Hà Nội, Ngày 29/03/2024

Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước ở Việt Nam

Ngày đăng: 10/03/2020   14:17
Mặc định Cỡ chữ
Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo của các cơ quan nhà nước để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là việc xây dựng nền tảng hệ giá trị nhằm thúc đẩy sự đam mê, khát vọng, động lực kinh doanh, sự tự tin, biết chấp nhận rủi ro để bắt đầu một sự nghiệp, phát triển sản phẩm mới, thị trường mới; nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi cá nhân, tổ chức đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

1. Tinh thần khởi nghiệp và văn hoá đổi mới sáng tạo

Tinh thần khởi nghiệp (entrepreneurship) là thuật ngữ xuất hiện đã lâu trên thế giới nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam, mặc dù trên thực tế ở Việt Nam đã có rất nhiều người khởi nghiệp thành công. Hầu hết các tác giả đều cho rằng “tinh thần khởi nghiệp - tinh thần kinh doanh” (entrepreneurship) gắn với khái niệm “doanh nhân” (entrepreneur). Gần đây có một khái niệm khởi nghiệp khác ra đời, đó là quốc gia khởi nghiệp (start-up nation). Quốc gia khởi nghiệp được hiểu như là tinh thần khởi nghiệp của các quốc gia non trẻ mà bản thân nó lúc nào cũng trong giai đoạn khởi nghiệp, là nơi có rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp như ở Israel, Singapore, Hoa Kỳ…

Tinh thần khởi nghiệp được bắt nguồn từ những ý tưởng sáng tạo, ý chí, khát vọng, niềm đam mê, hoài bão, được ấp ủ và trở thành động lực để thực hiện khát vọng và đam mê khi bắt đầu một công việc nào đó. Những yếu tố cốt lõi của tinh thần khởi nghiệp bao gồm: 1) Khả năng nắm bắt cơ hội mới; 2) Thái độ chấp nhận rủi ro; 3) Có ý tưởng đổi mới sáng tạo. Như vậy, đặc trưng nổi bật của “tinh thần khởi nghiệp” là: 1) Hoài bão và khát vọng bắt đầu một công việc; 2) Năng lực tạo cơ hội mới; 3) Có đầu óc quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm; 4) Có nhiều ý tưởng, tư duy đổi mới sáng tạo, luôn đổi mới phương pháp giải quyết vấn đề; 5) Có sự bền bỉ, thận trọng và chấp nhận rủi ro; 6) Có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội.

Ở Việt Nam, sự tự tin về năng lực khởi đầu một sự nghiệp thường tỷ lệ thuận với độ tuổi, biểu hiện qua kết quả khảo sát thực tiễn như sau: tỷ lệ thanh niên (từ 18 đến 34 tuổi) nhận thức có động lực và tinh thần khởi nghiệp là 52% tổng số phiếu được hỏi, trong khi tỷ lệ này ở trung niên (từ 35 đến 64 tuổi) chiếm 66,5%. Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến mất động lực và không có tinh thần khởi nghiệp, có 55% số người được hỏi trả lời là do “thủ tục hành chính của Nhà nước còn rườm rà, rắc rối”; 45% trả lời do “Nhà nước chưa có nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp”; 65% trả lời do “hành vi, thái độ ứng xử của các công chức nhà nước còn nhiều phiền hà, sách nhiễu”; 70% trả lời do “chính sách thuế của Nhà nước chưa chú trọng ưu tiên, khuyến khích cho khởi nghiệp kinh doanh”. Về sự nhanh nhạy và nhìn nhận cơ hội kinh doanh, có 59% thanh niên được hỏi nhận thấy có cơ hội kinh doanh, trong khi ở nhóm lứa tuổi trung niên là 53,5%. Tỷ lệ thanh niên lo sợ thất bại trong kinh doanh là 45,0%, ở người trung niên là 48,5%(1).

