Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng - vị Bộ trưởng từng thay mặt Cụ Hồ điều hành việc nước

Ngày đăng: 27/05/2020   08:49
Mặc định Cỡ chữ
"Con người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao"- đó là lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, được viết trong thư đề ngày 29/4/1947 “Gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế”.

Cũng trong lá thư này, Bác Hồ còn giành những lời lẽ hết sức trân trọng để đưa ra trước toàn thể đồng bào một tấm gương sáng: "vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đầy ra Côn Đảo. Mười nấy năm trường gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết".

Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.
 
Đến ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, Chính phủ ta mời cụ ra. Tuy đã hơn 71 tuổi nhưng cụ vẫn hăng hái nhận lời. Cụ nói: "Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, gái, trai, ai cũng phải ra phụng sự Tổ quốc”.
                            
Kết thúc bức thư này, Chủ tịch Hồ Chi Minh còn kêu gọi đồng bào “đồng thanh thề trước tiên linh của cụ Huỳnh rằng: Đồng bào Việt Nam cương quyết theo gương kiên quyết của cụ, tinh thần kháng chiến của cụ Huỳnh sống mãi...”(1)

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (người chống gậy)

Làm Bộ trưởng tuổi "cổ lai hy"
 
Vậy mà, cụ Huỳnh thực sự cộng tác với cách mạng mới hơn một năm. Mùa Xuân năm 1946, đất nước đã độc lập, Chính phủ cách mạng đã thành lập, nạn đói đã tạm được khắc phục nhưng cách mạng đang đứng trước vô vàn thử thách. Thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược và đang mở rộng chiến tranh ở Nam Bộ, thực dân Pháp đang gây sức ép tạo cớ để gây hấn ở Bắc và Trung Bộ. Quân đội Tưởng Giới Thạch kéo theo những tổ chức tay sai đang tạo ảnh hưởng để giành đoạt quyền lực, thủ tiêu những thành quả cách mạng...
 
Hơn lúc nào hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải củng cố sức mạnh của cách mạng và chính quyền cách mạng bằng việc mở rộng hơn nữa khối đoàn kết của toàn dân. Vì lợi ích của Tổ quốc và sự tồn vong của chế độ, vị Chủ tịch nước đồng thời cũng là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh đã đưa ra những quyết sách sáng suốt và dũng cảm.

Tháng 11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố “tự giải tán” mà thực chất là rút vào hoạt động không công khai; cuộc Tổng tuyển cử đã bầu ra Quốc hội  khoá đầu tiên nhưng giành riêng 72 ghế để những đảng phái “đối lập” đuợc tham gia không cần qua bầu cử; bằng các giải pháp ngoại giao táo bạo để phân hoá các thế lực nước ngoài đang có mặt ở nước ta, chủ yếu là thực dân Pháp và quân phiệt Trung Hoa; tiến tới cải tổ và mở rộng Mặt trận Việt Minh thành Mặt trận Liên Hiệp Quốc dân...
 
Chính vào bối cảnh ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng xuất hiện trên chính trường khi đã bước vào tuổi “cổ lai hy”. Quả thật, vào thời điểm ấy ít ai nghĩ rằng nhà chí sĩ đất Quảng, họ Huỳnh lừng danh một thời có thể tham chính và cộng tác với một chính quyền cách mạng mà ai cũng biết rằng hạt nhân lãnh đạo lại là những người cộng sản. Bởi lẽ, mọi người đều biết tới cụ Huỳnh thời trai trẻ đã là một trong những vị khoa bảng (đỗ phó bảng cùng khoa với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) sớm có tư tưởng canh tân và yêu nước. 

Năm 1904, vừa đỗ phó bảng, Huỳnh Thúc Kháng đã từ bỏ quan trường theo 2 người đồng chí hướng nổi tiếng của mình là Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp vào tận Cam Ranh để quan sát đoàn tàu chiến của hạm đội Nga ghé qua trên đường sang tham chiến cuộc chiên tranh với nước Nhật. Chính vào thời điểm này, ba nhà nho xứ Quảng đã tuyên ngôn chí hướng: "Hỡi người trí thức kia ơi – Quăng mũ đi, vứt bút đứng lên - Đừng cam chịu tiếng ươn hèn - Hơi tàn còn thở chớ quên phục thù” (Lương ngọc danh sơn phú).
 
