Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Ngày đăng: 07/11/2019   17:01
Mặc định Cỡ chữ
Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là yếu tố quan trọng đảm bảo thực hiện quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên, thực tế triển khai quy định này cho thấy còn nhiều vướng mắc, bất cập. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng quy định và thực hiện quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đề xuất giải pháp để thực hiện tốt hơn quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ.

1. Cơ sở pháp lý về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, phụ nữ bình đẳng khi tiếp cận với đất đai. Bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong việc tiếp cận đất đai nói riêng được quy định trong Hiến pháp; Luật đất đai; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và Gia đình... cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.

Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là quyền của người phụ nữ được pháp luật thừa nhận và bảo vệ trong việc cấp  GCNQSDĐ chung của hai vợ chồng phải ghi tên cả vợ và chồng. Tất cả những vấn đề có liên quan đến thay đổi quyền sử dụng đất đều phải được giải quyết dựa trên cơ sở quyền sử dụng đất chung của vợ và chồng, cũng như đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi của người phụ nữ trong việc tham gia các giao dịch liên quan đến đất đai.

Quyền tiếp cận đất đai được thể hiện thông qua các nội dung chính sau:

- Phụ nữ được quyền bình đẳng với nam giới đối với tài sản chung thông qua việc ghi tên vợ và chồng trong GCNQSDĐ. Trong trường hợp người phụ nữ chưa ý thức được quyền của mình khi quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của chồng thì được cấp đổi sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi họ, tên cả vợ và chồng. Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua việc cấp GCNQSDĐ là nội dung quan trọng nhất, là cơ sở cho việc thực hiện các nội dung khác liên quan đến quyền tiếp cận đất đai.

- Quyền tiếp cận đất đai đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ ngay cả khi tham gia các giao dịch thế chấp, tặng cho, cho thuê, chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai. Tất cả quyền lợi của người phụ nữ phải được giải quyết dựa trên quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng. Đồng thời, người phụ nữ được hưởng thừa kế về tài sản là đất đai cũng như phân chia tài sản sau ly hôn theo đúng quy định của pháp luật.

2. Thực trạng pháp luật về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

2.1. Quy định của pháp luật về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ

Vấn đề quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp GCNQSDĐ được pháp luật hiện hành quy định như sau:Khoản 4 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu”.Điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/ 2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: “Trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú của cả vợ và chồng như quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này”.

Nhằm bảo đảm sự bình đẳng cho người phụ nữ khi tiếp cận đất đai, cụ thể là trong vấn đề cấp GCNQSDĐ đối với tài sản chung của hai vợ chồng, pháp luật đã đưa ra các quy định cơ bản theo hướng tôn trọng quyền tự do thoả thuận giữa hai vợ chồng.

Mặc dù hệ thống pháp luật chú trọng bảo vệ quyền bình đẳng về tài sản, nhưng trên thực tế phụ nữ vẫn đang bị hạn chế hưởng lợi từ các quyền này. Việc cấp GCNQSDĐ ngoài mục đích giảm thiểu sự bất bình đẳng giới về các vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai, còn bảo vệ gia đình khỏi những hành động đơn phương của chồng và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong trường hợp ly hôn hoặc trong các tranh chấp về đất đai. Tuy nhiên, tình trạng đứng tên một bên trên giấy tờ cũng như giao dịch về đất, nhà vẫn phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ so với nam giới. Hệ quả là người phụ nữ dễ mất quyền với đất đai trong phần lớn trường hợp, nhất là khi vợ chồng ly hôn hoặc góa bụa. Hiện nay, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình đã trực tiếp hoặc gián tiếp quy định rõ quyền tiếp cận đất đai và các tài sản khác cho vợ và chồng khi ly hôn. Trong ly hôn giữa hai vợ chồng, một số nguyên nhân hạn chế quyền đất đai của phụ nữ sau ly hôn gồm: thiếu các quy định đặc thù có liên quan đến việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong tố tụng nói chung và trong thi hành án dân sự nói riêng; năng lực thực thi hạn chế của tòa án và cơ quan thi hành án, Hội phụ nữ và các cơ quan liên quan... Đặc biệt, thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thi hành án và Hội phụ nữ trong thi hành các bản án liên quan tới hôn nhân gia đình và phân chia tài sản sau ly hôn.

