Hà Nội, Ngày 24/04/2024

Một số vấn đề lý luận về quản trị tốt

Ngày đăng: 12/03/2017   14:28
Mặc định Cỡ chữ

Quản trị tốt là một vấn đề mới ở Việt Nam. Bài viết phân tích khái niệm, các đặc trưng và mối quan hệ của quản trị tốt với nhân quyền và phòng, chống tham nhũng. Theo tác giả, quản trị tốt là một tập hợp những tiêu chí về quản lý xã hội nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển hài hoà, bền vững của một quốc gia. Nó không phải là một mô hình tổ chức, hoạt động của một nhà nước mà là các nguyên tắc định hướng cho việc thiết kế và vận hành bộ máy nhà nước. Quản trị tốt là xu thế của thế kỷ 21, thể hiện sự chuyển biến lớn trong cách thức tổ chức, vận hành bộ máy nhà nước theo hướng từ cai trị sang quản trị.

1. Quản trị

1.1 Khái niệm và lịch sử phát triển

Để làm rõ các vấn đề lý luận về quản trị tốt (good governance), đầu tiên phải tìm hiểu về quản trị (governance).

Có nhiều định nghĩa về quản trị, dưới đây là một số định nghĩa tiêu biểu:

- Theo Daniel Kaufmann, Aart Kraay, Massimo Mastruzzi, quản trị là “các truyền thống và thể chế mà dựa vào đó để thực hiện quyền lực ở một quốc gia”[1].

- Theo Ngân hàng Thế giới (WB), quản trị là “…cách thức mà quyền lực được thực thi thông qua các thể chế chính trị, kinh tế, xã hội của một quốc gia”[2].

- Theo Cơ quan phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), quản trị là “việc thực thi quyền lực chính trị, hành chính, kinh tế để quản lý các vấn đề của quốc gia ở mọi cấp độ. Nó bao gồm các cơ chế, quy trình và thiết chế mà thông qua đó, các công dân và các nhóm biểu thị sự quan tâm và thực hiện các quyền hợp pháp và nghĩa vụ của mình, cũng như cho thấy sự khác biệt của họ”[3].

- Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), quản trị là “cách thức mà nhờ đó quyền lực được thực hiện để quản lý các nguồn lực kinh tế, xã hội cho sự phát triển của một quốc gia. Nó đề cập đến chất lượng hoạt động của các thể chế có nhiệm vụ xây dựng, thực hiện và bảo đảm thực thi các chính sách tốt dựa trên cách thức hiệu lực, hiệu quả, công bằng và toàn diện”[4]. Theo nghĩa rộng, “quản trị nói đến môi trường thể chế mà ở đó các công dân tương tác với nhau và với các cơ quan, quan chức nhà nước”[5].

- Theo Hội đồng Quản trị toàn cầu (Commission on Global Governance), thì quản trị là “Tập hợp của rất nhiều cách thức mà trong đó các cá nhân và thiết chế, kể cả công và tư, giải quyết các vấn đề chung của họ. Đó là một quá trình liên tục mà thông qua đó những lợi ích đa dạng và xung đột với nhau có thể được giải quyết và các hành động hợp tác có thể được thực hiện. Nó bao gồm các thiết chế và cơ chế chính thức được trao quyền để bảo đảm sự tuân thủ cũng như những thoả thuận không chính thức mà người dân và các tổ chức đã nhất trí hoặc chấp nhận để đạt được lợi ích của họ”[6].

Từ những định nghĩa nêu trên, có thể thấy về bản chất, quản trị chính là quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định để quản lý, giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội ở một quốc gia. Như thế, quản trị là một thuật ngữ chủ yếu gắn với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước (quản trị quốc gia)[7], mặc dù trong thực tế, khái niệm này cũng được sử dụng trong một số bối cảnh khác, chẳng hạn như quản trị doanh nghiệp (corporate governance)[8], quản trị quốc tế (international governance)[9].

Đối với quản trị quốc gia, có nghiên cứu lại chia thành quản trị ở cấp độ toàn quốc (national governance) và quản trị ở cấp địa phương (local governance), trong đó mặc dù chia sẻ những nguyên tắc chung nhưng ở mỗi cấp lại có một số đặc trưng riêng[10].

