Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ Phan Ngọc Tường - “Đức tài hòa nhập thiên nhiên”

Ngày đăng: 08/06/2020   10:49
Mặc định Cỡ chữ
Khi còn sống, anh là một tấm gương sống động, mẫu mực về tình người cho tôi và các con học tập rèn luyện. Vì vậy tôi luôn nghĩ, mình và các con trưởng thành phần lớn có công giáo dục, dạy dỗ của anh. Trong hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy anh sống vì mọi người, vì vợ, vì con, cháu và những người thân của gia đình. Trong công tác và trong cuộc sống, anh ít khi nói về mình. Nếp sống của anh giản dị, khiêm tốn, chân thành với bạn bè, đồng nghiệp. Anh luôn yêu thương và chăm sóc đến đời sống cấp dưới. Lòng vị tha và độ lượng của anh đối với bạn bè, đồng nghiệp làm tôi cảm phục và càng thấy yêu anh hơn, qua suốt một đời chung sống.
Bà Lê Thị Xuân Mỹ, phu nhân đồng chí Phan Ngọc Tường, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức  - Cán bộ Chính phủ phát biểu tại Lễ truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho cố Bộ trưởng Phan Ngọc Tường do Bộ Nội vụ chủ trì. Ảnh: Trần Kiên.

Tôi nhớ lại những ngày đầu mới quen anh, rồi yêu anh khi còn ở mảnh đất Liên khu 5. Từ Phú Mỹ nơi anh công tác ở Liên hiệp công đoàn Bình Định, rồi ra vùng Bồng Sơn – Thiết Đính – Trung Lương – Phổ Thạnh – An Thường, đâu cũng có dấu chân anh đến với giai cấp công nhân ở các xưởng. Chúng tôi được gia đình, cơ quan và bạn bè chắp nối hạnh phúc, chuẩn bị lễ cưới xong định cùng đi tập kết với nhau thì được tin anh có Quyết định của Khu ủy ở lại miền Nam hoạt động. Tôi rất buồn và khóc nhiều đêm với anh về tin đột ngột ấy. Cơ quan và gia đình bàn nhau hoãn tổ chức đám cưới của chúng tôi. Tôi biết anh cũng buồn. Nhưng anh còn trẻ, mới 25 tuổi, tính tổ chức và kỷ luật của anh rất cao, cộng với không khí bàn giao cuốn chiếu từng địa phương từ Vĩ tuyến 17 trở vào đã đến Quảng Ngãi, nên anh chịu đựng và vượt qua tất cả.

Ngày chia tay anh đi tập kết, anh dặn dò tôi nhiều việc và trao cho tôi quyển nhật ký (hiện nay tôi vẫn còn lưu giữ). Anh luôn động viên tôi hãy tin tưởng, hai năm sau sẽ gặp lại và “Chúng mình sẽ sống trong một nước Việt Nam thống nhất, hòa bình và hạnh phúc”. Nhưng liền sau đó anh cũng ra tập kết.

Trong những năm đầu mới ra tập kết, sau khi học tập chính trị ở Chèm, anh về nhận công tác ở Bộ Công thương. Sau đó một thời gian, tổ chức thông báo anh chuẩn bị đi nhận công tác ở Cao Bằng. Với nhiệm vụ mới sẽ có nhiều khó khăn về việc nghỉ phép vì công trình thủy điện Tà Sa sắp xây dựng. Anh báo cáo với tổ chức có 2 việc cần giải quyết trước khi nhận công tác mới: “Một là, tôi có một mẹ già hiện ở Quảng Nam, từ khi thoát ly đi lên chiến khu rồi Nam tiến gần 10 năm tôi chưa gặp, tôi muốn về thăm mẹ. Hai là, có người vợ chưa cưới hiện đang công tác ở Ban cải cách ruộng đất tỉnh Thái Bình, tôi muốn tổ chức đám cưới trước khi đi công tác xa”.

