Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Cụ Huỳnh Thúc Kháng đối diện với sự gây hấn của Pháp năm 1946

Ngày đăng: 19/06/2020   10:33
Mặc định Cỡ chữ
Nguyễn Thiệu Lâu là một trong những nhà địa lý học đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp đại học ở Pháp. Năm 1940 ông dạy trường trung học Khải Định ở Huế nên đã có dịp gặp và hầu chuyện cụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc đó đang làm báo Tiếng dân. Năm 1941 ông chuyển sang làm việc ở Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp ở Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm việc ở ban Ngoại kiều vụ, thuộc Chủ tịch phủ. Đoạn trích sau đây giới thiệu với bạn đọc một buổi tiếp xúc của Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng với đại diện quân đội Pháp, mà Nguyễn Thiệu Lâu là người chứng kiến.

Tháng 6 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ lên thay Cụ Hồ giữ chức quyền Chủ tịch Chính phủ.

Nguyên chẳng biết ai đề cử với Cụ Hồ mà một sắc lệnh Cụ Hồ ký đã cử tôi làm Trưởng ban Ngoại kiều vụ, trực thuộc Bộ Ngoại giao. Ông Bộ trưởng là ông Nguyễn Tường Tam sung trưởng phái đoàn sang Pháp.

Tôi lên yết kiến cụ Huỳnh để xin cụ cho chỉ thị. Tôi gọi dây nói cho ông Chánh văn phòng cụ. Một lúc được trả lời rằng cụ bận công việc lắm và tôi có rỗi thời ngay trưa lại ăn cơm riêng với cụ.

Tôi rất mừng vì lâu lắm không được gặp cụ.

Tới Bắc Bộ phủ, ông Chánh văn phòng dẫn tôi vào một phòng ăn riêng, nhỏ bé đã kê sẵn một cái bàn con, ba cái ghế.

Ông Chánh văn phòng là người đã cùng ở Huế ra với cụ.

– Anh ngồi chơi, uống nước, cụ mắc khách. Tôi có trình cụ là anh muốn gặp cụ. Cụ nhớ ra ngay vì chắc không mấy người trùng tên anh.

Chúng tôi đương nói chuyện vơ vẩn với nhau, thời cụ vào. Trông cụ vẫn như xưa và vẫn cái áo sa có hoa, cái khăn xếp, đôi giày Gia Định.

Cụ chào tôi trước:

– Chào ông Lâu.

– Lạy cụ ạ.

– Chắc ông bận việc lắm. Hôm nay, ông ngồi ăn cơm đây với tôi. Còn tôi thời ít việc, ấy là nhờ các anh em ai làm việc cũng tích cực cả.

Tôi mừng ông một chén rượu nào.

Tôi lúng túng không biết nói thế nào, thời cụ nói tiếp:

– Công việc nhiều và có việc khó giải quyết lắm. Nội bộ của ta lủng củng, địch lại thường uy hiếp ta về võ lực. Chắc Cụ Hồ gặp nhiều sự bực mình ở bên Pháp. Ấy, tôi chỉ nghĩ tới Cụ với sự toàn dân cách mệnh mà mong rằng cái thân già này không đến nỗi vô ích. Công việc của ông thích hợp với tình tình của ông và ông cũng có thể làm tròn được. Gặp việc khó, đừng có nản, thất bại đừng có ngả lòng. Tôi tin ở ông.

– Thưa cụ, con được cụ lãnh đạo cho thời con chẳng ngại gì cả.

– Được. Nhưng đừng có khinh địch.

Những lời cụ dạy không phải là những câu khuyến khích đại cương của một thượng cấp cho một hạ cấp mà là những lời chí tình…

Tôi phải thực thà trình cụ, trong bữa cơm, rằng tôi Việt Minh không phải, Việt Quốc cũng không, Việt gian cũng không, ấy thế mà tôi ở một địa vị do Việt Quốc đề cử ra, Việt Minh chấp thuận và Cao ủy Pháp không phản kháng. Vậy tôi biết làm thế nào cho ai ai cũng vừa lòng?

Cụ nghe kỹ rồi cụ dạy:

– Tôi hiểu lắm. Tình trạng của ông thật là đặc biệt, vì vậy ông mới được chọn. Nhiều người mất lòng vì ông lắm. Nhưng nhiều người đều vì ông, ấy là ông làm việc được. Ông hiểu chưa? Ông cứ thẳng thắn mà làm.

Cơm xong, tôi xin cáo từ, Cụ dặn:

– Công việc ngày càng khó. Ông có quyền ký nhận tất cả các công văn do liên lạc Pháp đưa sang và ông trực tiếp trả lời. Có việc gì khó, ông thảo luận với bên liên kiểm. Ông Nam (Hoàng Hữu Nam) đứng đắn. Tôi chắc là hai ông có thể tương đắc.

Sau đấy tôi còn được hầu chuyện cụ là sau bữa tiệc mà chính phủ thết tướng Morlière, người sang thay tướng Valluy, tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, kiêm chức cao ủy.

