Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Cống hiến to lớn của Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Ngày đăng: 29/05/2020   13:50
Mặc định Cỡ chữ
Bài viết này nêu bật những cống hiến to lớn của Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

1. Từ bỏ quan trường, ủng hộ Cách mạng tháng Tám

Cụ Phan Kế Toại sinh năm 1889 trong một gia đình quan lại ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội). Cụ học chữ Nho từ nhỏ, lớn lên ra Hà Nội học trong một trường Tây, sau đó vào học tại trường Hậu Bổ. Từ năm 1911 đến 1914 Cụ được chính quyền bảo hộ Pháp trao học bổng du học tại trường Hành chính thuộc địa Paris. Thời gian du học ở Paris Cụ may mắn được gặp Bác Hồ, Cụ hỏi: "Theo ý anh tôi có nên học ở trường này không?"; Bác nói ngay "Tôi cũng muốn xin vào học nhưng Tây không cho. Tôi muốn có kiến thức để sau này làm được việc cho đất nước. Tôi nghĩ rằng, anh nên theo học. Sau này nếu làm được việc gì tôi sẽ tìm anh". Ý tưởng học để giúp dân, cứu nước của Bác Hồ đã ảnh hưởng lớn đến con đường học hành và sự nghiệp của cụ Phan Kế Toại sau này.

Năm 1914, Cụ về nước và làm các chức quan từ Tri huyện đến Tổng đốc của các tỉnh: Hà Tây, Tuyên Quang, Kiến An, Hà Đông, Quảng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình. Bất kỳ ở đâu, làm gì Cụ cũng lấy chữ "liêm, chính", "an dân", đạo nghĩa nhân làm gốc. Cụ được Chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm giữ chức "Khâm sai đại thần" Bắc Bộ. Năm 1944, khi đương chức Tổng đốc Thái Bình, Cụ đã trao một tín phiếu 500 đồng bạc Đông Dương cho ông Nguyễn Công Liệu là cán bộ Việt Minh lúc đó làm Khâm sai Bắc Bộ để ủng hộ cách mạng. Tháng 7/1945, Cụ xin từ chức nhưng phải đến ngày 17/8/1945 Cụ mới được chấp nhận. Chính trong thời gian này, Cụ có điều kiện góp phần quyết định vào việc hạn chế đổ máu khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra tại Hà Nội. Mười giờ đêm ngày 17/8/1945, trước khi rời Bắc Bộ phủ Cụ đã ra lệnh cho một bảo an binh là Nguyễn Sỹ Là "Tuyệt đối không được nổ súng và phải mở cửa ngay khi quân cách mạng tiến công", hành động có ý nghĩa lịch sử ấy đã thể hiện tấm lòng vì dân, vì nước của Cụ.

Các thành viên Hội đồng Chính phủ kháng chiến ở Việt Bắc, năm 1951.

Trong ảnh, hàng ngồi từ trái qua phải: Linh mục Phạm Bá Trực, cụ Phan Kế Toại, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Tôn Đức Thắng, đồng chí Hoàng Đạo Thúy.
(Ảnh tư liệu BTLSQG)

2. Theo Bác Hồ, hết lòng vì sự nghiệp kháng chiến kiến quốc

Với tầm nhìn xa trông rộng, tài đức dùng người và thực hiện chủ trương đại đoàn kết, phát huy sức mạnh dân tộc cho cuộc kháng chiến kiến quốc lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời các nhân sĩ, trí thức yêu nước tham gia mặt trận Liên Việt và Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho người mang thư mời cụ Phan Kế Toại lên chiến khu Việt Bắc tham gia Chính phủ.

Nhận được thư, Cụ vô cùng cảm kích, nói với con trai mình "Cụ Hồ quả đúng là con người đức độ trước sau như một" và cùng gia đình lên chiến khu Việt Bắc.
Tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 09/11/1947, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng đã nhất trí cử Cụ Phan Kế Toại giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thay Cụ Tôn Đức Thắng nhận công tác khác. 