Đổi mới sáng tạo chính là quá trình biến các ý tưởng thành giá trị được chấp nhận trên thực tiễn. Văn hóa là tổng thể những giá trị tốt đẹp nhất của con người, ở đó các giá trị tinh thần cao cả được thẩm thấu, lắng đọng và tôn lên những vẻ đẹp riêng của con người. Nói đến văn hóa là nói đến sáng tạo. Đổi mới mang tính văn hóa là thay đổi có sự tiến bộ về chất và đem lại giá trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng nhất: “Vì lẽ sinh tồn cũng như vì mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và của phương tiện, phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(2). Tổng Giám đốc UNESCO, Federico Mayor cho rằng: “Văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”(3).

Nhìn từ góc độ chủ thể văn hoá, có thể chia thành các yếu tố văn hoá cá nhân, văn hóa tổ chức và văn hoá cộng đồng. Văn hóa quản lý nhà nước là văn hóa tổ chức, thực thi quyền lực nhà nước, được pháp luật điều chỉnh để tiến hành quản lý các công việc có tính chuyên ngành và phục vụ lợi ích công.

Hệ thống các giá trị văn hoá đổi mới sáng tạo trong cơ quan nhà nước thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là kết quả của phương thức ứng xử của cơ quan nhà nước đem lại giá trị cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các phương thức này được xem là phù hợp, có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hệ thống giá trị văn hoá đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp được cấu thành bởi các yếu tố như: truyền thống, hiện đại, trình độ học vấn, trình độ văn hóa, tất cả các yếu tố này đều phải vươn tới hệ giá trị “chân, thiện, mỹ”, được mô tả bằng sơ đồ dưới đây:

 

2. Giải pháp phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước để góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam

2.1. Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo là xây dựng giá trị “cái chân”- thể hiện tính “nhân bản” trong các cơ quan nhà nước

Một là, cần xây dựng giá trị “cái thật” thông qua việc hình thành tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên ngay từ khi còn trong trường học, ý chí tự chủ, tự lập của con người phải được học ngay từ nhỏ. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là nơi đầu tiên cần phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo bằng cách xây dựng giá trị “cái thật” thông qua cải cách phương pháp giáo dục từ phổ thông đến đại học theo hướng gắn lý thuyết với thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp như là điều kiện tiên quyết để bản thân mỗi người hình thành ý chí tự thân lập nghiệp. Xây dựng giá trị “cái thật” để tránh tình trạng một số cán bộ, công chức “ngồi nhầm chỗ”, năng lực chưa tương xứng với vị trí đảm nhiệm.

Hai là, “cái chân” là biểu hiện của giá trị chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Chuẩn mực văn hoá đổi mới sáng tạo trong các cơ quan quản lý nhà nước là các quy tắc, các cách thức cụ thể quy định rõ công chức nên ứng xử như thế nào đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp để tạo động lực, niềm đam mê và khát vọng cho phong trào khởi nghiệp ngày càng lan rộng. Mặt khác, công chức phải biết lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu của nhân dân, xuất phát từ mối quan hệ đạo đức của công chức là “trung với nước, hiếu với dân”, trong đó chữ “hiếu” phải được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật với mục tiêu chăm lo cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu kinh doanh khởi nghiệp, từ đó có những chính sách và hành vi ứng xử phù hợp để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong nhân dân.

Ba là, “cái chân” là biểu hiện giá trị của tri thức khoa học trong hoạt động của nhà nước. Hiện nay tài sản vô hình ở các cơ quan nhà nước bao gồm các yếu tố mang tính tri thức khoa học như: thông tin khoa học - công nghệ, khoa học tổ chức bộ máy và nghệ thuật quản lý, sự tín nhiệm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với công chức. Khả năng phát triển của trí tuệ, của khoa học - công nghệ là điều kiện giải phóng sức lao động và phát triển con người.

Do vậy, một cơ quan nhà nước được coi là có văn hóa đổi mới sáng tạo khi ở đó có những chính sách tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên cơ sở tôn trọng những giá trị cá nhân của con người. Có tôn trọng giá trị riêng của mỗi cá nhân, tổ chức thì mới có giá trị đổi mới sáng tạo. Đồng thời, việc tổ chức lao động khoa học ở cơ quan nhà nước là thể hiện trình độ văn hóa cao. Việc bố trí phòng làm việc, nơi tiếp doanh nghiệp đến làm thủ tục kinh doanh khang trang, lịch sự cũng là biểu hiện cho thấy công chức làm việc ở đó có trình độ tri thức khoa học cao.

