuộc phạm vi Đề án. Đề án đã tạo điều kiện cho các trí thức trẻ tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, là cơ hội để các trí thức trẻ thể hiện năng lực, thử thách bản thân, từ đó tạo nguồn cán bộ, công chức cho cấp cơ sở.

Giám đốc Đề án 500 trí thức trẻ biểu dương và rất vui mừng khi tỉnh Điện Biên đã có phương án bố trí, sắp xếp công tác cho 02 đội viên giữ chức danh công chức cấp xã, 02 đội viên giữ chức danh công chức cấp huyện. Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên đề nghị địa phương tạo điều kiện thuận lợi để 06 đội viên còn lại sớm được xét tuyển vào công chức cấp xã hoặc cấp huyện theo nguyện vọng của các đội viên. 

Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long ghi nhận kết quả triển khai Đề án của tỉnh Điện Biên; đồng thời khẳng định, việc triển khai Đề án 500 trí thức trẻ tại các xã nghèo trên cả nước là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình gần 05 năm thực hiện Đề án tại tỉnh Điện Biên, các đội viên đều được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, hầu hết các đội viên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (08 đội viên là đảng viên, 02 đội viên đang học lớp cảm tình đảng); được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác và sự nhiệt huyết công hiến tuổi trẻ, đóng góp thiết thực vào việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các xã nghèo thuộc phạm vi Đề án.

Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long đề nghị các đội viên tham gia Đề án với trách nhiệm của người đảng viên cần có lập trường, tư tưởng vững vàng, không dao động, để kẻ xấu lợi dụng, kích động làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị tại địa phương, đặc biệt là thời điểm hiện nay đang triển khai tổ chức đại hội đảng các cấp. Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên cần chủ động phối hợp xây dựng phương án tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh có phương án ưu tiên trong việc sắp xếp, bố trí công tác phù hợp cho các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ sau khi Đề án kết thúc vào tháng 7/2020 để tạo niềm tin của thế hệ trẻ đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và hệ thống chính trị các cấp của tỉnh Điện Biên nói riêng, bởi theo Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chủ trì bố trí, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đối với đội viên Đề án 500 trí thức trẻ sau khi hoàn thành nhiệm vụ. 

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ luôn đồng hành cùng tỉnh Điện Biên để tìm giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong việc giải quyết đầu ra cho các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ, để không có đội viên nào đủ điều kiện bị bỏ lại phía sau. Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long đề xuất một số phương án như sau: 

Một là, đối với những đội viên trong suốt quá trình thực hiện Đề án, được cấp ủy, chính quyền cơ sở đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, có nguyện vọng tiếp tục cống hiến, gắn bó với địa phương thì ưu tiên sắp xếp, bố trí công tác vào các chức danh công chức cấp xã ngay khi có vị trí phù hợp cần tuyển dụng; 

Hai là, bố trí đội viên vào làm việc tại các xã, huyện khác trong địa bàn tỉnh nếu còn dư biên chế; các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập còn chỉ tiêu trên địa bàn tỉnh; 

Ba là, nếu có đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Đề án, không muốn tiếp tục làm việc trong các cơ quan nhà nước ở địa phương mà có mong muốn xây dựng, phát triển mô hình kinh tế thì cấp ủy, chính quyền địa phương cần có chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ./.

Mạnh Quân

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ

Ngày đăng 19/01/2021
Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ngày 19/01/2021 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Chiến lược), Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567).

Những khó khăn trong việc bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 tại tỉnh Sơn La

Ngày đăng 31/12/2020
Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được triển khai thực hiện tại 34 tỉnh, nhằm tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở tạo cơ hội, điều kiện để trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, tạo nguồn cán bộ, công chức cho các địa phương.

Ninh Bình: Trí thức trẻ tiên phong, gương mẫu, tận tụy, sáng tạo

Ngày đăng 31/12/2020
Ngày 30/9/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1758/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500). Căn cứ trên nhu cầu của địa phương, sau khi tiến hành công tác tuyển chọn, tỉnh Ninh Bình đã lựa chọn được 06 trí thức trẻ, phân công về công tác tại 06 xã bãi ngang ven biển thuộc huyện Kim Sơn là các xã: Kim Mỹ, Cồn Thoi, Kim Tân, Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông. Trong đó có 04 đội viên phụ trách lĩnh vực Văn hóa – Xã hội, 02 đội viên phụ trách lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch.

Lâm Đồng: Hơn 85% tổng số đội viên được bố trí, tuyển dụng thành công chức cấp huyện

Ngày đăng 29/12/2020
Thực hiện Đề án "Thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” (Đề án 500) của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tuyển chọn được 07 trí thức trẻ đủ tiêu chuẩn, năng lực, trình độ, tăng cường về các xã nghèo thuộc huyện Đam Rông. Sau 05 năm thực hiện Đề án, tỉnh Lâm Đồng đã bố trí công tác cho 06/07 đội viên (chiếm tỷ lệ 85,7%).

Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ xã Đắk Som phát huy tốt vai trò tham mưu trong nhiều lĩnh vực

Ngày đăng 30/12/2020
Là 1 trong 6 đội viên trúng tuyển tham gia Đề án 500 trí thức trẻ của tỉnh Đắk Nông, đội viên Lại Văn Sang được phân công về công tác tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, bố trí thực hiện công việc của chức danh công chức Văn phòng - Thống kê xã Đắk Som. Trong quá trình công tác tại cơ sở, đội viên Lại Văn Sang đã phát huy tốt vai trò tham mưu trong nhiều lĩnh vực công tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.