2.2. Áp dụng pháp luật về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp GSCNQSDĐ

Hệ thống pháp luật hiện hành về các quan hệ tài sản, đất đai đã tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho phụ nữ, thể hiện rõ trong quy định bắt buộc hai vợ chồng cùng đứng tên trong GCNQSDĐ. Quy định này đã có tác động rất lớn đến nhận thức của nam giới và phụ nữ về quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc tiếp cận đất đai ở cả nông thôn và thành thị. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông là kênh tuyên truyền hữu hiệu và phổ biến, tác động mạnh đến nhận thức và hành vi của người dân về các quan hệ giới. Điều này trở thành tiền đề quan trọng giúp phụ nữ có cơ hội bình đẳng hơn trong quan hệ tài sản của gia đình, dòng họ và trong cộng đồng nói chung. Do vậy, tỷ lệ hộ gia đình ở đô thị hiện nay thực hiện việc đưa tên cả hai vợ chồng vào GCNQSDĐ tăng lên đáng kể. Sở hữu bình đẳng (hai vợ chồng cùng đứng tên) có xu hướng phổ biến hơn trong nhóm học vấn và có thu nhập cao hơn. Mặc dù tỷ lệ GCNQSDĐ ghi tên cả chồng và vợ thời gian gần đây có tăng lên, nhưng phần lớn là ở khu vực thành phố và đồng bằng, còn khu vực miền núi và nông thôn thì hầu như không được cải thiện. Điều này cho thấy, pháp luật quy định phụ nữ, đặc biệt là người vợ, có quyền đứng tên trong GCNQSDĐ nhưng trên thực tế quyền này chưa được bảo đảm thực hiện và dù có đủ điều kiện pháp lý thì vẫn gặp những rào cản khiến họ không được hưởng trọn vẹn quyền chính đáng của mình.

Ngày 12/10/2017, Tổ chức ActionAid Việt Nam đã công bố báo cáo khảo sát “Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ - Nhìn từ thực trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hai tên tại 6 vùng phát triển dài hạn của ActionAid Việt Nam” tại 6 tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu, Ninh Thuận, Gia Lai, Trà Vinh, Vĩnh Long. Kết quả khảo sát cho thấy ở cả 6 tỉnh, việc cấp GCNQSDĐ nói chung mới chỉ phổ biến ở sổ một tên (chồng). Các thông tin về Luật đất đai và những điều liên quan đến quyền tiếp cận đất của phụ nữ chỉ mới tới được cấp huyện, chưa được phổ biến đến người dân, do vậy tỷ lệ cấp GCNQSDĐ mang tên cả vợ và chồng tại các địa bàn khảo sát còn rất thấp: Hòa Bình và Lai Châu: 1-5%, các tỉnh còn lại là 10-15%.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do:

Thứ nhất, pháp luật về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua việc cấp GCNQSDĐ chưa đầy đủ.Mặc dù pháp luật đã quy định về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua việc cấp GCNQSDĐ tại khoản 4, Điều 98 Luật đất đai năm 2013. Tuy nhiên, chưa có văn bản hướng dẫn đổi GCNQSDĐ một tên (chồng hoặc vợ) thành hai tên cả chồng và vợ khi có đủ điều kiện pháp lý đối với trường hợp GCNQSDĐ được cấp từ trước năm 2004. Đồng thời, cụm từ “nếu có yêu cầu” dường như đang hạn chế sự quyết tâm của các cấp chính quyền và phụ nữ - người vợ trong việc cấp đổi GCNQSDĐ đứng tên cả chồng và vợ; lệ phí cấp đổi GCNQSDĐ còn cao, chưa thống nhất và thủ tục ở các địa phương kéo dài cũng là những trở ngại.

Thứ hai, phụ nữ chưa nhận thức đầy đủ về quyền được đứng tên trên GCNQSDĐ.Thực tế cho thấy hiện có rất nhiều phụ nữ vẫn chưa hiểu hết quyền lợi của mình khi có tên trong GCNQSDĐ. Việc phụ nữ không có tên trong GCNQSDĐ đã trực tiếp làm giảm vai trò, vị thế của họ trong sử dụng đất đai vào mục đích phát triển kinh tế gia đình, cải thiện sinh kế, giảm nghèo bền vững.Về mặt kinh tế - xã hội, việc phụ nữ không có tên trong GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật làm cho chủ trương về tăng cường bình đẳng giới, lồng ghép các vấn đề giới vào các chính sách, chương trình và dự án phát triển trong chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo bền vững không được thực hiện triệt để. Về phía cá nhân và gia đình, việc người vợ không có tên trong GCNQSDĐ góp phần làm giảm vai trò, vị thế của phụ nữ trong sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế gia đình, cải thiện sinh kế. Nếu người chồng (chủ hộ) đứng tên một mình trong GCNQSDĐ cũng có nghĩa là người chồng được quyết định với tài sản luôn được xem là có giá trị lớn nhất đối với mỗi gia đình(1).

