Hà Nội, Ngày 18/04/2024

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tôn Đức Thắng

Ngày đăng: 28/05/2020   17:18
Mặc định Cỡ chữ

Bí danh: Thoại Sơn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 6/1947 đến tháng 8/1947

Bí danh: Thoại Sơn

Ngày sinh: 20/8/1888

Ngày mất: 30/3/1980

Quê quán: xã Mỹ Hoà Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang

Thành phần gia đình xuất thân: Nông dân

Năm vào Đảng: 1930

Chức vụ đã đảm nhiệm:

          - Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 6/1947 đến tháng 8/1947

- Từ năm 1906 đến năm 1909: Đồng chí học Trường Kỹ nghệ Viễn Đông, làm công nhân Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp ở Sài Gòn.

- Năm 1912: Tổ chức cuộc bãi công của công nhân xưởng Ba Son.

- Từ năm 1914 đến năm 1918: Tham gia hoạt động cách mạng từ chiến tranh thế giới, làm công nhân quân giới ở quân cảng Toulon (miền Nam nước Pháp) và làm thợ máy trên chiến hạm France.

- Ngày 20/4/1919: Dưới sự lãnh đạo của Công hội Pháp đã tham gia phản chiến và treo cờ đỏ trên chiến hạm để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, tham gia cuộc binh biến của binh sĩ Pháp ở mặt bể Hắc Hải, sau đó bị trục xuất khỏi nước Pháp.

- Năm 1920: Lập Công hội bí mật ở Sài Gòn, đây là tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

- Năm 1927, đồng chí tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và trực tiếp lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn.

- Tháng 12/1928: Bị địch bắt ở Sài Gòn.

- Ngày 26/7/1929: Bị kết án 20 năm khổ sai.

- Đêm ngày 2 rạng sáng ngày 03/7/1930, con tàu Armand Roussean của thực dân Pháp lặng lẽ rời Sài Gòn đưa Tôn Đức Thắng và một số cán bộ, quần chúng yêu nước đày ra Côn Đảo. Kể từ đó cho đến ngày 18/8/1945, khi Côn Đảo được giải phóng, người mang số tù 5289-TF cùng với lời ghi chú trong phiếu quản lý “Phần tử nguy hiểm” đã chứng tỏ nghị lực phi thường, ý chí kiên cường và lòng trung thành vô hạn với cách mạng. 15 năm ở địa ngục trần gian Côn Đảo là quãng thời gian thử thách lớn nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng nhưng đó cũng là quãng đời đầy vinh quanh khi Bác thực sự biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

- Năm 1930: Lập chi bộ nhà tù lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh, được Xứ ủy Nam Kỳ thừa nhận là chi bộ đặc biệt và là đảng viên từ đó. Bằng những kinh nghiệm đã có trong tổ chức Công hội bí mật ở Sài Gòn, đồng chí Tôn Đức Thắng đã bàn với những người cộng sản thành lập Hội những người tù để làm hạt nhân lãnh đạo, tập hợp tù nhân, tạo sức mạnh đoàn kết chống lại chế độ lao tù. Nhiều đảng viên cộng sản trong đó có Tôn Đức Thắng bị kết án khổ sai cũng bị giam chung với tù thường phạm ở Banh I - nơi chuyên giam giữ tù lưu manh, trộm cắp, đã nhiều lần mang án. Đây là thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp mượn bàn tay của những tên tù anh chị nhằm tiêu diệt những người cộng sản. Là một người đã có kinh nghiệm trong tổ chức Công hội bí mật ở Sài Gòn, đồng chí Tôn Đức Thắng đã bàn và cùng với những người cộng sản thành lập Hội những người tù đỏ làm hạt nhân lãnh đạo, tập hợp tù nhân, tạo nên sức mạnh đoàn kết chống lại chế độ lao tù. Trong một lần liên lạc của Hội, bọn gác ngục đã phát hiện được Tôn Đức Thắng và phạt giam ở Hầm xay lúa. Hầm là địa ngục của địa ngục, một hình thức cực hình đối với tù nhân, địch gọi là “Khu trừng giời”. Với âm mưu thâm độc của địch muốn dùng tay anh chị để hành hạ và giết Tôn Đức Thắng, hiểu được ý đồ này, Tôn Đức Thắng đã tập hợp một số đồng chí Cộng sản cũng bị đày ở Hầm xay lúa bàn cách nắm lấy quyền lực để cải thiện đời sống và điều kiện làm việc cho những bạn tù ở Hầm: bỏ lối cai quản người tù bằng roi vọt, sắp xếp, phân công để tất cả mọi người làm việc theo điều kiện sức khỏe, người yếu thì sàng gạo, đóng bao, người khỏe thì xay và khuân vác thóc, kíp đứng cối thì bố trí thêm người, thay nhau người làm, người nghỉ.

- Năm 1934, sau khi rời khỏi Hầm xay lúa, Tôn Đức Thắng làm việc tại Sở Lưới, vừa sửa máy vừa lái canô. Sở lưới, với vai trò của Tôn Đức Thắng trở thành trung tâm giao liên quan trọng của tổ chức đảng ở Côn Đảo và là đầu mối để tổ chức cho cán bộ, đảng viên bị tù ở Côn Đảo trốn về hoạt động trong đất liền.

