Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Văn hoá chính trị với đạo đức cán bộ, công chức

Ngày đăng: 02/07/2020   15:25
Mặc định Cỡ chữ
Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay ở nước ta, với xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, đội ngũ cán bộ, công chức của nước ta ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, đóng góp không nhỏ vào công cuộc đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, đạo đức cán bộ, công chức đang gióng lên hồi chuông đáng báo động khi nhìn ở một khía cạnh, đạo đức cán bộ, công chức có mối quan hệ chặt chẽ với văn hóa chính trị, là một bộ phận không tách rời của văn hóa chính trị.

Đạo đức cán bộ, công chức là một bộ phận cơ bản góp phần hình thành, phát triển văn hóa chính trị

Đạo đức với tư cách là những chuẩn mực xử sự được xã hội thừa nhận, được hình thành và vận dụng từ chính thực tế của đời sống xã hội. Đạo đức cán bộ, công chức (CBCC) là một phạm trù tương đối rộng, bao hàm thái độ, tinh thần, trách nhiệm, ý thức, lối sống, cách xử sự của CBCC không chỉ trong các mối quan hệ xã hội thông thường mà còn trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ công, đó là trong giao dịch hành chính với tổ chức, công dân. Trong những năm qua, cơ chế thị trường đã tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, đạo đức là một trong những lĩnh vực có nhiều thay đổi nhất. Thực trạng đời sống đạo đức của nước ta hiện nay mang nhiều nét phức tạp, có những cái đã định hình, có những cái còn đang phôi thai, những nhân tố mới tích cực và tiêu cực.

Cơ chế thị trường đã mở ra khả năng tiềm tàng giải phóng mọi năng lực của con người, gạt bỏ đi những cái cũ kỹ, lạc hậu, cổ vũ cho những gì mới mẻ, hợp quy luật. Sự phá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp đã tạo đà cho những chuẩn mực đạo đức mới ra đời và phát triển.

Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường cũng có những mặt trái dễ làm cho con người sa ngã trước những cám dỗ, lợi ích vật chất, những chuẩn mực đạo đức truyền thống bị xem nhẹ. Sự suy thoái đạo đức đang diễn ra trong xã hội, đặc biệt là trong một bộ phận không nhỏ CBCC. Không ít những vụ việc tiêu cực trong thời gian qua đã chứng tỏ điều đó.

Vấn đề đặt ra cho xã hội ta hiện nay là vừa phát triển được kinh tế thị trường, vừa giữ vững được những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, vừa xây dựng được các quan hệ và phẩm chất mới phù hợp với thời đại mới của sự phát triển kinh tế – xã hội bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động công vụ gắn với quyền lực của nhà nước, nó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, do vậy, nếu đạo đức CBCC được xem trọng, điều đó sẽ góp phần đưa xã hội phát triển, ngược lại, nó sẽ là một trở lực đối với sự phát triển chung.

Đạo đức CBCC là một bộ phận cơ bản góp phần hình thành, phát triển văn hoá chính trị (VHCT). Vậy VHCT là gì? VHCT là khái niệm nói về sự thẩm thấu của văn hoá vào chính trị, là chính trị có tính văn hoá. Như vậy, VHCT không phải là bản thân chính trị, bản thân văn hoá, hay là sự cộng gộp giản đơn hai lĩnh vực này, mà đó là chính trị bao hàm tính văn hoá từ bản chất bên trong của nó, những giá trị văn hóa được thấm đẫm trong đời sống chính trị.

Chính trị là một lĩnh vực hoạt động rộng lớn và hết sức quan trọng, nó quyết định vận mệnh của đất nước và sự phát triển của xã hội và con người. Trình độ xử lý các tình huống chính trị một cách khoa học và nghệ thuật không chỉ đem lại sự độc lập và ổn định chính trị mà còn là điều kiện cho việc phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, phát triển con người, xây dựng và phát triển đất nước. Bản chất chính trị, lý tưởng chính trị, trình độ hoạt động chính trị, những giá trị, nhân cách trong chính trị hướng tới một xã hội nhân đạo, nhân văn, tất cả vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội và con người, nói lên VHCT của một nền chính trị.