Thứ ba, bất cập từ những quan niệm trong gia đình và xã hội.Về mặt lý thuyết, pháp luật thừa kế của Việt Nam hiện nay đảm bảo sự bình đẳng cho nam và nữ. Nhưng trên thực tế, những quan niệm lạc hậu trong nhiều gia đình đã cản trở quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ.Đa phần di chúc của các gia đình thường không xem xét đến sự bình đẳng giới mà dựa trên những yếu tố ưu tiên nam giới và nối dõi. Chính quan niệm con trai được thừa kế đất hương hỏa của tổ tiên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền sở hữu đất đai của người phụ nữ.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cấp GCNQSDĐ. Trước hết, cần sửa khoản 4 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 để tránh việc lợi dụng nhằm không đảm bảo quyền lợi của phụ nữ. Cụ thể khoản 4 Điều 98 quy định: “phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”, nhưng đồng thời cũng quy định nội dung trên sẽ không phải thực hiện nếu “vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”. Vì vậy, nên sửa lại theo hướng phân ra hai trường hợp: đối với trường hợp GCNQSDĐ đã cấp chỉ ghi họ, tên vợ hoặc chồng là GCNQSDĐ được cấp từ trước ngày 01/07/2004 thì thực hiện việc cấp đổi sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu; đối với trường hợp GCNQSDĐ đã cấp chỉ ghi họ, tên vợ hoặc chồng là được cấp kể từ ngày 01/07/2004 đến trước ngày 01/07/2014 thì phải thực hiện việc cấp đổi sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, đồng thời nên xác định trách nhiệm rà soát, thực hiện thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hai là, kiên quyết thực hiện cấp đổi từ GCNQSDĐ chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng sang GCNQSDĐ ghi họ, tên của cả vợ và chồng. Theo quy định của Luật đất đai, trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ, chồng mà trên GCNQSDĐ đã cấp chỉ ghi tên một người thì công dân thực hiện thủ tục “cấp đổi” để được cấp GCNQSDĐ ghi họ, tên của cả vợ và chồng. Như vậy, thủ tục mà công dân cần thực hiện là thủ tục “cấp đổi”. Tuy nhiên, Điều 17 và khoản 4 Điều 18 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường lại hướng dẫn thực hiện thủ tục để đổi từ GCNQSDĐ chỉ ghi tên một người sang GCNQSDĐ có ghi tên cả vợ và chồng lại là thủ tục “đăng ký biến động”. Đồng thời, phân chia hai trường hợp: trường hợp được “xác nhận vào GCNQSDĐ đã cấp” khi đăng ký biến động và trường hợp “được cấp GCNQSDĐ” khi đăng ký biến động, có nghĩa để có thể đổi từ GCNQSDĐ chỉ ghi tên một người sang GCNQSDĐ có ghi tên cả vợ và chồng thì cần thực hiện thủ tục “đăng ký biến động”.Việc không thống nhất giữa các quy định của Luật và Thông tư hướng dẫn đã gây khó khăn cho công dân khiến họ bị “hoang mang” và việc thực thi quy định pháp luật không thống nhất. Hơn nữa, với nội dung quy định của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT vô hình trung đã khiến cho thủ tục hành chính trở nên phức tạp. Do đó, để đơn giản hóa và thống nhất các quy định của pháp luật, cần xem xét lựa chọn thống nhất một thủ tục hành chính để giải quyết vấn đề này. Mặt khác, cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc cấp GCNQSDĐ.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để phụ nữ nhận thức đầy đủ hơn quyền tiếp cận đất đai khi cấp GCNQSDĐ.Một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả thi hành pháp luật là nhận thức, ý thức của người dân, đặc biệt đối với người phụ nữ, để họ ý thức được việc ghi tên trong GCNQSDĐ là nhu cầu tự thân, cần phải có của mình. Do đó, các cấp chính quyền và toàn xã hội cần nỗ lực đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nói riêng, cho mọi người nói chung để người dân nhận thức đầy đủ hơn quyền lợi của mình về quyền tiếp cận đất đai khi cấp GCNQSDĐ. Pháp luật kinh tế, dân sự, đất đai của Việt Nam đã tạo môi trường thuận lợi để thực hiện bình đẳng về tiếp cận đất đai của phụ nữ. Song pháp luật đất đai vẫn còn những quy định chưa chặt chẽ dễ dẫn đến việc không đảm bảo quyền lợi của phụ nữ. Do đó, hoàn thiện pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân; giám sát việc thực thi và bảo đảm quyền bình đẳng giới trong sử dụng đất; thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân về các vấn đề liên quan đến đất đai,… là hết sức cần thiết, góp phần vào việc thực hiện nghiêm, hiệu quả Luật bình đẳng giới hiện nay./.

-----------------------------------------------------------

Ghi chú:

(1) http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/bao-dam-quyen-tiep-can-dat-dai-cua-phu-nu-83754.html, truy cập ngày 18/02/2019.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Đất đai năm 2003, năm 2013.

2. Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 29/11/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

3. Báo cáo nghiên cứu “Tiếp cận đất đai của phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện nay” - Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), năm 2013.

4. Báo cáo khảo sát “Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ - Nhìn từ thực trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hai tên tại 6 vùng phát triển dài hạn của ActionAid Việt Nam”, năm 2017.

 

ThS. Nguyễn Thị Mùi - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.

Tỉnh Nghệ An phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày đăng 21/03/2024
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp công tác tôn giáo, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động; tích cực đóng góp các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.