 Về mặt lịch sử, “quản trị” về bản chất không phải là một khái niệm chính trị, pháp lý mới, mà đã được đề cập từ lâu trên thế giới. Ngay từ thời Hy Lạp - La Mã cổ đại, một số nhà tư tưởng, ví dụ như Aristotle, đã nói đến vấn đề này thông qua những luận điểm về các mô hình, vai trò và cách thức quản lý xã hội của nhà nước[11]. Mặc dù vậy, khái niệm quản trị trong quản lý xã hội của nhà nước mới chỉ được quan tâm đặc biệt và thảo luận nhiều trên thế giới trong 1 - 2 thập kỷ gần đây, và dần dần được dùng thay thế cho thuật ngữ ‘government’ (cai trị)[12].

Việc chuyển từ việc sử dụng thuật ngữ ‘government’ (cai trị) sang ‘governance’ (quản trị) trong quản lý nhà nước được khá nhiều học giả phân tích, trong đó hầu hết cho rằng đây là xu hướng của thế kỷ 21 và phản ánh sự thay đổi lớn trong nhận thức và cách thức thực thi quyền lực chính trị ở các quốc gia[13]. Sự chuyển đổi này cho thấy vai trò của nhà nước trong thế kỷ 21 đang và sẽ thay đổi, vị trí độc tôn của bộ máy nhà nước đang bị thách thức bởi những thiết chế và chủ thể dân chủ mới[14]. Những thiết chế dân chủ mới này đang làm thay đổi mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia vào các hệ thống chính trị, thể hiện qua sự điều chỉnh các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên liên quan. Nguyên nhân của sự thay đổi này được cho là bởi mô hình quản lý cũ, cả trong khu vực công và khu vực tư, đều ngày càng cho thấy sự thiếu hiệu quả. Sự phân bổ quyền lực trong các hệ thống chính quyền hiện nay ngày càng chứng tỏ bất hợp lý[15]. Vì vậy, nhân loại cần có những hình thức quản trị nhà nước mới mà trong đó có sự tham gia chủ động của một phạm vi các chủ thể rộng lớn hơn rất nhiều. Hình thức quản trị mới này xét về bản chất chính là việc tái phân bổ quyền lực từ giới tinh hoa chính trị đang làm chủ các cơ quan trong bộ máy nhà nước sang người dân, thông qua sự hình thành, phát triển và hoạt động của các phong trào và tổ chức xã hội, cũng như qua việc phân quyền từ chính quyền trung ương xuống chính quyền địa phương.

1.2 Các chủ thể

Với bản chất là một tiến trình ra quyết định và thực thi quyết định, quản trị đòi hỏi có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau, với mức độ, vai trò, cách thức, thời điểm và giai đoạn khác nhau. Cách chủ thể tham gia có thể chính thức (formal actors) hoặc không chính thức (informal actors), có vị trí trong các cấu trúc chính thức (formal structures) hoặc không chính thức (informal structures)[16].

Các nhà nước là một trong các chủ thể, và là chủ thể chính trong tiến trình quản trị, đặc biệt khi nói đến quản trị quốc gia. Ngoài nhà nước còn có các chủ thể khác mà sự tham gia phụ thuộc vào từng dạng và bối cảnh của quản trị, ví dụ như người dân, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các đảng chính trị, các tổ chức tôn giáo, các cơ quan truyền thông, các cơ sở học thuật…

2. Khái niệm và những đặc trưng của quản trị tốt

2.1 Khái niệm  

“Quản trị tốt” về bản chất cũng không phải là một khái niệm mới, vì một số quan điểm về vấn đề này đã được đề cập bởi một số nhà tư tưởng Hy Lạp - La Mã cổ đại. Ví dụ, Aristotle, trong Chính trị luận (politics), bằng việc phân tích đặc điểm, các nguyên tắc hoạt động của các dạng chế độ chính trị, cách thức tổ chức quốc gia và các mô hình dân chủ[17] thực chất đã tạo lập những nền tảng lý luận về quản trị tốt[18].

Mặc dù vậy, trong một thời gian dài, khi mà khái niệm quản trị bị lấn át bởi khái niệm cai trị (government) thì vấn đề quản trị tốt cũng ít được nhắc đến. Gần đây, cùng với khái niệm quản trị, khái niệm quản trị tốt được đề cập đến ngày càng nhiều. Nguyên nhân được lý giải là bởi thực trạng quản trị kém (bad governance) mà các dấu hiệu đặc trưng là tình trạng tham nhũng, chính quyền vô trách nhiệm, vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng trên thế giới, dẫn đến nhu cầu cần tìm ra biện pháp giải quyết[19]. Trong bối cảnh đó, quản trị tốt trở thành một yếu tố quan trọng trong các chương trình nghị sự về chính trị và kinh tế cả ở cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia; một trong những yếu tố căn bản trong các nền dân chủ kiểu phương Tây.

