Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Rèn luyện, phát triển nhân cách người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hiện nay

Ngày đăng: 14/10/2017   14:55
Mặc định Cỡ chữ

Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có vai trò quan trọng mang tính quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Việc rèn luyện, phát triển nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở là một yêu cầu bức thiết là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên của công tác cán bộ, nhằm tạo nên những chuyển biến tích cực từ cơ sở, từ đó thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống chính trị.

Ảnh minh họa: internet

Ở nước ta, cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) là cấp thấp nhất, gần dân nhất, trực tiếp tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư,... Cấp cơ sở thực hiện lãnh đạo, quản lý và tổ chức toàn diện hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng. Để cấp cơ sở thực hiện tốt chức năng , nhiệm vụ một cách có hiệu lực và hiệu quả thì đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có vai trò quyết định trực tiếp. Bởi vậy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở giữ vai trò quyết định trực tiếp việc hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.

Xuất phát từ vai trò, nhiệm vụ và đặc thù môi trường làm việc, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở phải là người hội đủ cả tài và đức. Nói cách khác, là phải có nhân cách, xây dựng được uy tín đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, được dân phục, dân nể, dân tin.

1. Rèn luyện nhân cách là yêu cầu để khẳng định và phát huy vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở

Nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở là sự tổng hòa các yếu tố về phẩm chất và năng lực (đức và tài), trong đó nổi lên là vấn đề đạo đức. Nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý biểu hiện trong cuộc sống thường ngày và trong công tác. Nó tạo nên tư cách chủ thể của người cán bộ trong hoạt động và quan hệ xã hội, nhân cách là đặc trưng riêng của từng người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhân cách càng phát triển thì phản ánh giá trị xã hội của cá nhân càng cao. Để thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, người cán bộ cấp cơ sở cần tích cực hoàn thiện nhân cách để hội đủ các yếu tố cần thiết về đức và tài, phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hiện nay đa phần có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao các mặt công tác, khơi dậy được các nguồn lực của nhân dân, nâng cao trình độ dân sinh, dân trí, dân chủ ở cơ sở, đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, đảm bảo an ninh, chính trị, quốc phòng ở cơ sở.

Tuy vậy, vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có hiện tượng gây phiền hà cho dân; nói không đi đôi với làm; năng lực yếu kém, chưa mạnh dạn tự phê bình và phê bình. Cá biệt còn có cán bộ lãnh đạo, quản lý lợi dụng chức quyền để thu vén lợi ích cá nhân, làm mất lòng tin của nhân dân. Về tình trạng này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra, “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”(1)

Bối cảnh hiện nay đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, trước thực trạng trên, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở phải không ngừng học tập về chuyên môn, lý luận chính trị và rèn luyện đạo đức cách mạng để hoàn thiện nhân cách, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

2. Những yêu cầu về nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hiện nay

Nhân cách của người cán bộ, lãnh đạo, quản lý là sự tổng hòa giữa tài và đức, giữa phẩm chất và năng lực. Trong đó, đạo đức được coi là gốc của nhân cách và tài giữ vai trò quan trọng. Vì vậy, đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở khi rèn, luyện phát triển nhân cách phải phát triển cả tài và đức, phẩm chất và năng lực.

Người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở phải mang những phẩm chất của người cán bộ cách mạng:

Bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với chủ nghĩa Mác –Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Gương mẫu trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Gần gũi, tận tụy, chăm lo đời sống của nhân dân, biết phát huy sức dân thực hiện đúng quan điểm: Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là công bộc của dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Đó là những người tự tin, nhất quán, dám nghĩ, dám làm, dám dân thân vào việc khó, quyết tâm vượt qua thử thách, thực hiện mục tiêu đã đặt ra, không dao động trước những khó khăn, tác động bên ngoài, lời nói và hành động đi đôi với nhau, từ đó tạo lòng tin cho cấp dưới. Phải có khả năng vượt qua những cám dỗ, tiêu cực của chức quyền và lợi lộc, giữ vững phẩm chất trong sáng của người cán bộ.

Phải gương mẫu về đạo đức, lối sống, thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác; đấu tranh với lối sống thực dụng, lối sống trái với đạo đức truyền thống của dân tộc, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng, gắn bó với nhân dân. Đồng thời có trái tim nhân hậu, có khát vọng cống hiến. Những phẩm chất này sẽ góp phần tạo nên uy quyền của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với thuộc cấp và hình ảnh đẹp trong mắt quần chúng nhân dân.

Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là người có năng lực (tài):

Phải giàu trí tuệ, năng lực nhận thức cần phải đạt đến trình độ tư duy lý luận. Năng lực tư duy lý luận góp phần tích cực vào việc xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách cảu Đảng, Nhà nước một cách có hiệu quả. Tư duy lý luận còn giúp người cán bộ lãnh đạo, phân tích, đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ và chỉ ra khó khăn, thuận lợi, những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, những hệ quả trước mắt và lâu dài, những điều kiện, nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; phân tích, đánh giá được các vấn đề đưa ra có phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế hiện nay không. Năng lực nhận thức của người cán bộ lãnh đạo, quản lý thể hiện ở khả năng nhìn xa, trông rộng, khả năng tiên đoán và phân tích các yếu tố để hoạch định bước đi cho tương lai.

