Hà Nội, Ngày 10/12/2024

Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn Độc lập

Ngày đăng: 02/09/2018   16:21
Mặc định Cỡ chữ

Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công nhanh chóng trên phạm vi cả nước trong vòng 2 tuần (ngày 14-28/8/1945), đã đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà một tuần sau đó (ngày 02/9/1945) với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử do lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và đọc trước hàng chục vạn người ở Vườn hoa Ba Đình, Hà Nội.

 

1. Bối cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập

Sau gần 30 năm bôn ba nhiều nước trên thế giới, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước cùng với Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam) lãnh đạo các tầng lớp nhân dân tích cực chuẩn bị các điều kiện về chính trị, quân sự, vùng đất đứng chân, căn cứ địa cho cuộc tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Vào đầu tháng Tám năm 1945, thời cơ khách quan thuận lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa đã xuất hiện khi phát xít Nhật bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hirosima (ngày 06/8) và Nagasaki (ngày 09/8); Liên Xô tuyên chiến với Nhật ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ngày 09/8) và nhanh chóng đánh bại đạo quân Quan Đông chủ lực của phát xít Nhật tại Mãn Châu, dẫn đến việc Nhật hoàng phải chấp nhận chính thức tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh vào ngày 15/9/1945.

Ngày 13/8/1945, khi được tin phát xít Nhật sẽ đầu hàng Đồng minh, Đảng ta đã gấp rút thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ra Quân lệnh số 1. Ngày 14/8, Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập để quyết định Tổng khởi nghĩa. Đại hội quốc dân (ngày 16/8) đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, định Quốc kỳ, Quốc ca. Trong những ngày khẩn trương này, mặc dù đang ốm nặng, nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giành chính quyền mau chóng trên phạm vi cả nước: bây giờ thời cơ cách mạng đang tới, dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập. Ngày 19/8, tổng khởi nghĩa nổ ra, giành thắng lợi nhanh chóng tại Hà Nội. Tiếp đó là Huế (23/8) và Sài Gòn (25/8) cùng các địa phương khác giành chính quyền về tay nhân dân.

Tối 25/8, lãnh tụ Hồ Chí Minh về đến Hà Nội, tạm thời ở tại số nhà 48 phố Hàng Ngang. Người cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định sẽ gấp rút chuẩn bị để tổ chức lễ tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945. Mọi công việc cấp bách cần làm cho ngày 2/9 là: ổn định tình hình chính trị, xã hội, trật tự trị an ở Hà Nội; xúc tiến việc cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng thành Chính phủ lâm thời và công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời cho các cơ quan báo chí (ngày 28/8); chuẩn bị dựng lễ đài và các công việc liên quan. Công việc quan trọng nhất là khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập do Người trực tiếp đảm nhiệm. Chỉ trong vòng 4 ngày (ngày 26 - 29/8), cùng với bộn bề công việc sau Tổng khởi nghĩa, Người đã hoàn thành dự thảo Tuyên ngôn Độc lập và ngày 30/8 đã đưa ra xin ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương, sau đó chỉnh sửa, hoàn thiện.

2. Nội dung cơ bản và xuyên suốt của Tuyên ngôn Độc lập

2.1 Khẳng định quyền con người và quyền của các dân tộc

Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn ngay bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền năm 1791 của nước Pháp, đó là: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; và: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do, bình đẳng về quyền lợi”.

 Người khẳng định đó là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm và chính đáng của mọi con người sinh ra trên trái đất này, không phân biệt màu da, chủng tộc, dòng giống, giới tính. Đây là những quyền mang tính phổ quát của nhân loại.

Trên cơ sở viện dẫn các bản Tuyên ngôn đó, Người đã “suy rộng ra” từ quyền của cá nhân thành quyền của cả dân tộc. Tuyên ngôn viết: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đây là sự phát triển sáng tạo trong tư duy của Người, thể hiện tầm nhìn mang tính thời đại, từ quyền của cá nhân trở thành quyền của dân tộc (do từng cá nhân hợp thành). Theo đó, quyền của mỗi cá nhân con người không tách rời, mà hoà quyện với quyền của quốc gia dân tộc. Các quyền này là lẽ tự nhiên, là “quyền trời cho”, vì thế, nếu thực dân Pháp tiến hành xâm lược, áp đặt lại ách thống trị lên đất nước Việt Nam là đi ngược lại lẽ tự nhiên, đi ngược lại và chà đạp lên những quyền tự do, bình đẳng, bác ái mà cha ông họ đã hùng hồn tuyên bố và theo đuổi. Hành động xâm lược đó là phi nghĩa.