Cũng giống như khái niệm quản trị, có nhiều định nghĩa khác nhau về quản trị tốt, tuy nhiên, những định nghĩa của các tổ chức quốc tế được nêu dưới đây có tính phổ biến:

- Theo cơ quan Cao uỷ nhân quyền Liên hiệp quốc: “…quản trị tốt liên quan đến các tiến trình và kết quả chính trị và thể chế mà cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển. Đó là một tiến trình mà các cơ quan công quyền giải quyết các vấn đề công cộng, quản lý các nguồn lực công và bảo đảm việc thực hiện các quyền con người theo cách thức hoàn toàn không có sự tham nhũng và lạm dụng và thực sự tuân thủ nguyên tắc pháp quyền… Tùy thuộc vào bối cảnh và mục đích sử dụng, thuật ngữ quản trị tốt có thể được dùng để nói đến các vấn đề như: tôn trọng đầy đủ các quyền con người (full respect of human rights); nguyên tắc pháp quyền (the rule of law), sự tham gia hiệu quả [của người dân] (effective participation), sự cộng tác của nhiều chủ thể (multi-actor partnerships), đa nguyên chính trị (political pluralism), các tiến trình và thể chế minh bạch và có trách nhiệm giải trình (transparent and accountable processes and institutions), khu vực công hiệu lực, hiệu quả (efficient and effective public sector), tính hợp pháp (legitimacy), tiếp cận với kiến thức, thông tin và giáo dục (access to knowledge, information and education), trao quyền chính trị của người dân (political empowerment of people), sự công bình (equity), sự ổn định (sustainability), thái độ và các giá trị giúp thúc đẩy trách nhiệm, sự đoàn kết và sự khoan dung (attitudes and values that foster responsibility, solidarity and tolerance)[20].

- Theo UNDP: “Quản trị tốt nói đến các hệ thống quản lý có năng lực, kịp thời, toàn diện và minh bạch...”[21].

- Theo WB: “Quản trị tốt là tập hợp các thể chế minh bạch, có trách nhiệm giải trình, có năng lực và kỹ năng, cùng với ý chí quyết tâm làm những điều tốt đẹp… Tất cả giúp cho một nhà nước cung cấp những dịch vụ công cho người dân một cách hiệu quả’[22].

- Theo ADB: “Quản trị tốt thể hiện qua bốn yếu tố cơ bản: (i) trách nhiệm giải trình (accountability), (ii) sự tham gia (participation), (iii) tính chất có thể dự đoán (predictability), và (iv) sự minh bạch (transparency)”[23].

- Theo Hội đồng châu Âu (EC): “Quản trị tốt dựa trên 5 nguyên tắc: công khai (openness), sự tham gia (participation), trách nhiệm giải trình (accountability), tính hiệu quả (effectiveness) và sự gắn kết (coherence)[24].

 - Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): “Quản trị tốt thể hiện qua các yếu tố như sự minh bạch trong hoạt động của nhà nước, tính hiệu quả trong việc quản lý các nguồn lực công, và tính ổn định, minh bạch của môi trường pháp lý và kinh tế...”[25].

 - Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): “Các yếu tố chủ yếu của quản trị tốt bao gồm: (i) trách nhiệm giải trình (accountability), sự minh bạch (transparency), tính hiệu quả (efficiency) và hiệu lực (effectiveness), tính kịp thời (responsiveness), tầm nhìn (forward vision), pháp quyền (rule of law)[26].

2.2 Những đặc trưng

Hiện có những quan điểm rộng, hẹp khác nhau về nội hàm của quản trị tốt. Tuy nhiên, theo các cơ quan Liên hiệp quốc, quản trị tốt bao gồm 8 đặc trưng chính (major characteristics)[27] đó là: sự tham gia (participatory), định hướng đồng thuận (consensusoriented), trách nhiệm giải trình (accountable), sự minh bạch (transparent), sự kịp thời (responsive), tính hiệu lực (effective), tính hiệu quả (efficient), tính bình đẳng và không loại trừ chủ thể nào (equitable and inclusive) và tuân thủ pháp quyền (follows the rule of law), cụ thể như sau[28]:

Sự tham gia

Sự tham gia của người dân được xem là một yếu tố cốt lõi của quản trị tốt. Quản trị tốt đòi hỏi phải có sự tham gia của người dân một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các cơ quan đại diện (representatives) hoặc các thiết chế trung gian hợp pháp (legitimate intermediate institutions). Một điều quan trọng cần lưu ý là việc có thiết chế dân chủ đại diện không có nghĩa là những vấn đề của các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội luôn có thể được quan tâm xem xét trong quá trình ra quyết định. Chính vì vậy, cần có các hình thức dân chủ trực tiếp để bù đắp.

