Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công của tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày đăng: 13/05/2020   16:04
Mặc định Cỡ chữ
Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là khảo sát xã hội học lớn tại Việt Nam, được xem là công cụ đánh giá mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp dựa trên trải nghiệm, đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI là thước đo để xác định mức độ cải cách của từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính quyền, do đó thường xuyên đổi mới phương thức quản lý để góp phần nâng cao chỉ số PAPI của các cơ quan nhà nước là yêu cầu tất yếu khách quan.

Tại Việt Nam, chỉ số PAPI được thực hiện từ năm 2009, bao gồm 6 chỉ số nội dung, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công, với 22 chỉ số nội dung thành phần và hơn 90 tiêu chí thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công. Từ năm 2018, chỉ số PAPI được đánh giá thêm 2 chỉ số nội dung, gồm: Quản trị môi trường và Quản trị điện tử. Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong những năm qua, chỉ số PAPI vẫn nằm trong nhóm đạt điểm trung bình thấp của cả nước. Thực tế này, đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền các cấp, xây dựng nền hành chính phục vụ, tất cả vì lợi ích của người dân.

Thực hiện nhiều giải pháp, kế hoạch phù hợp

Với quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, cải thiện chỉ số PAPI của tỉnh. Hàng năm, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong công tác điều hành, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động để phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp. Ngay sau khi nhận được kết quả chỉ số PAPI do Trung ương công bố, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh trong năm tiếp theo; trong đó, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt để huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, mặt trận, đoàn thể trên địa bàn. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là việc cung ứng dịch vụ hành chính công; rà soát, chuẩn hoá, công bố bộ thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức...

Tuy nhiên, một số nội dung thành phần chỉ số PAPI của các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai đã được người dân ghi nhận, nhưng còn một số việc chưa đáp ứng tốt. Những nội dung thường có điểm thấp như: trục nội dung về công khai, minh bạch, nhất là công khai, minh bạch các khoản thu, chi ngân sách cấp xã, phường, kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất chưa tốt. Điểm số của trục nội dung về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất. Nguyên nhân là do chính quyền một số cơ sở chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân; hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, trục nội dung về TTHC công, một số địa phương chưa thường xuyên cập nhật thủ tục mới ban hành; còn tình trạng niêm yết, công khai TTHC theo quyết định công bố cũ.v.v.

Để cải thiện và nâng cao thứ hạng chỉ số PAPI hàng năm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với hành động quyết liệt nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ. Ngoài việc phát huy những kết quả đạt được, đã chú trọng vào những nội dung mà có điểm số thấp nhằm nâng cao hơn nữa mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, cũng như các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Đồng thời, lựa chọn các địa phương tiến hành điều tra, khảo sát các nội dung đạt điểm thấp để nâng cao vị trí xếp hạng.

Nhiệm vụ được chú trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đây là yêu cầu cấp thiết nhằm đưa các thông tin quản lý, điều hành của chính quyền đến tận cơ sở, qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, với các nội dung như: Pháp lệnh dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn; trong đó, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trên thực tế, người dân được tiếp cận thông tin thông qua sự công khai, minh bạch của chính quyền. Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động của chính quyền cơ sở, đây vừa là yêu cầu theo luật định, vừa là giải pháp hữu hiệu để tuyên truyền về các hoạt động của cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, trong công tác điều hành để hướng đến một nền hành chính phục vụ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng thành công chính quyền điện tử trên nền tảng phát triển mạnh mẽ dịch vụ đô thị thông minh. Dịch vụ đô thị thông minh được cung cấp cho người dân chủ yếu qua Cổng dịch vụ đô thị thông minh và ứng dụng di động (Hue-S, Hue-G) theo hướng dùng chung và duy nhất một địa chỉ cho toàn bộ các dịch vụ. Khi sử dụng dịch vụ, người dân có thể tương tác thông qua ứng dụng toàn diện như: phản ánh các vấn đề bất cập của xã hội, chuyển tải các câu hỏi cần giải quyết cho cơ quan nhà nước và việc đánh giá chất lượng cung cấp các dịch vụ.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tổ chức triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường tại địa chỉ website: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn. Hệ thống sẽ tiếp nhận và xử lý toàn bộ thông tin về các vấn đề bất cập trong xã hội, chất lượng các dịch vụ trong quá trình ứng dụng của người dân... Toàn bộ công tác xử lý phản ánh theo định hướng sẽ được công khai, thông qua đó người dân có thể tương tác, trao đổi, đưa ra ý kiến với cách giải quyết của cơ quan nhà nước.

Việc xây dựng và hoàn thiện các Trung tâm Hành chính công từ tỉnh đến huyện cũng là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công ở địa phương; trong đó chú trọng hơn về kỹ năng tiếp xúc với người dân trong thực thi công vụ, năng lực thừa hành nhiệm vụ và cung ứng dịch vụ công cho người dân, thực hiện tốt phương châm “Thân thiện - Đúng hẹn - Đơn giản”; “trách nhiệm giải trình” không ngừng được cải thiện. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cấp chính quyền, thúc đẩy thực hiện TTHC liên thông giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; đảm bảo số hóa, tạo lập hồ sơ điện tử và lưu vết toàn bộ hồ sơ được tiếp nhận tại trung tâm, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; đảm bảo việc giám sát, theo dõi quá trình tiếp nhận, xử lý và hoàn trả nhanh, gọn, công khai, minh bạch, giảm chi phí thực hiện TTHC; tăng cường tính liên thông trong giải quyết TTHC cũng như đánh giá mức độ hài lòng, các chỉ số, năng lực cạnh tranh của địa phương... tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Để góp phần đổi mới về phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo lập môi trường làm việc thống nhất, thuận tiện, văn minh, hiện đại, công khai, minh bạch, cải thiện chất lượng công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các quy định và đề ra các giải pháp cụ thể áp dụng tại Trung tâm Hành chính công các cấp, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC ở các cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Phải có thái độ lịch sự, tôn trọng cấp trên, tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng; không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới; gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử,…