VHCT được biểu hiện thông qua những giá trị văn hóa trong đời sống chính trị như trình độ, tri thức sự hiểu biết của các chủ thể chính trị; nghệ thuật, phong cách, thái độ ứng xử của các chủ thể; lý tưởng, niềm tin, giá trị đạo đức của các chủ thể tham gia vào đời sống chính trị…

Trong các yếu tố cấu thành VHCT, có một yếu tố rất quan trọng là thái độ, phong cách, ý thức…của các chủ thể chính trị khi tham gia vào đời sống chính trị. Và như vậy, những CBCC với tư cách là các chủ thể chính trị, hoạt động trong lĩnh vực chính trị, cũng cần phải đạt đến một trình độ VHCT nhất định. Đạo đức CBCC gắn rất chặt với VHCT, là một bộ phận của VHCT. Vì vậy, phát huy những đạo đức tốt đẹp của CBCC cũng là góp phần phát triển VHCT ở Việt Nam. Đây là hai yếu tố có mối quan hệ gắn kết với nhau. Cũng chính vì vậy, khi đạo đức của CBCC xuống cấp trong bối cảnh hiện nay, VHCT cũng không thể nói là đang trên đà phát triển. Sự bổ sung, ảnh hưởng giữa VHCT và đạo đức CBCC là rất chặt chẽ.

Nguyên nhân tác động đến đạo đức của cán bộ, công chức trong bối cảnh hiện nay

Có nhiều nguyên nhân tác động đến đạo đức của CBCC trong bối cảnh hiện nay và thực chất cũng là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế của VHCT, trong đó có những nguyên nhân chủ quan như thiếu rèn luyện, thiếu kỷ luật trong tuân thủ những quy tắc ứng xử trong nền công vụ, tuy nhiên, cũng có những yếu tố khách quan từ bên ngoài tác động làm cho CBCC khó có thể giữ vững những chuẩn mực bắt buộc về đạo đức, về hành vi xử sự và tự tạo ra những hành vi mới, thậm chí là những hành vi đi ngược lại những chuẩn mực đã có.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam dẫn đến sự suy thoái đạo đức, cũng là sự xuống cấp của VHCT là sự du nhập của lối sống thực dụng trong một bộ phận dân cư. Nếu như trước đây, cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp không quá đề cao về lợi ích vật chất thì khi bước sang cơ chế thị trường, sự coi trọng lợi ích vật chất đã đi quá giới hạn, dường như đã trở thành hiện tượng “sùng bái” sau một thời gian dài bị kìm nén. Một nền kinh tế với sức trẻ vươn lên, với sự bung ra mọi năng lực sáng tạo cũng kéo theo những hệ lụy về mặt xã hội. Khi bước vào cơ chế thị trường khắc nghiệt, nhiều giá trị trước đây chúng ta nghĩ là sẽ bền vững nhưng khi va chạm với thực tế của đời sống kinh tế thì lại bị tan biến hoặc trở lên bất lực, thất bại.

Cơ chế thị trường kích thích cái “tôi” một cách thái quá và là tác nhân làm mất cân đối, thậm chí méo mó sự phát triển nhân cách. Không ít CBCC vì quá đề cao cái tôi, đánh mất phẩm giá, họ sẵn sàng bán rẻ nhân cách của mình. Đó là những biểu hiện của vấn đề tham nhũng, chạy chức chạy quyền… VHCT gắn chặt với đạo đức CBCC. Chừng nào trong đời sống chính trị vẫn còn hiện tượng tham ô, lãng phí, quan liêu, chạy chức chạy quyền…, chừng đó còn những trở lực cho phát triển VHCT ở Việt Nam.

Thiếu những quy định có tính pháp lý về đạo đức trong hoạt động công vụ. Hoạt động công vụ là hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công chức trong các công sở nhằm giải quyết quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với nhân dân. Đối tượng phục vụ của công vụ là mọi tổ chức, công dân và người nước ngoài. Hoạt động công vụ phải thực hiện theo nguyên tắc thống nhất, công khai, tuân thủ pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân.

