Hà Nội, Ngày 28/03/2024

Tỉnh Quảng Bình đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ để sắp xếp, bố trí công tác cho các đội viên

Ngày đăng: 19/05/2020   19:19
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 19/5/2020, Đoàn công tác của Bộ Nội vụ do ông Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ) làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình về kết quả triển khai thực hiện Đề án, đặc biệt là công tác bố trí, sử dụng đội viên Đề án tại 05 huyện nghèo thuộc tỉnh Quảng Bình (Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Minh Hóa và Lệ Thủy) sau khi Đề án đã kết thúc.

Làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nội vụ sáng ngày 19/5/2020 có ông Võ Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình; đại diện Tỉnh đoàn, Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình, lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, các xã thuộc phạm vi thực hiện Đề án; đại diện lãnh đạo một số cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình.

Ông Võ Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình báo cáo kết quả thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nội vụ.

Công tác triển khai thực hiện Đề án

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Thanh đã trình bày báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình về công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, theo đó Hội đồng tuyển chọn tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tuyển chọn được 15 đội viên có năng lực, tâm huyết nhất để tham gia Đề án, bố trí công tác tại các xã Thượng Hóa, Dân Hóa, Trung Hóa, Quy Hóa (huyện Minh Hóa) 04 đội viên; các xã Quảng Phú, Quảng Đông, Phù Hóa (huyện Quảng Trạch) 03 đội viên; các xã Mỹ Trạch, Phú Trạch (huyện Bố Trạch) 02 đội viên; các xã Hồng Thủy, Hưng Thủy, Ngư Thủy Bắc, Sen Thủy, Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy) 05 đội viên; xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) 01 đội viên. Trong tổng số 15 đội viên tham gia Đề án có: 03 đội viên phụ trách lĩnh vực Văn phòng – Thống kê, 02 đội viên phụ trách lĩnh vực Tư pháp – Hộ tịch; 04 đội viên phụ trách lĩnh vực Địa chính – Xây dựng – Nông nghiệp – Môi trường, 02 đội viên phụ trách lĩnh vực Văn hóa – Xã hội, 04 đội viên phụ trách lĩnh vực Tài chính – Kế toán.

Quá trình công tác tại các xã nghèo, các đội viên đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình tạo điều kiện để tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức về quản lý nhà nước, lý luận chính trị, công nghệ thông tin, học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài. Các đội viên đã nhanh chóng nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương, nhiệt tình, gắn bó với địa phương nơi công tác, chủ động tham mưu giúp Chủ tịch UBND xã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công phụ trách. Một số chương trình, đề án do các đội viên xây dựng và đề xuất triển khai thực hiện đã đem lại hiệu quả bước đầu như: Đề án nâng cao hiệu quả việc thu phí đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn xã Mỹ Trạch do đội viên Lê Thị Ngọc Hà đề xuất; Đề án nâng cao công tác quản lý thu ngân sách trên địa bàn xã Phú Trạch giai đoạn 2015-2018 do đội viên Nguyễn Thị Thùy Linh đề xuất; Đề án thí điểm mô hình thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Quảng Phú giai đoạn 2015-2018 do đội viên Nguyễn Như Cương đề xuất…  

Hàng năm, các đội viên đều được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi công tác đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau 05 năm công tác tại các xã, ngoài 01 đội viên là đảng viên trước khi tham gia Đề án 500 trí thức trẻ, đến nay đã có 11 đội viên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, 03 đội viên đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. 

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND các huyện, các xã thuộc phạm vi thực hiện Đề án đều đánh giá cao sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, hiệu quả công tác của các đội viên; đồng thời khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường trí thức trẻ có trình độ đại học về công tác tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở, các đội viên Đề án đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, gắn bó mật thiết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Đây chính là nguồn nhân lực có chất lượng đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện qua thử thách 05 năm công tác tại các xã nghèo và thực tế đã làm việc rất tốt và có hiệu quả, cần được bố trí, sử dụng hợp lý, để tránh lãng phí nguồn nhân lực cũng như ngân sách của Nhà nước đầu tư cho việc triển khai thực hiện Đề án.

