Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc

Ngày đăng: 29/05/2020   15:56
Mặc định Cỡ chữ
“Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị” là nội dung được nêu trong Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” (theo Quyết định số 6179/QĐ-UBND, ngày 23/11/2017).

Tầm nhìn “với người dân là trung tâm của đô thị” được hiểu là “người dân sẽ có chất lượng sống tốt, được phục vụ tốt và có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng Thành phố”. Quyết sách đó khẳng định Thành phố luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm; mọi đường lối, chính sách phát triển đều xoay quanh trục “nhân dân”, và nhân dân vừa là mục tiêu cao nhất, vừa là động lực tối thượng cho sự phát triển.

Người dân đánh giá sự hài lòng đối với cán bộ giải quyết hồ sơ tại UBND phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Vì sự hài lòng của người dân

Để đạt được sự hài lòng của người dân thông qua hiệu quả công việc, Thành phố đã chọn khâu đột phá để tiến hành là cải cách hành chính (CCHC), xác định CCHC là chìa khóa quan trọng nhằm tăng cường sự phục vụ và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tích lũy niềm tin và sức mạnh của nhân dân, chung sức xây dựng Thành phố phát triển, để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển. Theo đó, năm 2019 được Hội đồng nhân dân Thành phố chọn là “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”. Trước đó, ngày 28/12/2018, UBND Thành phố đã ký Quyết định số 6058/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện công tác CCHC trên địa bàn Thành phố năm 2019, đề ra 7 chỉ tiêu và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện 44 nội dung, trong đó xác định một trong những nội dung trọng tâm là “giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân và khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước”. Tiếp đó, ngày 18/4/2019, UBND Thành phố đã ký Quyết định số 1480/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch tăng cường năng lực đội ngũ công chức thực hiện công tác CCHC năm 2019, với mục đích “nâng cao năng lực đội ngũ công chức thực hiện công tác CCHC thông qua tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ nhằm xây dựng một đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu tham mưu, chỉ đạo, triển khai thực hiện CCHC”.

Với sự quyết liệt đó, năm 2019, toàn Thành phố đã có 665 mô hình, giải pháp được đăng ký và thực hiện hoàn tất theo tiến độ, đạt hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp. 251 sáng kiến, giải pháp, cách làm hay trong công tác CCHC được giới thiệu, áp dụng tại các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã thị trấn, để các đơn vị tìm hiểu, nghiên cứu vận dụng tại lĩnh vực, địa phương mình phụ trách. Ngoài ra, Thành phố tổ chức công bố và trao “Giải thưởng sáng tạo năm 2019” cho 44 công trình, đề tài, tác phẩm, giải pháp, mô hình sáng tạo thuộc 7 lĩnh vực, trong đó có 5 công trình thuộc lĩnh vực CCHC (Mô hình "Bình Thạnh trực tuyến”; Ứng dụng “Thông tin quy hoạch Thành phố”; Mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn quận Bình Tân; Đường dây nóng tại UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; Mô hình liên thông điện tử giữa cơ quan Tài nguyên - Môi trường với cơ quan thuế tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 12). Đến nay, các mô hình này tiếp tục được nhân rộng và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Trên cơ sở những ưu điểm, cách làm hay và các vấn đề còn hạn chế, bất cập của công tác CCHC, Ban Chỉ đạo CCHC Thành phố đã kịp thời nắm bắt tình hình CCHC ở những lĩnh vực “nóng” như đất đai, xây dựng...; những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở các địa phương, cơ sở để đề xuất những giải pháp khắc phục; thành lập nhiều đoàn kiểm tra, khảo sát 115 lượt cơ quan, đơn vị về công tác CCHC, cải cách thể chế, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng ISO 9001/ISO điện tử trong quản lý nhà nước. Chủ tịch UBND Thành phố bước đầu đã phê duyệt 501 quy trình, gồm 67 quy trình liên thông và 434 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính, nhằm xây dựng cơ chế giải quyết hành chính nhanh gọn, thuận lợi cho nhân dân.

Thành phố đã và đang tiếp tục triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của tổ chức và người dân theo quy định. Cụ thể số lượt đánh giá hài lòng thông qua hệ thống đánh giá hài lòng trên hai kênh như sau: 1) Đánh giá thái độ, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức qua các thiết bị đánh giá hài lòng (Kiosk, Tablet) đặt tại các đơn vị đạt 381.922 lượt (tỷ lệ hài lòng 99,24%, bình thường: 0,59%, không hài lòng: 0,17% ); 2) Đánh giá về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công qua trang web www.danhgiahailong.hochiminhcity.gov.vn đạt hơn 16.609 lượt đánh giá (tỷ lệ hài lòng: 94,95%, bình thường: 4,67%, không hài lòng: 0,37%).