Yêu cầu thứ hai của anh được đồng ý trước. Lúc ấy cả anh và tôi rất nghèo, thậm chí không có tiền ăn sáng. Thế là trong một cuộc họp, bạn bè của anh đã quyết định giúp đỡ tiền (dù ai cũng nghèo) để anh mua được hai tút thuốc lá, 1kg chè và đi xuống Thái Bình xin Đoàn ủy cải cách ruộng đất để tổ chức lễ cưới. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức tại hội trường như một cuộc họp rất đông vui, nước chè đựng vào thùng to có vòi roobinê và thuốc lá thì chia nhau mỗi người một điếu. Mặc dù bạn bè đông vui nhưng lúc ấy tôi cũng thấy tủi thân và buồn buồn vì nhớ về gia đình. Sáng hôm sau, anh thu xếp về Hà Nội ngay để đi công tác Cao Bằng.

Vào thời gian đó còn có rất nhiều khó khăn trong đời sống với chế độ tem phiếu và bao cấp. Tuy bận nhưng anh cũng dành thời gian giúp mẹ và vợ công việc nhà như giặt giũ, mua gạo, chẻ củi. Trong cuộc sống nội tâm, anh đa cảm, tế nhị lắm mặc dù bề ngoài có vẻ khô khan, bình thản. Tôi còn nhớ một kỷ niệm tình cảm về vợ chồng lúc sống xa nhau. Vào những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, bà nội và hai con tôi đi sơ tán xa, anh cũng đi học lớp chính trị cao cấp tập trung, tôi đi học bác sĩ ở Thái Nguyên. Một ngày Chủ nhật anh hẹn tôi về Hà Nội để chuẩn bị mua sắm vật dụng mang lên chỗ sơ tán cho các con. Nhưng tôi bị cảm nên không về được, anh về một mình, lo chu tất mọi việc.

Tuy bề bộn công việc nhưng những khi về gia đình anh cũng hay đùa nhộn với vợ và con cháu. Anh kể những chuyện tiếu lâm làm cả nhà cười vỡ bụng. Tiếng cười của anh lạc quan và sảng khoái lắm. Anh ít khi ở nhà ngày Chủ nhật, nếu được ở nhà anh hay tìm việc làm để giúp tôi. Xuất thân là công nhân ngành điện, rồi đi học kỹ sư cơ khí khóa 1, anh giỏi về những việc của người đàn ông trong gia đình, lúc thì sửa khóa, quạt điện, tivi... Việc gì anh cũng tỉ mỉ và chu đáo. Các con tôi cũng rất thương và phục ba trong những việc lặt vặt này. Anh nói: “Ở cơ quan căng thẳng đầu óc rồi, về nhà làm những công việc này cho thư giãn”. Anh là con người năng động, ham làm mọi việc. Khi còn làm việc, kể từ lúc trai trẻ đến khi lớn tuổi, cả nhà ít khi được cùng nghỉ phép để về quê nội, ngoại. Hầu như anh không nghỉ phép qua những năm dài công tác. Khi đi công tác xa, anh cũng không kết hợp đưa vợ con đi dù cùng xuôi một chuyến đường. Bà con quê hương Đồng Hới, Quảng Bình lúc nào cũng nhắc đến, vì có một người con đi xa xứ mà “làm lớn”. Tuy vậy lúc nào về Quảng Bình làm việc, anh cũng dành thời gian về thắp hương tổ tiên và ghé thăm bà con thân thuộc, thăm Ủy ban nhân dân phường. Và các anh ở cơ sở địa phương cũng thường đến thăm anh để xin ý kiến. Tôi nhớ mãi tháng 7/1996, sau khi ra viện, tôi khuyên anh đi nghỉ một đợt dưỡng bệnh. Tôi cùng đi với anh vào Nha Trang ra Đà Nẵng rồi vào thăm khu công nghiệp Dung Quất, vừa ra nghỉ ngơi làm việc với địa phương. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối cùng anh về thăm Ủy ban nhân dân huyện Quế Sơn, quê hương tôi, chụp ảnh kỉ niệm trước trụ sở Ủy ban. Cùng đi có anh Hường lúc ấy là Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Đấy! Nhân tâm anh sống như vậy với vợ con. Đối với bạn bè, đồng nghiệp, anh chị em cấp dưới quyền anh cũng vậy. Nhiều bài thơ, bài báo, thư từ của bạn bè gửi đến cho anh mà tôi lưu giữ đều nói lên đức độ của anh, khi sinh thời anh đã sống hết mình với mọi người, với gia đình...