Mấy cái bàn dài kê liền nhau. Ta ngồi một bên dãy ghế. Pháp ngồi một bên. Ông bộ trưởng Vũ Đình Hòe, ngồi bên cạnh cụ, đứng lên đọc bài diễn từ của cụ dịch ra tiếng Pháp. Ông Morlière đứng lên đáp từ và ông Vũ Đình Hòe dịch ra Việt văn. Cả hai bài diễn từ chỉ là những câu khách sáo, đại ý đều mong sẽ mau có một tờ hòa ước giữa hai nước.

Cơm xong, chủ khách chia ra từng tốp nói chuyện. Cụ Huỳnh ra ngồi riêng với ông Molière ở một salon. Ông Hoàng Hữu Nam bảo tôi:

– Anh ra thông ngôn hầu cụ.

– Sao anh không ra?

– Tôi ra không được. Anh là người không đảng phái mới đúng là người thông ngôn. Anh phải khéo trình diễn ý kiến của cụ và khéo gợi ý kiến của địch.

Tôi lại chỗ cụ Huỳnh và ông Molière ngồi, vái cụ Huỳnh, bắt tay ông Molière, tự giới thiệu với y.

Tôi kéo một cái ghế con, ngồi né cạnh cụ, cụ bảo tôi:

– Chẳng biết nói gì đây!

– Thưa cụ, con xin đề nghị là sau mấy câu qua loa hỏi thăm, chúc mừng ta nên gợi xem Pháp có điều gì bất mãn thời cứ nói.

– Được!

Thế là tôi bịa ra mấy câu. Ông Morlière như được gãi vào chỗ ngứa, sau mấy câu cảm ơn xã giao về bữa cơm thân thiện, liền vào câu chuyện mà y chắc đã sắp đặt từ trước.

Đại khái y nói là nước Pháp muốn hòa bình, muốn thân thiện với nước Việt Nam, như vậy hai nước sẽ lợi cả. Rồi y lặp lại thuyết mà giáo sư Paul Mus đã đem ra “thuyết” Cụ Hồ và nhắc lại với tôi. Ấy là thuyết “Liên hiệp Pháp” (Union Francaise) sẽ là một cái nhà có mặt tiền và mặt hậu (maison à double facade); mặt tiền (facade atlantique) ở Âu châu, trông ra Đại Tây Dương tức chính là nước Pháp; mặt hậu trông ra Thái Bình Dương (facade pacifique) là nước Việt Nam và hai nước phụ là Ai Lao và Cao Miên. Sự sáp nhập Nam Bộ với Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ do Quốc hội Pháp quyết định, vì là thuộc địa của Pháp không phải là đất Bảo hộ.

Cụ Hồ đã từng hỏi vặn ông Paul Mus (chính ông Paul Mus đã nhắc lại với tôi) là cái nhà Liên hiệp Pháp kiểu tròn hay kiểu vuông? (L’Union Francaise est une maison à double facade, oui, mais elle sera ronde ou carrée). Paul Mus lúng túng không biết trả lời ra sao.

Cụ Hồ lại có dịp tuyên bố về Nam Bộ: “La Cochinchine, c’est la chair de notre chair, c’est le sang de notre sang” (Nam Bộ đối với chúng tôi, tức là thịt và máu của một cơ thể) “Nous ne l’abandonnerons jamais” (Không bao giờ chúng tôi bỏ đất Nam Bộ).

Ông Paul Mus lường gạt sao được Cụ Hồ?

Ông Morlière lại nói rằng nếu hòa bình tái lập giữa nước Việt Nam và nước Pháp thời nhờ sự giúp đỡ kinh tế và văn hóa của nước Pháp, nước Việt Nam sẽ được giàu có và sẽ tiến mạnh hơn về văn hóa, sẽ là một nước đệ nhất ở bán đảo Đông Pháp và ở Đông Nam Á.

Y còn dọa là nếu xảy ra chiến tranh thời tai hại cho cả đôi bên, thứ nhất là cho nước Việt Nam.

Tôi nghe kỹ ông Morlière. Rồi tôi dịch cụ nghe, đại khái như tôi viết ở trên.

Cụ lúc lúc gật đầu, tỏ ra là cụ hiểu và cụ suy nghĩ. Rồi cụ bảo tôi:

– Ông trả lời đi.

– Thưa cụ, con đâu dám.

Cụ cười rồi bảo tôi:

– Vẫn giọng lưỡi cũ rích, chỉ định lường gạt. Ông trả lời ông tướng này rằng dân tộc Việt Nam muốn độc lập thống nhất, sống dưới chế độ dân chủ cộng hòa. Nếu nước Pháp hiểu như thế thời là nước bạn và dân tộc Việt Nam sẽ quên những sự không hay đã xảy ra trong dĩ vãng.

Thế là hết đoạn đầu câu chuyện.

Đến đoạn thứ hai, ông Morlière không nói chính trị đại cương nữa, liền nói về những sự bất hòa thường xảy ra giữa chính quyền địa phương của ta với quân đội trú phòng của Pháp. Và ông Morlière sợ rằng những sự bất hòa đó mà theo y, phần nhiều do Ủy ban địa phương gây ra, sẽ có thể tạo nên một không khí oán thù giữa quân đội đôi bên. Điểm đó là điểm đáng tránh.