Kể từ đó, cả ba người bước vào con đường hoạt động chính trị mưu cầu sự giải phóng cho dân tộc. Sau cao trào Duy Tân và kháng thuế ở miền Trung, cả ba người đều bị thực dân và Nam triều đàn áp. Trần Quý Cáp lên đoạn đầu đài, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng đều bị đầy ra Côn Đảo. Kể từ đó hai người đồng chí chọn cho mình những con đường khác nhau nhưng cùng một đích là cứu nước. Và trên con đường của mình cả hai đều gặp một người. Người đó là Nguyễn Ái Quốc, lại cũng chính là con của người môn sinh cùng đỗ phó bảng là Nguyễn Sinh Sắc. 
 
Năm 1911, Phan Châu Trinh qua Pháp rồi sau đó có một thời gian gần gũi với Nguyễn Ái Quốc để cuối đời gửi gấm tiền đồ đất nước vào người bạn trẻ vong niên: "Anh như cây đương lộc, tôi tin rằng cái chủ nghĩa anh tôn thờ sau này sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tính chí sĩ nước ta” (Thư gửi Nguyễn Ái Quốc năm 1922).
 
Còn với Huỳnh Thúc Kháng, sau 13 năm lưu đầy, từ Côn Đảo trở về đất liền (1921), cụ chọn cho mình hoạt động chính trường công khai. Cụ tham gia Viện Dân biểu Trung kỳ, ra tờ báo “Tiếng Dân” với hy vọng có thể đòi hỏi cho người dân những quyền tự do trong khuôn khổ của chế độ thuộc địa. Những cố gắng của cụ có thể mang lại một vài cải cách nhỏ giọt của giới cầm quyền thực dân nhưng tình cảnh “vạn dân nô lệ cường quyền hạ” vẫn còn nguyên.

Lại phải nói thêm rằng, cao trào cách mạng do Đảng Cộng sản mới ra đời phát động vào năm 1930 - 1931, sôi nổi nhất cũng trên mảnh đất miền Trung vẫn không kéo nổi cụ Huỳnh ra khỏi con đường vận động cải cách và tránh bạo lực của cụ Huỳnh. Cũng chính trong thời gian này, do hạn chế về nhận thức, cụ Huỳnh còn viết nhiều bài báo phản bác phương pháp đấu tranh của những người cộng sản. Trong một số văn kiện của Đảng Cộng sản đương thời đã từng phê phán đường lối của Huỳnh Thúc Kháng là có hại cho cách mạng...
 
Vậy mà, khi cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh với niềm tin vào tinh thần yêu nước là động lực mạnh mẽ nhất của dân tộc luôn mở rộng khối đoàn kêt để thu hút mọi lực lượng vào hàng ngũ cách mạng. Vì vậy, vị Chủ tịch nước Việt Nam độc lập không quên cử người vào tận miền Trung mời cụ Huỳnh ra làm việc nước. Cụ Huỳnh ý thức được niềm hạnh phúc hơn những người đồng chí đã khuất như Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh hay Phan Bội Châu vì đã được chứng kiến ngày đất nước độc lập. Cụ Huỳnh đã cảm khái viết: "Sướng ơi là sướng, thoát thân nô mà làm chủ nhân ông – Vui thật là vui, đổi quyền vua mà làm dân quốc mới” . Nhưng cụ vẫn tự cho mình là  lớp người đã lỗi thời mà xa lánh chính trường.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Nhà nuớc Cách mạng đã thuật lại trong hồi ký của mình cái bước ngoặt đẹp đẽ trong cuộc đời của một con người gắn với một thời thời kỳ thử thách của cách mạng:
 
"Tôi được biết cụ Huỳnh từ hồi còn làm báo “Tiếng Dân” ở Huế. Cụ là một nhà nho có tinh thần yêu nước cao, có khí tiết nhưng chưa hoàn toàn tin tưởng ở đuờng lối cách mạng của Đảng ta. Khi chúng ta cử người tới mời, lúc đầu cụ tỏ ra ngần ngại. Một phần, vì cụ thấy tuổi đã quá cao. Một phần vì cụ chưa hiểu những người lãnh đạo mới “thuộc lớp trẻ” ra sao. Đến lúc nghe nói rõ Hồ Chủ tịch chính là đồng chí Nguyến Ái Quốc, cụ mới quyết định ra Hà Nội... Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa Bác và cụ Huỳnh thật cảm động. Hai người đều bước vội tới, ôm lấy nhau; cả Bác và cụ Huỳnh đã nhắc tới cụ phó bảng ngày xưa... Sau buổi gặp Bác, cụ Huỳnh đã nói với một người bạn :”Dân ta có được cụ Hồ quả là hồng phúc”...”(2)
 