Tôi nhớ một sự kiện, vào năm Nhà máy xi măng Hoàng Thạch bị sự cố nổ lọc bụi tĩnh điện làm nhà máy ngừng hoạt động, một số công nhân kỹ sư trẻ của ta lo lắng vì bị đình chỉ công việc để kiểm điểm, thậm chí có thể bị truy tố vì tội danh thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Khi đó anh là Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Được tin, anh đã trực tiếp liên tục cùng các đồng chí Thứ trưởng, lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ Xây dựng xuống ngay hiện trường xem xét sự việc.

Kết quả qua mấy tháng điều tra, xem xét xác định nguyên nhân do phía nước ngoài cung cấp thiết bị gây nên. Các kĩ sư trẻ của ta được gỡ tội và được phục hồi công tác với khí thế phấn khởi, năng nổ, sáng tạo hơn xưa với nhiệm vụ khôi phục nhà máy trở lại hoạt động. Tôi lại nhớ vần thơ mà người thư ký của anh năm xưa đã nhớ và viết về anh.

Đối với bạn bè, với những người đã nghỉ hưu, những cộng sự đã cùng anh công tác khi gặp khó khăn trong cuộc sống và sự nghiệp, anh đều nghĩ đến và tạo mọi điều kiện giúp đỡ.

Anh là một pho từ điển sống, là gương cho tôi và các con học tập. Anh đọc sách say mê và đủ các thể loại từ cổ chí kim. Đi công tác xa, hoặc dự các cuộc hội nghị, lần nào anh cũng mang về hàng chồng sách. Buổi tối nào, sau giờ duyệt đọc các tài liệu mang về nhà, anh cũng đọc điểm qua các loại báo. Ngày nào cũng quá 10h đêm anh mới đi ngủ, anh còn đọc sách bên ngọn đèn ngủ với điếu thuốc lá cho đến khuya. Có hôm tôi thức giấc, thấy đã 12 giờ đêm mà anh vẫn còn đọc sách, tôi lại phải tắt đèn để buộc anh ngủ. Biết anh ham đọc sách nên bạn bè cũng gửi tặng nhiều sách quý. Bác Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nhiều lần gửi sách đến để anh đọc.

Anh công tác hăng say, sức khỏe tốt. Leo núi rất giỏi, đi nhanh không biết mệt mỏi. Mặc dù hồi đó ăn uống còn kham khổ và tiện nghi sinh hoạt còn thiếu thốn. Sau khi chuyển công tác về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, đột nhiên tháng 6/1991 anh bị cơn khó thở do viêm phế quản cấp và tháng 4/1992 anh lại bị cơn hen khó thở, phải vào viện điều trị một thời gian, bình phục anh lại về công tác. Qua bốn năm công tác tại Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, với bao công việc bề bộn và vô cùng phức tạp, tháng 6/1996 anh bị lên cơn hen nặng phải vào viện, rồi từ đó cứ vài tháng anh lại lên cơn khó thở. Tôi và các con lo lắng tập trung chăm sóc cho anh. Vì quá nhiều công việc phải giải quyết, anh gắng sức nhiều lần và không vào viện, lo lắng tôi đã tự mua hai bình ôxy để tại nhà và chuẩn bị đầy đủ thuốc cấp cứu theo hướng dẫn của bệnh viện và có thể sơ cứu cho anh khi lên cơn hen ngay tại nhà.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm về nhân tâm của anh đối với các bậc lão thành, các đồng chí về hưu mà đau yếu, thường xuyên vào viện. Trong thời gian này anh đang nằm việc thấy các cụ buổi tối thường ngồi trước một cái tivi đen trắng SANYO 14 inch cũ kỹ, dùng từ sau ngày giải phóng để ở hành lang bệnh viện, khi xem bị nháy liên tục, cứ phải điều chỉnh suốt. Các cụ thì buồn quá nên vẫn phải xem. Anh tâm sự cùng tôi, với lòng trân trọng yêu thương các cụ lão thành Cách mạng hưu trí và quyết định mua tặng bệnh viện một máy tivi màu 14 inch. Những năm sau này, cứ mỗi lần vào viện, các anh chị bác sĩ, y tá, hộ lý đều nhắc chuyện này. Hiện nay chiếc máy thu hình này vẫn còn được giữ tại phòng trực của khoa A bệnh viện Hữu Nghị.