Có năng lực chuyên môn là năng lực vận dụng kiến thức chuyên môn để phục vụ công tác lãnh đạo. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở lãnh đạo, quản lý mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Để chỉ huy, điều khiển, phát huy khả năng của cấp dưới trong thực thi nhiệm vụ, đòi hỏi người lãnh đạo phải am hiều công việc mình đảm trách để khi cần thiết, biết dồn tiềm lực vào những khâu trọng yếu nhất. Trình độ chuyên môn giỏi sẽ giúp người lãnh đạo biết đánh giá và giúp đỡ công việc của cấp dưới.Kiến thức chuyên môn càng uyên bác, chuyên sâu sẽ phục vụ tốt công việc, đồng thời sử dụng hiệu quả đội ngũ chuyên gia.

Có năng lực lãnh đạo, quản lý bao gồm một hệ thống như: Năng lực thực tiễn, năng lực quản lý, năng lực dự báo, định hướng phát triển, năng lực tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật, năng lực thuyết phục và tổ chức nhân dân thực hiện, đặc biệt đối với một người lãnh đạo, quản lý giỏi cần phải có năng lực phát hiện và bố trí, sử dụng cán bộ: phải phát hiện những người giỏi có phẩm chất tốt để bố trí vào những vị trí quan trọng; theo dõi, bồi dưỡng để đề bạt, tạo nguồn cán bộ thay thế…

Bên cạnh đó, người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở còn phải biết sử dụng công nghệ thông tin, có kiến thức xã hội. Những kiến thức này ngày càng quan trọng.

3. Giải pháp chủ yếu rèn luyện, phát triển nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở

Một là, nâng cao chất lượng công tác cán bộ

Cấp ủy cơ sở dựa trên cơ sở về năng lực, hiệu quả công việc của cán bộ để đánh giá, đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ. Tránh việc đánh giá cán bộ một cách chủ quan “theo dòng họ”, “bè phái” hoặc cảm tính, “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Đồng thời, căn cứ vào vị trí việc làm, yêu cầu thực tiễn để bố trí, phân công cán bộ theo nguyên tắc “đúng người, đúng việc” nhằm phát huy năng lực, sở trường của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ hàng năm. Thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 165-QĐ/TW ngày 18-2-2013 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Trong sinh hoạt đảng cần làm tốt công tác “phê bình, tự phê bình”. Qua đó cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở nhận thức, đấu tranh loại bỏ những tồn tại, hạn chế của bản thân để rèn luyện, phát triển nhân cách ngày càng hoàn thiện hơn.

Hai là, phát huy tính tích cực, tự giác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cấp cơ sở trong quá trình tự rèn luyện phát triển nhân cách của bản thân.

Bản thân người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thông qua các mô hình điển hình, các phong trào thi đua, từ đó phát triển chuyên môn, nghiệp vụ công tác, trình độ lý luận chính trị, trau dồi đạo đức, lối sống. Xây dựng kế hoạch tự học tập, tự bồi dưỡng của bản thân, thực hiện phương châm suốt đời học tập: Xây dựngchương trình hành động, kế hoạch cụ thể rèn luyện, học tập tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh  học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí Thư trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Nỗ lực rèn luyện và phát triển nhân cách trong thực tiễn. Chính thực tiễn sôi động sẽ giúp cho người cán bộ cơ sở ý thức được sự hạn chế, thiếu hụt của bản thân để có kế hoạch học tập và rèn luyện. Đồng thời giúp cán bộ cấp cơ sở bổ sung, bồi đắp thêm những thiếu hụt về kiến thức, năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng công tác đáp ứng với sự vận động, phát triển cách mạng trong giai đoạn mới. Theo đó, người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở phải học tập ngay từ thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý hàng ngày, học từ người dân, học từ đồng chí, đồng nghiệp, học từ việc tổng kết thực tiễn, tổng kết những mô hình mới, những cách làm hay…

Thường xuyên kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện công việc của bản thân; thực hiện tốt việc “tự phê bình”, qua đó khắc phục những sai lầm, hạn chế của bản thân và nâng cao bản lĩnh trước những cám dỗ, tiêu cực mặt trái của kinh tế thị trường.

Như vậy, việc rèn luyện, phát triển nhân cách người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hiện nay là nhiệm vụ cấp thiết để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, có “Tâm – Tầm –Tài”, là những cán bộ của nhân dân, được nhân dân tin yêu, kính trọng và góp phần hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

ThS Nguyễn Thị Hạnh - Trường chính trị tỉnh Thanh Hóa

---------------------------------

(1) Nghị quyết số 12-NQ/TW- Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ngày 16/01/2012 về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-quyet/Nghi-quyet-12-NQ-TW-van-de-cap-bach-xay-dung-Dang-hien-nay-vb135347t13.aspx

 

Theo: lyluanchinhtri.vn

Bình luận

Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có vai trò quan trọng mang tính quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Việc rèn luyện, phát triển nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở là một yêu cầu bức thiết là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên của công tác cán bộ, nhằm tạo nên những chuyển biến tích cực từ cơ sở, từ đó thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống chính trị.

" />

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.