- Ngày 08/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, nhanh chóng đánh bại đạo quân Quan Đông hơn một triệu lính tinh nhuệ của Nhật. Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật chính thức đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh không điều kiện. Đảng ta kịp thời chớp thời cơ lãnh đạo nhân dân cả nước vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Sau khi nghe lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập do một đài nước ngoài phát lại, toàn đảo vui mừng khôn xiết.

- Sáng ngày 23/9/1945, tàu Phú Quốc cùng 25 chiếc thuyền bầu đã nhổ neo đưa 1800 tù chính trị trở về đất liền. Chiếc canô vừa được sửa lại mang tên Giải Phóng do chính đồng chí Tôn Đức Thắng lái đưa một số đồng chí trong Ban lãnh đạo trở về. Tuy gian nan, vất vả nhưng chiều ngày 03/9/1945 mọi người đã cập bến Đại Ngãi, tỉnh Sóc Trăng trong sự đón tiếp nồng nhiệt của Đảng bộ và nhân dân địa phương.

- Tháng 8/1945: Đồng chí từ Côn Đảo trở về Nam Bộ làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ phụ trách về vấn đề lương thực và vũ khí.

- Ngày 06/01/1946: Trúng cử là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tham gia phái đoàn Quốc hội sang Pháp.

- Ngày 30/4/1947, Hội đồng Chính phủ họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại kỳ họp này, sau khi nêu vắn tắt tiểu sử cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Hội trưởng Hội Liên Việt vừa tạ thế và tiểu sử Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ vừa mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cử đồng chí Tôn Đức Thắng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay cụ Huỳnh Thúc Kháng. Hội đồng Chính phủ nhất trí tán thành việc đề cử này.

Trong tháng 6 và 7 năm 1947, đồng chí dự đều đặn các cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Tại cuộc họp ngày 25/7/1947 ở Hồng Thái (Định Hóa, Thái Nguyên), theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần cải tổ Chính phủ nhằm mục đích mở rộng cho nhiều người được tham gia, tránh sự chia rẽ của Pháp và lấy lại ảnh hưởng của quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng đã xin từ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ để nhường lại cho các nhân sĩ yêu nước. Trong cuộc họp của Hội đồng Chính phủ ngày 03/11/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức bổ nhiệm ông Phan Kế Toại giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay đồng chí Tôn Đức Thắng[1].

- Ngày 01/5/1948, Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua yêu nước, đến ngày 11/6/1948 chính thức phát động cuộc vận động thi đua yêu nước. Đây là thời kỳ đồng chí Tôn Đức Thắng có nhiều đóng góp đưa tinh thần thi đua yêu nước trở thành động lực của cuộc kháng chiến kiến quốc.

- Nhân dịp đồng chí Khu trưởng khu VIII Nam Bộ ra báo cáo với Trung ương và Bác Hồ về tình hình cuộc kháng chiến, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đến thăm Đoàn và trao đổi thân tình: “Mặc dầu tham gia vào cuộc lãnh đạo chung ở ngoài này – một nhiệm vụ rất lớn, nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ tới đồng bào Nam Bộ, lúc nào cũng nghĩ tới chiến trường Nam Bộ là nơi đồng chí, đồng bào đương kháng chiến gian lao. Tôi đã nhiều lần đề nghị với Bác Hồ, với Trung ương cho trở về chiến trường để cùng với đồng chí, đồng bào Nam Bộ tham gia kháng chiến nhưng Bác Hồ chưa đồng ý (…). Đề nghị đồng chí, đề nghị đoàn về báo cáo lại với Xử ủy và với đồng báo Nam Bộ rằng, Tôn Đức Thắng là người con của nhân dân Nam Bộ, lúc nào cũng nghĩ tới đồng bào Nam Bộ, nghĩ tới xứ sở mà mình đã sinh ra và đã từng hoạt động”. Trong thời gian này, Ban Thường trực Quốc hội đã phân công các ủy viên đi các địa phương ở Liên khu III và liên khu Việt Bắc động viên nhân dân kháng chiến, Tôn Đức Thắng được giữ chức Quyền Trưởng Ban.

- Từ năm 1951: Là Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Tại Đại hội Đảng lần thứ II được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí là Đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VI.

- Tháng 9/1955: Được bầu làm Trưởng ban Thường vụ Quốc hội.

- Từ năm 1960: Đồng chí giữ các chức vụ: Trưởng Ban thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (tháng 7/1960). Tại Đại hội Đảng lần thứ III (tháng 9/1960) được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- Từ ngày 23/9/1969 đến năm 1980: Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương;

- Ngày 30/3/1980: Qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

Năm 1958 đồng chí Tôn Đức Thắng được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Sao vàng.

 

[1].Tôn Đức Thắng tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tr.119

 

tcnn.vn

Bình luận

Bí danh: Thoại Sơn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 6/1947 đến tháng 8/1947

" />

Tin tức cùng chuyên mục

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng 22/09/2020
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng 23/09/2020
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.