Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Cán bộ nữ tài năng không phụ thuộc vào quyền bình đẳng

Ngày đăng: 09/03/2020   14:43
Mặc định Cỡ chữ
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Phụ nữ hoàn toàn đủ năng lực để làm việc tốt mà không cần phụ thuộc vào quyền bình đẳng, hay sự đảm bảo về số lượng.

Theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, về tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ cấu cấp ủy phấn đấu đạt từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Trước đó, ở các kỳ Đại hội XI, XII của Đảng, Bộ Chính trị đặt yêu cầu phấn đấu đạt tỉ lệ cấp uỷ viên nữ không dưới 15% và cần có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp uỷ.

Các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV trong giờ giải lao kỳ họp Quốc hội

Nữ giới không thiếu người tài, làm sao để lựa chọn

Nhận xét về sự thay đổi này, bà Bùi Thị An, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nữ trí thức Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, quy định mới của Bộ Chính trị cho thấy sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc nâng cao vai trò, vị trí chính trị của phụ nữ trong xã hội. Quy định này thể hiện một bước tiến rất rõ so với trước đây. 

Nhấn mạnh việc nâng tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy trong hệ thống chính trị là cần thiết, tuy nhiên bà An vẫn cho rằng, cùng với việc đổi mới về tư duy, nhận thức của xã hội về bình đẳng giới thì công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo cơ hội để những người thực sự có năng lực được lựa chọn cũng cần được quan tâm, chú trọng. 

Nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, thực tế, quy định về tỷ lệ, số lượng cán bộ nữ trong tất cả các cấp ủy từ Trung ương tới địa phương là như vậy, nhưng có nhiều nơi vẫn chưa đạt được. Nguyên nhân vì sao, phải chăng có liên quan đến công tác bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch cán bộ hay vấn đề khác, cũng cần phải xem lại.

Bà Bùi Thị An

Bên cạnh đó, khi xã hội đã tạo điều kiện, tạo cơ hội thì cán bộ nữ cũng phải cố gắng để chứng tỏ năng lực của mình, khẳng định mình xứng đáng với sự lựa chọn của tổ chức, của nhân dân. Qua theo dõi ở những nhiệm kỳ trước đây, bà An cho rằng, bên cạnh những người làm được, thì cũng một số chưa để lại dấu ấn gì. “Cũng như nam giới, nữ giới không thiếu người tài, nhưng làm sao có thể lựa được hết những người tài vào đúng vị trí lại là vấn đề khác”, bà An nêu rõ.

Bà An cũng cho rằng, nên có sự đánh giá, rà soát việc tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy, chính quyền cả về số lượng cũng như chất lượng. Đánh giá về số lượng thì dễ nhưng về chất lượng, cần xem xét những cán bộ được trao trọng trách, được người dân bầu đã làm đầy đủ trách nhiệm chưa, có thực sự đóng góp cho nhân dân, đất nước? 

“Cùng với đó, cần có một cơ chế lựa chọn công bằng về tuổi tác, công khai trong tuyển chọn. Có quy định về số lượng là tốt nhưng trên cơ sở đó cần kiểm tra, kiểm điểm, ở đâu không đạt phải xử lý. Bên cạnh số lượng cũng phải kiểm tra về chất lượng, địa phương nào chọn được người đúng, người tốt phải được tuyên dương, ở đâu đủ số lượng nhưng không đạt về chất lượng thì cũng phải xem xét”, bà An đề nghị.

Vẫn còn sự phân biệt ngấm ngầm với phụ nữ

Còn ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV (đoàn Cà Mau), nhìn nhận việc tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy từ 15% trở lên cho thấy, về mặt chủ trương có một sự chuyển biến về nhận thức đối với tỷ lệ cấp ủy là nữ giới theo hướng tăng lên. Về mặt thực tiễn là số lượng lãnh đạo nữ tham gia cấp ủy vừa rồi khẳng định được vị thế của mình, không kém gì nam giới, thậm chí còn hơn. Đặc biệt, đó là xu thế chung, không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác, nhận thức về vai trò của nữ giới đã khác trước rất nhiều. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV (đoàn Cà Mau).