Từ đầu năm 1948, cơ quan Bộ Nội vụ chuyển đến đóng tại thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Thời điểm này cơ quan Bộ chỉ có khoảng 20 cán bộ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ bao gồm Văn phòng và các Nha. Bộ Nội vụ được Chính phủ và Hồ Chủ tịch giao kiêm nhiệm phụ trách rất nhiều công việc nội chính khác nhau, từ xây dựng, bảo vệ, theo dõi tổ chức và hoạt động của hệ thống chính quyền, bảo vệ an ninh, cho tới phụ trách tản cư, phụ trách Hoa kiều và kiều vụ, công tác thông tin tuyên truyền, vấn đề hàng binh và trại giam.v.v... Đó là các lĩnh vực công tác phức tạp, có nội dung và tính chất khác nhau, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm quản lý hành chính.  Trên cương vị Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Phan Kế Toại đã đề ra các giải pháp quan trọng để kiện toàn tổ chức và hoạt động của Bộ. Từ giữa năm 1948, Bộ Nội vụ bổ sung thêm một số cán bộ cho Nha Công chức Kế toán, Nha Pháp chính. Nhờ đó công tác của cơ quan Bộ đã được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Năm 1949, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cụ Phan Kế Toại, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu cải tổ toàn bộ cơ cấu tổ chức và cơ chế phân công nhiệm vụ, vận hành công việc của cơ quan Bộ, lấy việc kiện toàn Bộ làm thí điểm cho việc kiện toàn cơ cấu và cơ chế vận hành của các bộ khác theo yêu cầu của Chính phủ. Từ tháng 5/1949 toàn bộ cơ quan Bộ Nội vụ được tổ chức lại theo một cơ chế điều hành công việc mới, hợp lý hơn. Tất cả công việc của Văn phòng và các nha sự vụ đều được gộp lại và phân công cho các phòng. Cùng với việc tổ chức lại cơ quan Bộ, cách thức làm việc của mỗi cán bộ cơ quan Bộ Nội vụ cũng được đổi mới, chuẩn hóa và chính quy hơn. Nhờ có sự cải tiến về tổ chức và cơ chế điều hành, công việc của cơ quan Bộ Nội vụ thực hiện hiệu quả hơn. Mô hình tổ chức của Bộ Nội vụ được phổ biến và áp dụng cho nhiều bộ khác trong Chính phủ.

Từ đầu năm 1947 đến giữa năm 1950 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bộ Nội vụ đã tổ chức thành công di tản, di chuyển chiến lược, đảm bảo giữ gìn và duy trì tốt cơ sở vật chất tối quan trọng cho toàn bộ cuộc kháng chiến. Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác sơ tán, bảo đảm an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Trung ương trong chiến khu Việt Bắc. Đặc biệt, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Bộ Nội vụ, đứng đầu là cụ Phan Kế Toại đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân các cấp, góp phần quan trọng vào công cuộc kháng chiến kiến quốc. 

Ngay từ buổi đầu thành lập chính quyền cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ liên hiệp kháng chiến xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và chế độ công vụ của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bộ trưởng Phan Kế Toại đã chỉ đạo nghiên cứu trình Hồ Chủ tịch ký ban hành Sắc lệnh số 188/SL ngày 29/5/1948 quy định về chế độ công chức mới và đặt một thang lương chung cho các ngạch lương và các hạng công chức Việt Nam; Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành quy chế công chức Việt Nam. Các sắc lệnh này là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng một nền hành chính dân chủ, một chế độ công vụ phục vụ nhân dân, một đội ngũ công chức nhà nước thực sự là công bộc của nhân dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. 

Ngày 14/3/1950, Bộ trưởng Phan Kế Toại trực tiếp ký ban hành Nghị định số 97-NV/2 và Nghị định số 98-NV/2 quy định về mở một kỳ thi tuyển cán sự hành chính tập sự và tham sự. 