Thể chế công chưa hoàn thiện là mảnh đất mầu mỡ tạo điều kiện cho những hành xử công vụ một cách tùy tiện, tự tung tự tác, nhũng nhiễu. Khi các tiêu chuẩn đạo đức không được phản ánh một cách cụ thể trong khuôn khổ pháp lý thì thật khó xác định đâu là tiêu chuẩn, đâu là nguyên tắc bắt buộc để điều chỉnh hành vi của CBCC. Hơn nữa, việc không minh bạch các quy trình giải quyết công vụ sẽ là môi trường thuận lợi cho công chức có thể vận dụng một cách tùy tiện mà rất khó bị phát hiện. Cứ thế, cùng một sự việc, công chức có thể xử lý theo hướng bất lợi hay có lợi cho người dân tùy theo mối quan hệ, sự thân tình và cả những khoản thù lao.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng đã đặt ra vấn đề cần: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Rõ ràng, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang là vấn đề lớn đặt ra, đây cũng là vấn đề đặt ra với sự xuống cấp của VHCT.

Một yếu tố cấu thành rất cơ bản của VHCT nói chung và đạo đức CBCC hiện nay ở nước ta nói riêng là lý tưởng, niềm tin chính trị. Một số người cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay mà còn nói đến lý tưởng, niềm tin… thì thật xa vời và thiếu thực tế. Từ đó, họ chuyển sang lối sống thực dụng một cách triệt để, bộc lộ những khía cạnh thấp hèn, vụ lợi, thậm chí là tàn nhẫn. Tuy nhiên, một xã hội văn minh, phát triển sẽ không thể dung hòa với lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Mỗi cá nhân chỉ có thể đạt được hạnh phúc khi có sự hài hòa, cân đối trong quan niệm về vật chất và tinh thần, giữa cá nhân và xã hội, giữa hiện đại và truyền thống, giữa cái chung và cái riêng.

Thêm một yếu tố rất cơ bản cấu thành VHCT là những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được giữ gìn và phát huy trong đời sống chính trị của quốc gia. Đây cũng là một giá trị cơ bản trong đạo đức CBCC ngày nay. Tuy nhiên, sự sùng ngoại, sẵn sàng tiếp thu văn hóa nước ngoài mà không hề chọn lọc, cân nhắc dễ dẫn đến hậu quả là mất niềm tự hào dân tộc, sự tự trọng vốn có của mỗi con người Việt Nam đã xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ công chức. Một số chỉ chú ý đến đời sống vật chất, quên mất các giá trị văn hóa, tinh thần và trở thành những con người cằn cỗi về tâm hồn, thiếu hụt về nhân cách.

Một số giải pháp góp phần phát triển văn hóa chính trị cũng như xây dựng đạo đức cán bộ, công chức

Để góp phần phát triển VHCT cũng như xây dựng đạo đức CBCC trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay, theo chúng tôi, cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục cải cách nền hành chính nhà nước, xây dựng một nền hành chính vì dân phục vụ mà không phải là một nền hành chính quan liêu, mệnh lệnh. Mỗi CBCC phải thực sự thấm nhuần những yêu cầu cơ bản của nền hành chính vì dân, không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Cần giảm tải các thủ tục hành chính, công khai hóa, minh bạch hóa nền hành chính nhà nước. Xóa bỏ cơ chế xin cho, đây là một mầm mống của hiện tượng sách nhiễu, tham ô…

Bên cạnh đó, cần chú ý việc công khai thu nhập, kê khai tài sản của các CBCC. Cần phải thấy rằng, đây không phải là việc làm mang tính hình thức mà là thực chất. Cần phải có cơ chế để giám sát việc kê khai, để mỗi CBCC phải thực sự có trách nhiệm trong việc kê khai của cá nhân mình.

Hai là, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức CBCC. Tham nhũng là vấn đề cơ bản liên quan đến đạo đức CBCC cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa chính trị trong mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chống tham nhũng tốt cũng là góp phần xây dựng nền chính trị “sạch”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã cho thấy, lạm quyền là xu hướng chung của loài người. Khi có quyền lực trong tay, hiện tượng lạm quyền sẽ rất dễ xảy ra. Vì vậy, cần phải có một cơ chế giám sát chặt chẽ và xử phạt nghiêm minh. Điều đó để làm gì? Để những người cá nhân được trao quyền dù luôn có xu hướng lạm quyền để phục vụ lợi ích của cá nhân hay lợi ích nhóm, thì cũng khó có thể thực hiện được do bị ràng buộc bởi hệ thống luật pháp. Việc xử lý nghiêm minh các hiện tượng vi phạm là một biện pháp hữu hiệu để góp phần xây dựng, phát triển VHCT ở nước ta hiện nay.

Luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của CBCC gắn với thẩm quyền. Đây là yêu cầu cơ bản của một nền hành chính trong sạch, vững mạnh. Mỗi CBCC cần hiểu rõ trách nhiệm của mình trong nền công vụ. Cũng có thể nói, trách nhiệm của CBCC gắn với đạo đức công vụ, trong đó có nhân cách, có những giá trị mà người công chức hướng đến. Đứng trước trách nhiệm cá nhân, mỗi CBCC không chỉ bị ràng buộc bởi các quy định pháp lý mà ngay cả những chuẩn mực về đạo đức. Thế giới đã từng có những trường hợp, khi có vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực quản lý, người quản lý cấp bộ xin từ chức. Có thể họ chưa bị ràng buộc bởi các quy định luật pháp mà trước đó đã là những yêu cầu về giá trị đạo đức, về nhân cách.

Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho CBCC, xây dựng đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, giữ gìn lối sống giản dị, trong sạch, vững mạnh, tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân. VHCT đạt đến trình độ cao được thể hiện qua đạo đức, nhân cách của các chủ thể tham gia vào đời sống chính trị. Những CBCC – những chủ thể tham gia hoạt động quản lý nhà nước, một hoạt động chính trị cơ bản – cũng cần phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, từng bước hoàn thiện đạo đức.

Nhân dân đánh giá chế độ chính trị ra sao, có thực sự là vì dân hay không, thông qua từng việc làm, hành động, cử chỉ của mỗi CBCC. Vì vậy, đạo đức CBCC không chỉ là vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước, mà thực chất, liên quan đến uy tín chính trị, đến niềm tin chính trị của mọi tầng lớp nhân dân. Điều này đã được đúc kết thành vấn đề mang tính lý luận. Vì vậy, mỗi Nhà nước, mỗi đảng phái trong mọi quốc gia trên thế giới đều đặc biệt quan tâm đến đạo đức công chức. Dư luận xã hội ở mọi quốc gia cũng đều đặc biệt quan tâm đến đạo đức, sự trong sạch của người quản lý, người lãnh đạo, do vậy, họ đòi hỏi khắt khe hơn về sự trong sạch, liêm khiết so với những người khác.

Thứ tư, cần thực hiện tốt công tác tuyển dụng, đề bạt và bố trí cán bộ. Đây được coi là một bước đột phá nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc và công khai công tác tuyển dụng cán bộ để đưa CBCC ở đúng vị trí của mình. Từ việc làm này, chúng ta sẽ tạo sự dân chủ, bình đẳng và trưng dụng được nhân tài trong đội ngũ CBCC trong nền kinh tế thị trường. Khi thực hiện tốt công tác này, chúng ta sẽ có được một đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên như lời căn dặn của Bác.

Thứ năm, cần có những chế độ đãi ngộ thỏa đáng để công chức thực sự yên tâm với công việc, công hiến với niềm đam mê, để họ làm việc với đầy nhiệt huyết. Công chức của nhiều nước khi chuyển sang nền kinh tế thị trường phải đối mặt với nhiều vấn đề của nền kinh tế thị trường mà trước đây không có. Vấn đề tiền lương, tiền thưởng hay phụ cấp, môi trường làm việc đều được so sánh với khu vực tư nhân và sự chênh lệch giữa hai khu vực này cũng làm cho tư duy về giá trị công vụ, công chức thay đổi. Hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân thể hiện sự thay đổi nhận thức giá trị công vụ. Chính vì vậy, chế độ đãi ngộ thỏa đáng về lợi ích vật chất và tinh thần cũng cần phải được quan tâm.

Có thể nói, phát triển VHCT thực chất cũng là xây dựng nền tảng đạo đức công chức vững chắc, cả hai yếu tố này có mối quan hệ chặt chẽ, găn kết với nhau, bổ sung cho nhau. Cùng với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, vấn đề đạo đức công chức đang chịu tác động của nhiều nhân tố. Để hạn chế những mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động đến đạo đức công chức, ảnh hưởng trực tiếp đến VHCT hiện nay, chúng ta cần có nền tảng đạo đức công chức vững chắc. Nền tảng này cần phải được xây dựng dựa trên những tiêu chí về đánh giá công chức mang tính truyền thống như trung thực, thẳng thắn, không vụ lợi: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Những giá trị đạo đức truyền thống này vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay ở Việt Nam, góp phần xây dựng giá trị VHCT vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại./.

Theo: quanlynhanuoc.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.