Các nhà nước cần thông báo và tổ chức cho người dân tham gia vào quản lý xã hội. Điều này đòi hỏi các nhà nước phải bảo đảm các quyền tự do hiệp hội và biểu đạt, cũng như sự tồn tại và vận hành của xã hội công dân có tổ chức (organized civil society).

Pháp quyền

Quản trị tốt đòi hỏi phải có khuôn khổ pháp luật công bằng và pháp luật phải được thực thi một cách không thiên vị (impartially). Bên cạnh đó, quản trị tốt đòi hỏi các quyền con người, đặc biệt là quyền của các nhóm thiểu số, phải được bảo vệ một cách đầy đủ. Việc thực thi pháp luật một cách không thiên vị lại đặt ra yêu cầu bảo đảm một nền tư pháp độc lập (independent judiciary) và một lực lượng cảnh sát liêm chính, vô tư (impartial and incorruptible police force).

Minh bạch

Minh bạch có nghĩa là khi đưa ra các quyết định và việc thực hiện các quyết định nhà nước phải tuân thủ các luật lệ và quy tắc. Nó cũng có nghĩa là thông tin về quá trình ban hành và thi hành các quyết định đó phải công khai cho mọi người, đặc biệt là những người chịu ảnh hưởng bởi các quyết định đó. Không chỉ vậy, minh bạch còn đòi hỏi những thông tin đã nêu phải được công khai một cách đầy đủ, dưới những dạng thức dễ hiểu, trên các phương tiện truyền thông, để mọi người đều có thể trực tiếp tiếp cận.

Sự kịp thời

Quản trị tốt đòi hỏi các thiết chế và tiến trình phải phục vụ tất cả các chủ thể có liên quan trong một khung thời gian có thể chấp nhận được (within a reasonable timeframe).

Định hướng đồng thuận

Ở bất kỳ xã hội nào cũng có những nhóm xã hội khác nhau với nhiều quan điểm khác nhau về mỗi vấn đề. Quản trị tốt đòi hỏi các nhà nước phải trung hoà (mediation) các lợi ích khác biệt (different interests) trong xã hội để đạt được sự đồng thuận rộng rãi (broad consensus) về một lợi ích tốt nhất cho toàn thể cộng đồng và cách thức để đạt được mục tiêu đó. Nó cũng đòi hỏi các nhà nước phải vạch ra một chiến lược hay viễn cảnh rộng và dài hạn (a broad and long-term perspective) về những gì cần thiết cho sự phát triển ổn định về con người và cách thức đạt được những mục tiêu của sự phát triển đó. Điều này chỉ có thể đạt được khi có sự hiểu biết đầy đủ về bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội của một cộng đồng hay quốc gia.

Bình đẳng và không loại trừ chủ thể nào

Sự thịnh vượng của một xã hội phụ thuộc vào việc bảo đảm tất cả các thành viên của nó có cảm nhận rằng họ là một thành tố trong đó chứ không bị gạt ra bên lề. Điều này đòi hỏi tất cả các nhóm xã hội, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, đều có cơ hội được duy trì và nâng cao sự thịnh vượng của họ.

Hiệu lực và hiệu quả

Quản trị tốt có nghĩa là các tiến trình và thể chế đem lại những kết quả đáp ứng các nhu cầu của xã hội trong khi chỉ tiêu tốn các nguồn lực ở mức tối thiểu. Khái niệm hiệu quả trong quản trị tốt còn bao hàm việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và bảo vệ môi trường.

Trách nhiệm giải trình

Trách nhiệm giải trình là một yêu cầu cốt yếu của quản trị tốt. Không chỉ các cơ quan nhà nước mà các tổ chức xã hội công dân và khối tư nhân cũng phải có trách nhiệm giải trình trước công chúng và trước các đối tác. Phạm vi chủ thể và đối tượng hướng tới của trách nhiệm giải trình khác nhau giữa các quốc gia, phụ thuộc vào việc các quyết định và hành động được tiến hành hay áp dụng ở trong hay ở ngoài cơ quan, tổ chức đó. Tuy nhiên, xét chung thì một tổ chức hoặc cơ quan nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình trước những chủ thể mà bị ảnh hưởng bởi các quyết định hay hành động của mình.