Thành phố đã công khai minh bạch các kế hoạch quy hoạch; tổ chức nhiều buổi đối thoại, hội thảo, tọa đàm… nhằm lắng nghe doanh nghiệp trong và ngoài nước để tháo gỡ khó khăn; chấn chỉnh tác phong phục vụ của đội ngũ công chức với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; tổ chức tốt và có hiệu quả các chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, Chủ nhật hồng, Hiến máu nhân đạo; phong trào “Dân vận khéo” được nhân rộng và có sức lan tỏa. Đồng thời, tập trung giải quyết các kiến nghị, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, các vụ việc phức tạp ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Nhà Bè, Bình Chánh… liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân đã và đang từng bước được giải quyết có hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Trên lĩnh vực an ninh, trật tự, nhiều vụ án phức tạp đã điều tra, xử lý kịp thời, được dư luận Thành phố đánh giá cao. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố. Tính riêng năm 2019, các cấp ủy của Đảng bộ Thành phố đã thi hành kỷ luật 17 tổ chức đảng, 409 đảng viên, trong đó có 1 cá nhân bị cách hết chức vụ trong Đảng; 275 trường hợp bị thi hành kỷ luật về mặt chính quyền, trong đó có nhiều trường hợp bị cách chức, buộc thôi việc, sa thải hoặc chuyển cơ quan pháp luật xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự…

Nhân dân đồng lòng, chung sức

Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố tích cực quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động của Thành ủy; đặc biệt là Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Hoạt động này đã phát huy khá tốt vai trò của nhân dân tham gia giám sát các nguồn quỹ trong nhân dân, đầu tư cộng đồng, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020, với mục tiêu vì sức khỏe và sự an toàn của người dân, dưới sự lãnh đạo khoa học, kịp thời của Thành ủy cùng quyết sách đúng đắn của UBND Thành phố trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa phương tiêu biểu trong ứng phó với đại dịch. Việc giãn cách và cách ly xã hội được thực hiện tích cực, hiệu quả. Bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ, Thành phố cũng đã công bố gói hỗ trợ cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân lao động, người bán vé số bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền 1.858 tỷ đồng. Nhiều hoạt động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn như miễn giảm tiền thuê trọ, tiền điện nước; cây “ATM gạo”, phát cơm, khẩu trang miễn phí cho người cơ nhỡ… đã thể hiện đậm nét tinh thần - lối sống nghĩa tình, nhân văn của người dân; khẳng định sự đồng lòng, nhất trí, chung sức của người dân với chính quyền Thành phố.

Năm 2019, Công đoàn Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã tiến hành 12.459 cuộc khảo sát độc lập, lựa chọn ngẫu nhiên để đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố. Các cuộc khảo sát đã đánh giá được mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của các cơ quan, đơn vị được khảo sát và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công, đạt tỷ lệ hài lòng đạt từ 80% trở lên.

Năm 2020, Thành phố đã thống nhất lựa chọn chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, trong đó tập trung xây dựng 4 nhóm chương trình phát triển gồm: 1) Đổi mới mạnh mẽ quản lý; 2) Đột phá phát triển hạ tầng; 3) Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; 4) Khởi nghiệp. Các hoạt động được Thành phố thực hiện trong năm 2020 là: Rà soát hiệu quả các dự án có sử dụng đất công, đẩy nhanh tiến độ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và yêu cầu nâng cấp hoàn thiện hạ tầng đô thị; thực hiện các biện pháp để quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật; tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát; quan tâm đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…

Để tiếp tục xây dựng hình ảnh chính quyền Thành phố phục vụ nhân dân, thân thiện, nhanh chóng, hiện đại, Thành phố tăng cường gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động CCHC các cấp; lấy kết quả hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc… Đồng thời, duy trì và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, hiệu quả các nguyên tắc xây dựng Đảng, Điều lệ Đảng gắn với nhiệm vụ chính trị, với các đợt sinh hoạt Đảng và các phong trào thi đua yêu nước tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp; nâng cao vai trò điều hành, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, thiết thực xây dựng tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm chính, hết lòng phụng sự nhân dân. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, nhất là nhân dân tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, địa bàn cư trú trong giám sát, phê bình tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên với các hình thức phù hợp.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Thành phố là tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố xác định các nhiệm vụ quan trọng, quyết tâm xây dựng Đảng bộ Thành phố trong sạch, vững mạnh; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu vì một thành phố “Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình”, “là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”.

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong những bài học kinh nghiệm cơ bản là “các chính sách phải đảm bảo an dân, tạo niềm tin trong lòng Nhân dân, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc”. Dự thảo cũng xác định mục tiêu phát triển tổng quát giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh “đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”. Mục tiêu đó xuất phát từ chính thực tiễn hoạt động đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng bộ và chính quyền Thành phố./.

Theo: tuyengiao.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thẩm định dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Ngày đăng 18/04/2024
Ngày 17/4, Bộ Tư pháp họp thẩm định Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II.

Chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng 12/04/2024
Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết và những vấn đề đặt ra nếu vận dụng chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo, từ đó đề xuất một số giải pháp, kiến nghị góp phần xây dựng thành công chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Nội vụ làm việc với thành phố Hải Phòng về xây dựng các đề án tổ chức chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025

Ngày đăng 06/04/2024
Chiều 05/4/2024, Đoàn công tác Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà làm Trưởng đoàn làm việc với thành phố Hải Phòng về việc xây dựng các đề án: Tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng; Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025. 

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Ngày đăng 04/04/2024
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10/7/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong những năm qua tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đảm bảo đúng quy định, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.