Và trong ngày ra mắt Chính phủ Liên hiệp (02/3/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng giới thiệu cụ Huỳnh Thúc Kháng “một người đạo đức danh vọng mà quốc dân ai cũng biết” làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một vị trí rất quan trọng trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Thay mặt Hồ Chủ tịch giải quyết việc nước
 
Ở vào cương vị ấy, Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng đã làm hết mình phụng sự cho đất nước. Đầu tháng 6/1946, khi lên đường sang Pháp trong một sứ mệnh ngoại giao đầy gian khổ và bất trắc, Chủ tịch Hồ Chi Minh đã gửi gấm việc nước cho cụ Huỳnh mà sau 4 tháng trở về đã đánh giá : "Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh, quyền Chủ tịch, sự săn sóc của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”. 
 
Một trong những “việc khó khăn” đã được giải quyết trong thời điểm này chính là việc thẳng tay trừng trị các phần tử phản động trong các tổ chức đối lập quanh vụ án “Ôn Như Hầu”.

Về vụ việc này, hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuật lại rằng sau khi các lực lượng an ninh cách mạng phát hiện và trừng trị những kẻ bắt cóc, tống tiền... các tổ chức đối lập lên khiếu nại Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đang đảm nhận quyền Chủ tịch nước đã hoàn toàn ủng hộ các hành động cứng rắn của Chính phủ và tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 16/7/1946 : "Đoàn kết là cần để xây dựng nền dân chủ cộng hoà, nhưng không thể vin vào “đoàn kết” mà làm những điều phi pháp. Tôi khuyên mọi đảng phái, mọi phần tử quốc dân đoàn kết. Nhưng cũng vì quyền lợi quốc gia, tôi phải đem ra trừng trị trước pháp luật những kẻ làm điều phi pháp...”. 
 
Tháng 11/1946, Chính phủ lại cải tổ để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến đã đến gần trước âm mưu khởi hấn của thực dân. Một lần nữa, Bác Hồ lại nêu tấm gương sáng: "Kết quả có những vị có tài năng nhận lời mời tham gia Chính phủ như cụ Huỳnh Thúc Kháng vì tuổi cao sưc yếu mà cố từ, nhưng vì tôi lấy đại nghĩa mà lưu cụ, cụ cũng gắng ở lại... ai nấy đều hứa cố gắng làm việc một lòng vì nước vì dân”.
 
Và Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã cống hiến cho Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng.

Tháng 4 tin buồn đến

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (ngày 19/12/1946), với cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân cụ viết thư kêu gọi toàn dân: "Hãy tin tưởng vào cụ Hồ Chí Minh, bậc yêu nước đại chí sĩ, kết chặt chẽ một khối quyêt sống mái với kẻ thù”...

Trên đường thay mặt Chính phủ đi kiểm tra tình hình kháng chiến ở miền Trung, đến Quảng Ngãi, cụ lâm bệnh, biết mệnh của mình khó qua khỏi, Huỳnh Thúc Kháng viết lời “vĩnh quyết”: "kêu gọi anh em các đảng phái, tôn giáo hãy đặt hết lòng tin tưởng vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng của dân tộc” như trong lá thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ đã bộc bạch:
 
“Bốn mươi năm ôm ấp Độc lập và Dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả".
 
Cụ Huỳnh Thúc Kháng từ trần ngày 21/4/1947 tại Quảng Ngãi. Nỗi thương cảm của nhân dân được Bác Hồ bày tỏ trong bài thơ điếu thống thiết, có đoạn:

“... Tháng Tư tin buồn đến - Huỳnh Bộ trưởng đi đâu - Trông vào Bộ Nội vụ - Tài đức tiếc thương nhau - Đồng bào ba chục triệu - Đau đớn lệ rơi châu”./.

Theo: quangnam.gov.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng 22/09/2020
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng 23/09/2020
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.