Thực hiện việc đánh giá mức độ hài lòng của công dân, tổ chức thông qua Phiếu đánh giá bằng giấy hoặc Hệ thống đánh giá mức độ hài lòng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Đây là cơ sở để xem xét đánh giá và xếp loại công chức hàng tháng, hàng quý và hàng năm.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ, nhất là việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, thái độ giao tiếp, phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Đối với chính quyền cơ sở, để góp phần nâng cao điểm số còn thấp thuộc các nội dung thành phần của chỉ số PAPI, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện niêm yết, công khai, minh bạch kịp thời các quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, khung giá đất, các quy định, chính sách liên quan đến đền bù, hỗ trợ, giải tỏa, tái định cư,... để người dân biết, tiếp cận, thực hiện và giám sát. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Do đó, chỉ số về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân được cải thiện theo hướng tích cực.

Xác định nâng cao chỉ số PAPI là “tấm gương soi chiếu”

Kết quả công bố chỉ số PAPI năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bước tăng mạnh mẽ, nằm trong nhóm các địa phương có điểm số cao nhất, vươn lên xếp thứ 5 toàn quốc (tăng tới 38 bậc so với vị trí 43 của năm 2018).

Trong 8 chỉ số thành phần được đánh giá của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019, trong đó: chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 5,24 điểm; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định đạt 5,29 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân đạt 5,46 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6,72 điểm; thủ tục hành chính công đạt 7,20 điểm; cung ứng dịch vụ công đạt 7,52 điểm; quản trị môi trường đạt 4,11 điểm và quản trị điện tử đạt 4,31 điểm.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, người dân tham gia khảo sát chỉ số PAPI năm 2019 có xu hướng hài lòng hơn với nỗ lực mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng lớn và tham nhũng vặt ở tất cả các cấp chính quyền. Những nỗ lực trong đơn giản hóa TTHC và quy trình xử lý hồ sơ, mở rộng cung ứng dịch vụ công qua mạng internet vẫn chưa thu hút thêm nhiều người sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương hay giúp người dân hài lòng hơn như mong đợi.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, kết quả chỉ số PAPI 2019 đến từng nội dung thành phần cho thấy, mỗi địa phương đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Không có địa phương nào thuộc trong nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung. Kết quả so sánh 6 chỉ số (trước đây) lĩnh vực nội dung không thay đổi qua 2 năm 2018 - 2019 hàm chứa một số thông điệp quan trọng đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Chẳng hạn, chỉ có hai tỉnh Bến Tre và Thừa Thiên Huế có những bước tiến đáng kể trong thực hiện chính sách khuyến khích sự tham gia chủ động của người dân ở cấp cơ sở.

Ngay sau khi kết quả PAPI 2019 được công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, không bất ngờ về kết quả đạt được, đồng thời cho rằng tỉnh đã có lộ trình và bước đi phù hợp để đạt được kết quả tăng bậc mạnh mẽ. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định dữ liệu và thông tin thực chứng từ chỉ số PAPI cho thấy bức tranh thực tế về hiệu quả của các cấp chính quyền trong đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người dân. Chỉ số PAPI đóng vai trò là “tấm gương” giúp chính quyền tỉnh soi chiếu lại hoạt động trong một năm, đồng thời tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh, văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương.

Từ những kết quả đạt được trong năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh sẽ tập trung xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị tại địa phương và sự đồng tình hưởng ứng của người dân, góp phần nâng cao các chỉ số đánh giá mức độ cải cách phương thức điều hành kinh tế - xã hội, trong đó, trọng tâm là các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số thước đo mức độ phát triện về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số PAPI.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, bên cạnh những giải pháp liên quan đến công tác cải cách hành chính nhà nước; đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ quan, đơn vị; mở rộng sự công khai, minh bạch, tạo cơ hội để người dân nắm được các công việc của cơ quan hành chính để tham gia một cách chủ động, thiết thực, có hiệu quả. Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với hệ thống chính sách, dịch vụ công, hoạt động của các cơ quan nhà nước. Sử dụng tốt hơn các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước và thu thập, phản ánh các ý kiến đóng góp, tham gia của người dân.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình đô thị thông minh, trong đó chú trọng phát triển các nền tảng kỹ thuật và dịch vụ để giúp người dân thuận tiện tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước của địa phương nói chung, của cộng đồng dân cư nói riêng, đảm bảo mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung trong quá trình hội nhập và phát triển./.

 

Bạch Chơn Đông - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế
 

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

PAR INDEX năm 2023: Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ

Ngày đăng 17/04/2024
Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ trong bảng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đạt 87.04%. Dẫn đầu là Bộ Tư pháp, đạt 89.95% và đứng cuối bảng là Bộ Công Thương, đạt 78.03%.

Công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023). 

Thực trạng và giải pháp xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị

Ngày đăng 15/04/2024
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng chính quyền số là một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian quan, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Bộ Nội vụ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày đăng 08/04/2024
Tiếp Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Phan Văn Mãi nhấn mạnh, buổi làm việc với Đoàn công tác là rất quan trọng, giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong đặc thù của Thành phố; cũng như thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại Thành phố thời gian tới.

Đồng Nai: Đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trả hồ sơ, trễ hạn

Ngày đăng 05/04/2024
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký ban hành Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm công vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.