Chính sách hỗ trợ điều kiện vật chất cho doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là biểu hiện của giá trị tri thức khoa học. Để tạo động lực và tinh thần khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam, điều kiện vật chất là một trong những điều kiện quyết định cho khởi nghiệp thành công. 

2.2. Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo là xây dựng giá trị “cái thiện” - thể hiện tính “nhân ái” trong cơ quan nhà nước

Một là, “cái thiện” thể hiện ở lương tâm của công chức khi giải quyết công việc với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Văn hóa đổi mới sáng tạo trong cơ quan nhà nước là chiếc nôi nuôi dưỡng giá trị “cái thiện” với hệ thống giá trị của cái tốt, của lương tâm, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của mỗi công chức trong thực thi công vụ. Thiếu nền tảng tinh thần cầu tiến, lành mạnh thì không có sự phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững. Vì vậy, cần vận dụng các yếu tố văn hoá đổi mới sáng tạo trong cơ quan nhà nước để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cụ thể: tạo ra hệ thống khuyến khích, xây dựng bầu không khí giao tiếp thoải mái, có thái độ lịch sự, tôn trọng khi các doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính.

Hai là, “cái thiện” thể hiện ở đạo đức của công chức khi giải quyết công việc với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các giá trị đạo đức là hệ giá trị dành cho sự phân biệt cái đúng, cái sai trong các mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp khởi nghiệp. Bản chất của đạo đức xuất phát từ lương tâm của con người biết yêu cái tốt, ghét cái xấu, tôn trọng, không sách nhiễu, không gây phiền hà cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Vì vậy, nói đến giá trị đạo đức trong văn hoá đổi mới sáng tạo của cơ quan nhà nước, trước tiên phải quan tâm: 1)Xây dựng các chuẩn mực đạo đức công chức ở dạng nội quy; 2) Vận dụng thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức ở dạng nội quy; 3) Đấu tranh có lý, có tình trước các biểu hiện vi phạm.

Ba là, “cái thiện” thể hiện ở sự bình đẳng và công bằng của công chức khi giải quyết công việc với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo cần thực hiện sự bình đẳng về lợi ích giữa các thành phần kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Trong xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta xác định mục tiêu hàng đầu là: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo động lực và đam mê cho các cá nhân tham gia khởi nghiệp ở mọi thành phần kinh tế, bình đẳng, công bằng là hệ giá trị cốt lõi xuyên suốt hệ giá trị của văn hóa đổi mới sáng tạo.

2.3. Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo là xây dựng giá trị “cái mỹ” - thể hiện tính “nhân văn” trong cơ quan nhà nước

Một là, “cái mỹ” thể hiện là cái đẹp ở hành vi của công chức khi giải quyết công việc với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Năng lực sáng tạo “cái đẹp”, sự cảm nhận và thưởng thức “cái đẹp” là đỉnh cao của văn hóa đổi mới sáng tạo trong cơ quan nhà nước để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Giá trị của “cái mỹ” là kết quả cuối cùng của “cái chân” và “cái thiện”. Cái đẹp được biểu hiện trong văn hóa công sở thể hiện vẻ đẹp trên thực tế của hành vi, ngôn ngữ ứng xử, lời nói, ánh mắt, cử chỉ, nụ cười thân thiện của công chức khi giải quyết công việc đối với doanh nghiệp.

Cùng với nhu cầu hiểu biết ngày càng cao là nhu cầu hướng tới cái đẹp ngày càng lớn. “Mỹ” là biểu hiện của “cái đẹp”, nói đến văn hóa đổi mới sáng tạo là nói đến năng lực sáng tạo cái đẹp. C.Mác coi nhu cầu về cái đẹp là dấu hiệu để phân biệt con người với động vật: “Bản chất con người là biết nhào nặn hiện thực theo quy luật cái đẹp... Sự cảm nhận và thưởng thức cái đẹp giúp cho việc giải phóng con người, giải phóng sức lao động, thủ tiêu mọi sự kìm hãm”.