Cũng trong thời kỳ kháng chiến, Bộ Nội vụ còn được giao phụ trách công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự trị an. Để hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện có chiến tranh, Bộ trưởng Phan Kế Toại đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng lực lượng công an cách mạng vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tinh thông về nghiệp vụ, vững vàng về bản chất chính trị trong xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân. Cụ đã trực tiếp ký ban hành Nghị định số 438/NĐ, ngày 10/10/1950 về tổ chức Ban Công an xã.  Ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Chính phủ liên hiệp kháng chiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại còn tích cực tham gia trong Hội đồng Quốc phòng tối cao. Hội đồng Quốc phòng tối cao có nhiệm vụ đặc biệt là nghiên cứu kế hoạch kháng chiến toàn diện, đệ trình Chính phủ duyệt y và thực hiện kế hoạch đó. Hội đồng Quốc phòng tối cao được Chính phủ ủy quyền giải quyết những vấn đề khẩn cấp liên quan đến quốc phòng.

Thu đông năm 1950 là thời điểm quan trọng đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, chúng ta chuyển sang thế tiến công, tiến tới giành thắng lợi quyết định trên chiến trường. Thời kỳ này, Bộ Nội vụ đứng đầu là Bộ trưởng Phan Kế Toại tiếp tục tham mưu cho Chính phủ kiện toàn bộ máy chính quyền từ trung ương tới địa phương, đề xuất các giải pháp quan trọng củng cố chính quyền cách mạng, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng hậu phương kháng chiến vững mạnh. Bộ máy chính quyền cấp xã được Bộ Nội vụ chú trọng. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Phan Kế Toại, Bộ đã dành nhiều công sức nghiên cứu, hướng dẫn và đề ra các biện pháp củng cố chính quyền xã nói riêng, chính quyền các cấp nói chung. Bộ trưởng Phan Kế Toại đã chỉ đạo nghiên cứu ban hành các thông tư: Thông tư số 03/TC-TT ngày 27/02/1953 ấn định các nguyên tắc về tổ chức chính quyền ở các thị xã, thị trấn; Thông tư số 03/TC-TT ngày 16/02/1954 ấn định các nguyên tắc về tổ chức chính quyền ở các thị xã và thị trấn; Thông tư số 12/HX-TT ngày 16/12/1954 về chỉnh đốn chính quyền huyện. 

Cùng với việc tham mưu đề xuất xây dựng củng cố chính quyền các cấp giai đoạn từ cuối năm 1950 đến tháng 12/1954, Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo các quy định tại Quy chế công chức Việt Nam. Bộ trưởng Phan Kế Toại đã chỉ đạo nghiên cứu và trực tiếp ký ban hành Thông tư số 40/NV6-TT ngày 15/10/1950 về thăng thưởng cho công chức nhân ngày 01/05/1950; Nghị định số 357-NV/6 ngày 20/10/1950 về việc uỷ quyền quản trị những công chức thuộc Bộ Nội vụ cho Ủy ban Kháng chiến- Hành chính liên khu; Thông tư số 52/NV6-TT ngày 09/11/1950 thi hành kỷ luật đối với công chức phạm lỗi; Thông tư số 56/NV6-TT ngày 01/11/1950 về việc cho công chức thôi việc được hưởng một khoản trợ cấp; Thông tư số 5/NV2A-TT ngày 02/02/1951 quy định đặt huy hiệu công chức kháng chiến... Đó là những đóng góp quan trọng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại trong việc xây dựng nền công vụ và chế độ công chức phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân, đặt nền móng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và chế độ công vụ của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà. 

Sau Hiệp định đình chiến, Bộ Nội vụ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Phan Kế Toại đã tham mưu cho Chính phủ và Hồ Chủ tịch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhanh chóng tiếp quản Thủ đô, tiếp quản vùng giải phóng, góp phần ổn định chính trị, ổn định chính quyền và đời sống nhân dân, tạo cơ sở để nước ta bước sang giai đoạn lịch sử mới khôi phục kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất, đấu tranh thống nhất nước nhà.

3. Tiếp tục đóng góp công sức xây dựng chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Ngày 20/9/1955, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa I, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kiện toàn Chính phủ, cụ Phan Kế Toại được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cũng trong tháng 9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ Phan Kế Toại được cử tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Phan Kế Toại đã lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện tốt các nhiệm vụ Chính phủ giao. Đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, chỉnh đốn chính quyền nông thôn vững mạnh, xây dựng chính quyền các khu tự trị, góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ, xây dựng chính quyền thành thị... góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển trong giai đoạn cách mạng mới.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định số 168/NĐ/TTg ngày 31/03/1958 thành lập Ủy ban Kiện toàn tổ chức Trung ương, Khu, Thành, Tỉnh. Đặc biệt, đã tham mưu giúp Hội đồng Chính phủ trình Quốc hội khóa I thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương; trình Quốc hội khóa II thông qua Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (năm 1960), tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức bộ máy hành chính ở trung ương cũng như ở địa phương. 