Đại biểu Lê Thanh Vân nhận thấy, tỷ lệ nữ giới giữ vị trí lãnh đạo hay có mặt trong các cơ quan quyền lực Nhà nước những nhiệm kỳ gần đây có sự tiến bộ, đặc biệt tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ có những nhiệm kỳ vượt cả kỳ vọng đặt ra. Những kết quả đó phản ánh tinh thần chung của Đảng đặt ra là phấn đấu đưa tỷ lệ lãnh đạo nữ trong hệ thống chính trị tăng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ đó không ổn định, có nhiệm kỳ cao, có nhiệm kỳ thấp. Một trong nhiều lý do, theo vị đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đó là từng thành viên cấp ủy khi đề xuất, giới thiệu nhân sự chưa thực sự trí thành, thực tâm. “Tôi cũng đã có thời điểm đi luân chuyển ở địa phương, tham gia trong thường trực Tỉnh ủy, Thường vụ nên tôi biết. Dường như có một sự phân biệt không ai nói ra nhưng như là ngầm hiểu vẫn còn có sự phân biệt với phụ nữ”, ông Vân nói thêm.

Trong khi đó, lãnh đạo nữ có nhiều ưu thế hơn nam giới. Thực tiễn cũng cho thấy, khi nữ giới nắm quyền lãnh đạo không kém nam giới, thậm chí có người xuất sắc hơn. Một phụ nữ toàn tâm lo cho công việc của chính quyền, cấp ủy mà mình đảm nhận thì cả khi nấu cơm họ cũng nghĩ đến, bế con họ cũng nghĩ đến.

Tâm lý xã hội vẫn đề cao nam giới hơn nữ giới tuy không rõ nét nhưng vẫn còn âm ỉ. Đơn cử như việc người ta rầm rộ đổ ra đường đón đội tuyển bóng đá nam chiến thắng trở về trong khi ứng xử với bóng đá nữ khác hẳn, khi chiến thắng của họ cũng vang dội không kém. Tâm lý xã hội đó phải mất nhiều thời gian mới có thể thay đổi.

Không có cách nào khác, người phụ nữ được giao trọng trách phải thể hiện, chứng minh được sự vượt trội hay ngang bằng của mình đối với nam giới, có thế xã hội mới thừa nhận. Phụ nữ hoàn toàn đủ năng lực để làm việc tốt mà không cần phụ thuộc vào quyền bình đẳng, hay sự đảm bảo về số lượng.

Và quan trọng hơn cả, theo đại biểu Lê Thanh Vân, là công tác chỉ đạo, đặc biệt là người đứng đầu, bí thư cấp ủy phải sát sao và có trách nhiệm trong việc xây dựng cơ cấu đại biểu nữ, lãnh đạo nữ trong cấp ủy.

“Làm sao phải ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu với tập thể và của từng cá nhân. Cái dễ nhận diện nhất đó là sự thiếu biểu quyết. Lâu nay chúng ta để phiếu kín, không biết ai, nên đổ lỗi cho tập thể, bây giờ tách phiếu ra, một bên là cuống một bên là lá phiếu như bài thi của thí sinh. Khi cần thiết có thể truy cứu lại trách nhiệm của tập thể để hồi phách lại sẽ biết ngay phiếu của ai, xử lý từng người trong tập thể là được ngay. Vấn đề là chỉ đạo tổ chức thực hiện, giới thiệu nguồn, cứ nói là nữ nhưng khi bỏ phiếu thông qua danh sách lại gạt người ta ra”, ông Vân nêu quan điểm./.

Theo: vov.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: Việt Nam sẵn sàng hợp tác vì bình đẳng giới

Ngày đăng 12/03/2024
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước và các đối tác vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, không bỏ ai lại phía sau.

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực hoà bình, an ninh

Ngày đăng 26/01/2024
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 25/01/2024 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030 (Chương trình).  

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai: Tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Ngày đăng 15/12/2023
Chiều 14/12/2023, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy vai trò của Phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới”. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội thảo.

Nâng cao kỹ năng lãnh đạo và quản lý đối với nữ cán bộ dân tộc thiểu số

Ngày đăng 07/12/2023
Ngày 07/12/2023, tại Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Kỹ năng lãnh đạo quản lý” và ra mắt Bộ tài liệu “Kỹ năng lãnh đạo, quản lý dành cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, xã”, nhằm khơi dậy tiềm năng, khát vọng vươn lên của thanh niên, sinh viên dân tộc thiểu số và miền núi, tạo diễn đàn trao đổi về lãnh đạo, quản lý cũng như các rào cản giới.

Khuyến khích lực lượng nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình

Ngày đăng 06/12/2023
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với các thách thức toàn cầu chưa từng có, việc thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó có thúc đẩy Chương trình Nghị sự Phụ nữ, hòa bình và an ninh, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là trọng tâm ưu tiên. Để thực hiện những yêu cầu này, việc chế độ, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích lực lượng nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc là yếu tố rất quan trọng.