Hai là, “cái mỹ” thể hiện là cái đẹp vật chất của công chức khi giải quyết công việc với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cái đẹp vật chất là thể hiện ở trang phục, ăn mặc, việc bố trí trụ sở làm việc khoa học, văn minh, khang trang, sạch đẹp, thuận tiện, đủ ánh sáng, trang trí, cây cảnh.v.v… Cách bố trí phòng làm việc thể hiện văn hóa công sở minh bạch, lịch sự, trang trọng của nơi công quyền. Tất cả “cái đẹp” đó được con người sao chụp được trên thực tế thông qua năm giác quan của con người; có thể nói đó là những vẻ đẹp vật chất mà con người cảm nhận và thưởng thức được, đó chính là vật thể hóa các giá trị tinh thần.

Nhu cầu vươn tới cái đẹp của văn hoá đổi mới sáng tạo trong cơ quan nhà nước là một trong những động lực quan trọng tạo ra sự tiến bộ về vật chất và tinh thần cho khởi nghiệp. Văn hoá đổi mới sáng tạo còn hướng con người tới cái đẹp của tâm hồn, đó là cái đẹp vô giá mà chỉ có những tấm lòng chân thật và trái tim yêu thương đồng loại và chia sẻ với doanh nghiệp thì mới có thể cảm nhận được.

Việc phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong cơ quan nhà nước để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là sự gắn kết của những yếu tố truyền thống với hiện đại, trình độ học vấn với trình độ văn minh - tạo thành hệ giá trị của văn hóa đổi mới sáng tạo mà nơi đó các cơ quan nhà nước không ngừng đổi mới chính sách, pháp luật, thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp. Các chính sách, quyết định quản lý có văn hóa đổi mới sáng tạo phải góp phần giải phóng con người, giải phóng sức lao động và thủ tiêu mọi sự kìm hãm đối với doanh nghiệp khởi nghiệp./.

--------------------------------------------------------------

Ghi chú:

(1) Nguồn: Kết quả khảo sát đề tài cấp bộ số 05/HĐ-ĐT/VCLCS.19.20 năm 2019.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG-ST, H.1995, tr.413.

(3) F.Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO (theo tài liệu của Ủy ban Quốc gia Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa).

 

PGS.TS Đào Thị Ái Thi - Viện Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực 
 

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.

Tỉnh Nghệ An phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày đăng 21/03/2024
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp công tác tôn giáo, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động; tích cực đóng góp các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.

Sự đa dạng của thực tiễn ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật - một số đề xuất

Ngày đăng 07/03/2024
Văn bản quy phạm pháp luật là một trong những khái niệm trụ cột của khoa học pháp lý và không phải là một vấn đề mới. Tuy nhiên, việc xác định và quản lý văn bản quy phạm pháp luật đã trải qua quá trình phát triển và có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc định rõ hình thức và nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật xuất phát từ các vấn đề thực tiễn của các bộ, ngành… Vì vậy, việc nghiên cứu, xem xét các vấn đề thực tế để ban hành văn bản là điều cần thiết để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và xã hội.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ hiện nay

Ngày đăng 27/02/2024
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ được Đảng, Nhà nước ta tiến hành đã thu được những kết quả đáng khích lệ, để phát huy những kết quả đó đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm chính trị cao, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ Đoàn trên môi trường số

Ngày đăng 01/03/2024
Với sự thay đổi nhanh chóng và sự phát triển không ngừng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, các khái niệm về không gian mạng, môi trường số ngày càng trở nên hiện hữu và tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống xã hội, trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ cán bộ Đoàn, đội ngũ cán bộ trẻ, thường xuyên tiếp xúc và tương tác với thanh niên. Từ đó, văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ Đoàn trên môi trường số cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm định hướng và giải quyết.

Tiêu điểm

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.