Khó khăn trong việc bố trí, sử dụng và cam kết giải quyết “đầu ra” cho các đội viên

Tính đến thời điểm kết thúc Đề án (ngày 30/3/2020), các đội viên đều đã hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên UBND tỉnh Quảng Bình vẫn chưa bố trí được công việc cho 13/15 đội viên theo quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 2 Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Cũng kể từ thời điểm này, 13/15 đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tỉnh Quảng Bình chính thức bị chấm dứt hợp đồng lao động do Đề án kết thúc, nên không còn kinh phí để chi trả lương, bảo hiểm xã hội và các khoản phụ cấp khác cho các đội viên. 

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, đại diện chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình đã nêu lên những khó khăn trong việc bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ, bởi tỉnh Quảng Bình đang phải triển khai thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 862/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Bình. Qua rà soát, hiện nay tỉnh Quảng Bình đang dôi dư khoảng 300 cán bộ, công chức cấp xã so với định mức quy định. Do đó chưa thể bố trí công tác cho 13 đội viên Đề án 500 trí thức trẻ trong thời điểm hiện nay, nếu không có cơ chế đặc thù để tuyển dụng các đội viên này vào công chức.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Bình cũng cam kết và đề nghị Bộ Nội vụ sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài Đề án từ 02 đến 03 năm để tỉnh có thêm thời gian tổ chức rà soát, sắp xếp, bố trí công tác cho tất cả đội viên Đề án 500 trí thức trẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tránh lãng phí nguồn nhân lực có chất lượng, có kinh nghiệm 05 công tác tại cơ sở. Dự kiến trước mắt, sau khi tỉnh Quảng Bình chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp xã, sẽ có 03 đội viên được bố trí công tác (01 đội viên thuộc huyện Quảng Ninh và 02 đội viên thuộc huyện Quảng Trạch) do có một số cán bộ, công chức xã nghỉ hưu theo chế độ. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền ở Trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để tuyển dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ vào công chức cấp huyện trở lên khi đã hoàn thành nhiệm vụ, bởi căn cứ quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 6 Điều 25 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì đội viên Đề án 500 trí thức trẻ không thuộc đối tượng được xét chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên, do đội viên chưa phải là công chức cấp xã mà chỉ là thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo Đề án 500 trí thức trẻ. 

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy khẳng định: nếu không có cơ chế đặc thù để tuyển dụng đội viên vào công chức thì địa phương sẽ rất khó bố trí công tác cho các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ.

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND huyện Lệ Thủy – nơi có số đội viên đông nhất tỉnh Quảng Bình, để trực tiếp nghe lãnh đạo UBND huyện báo cáo tình hình thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ trên địa bàn huyện, cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đội viên – người trực tiếp thụ hưởng và thực hiện Đề án. 

Tại buổi làm việc, đội viên các xã thuộc phạm vi thực hiện Đề án trên địa bàn huyện Lệ Thủy khẳng định, luôn tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sẵn sàng tiếp tục cống hiến lâu dài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, các đội viên cũng thể hiện rõ những băn khoăn, lo lắng sau khi bị chấm dứt hợp đồng lao động do kết thúc Đề án; bày tỏ mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm, sớm tổ chức việc tuyển dụng, bố trí công tác cho các đội viên sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ tại các xã thuộc phạm vi Đề án; trường hợp địa phương chưa sắp xếp, bố trí được công việc ổn định cho đội viên thì các cấp có thẩm quyền ở Trung ương xem xét kéo dài thêm thời gian thực hiện Đề án để đội viên tiếp tục được làm việc, cống hiến và có thu nhập lo cho bản thân và gia đình. Các đội viên cũng đề nghị UBND huyện Lệ Thủy sớm giải quyết đầy đủ mọi chế độ, chính sách theo quy định sau khi kết thúc hợp đồng lao động với các đội viên để các đội viên có điều kiện trang trải cuộc sống, giảm bớt khó khăn cho bản thân và gia đình trong lúc "chờ đợi, hy vọng" địa phương bố trí, sắp xếp công việc.