Tôi dịch cụ Huỳnh nghe. Cụ mặt lạnh như tiền và bảo tôi:

– Ông tự trả lời vì tôi nói đủ rồi.

– Thưa cụ, con sẽ bảo là các vụ bất hòa, đưa đến súng đạn, là do Pháp gây ra trước. Chúng ta phải giữ trật tự một cách công bằng trong khi chờ một hòa ước rõ ràng, không thiên vị Pháp được, và ta cũng không lấn Pháp.

– Nói thế phải.

Tôi trả lời ông Morlière như trên tôi dẫn. Rồi tôi nói tiếp:

– Thưa đại tướng, tôi làm ở Ngoại kiều vụ, tôi biết nhiều chuyện lắm. Tôi xin kể đại tướng nghe một chuyện mà báo chí chúng tôi tuy biết mà không được đăng.

Nguyên là ở phố Đường Thành, có một cái nhà lầu một cửa trước trông ra đường, bên kia đường là một cái bãi đất trống, có nhiều hầm trú ẩn đào từ hồi máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, nhà lại có một cổng sau mở ngang ra một con phố con. Nhà này là một tiệm hút thuốc phiện, một nhà điếm và một sòng bạc. Các sĩ quan Pháp thường tới giải trí, trong số đó có nhiều sĩ quan ở tỉnh về Hà Nội, nhân các ngày nghỉ. Chủ nhà này là một người đầm lai. Các con em độ mươi người, Việt có, Tàu lai có mà Pháp cũng có.

Cảnh sát Việt Nam biết rõ nơi tổ quỷ này nhưng cứ ngơ đi. Chẳng thà để cho người Pháp vui chơi ở những nơi của họ còn hơn là để họ chạy rong ngoài đường làm bậy.

Một đêm, bỗng nghe có tiếng súng ở trong nhà, tiếng kêu the thé của đàn bà. Anh em tự vệ khu phố bao vây ở ngoài, chỉ có cảnh sát phá cửa vào. Họ bắt những người ở trong nhà phải đứng im, chờ xe cảnh sát tới dẫn lên bót. Chợt một người Âu, đàn ông, thừa lúc lộn xộn, chạy ù ra đường, rồi biến mất. Hóa ra y nhảy xuống hầm trú ẩn bên kia đường… Cảnh sát lôi y lên… Chính là một nhân viên cao cấp một tòa lãnh sự ngoại quốc.

Việc báo lên liên kiểm và Ngoại kiều vụ. Có nhân viên đến làm biên bản ngay. Nhưng việc này chúng tôi im đi, liên kiểm Pháp không biết và lãnh sự ngoại quốc cũng không biết.

Tôi muốn kết luận rằng việc quân đội Pháp ở Việt Nam là việc phiền lắm. Các sự xích mích xảy ra hàng ngày.

Nói ra, có thể đại tướng không tin. Nhưng đã có nhiều lần quân đội Pháp hay người Bắc Phi lấy súng của họ đem đi tống tiền hay đi cướp phá nhà cửa của người Hoa kiều hay của người Việt, hoặc họ bán súng của họ đi rồi khai là bị Việt Minh chặn đánh, tước súng của họ. Ở Hải Phòng, đàn bà con gái không dám đi khuya vì đã xảy ra bốn vụ hiếp dâm, có quân đội liên hiệp Pháp là thủ phạm. Chúng tôi biết nhiều lắm nhưng không muốn nêu các chuyện đó ra trên mặt báo chí. Chỉ có các cơ quan liên kiểm, và Ngoại kiều vụ biết mà thôi.

Chúng tôi mong rằng Chủ tịch chính phủ chúng tôi, Hồ Chí Minh, sẽ có thể về nước với một tờ hòa ước rõ ràng với người Pháp, lúc bấy giờ liên kiểm và Ngoại kiều vụ sẽ giải tán.

Ông Morlière trả lời rằng nước Pháp cũng mong thế.

Rồi ông ấy cáo từ cụ Huỳnh, ra gặp các vị bộ trưởng bắt tay chào và ra về với tất cả các sĩ quan Pháp.

Người Pháp đi rồi, cụ ra nói chuyện qua loa với các vị Việt Nam, rồi quay về bàn giấy. Tôi theo cụ vào và mạn hỏi cảm tưởng của cụ.

Cụ dạy:

– Pháp một ngày một gây chuyện. Ta phải nhẫn nhục chờ Cụ Hồ về rồi hãy hay. Ông đã cố gắng rồi, nên cố gắng nữa cho bớt chuyện, dù mình tin rằng chẳng sớm thời muộn sẽ có thể xảy ra chiến tranh.

Và Cụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo kháng chiến chống Pháp…./.

 

Trích: Nguyễn Thiệu Lâu, Quốc sử tạp lục (1961), Nxb Mũi Cà Mau, 1994.

Theo: xuanay.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng 22/09/2020
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng 23/09/2020
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.