2.2 Tuyên ngôn Độc lập khẳng định dân tộc Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập và sẽ quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do mới giành được

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh một thực tế là: “Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp” và “Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”.

Với lời lẽ giản dị, rõ ràng nhưng đanh thép, Tuyên ngôn khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống lại ách nô lệ hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Tuyên ngôn Độc lập kết thúc bằng quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.

3. Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn Độc lập

Từ hoàn cảnh ra đời, nội dung của bản Tuyên ngôn, có thể thấy đây là văn kiện lịch sử có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Chúng ta đã biết tới bài thơ thần “Nam quốc sơn hà…” thời kỳ Lý Thường Kiệt chỉ huy quân sĩ chống lại quân Tống xâm lược trên sông Như Nguyệt năm 1077; “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, quân sư chủ chốt của Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn, sau khi nghĩa quân đánh đuổi quân Minh xâm lược năm 1428, giành lại nền độc lập tự chủ cho đất nước.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đánh dấu mốc trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; chấm dứt ách thống trị của thế lực xâm lược từ phương Tây (thực dân Pháp) trong 87 năm (1858-1945); sự chiếm đóng của phát xít Nhật (từ Đông Bắc Á) trong 5 năm (1940-1945). Không những thế, Tuyên ngôn Độc lập cũng đánh dấu sự kết thúc của chế độ phong kiến quân chủ tồn tại hàng nghìn năm ở Việt Nam.

Giá trị lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập còn thể hiện ở chỗ: đây là văn bản báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, giành lại quyền được sống trong độc lập, tự do. Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, giai đoạn xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tuyên ngôn Độc lập thực sự là một văn kiện có ý nghĩa thời đại và có giá trị cao về mặt lý luận khi hàm chứa trong đó chân lý của nhân loại về quyền con người và quyền của dân tộc, thể hiện rõ một luận đề trong cuộc sống xã hội: ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh.

Nội dung của Tuyên ngôn Độc Lập, trên thực tế là kết quả trực tiếp của hoạt động không mệt mỏi về cả tư tưởng và tổ chức của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kể từ khi Người viết Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Véc-xây (tháng 6/1919) đòi các nước tư bản thắng trận thực hiện những quyền sống, làm việc tối thiểu của người dân Việt Nam đang rên xiết dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Đó cũng là kết quả các bài báo của Nguyễn Ái Quốc viết về tình cảnh của người dân Việt Nam và người dân các nước thuộc địa khác, tố cáo chế độ áp bức, bóc lột của thực dân, được tập hợp trong cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp, xuất bản năm 1925. Đó cũng là kết quả của các bài giảng do Người soạn dành cho các lớp học của những thanh niên yêu nước do Người mở ở Quảng Châu, Trung Quốc, sau đó được tập hợp lại thành cuốn sách Đường Kách mệnh (1927), một cẩm nang về chính trị, quân sự cho những người tham gia vào sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Đó cũng là kết quả được thể hiện cụ thể trong Chương trình Việt Minh do Người xác định khi thành lập Mặt trận Việt Minh (tháng 5/1941).

Có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh cả về lý luận và thực tiễn hoạt động cách mạng của cuộc hành trình hơn 30 năm tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Với tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo âm mưu tái xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp khi Người khẳng định: sự thật là dân ta đã giành được chính quyền từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp và ý đồ can thiệp của các thế lực nước ngoài đối với Việt Nam là phi nghĩa, là đi ngược lại các quyền cơ bản của con người và quyền được có độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập được nhân lên gấp bội khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện bằng những lời lẽ giản dị, dễ hiểu nhưng lập luận chặt chẽ, khúc triết. Với thực trạng hơn 90% dân số không biết đọc, biết viết, Người đã biết cách lôi cuốn người nghe bằng những ngôn từ súc tích, gọn rõ, vừa mang tính biểu cảm, gần gũi vừa thể hiện sự quyết tâm, kiên quyết bảo vệ nền độc lập mới giành được. Người đã khái quát được hết hoàn cảnh ra đời của nước Việt Nam, thành quả đấu tranh của toàn thể dân tộc: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà”.

Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vượt thời đại, khi những tư tưởng, quan điểm của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là sự thống nhất biện chứng giữa quyền độc lập dân tộc và quyền sống của mỗi con người. Đó là sự thể hiện giữa khát vọng sống trong hoà bình, tự do với tinh thần kiên quyết “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền độc lập, tự do”. Bởi thế, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, vấn đề độc lập, chủ quyền mà Tuyên ngôn Độc lập đã đề cập cách đây 72 năm vẫn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Tuyên ngôn Độc lập đã thức tỉnh, lay động, cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, từ đó, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh để bảo vệ đất nước. Tuyên ngôn Độc lập còn xác định thái độ, trách nhiệm của mỗi người dân trước nguy cơ tồn vong của dân tộc, bởi “nước có được độc lập thì dân mới có tự do, đồng bào mới có cơm ăn, áo mặc, được học hành”.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp về việc xâm phạm, tranh chấp chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông hiện nay giữa các nước có liên quan, hơn lúc nào hết cần thấu triệt tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập để kiên định lập trường trước sau như một trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đó chính là sự kế thừa và tiếp nối ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hùng hồn khẳng định từ mùa thu lịch sử năm 1945: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do độc lập. Vì thế, các thế hệ người Việt Nam hôm nay có quyền tự hào về thành quả cách mạng của cha ông trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và có nghĩa vụ, trách nhiệm đem hết tâm trí và sức lực để bảo vệ thành quả lịch sử đó./.

PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà - Viện Lịch sử Đảng

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phát triển cán bộ dân tộc thiểu số tại Lào Cai: Sự khác biệt trong chiến lược nhân lực

Ngày đăng 05/12/2024
Lào Cai, một tỉnh biên giới phía Bắc, nổi tiếng với sự đa dạng văn hóa và dân tộc - đã ghi dấu ấn mạnh mẽ không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong công tác cán bộ. Đặc biệt, tỉnh đã đặt trọng tâm vào việc phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS), coi đây là một phần quan trọng trong chiến lược nhân lực. Chính sự khác biệt này đã góp phần tạo nên sức bật cho vùng đất vốn gặp nhiều thách thức về địa lý và kinh tế.

Quản trị đô thị phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay

Ngày đăng 05/12/2024
Tóm tắt: Phát triển đô thị bền vững là quá trình phát triển đô thị dựa trên nguyên lý phát triển cân bằng, hài hòa giữa các yếu tố: kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị nhằm mục tiêu vì cư dân đô thị trong hiện tại và tương lai. Quá trình đô thị hóa nhanh ở Việt Nam hiện nay đặt ra yêu cầu quản trị đô thị phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị; cung ứng các dịch vụ công,... Do vậy, việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị đô thị phát triển bền vững có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết đối với công tác quản trị nhà nước tại các đô thị ở nước ta. Từ khóa: Đô thị; quản trị đô thị; phát triển bền vững.

Tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm và yếu tố quyết định thành công trong kỷ nguyên mới

Ngày đăng 01/12/2024
Cả nước đang phấn đấu thi đua để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và chuẩn bị cho năm mới 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây là năm bản lề hết sức quan trọng để thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng cũng như các chương trình hành động của Chính phủ. Trong niềm vui chung đó, toàn Đảng, toàn dân ta đang rất hào hứng và phấn khởi đón nhận những thông điệp hết sức quan trọng từ Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó, trước hết là những nội dung về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương

Ngày đăng 26/11/2024
Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích, đánh giá phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, trên cơ sở đó đưa ra định hướng hoàn thiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong thời gian tới. Từ khóa: Phân cấp; phân quyền; chính quyền trung ương; chính quyền địa phương.  

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý

Ngày đăng 19/11/2024
Tóm tắt: Nâng cao năng lực quản trị truyền thông chính sách của công chức lãnh đạo, quản lý là rất cần thiết ở các cấp, các ngành và địa phương để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Bài viết phân tích thực trạng, yêu cầu đặt ra và những nội dung cần quan tâm để nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý. Từ khóa: công chức lãnh đạo, quản lý; năng lực; truyền thông chính sách.