Vào cuối năm 1996, tại Đại hội Đảng lần thứ VIII, anh làm Trưởng Ban kiểm phiếu của Đại hội, anh lại phải vào viện, tôi khuyên anh nên nằm nghỉ để các đồng chí khác làm thay, anh nói: “Anh còn làm được, anh biết sức mình, em yên tâm”. Những ngày ấy, anh thường xuyên đi dự Đại hội, chỉ về bệnh viện uống thuốc, ăn trưa và tối. Trong thời gian Đại hội, có hôm đến 12 giờ đêm hôm sau anh mới về.

Sau khi bàn giao công tác cho anh Đỗ Quang Trung, anh chuẩn bị một bài phát biểu để đọc nhân dịp Hội nghị Tổng kết công tác năm 1996 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ. Những ngày ấy anh rất vui, cùng các anh em ở cơ quan chuẩn bị một phòng trưng bày kết quả hoạt động của Ban trong những năm anh công tác tại đây. Bỗng nhiên, ngày khai mạc Hội nghị, anh bị lên cơn hen nặng, phải vào bệnh viện cấp cứu, không thể về dự Hội nghị cùng các đồng chí lãnh đạo của 61 tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành Trung ương.

Nhiều lúc thấy anh rất buồn vì lực bất tòng tâm, tôi cũng chỉ biết lựa lời an ủi và chăm sóc anh chu đáo hơn. Những ngày ấy, vì sợ anh mệt, nếu để anh em trong Hội nghị đến thăm nhiều không tiện, Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ Đỗ Quang Trung nói trong Hội nghị: “Anh Tường vì công tác đột xuất không về dự Hội nghị được”. Cả cơ quan tập trung lo cho Hội nghị nên tôi càng thấy thương anh, hiểu tâm trạng của anh trên giường bệnh trong những ngày này. Vì anh là con người năng nổ, thích hoạt động, giao lưu bạn bè rộng rãi.

Tôi còn nhớ bài thơ của một đồng chí ở Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ viết tặng anh khi ra viện, về lại cơ quan:

Hôm nay anh đã trở về

Lòng ai cũng thấy tràn trề niềm vui

Nhớ câu sức khỏe là vàng

Những ngày anh vắng cả Ban ưu phiền

Đức tài hòa nhập thiên nhiên

Tên anh vang khắp mọi miền nước non

Tuổi cao sức đã hao mòn

Ham say công việc tưởng còn đang trai.

5 giờ sáng ngày 18/6/1997, tôi vẫn như mọi ngày thức dậy trước anh để tập thể dục. Tôi thấy anh đã dậy và nói với tôi “Anh hơi khó thở”. Tôi cho anh thở oxy và nói với anh: “Em gọi con đến và gọi xe cho anh vào bệnh viện nhé”. Anh nói, giọng bình thường và rất tỉnh táo: “Nhiều buổi sáng em đi tập thể dục, thình thoảng anh vẫn khó thở nhẹ như thế này. Anh tự mở oxy thở, nên đừng gọi cho con, vì Tuấn sáng nay đi công tác Nha Trang sớm”. Vừa theo dõi sức khỏe anh, tôi vừa tự động gọi cho các con và xe cấp cứu. 5 giờ 30 phút vào viện, nhờ hồi sức cấp cứu, huyết áp và tim mạch anh khá dần lên. Nhưng đến chiều anh lại yếu dần và ra đi vĩnh viễn hồi 17 giờ 40 phút. Tôi đau đớn vô cùng khi biết anh ra đi dần trong tầm tay tôi. Tôi ngồi chết lặng bên anh... Thế là anh đi vào cõi vĩnh hằng như người đang ngủ. Xung quanh tôi, đông đủ gia đình, bè bạn, cơ quan và cán bộ, công nhân viên tiễn anh lần cuối. Thế là hết một đời người. Con người anh suốt đời vì Dân, vì Đảng, vì công việc. Chỉ có tôi là người hiểu một điều rằng: Anh không ngờ anh ra đi sớm thế. Không một lời trăng trối với vợ con. Thanh thản ra đi...

 

(Hồi ký của bà Lê Thị Xuân Mỹ - phu nhân Cố Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức  - Cán bộ Chính phủ Phan Ngọc Tường)

Theo: Báo Xây dựng

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng 22/09/2020
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng 23/09/2020
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.