Đội viên Phan Quang Đăng đã có 05 công tác tại xã Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy), phụ trách lĩnh vực Địa chính – Xây dựng – Nông nghiệp – Môi trường, là người có nhiều đóng góp xây dựng xã Hưng Thủy trở thành xã nông thôn mới năm 2019 bày tỏ băn khoăn, lo lắng sau khi bị chấm dứt hợp đồng lao động do kết thúc Đề án 500 trí thức trẻ.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan của tỉnh Quảng Bình và UBND các huyện thuộc phạm vi thực hiện Đề án, thay mặt Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, ông Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Đề án 500 trí thức trẻ đánh giá cao kết quả triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; qua báo cáo của Sở Nội vụ và ý kiến phát biểu của đại diện các sở, ngành, đoàn thể có liên quan của tỉnh Quảng Bình và đại diện lãnh đạo UBND các huyện, các xã, đặc biệt là những tâm tư, chia sẻ của đội viên các xã thực hiện Đề án cho thấy, việc triển khai Đề án 500 trí thức trẻ tại các xã nghèo trên cả nước là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong quá trình 05 năm thực hiện Đề án tại tỉnh Quảng Bình, các đội viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, hầu hết các đội viên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác và sự nhiệt huyết công hiến tuổi trẻ, đóng góp thiết thực vào việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các xã nghèo thuộc phạm vi Đề án trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Ông Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Đề án 500 trí thức trẻ phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Lệ Thủy.

Chia sẻ, ghi nhận những khó khăn của địa phương và những băn khoăn, lo lắng của các đội viên trong việc bố trí công tác, giải quyết việc làm sau khi kết thúc Đề án, Đoàn công tác sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của địa phương và các đội viên để sớm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Giám đốc Đề án 500 trí thức trẻ Doãn Đức Hảo cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đội viên, kịp thời động viên để các đội viên luôn có lập trường, tư tưởng vững vàng, không dao động, để kẻ xấu lợi dụng, kích động; Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình cần chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo UBND tỉnh có phương án ưu tiên trong việc sắp xếp, bố trí công tác phù hợp cho các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ để tạo niềm tin của thế hệ trẻ đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và hệ thống chính trị các cấp của tỉnh Quảng Bình nói riêng, bởi tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chủ trì bố trí, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đối với đội viên Đề án 500 trí thức trẻ sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục chung tay cùng tỉnh Quảng Bình để sớm đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn trong việc giải quyết “đầu ra” cho các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ, không để các đội viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn bị bỏ lại phía sau./.

Trí Đức

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ

Ngày đăng 19/01/2021
Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ngày 19/01/2021 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Chiến lược), Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567).

Những khó khăn trong việc bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 tại tỉnh Sơn La

Ngày đăng 31/12/2020
Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được triển khai thực hiện tại 34 tỉnh, nhằm tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở tạo cơ hội, điều kiện để trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, tạo nguồn cán bộ, công chức cho các địa phương.

Ninh Bình: Trí thức trẻ tiên phong, gương mẫu, tận tụy, sáng tạo

Ngày đăng 31/12/2020
Ngày 30/9/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1758/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500). Căn cứ trên nhu cầu của địa phương, sau khi tiến hành công tác tuyển chọn, tỉnh Ninh Bình đã lựa chọn được 06 trí thức trẻ, phân công về công tác tại 06 xã bãi ngang ven biển thuộc huyện Kim Sơn là các xã: Kim Mỹ, Cồn Thoi, Kim Tân, Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông. Trong đó có 04 đội viên phụ trách lĩnh vực Văn hóa – Xã hội, 02 đội viên phụ trách lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch.

Lâm Đồng: Hơn 85% tổng số đội viên được bố trí, tuyển dụng thành công chức cấp huyện

Ngày đăng 29/12/2020
Thực hiện Đề án "Thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” (Đề án 500) của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tuyển chọn được 07 trí thức trẻ đủ tiêu chuẩn, năng lực, trình độ, tăng cường về các xã nghèo thuộc huyện Đam Rông. Sau 05 năm thực hiện Đề án, tỉnh Lâm Đồng đã bố trí công tác cho 06/07 đội viên (chiếm tỷ lệ 85,7%).

Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ xã Đắk Som phát huy tốt vai trò tham mưu trong nhiều lĩnh vực

Ngày đăng 30/12/2020
Là 1 trong 6 đội viên trúng tuyển tham gia Đề án 500 trí thức trẻ của tỉnh Đắk Nông, đội viên Lại Văn Sang được phân công về công tác tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, bố trí thực hiện công việc của chức danh công chức Văn phòng - Thống kê xã Đắk Som. Trong quá trình công tác tại cơ sở, đội viên Lại Văn Sang đã phát huy tốt vai trò tham mưu trong nhiều lĩnh vực công tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.