Trong công tác cán bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại đã chỉ đạo xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật, các chế độ chính sách về cán bộ, về xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đóng góp quan trọng của cụ Phan Kế Toại là đã chỉ đạo thành lập Học viện Hành chính, tiền thân của Học viện Hành chính Quốc gia ngày nay.

Trong giai đoạn này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại còn chỉ đạo sâu sát tập trung giải quyết những vấn đề về kiện toàn, điều chỉnh bộ máy hành chính gọn nhẹ, thông suốt và tinh giản biên chế; chỉ đạo tổ chức bầu cử HĐND các cấp, góp phần xây dựng chính quyền nhà nước, hướng dẫn tổ chức, quản lý hội, bảo đảm quyền tự do dân chủ, thực hiện công tác dân chính, quản lý hộ tịch, hộ khẩu và các lĩnh vực công tác nội vụ khác.

Từ năm 1961 đến 1965, nước ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Bộ Nội vụ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có nhiệm vụ quản lý công tác tổ chức và dân chính theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Phan Kế Toại tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, sửa đổi lề lối làm việc, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ quan nhà nước các cấp, quản lý công tác Việt kiều, quản lý nhà đất, địa giới hành chính, lập hội, tổ chức phi chính phủ; xây dựng, hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, bộ đội chuyển ngành.v.v... Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 11/1947 đến tháng 4/1963, cụ Phan Kế Toại đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Bộ, ngành Nội vụ ngày một vững mạnh, xứng đáng là một bộ trụ cột trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ, tham mưu giúp Chính phủ thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng có tính chất nội trị của quốc gia.

Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ liên tục hai nhiệm kỳ phụ trách các lĩnh vực công tác nội vụ nội chính, Cụ Phan Kế Toại đã tích cực tham gia trong các hoạt động của Chính phủ. Với kiến thức được đào tạo bài bản, hệ thống, trí tuệ uyên thâm, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, với đức độ và tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Cụ đã tham mưu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ xây dựng nền hành chính và chế độ công vụ của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, góp phần tích cực vào việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử Đảng và nhân dân giao phó. Công lao đóng góp to lớn của Cụ đã được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận, Cụ đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Đại đoàn kết.

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ (28/8/1945 - 28/8/2020), ôn lại những cống hiến to lớn của cụ Phan Kế Toại cho dân, cho nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Nội vụ luôn tự hào về một vị Bộ trưởng đáng kính đã làm vẻ vang truyền thống của Bộ Nội vụ./.

Bài đăng trên Tạp chí Tổ chức nhà nước số 8/2013 

--------------------------------

Tài liệu tham khảo: 

1. Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập 1 (1945-1955), tập 2 (1955-1976), Nxb CTQG, H.2005.

2. Biên niên lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945- 2005, tập 1 (1945-1954), tập 2 (1955- 1975).

3. Việt Nam dân quốc, công báo các số 1948, 1949, 1950, 1951.

4. Công báo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1952, 1953, 1954.

5. Lịch sử Bộ Nội vụ, Nxb CTQG, H. 2005.

6. Biên niên lịch sử Bộ Nội vụ, Nxb Đại học Sư phạm, H. 2005.

7. GS. NGND Nguyễn Lân Dũng, Hồ Chủ tịch - linh hồn của tư tưởng đại đoàn kết (13/01/2011).

8. Nguyễn Túc, Phan Kế Toại một nhân sĩ yêu nước.

9. Ngọc Minh, Chuyện hai Cụ Nguyễn Ái Quốc và Phan Kế Toại, báo QĐND, thứ 7, 05/9/2009, tr.9,13.

10. Văn Tất Thu, Quan điểm và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 5/2010.

 

PGS.TS Văn Tất Thu

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng 22/09/2020
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng 23/09/2020
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.