Trách nhiệm giải trình có mối quan hệ khăng khít với pháp quyền và sự minh bạch. Không thể có trách nhiệm giải trình nếu không tôn trọng và thực hiện các nguyên tắc pháp quyền và sự minh bạch.

Bên cạnh quan điểm của các cơ quan Liên hiệp quốc đã nêu trên, một số cơ quan, tổ chức và học giả khác còn bổ sung thêm một số đặc trưng (hoặc nguyên tắc) của quản trị tốt. Ví dụ, có tài liệu cho rằng ngoài các đặc trưng nêu trên, quản trị tốt còn biểu hiện ở tính có thể dự đoán hoặc tính nhất quán [trong chính sách, pháp luật của nhà nước] (predictability or coherence)[29], hay ở các vấn đề như: bảo vệ các quyền con người phổ quát (universal protection of human rights); pháp luật không phân biệt đối xử (non-discriminatory laws); thủ tục tư pháp hiệu quả, vô tư và nhanh chóng (efficient, impartial and rapid judicial processes); việc phân bổ các nguồn lực và quyền ra quyết định cho các cấp chính quyền địa phương (devolution of resources and decision making to local levels from the capital)[30]; tính trách nhiệm (responsibility)[31].

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy quản trị tốt là một tập hợp những tiêu chí về quản lý xã hội nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy, bảo đảm sự phát triển hài hoà, bền vững của một quốc gia. Quản trị tốt không phải là một phương thức hay mô hình tổ chức, hoạt động của một nhà nước hay một hệ thống chính trị, mà là các nguyên tắc định hướng cho việc thiết kế và vận hành bộ máy nhà nước hoặc hệ thống chính trị đó.

Cũng từ những phân tích nêu trên, có thể thấy những nguyên tắc của quản trị tốt rất rộng lớn, mà có thể nhìn nhận qua ba chiều cạnh chính, đó là[32]:

Về kinh tế (economic aspect): Thể hiện ở các nguyên tắc nhằm thúc đẩy tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như tính hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực công.

Về xã hội (social aspect): Thể hiện ở các nguyên tắc nhằm thúc đẩy sự bình đẳng và sự tham gia của người dân vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Về chính trị (political aspect): Thể hiện ở các nguyên tắc nhằm tăng cường pháp quyền, thúc đẩy việc bảo vệ các quyền con người và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước.

 Do tính chất rộng lớn của nó, việc bảo đảm tất cả các nguyên tắc của quản trị tốt là không dễ dàng. Trong thực tế, hiện mới có ít quốc gia đạt được tất cả các tiêu chí của quản trị tốt. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu mà các quốc gia vẫn cần nỗ lực đạt được để phát triển bền vững.

3. Vai trò, ý nghĩa và mối quan hệ của quản trị tốt với nhân quyền và chống tham nhũng

Mặc dù xuất hiện và được cổ vũ đầu tiên ở các nước phát triển phương Tây, quản trị tốt hiện được các tổ chức quốc tế và các cơ quan viện trợ phát triển quốc gia xem là những nguyên tắc nền tảng cho phát triển bền vững. Bên cạnh đó, quản trị tốt cũng có tác động đến nhiều vấn đề khác như quyền con người, và đặc biệt là trong phòng, chống tham nhũng. Đó chính là lý do vấn đề quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng thường được gắn với nhau trong các chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế và trong chính sách, pháp luật của nhiều quốc gia.

Về mối quan hệ giữa quản trị tốt với nhân quyền, theo Cơ quan Cao uỷ nhân quyền của Liên hiệp quốc[33], đây là hai phạm trù có mối liên hệ hỗ trợ lẫn nhau. Các nguyên tắc về nhân quyền cung cấp một bộ giá trị định hướng và các tiêu chuẩn hành động cho việc tổ chức và hoạt động của các nhà nước, cũng như của các chủ thể chính trị, xã hội khác. Trong khi đó, quản trị tốt là nền tảng cho việc thực hiện các quyền con người. Nếu thiếu quản trị tốt, các quyền con người không thể được tôn trọng và thực thi vì việc bảo đảm quyền con người phụ thuộc rất lớn vào môi trường, bối cảnh quản trị quốc gia.

Có thể tìm thấy mối liên hệ giữa khái niệm quản trị tốt với các nguyên tắc và các quyền con người trong nhiều văn kiện quốc tế về nhân quyền. Ví dụ, Điều 21 Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền năm 1948 khẳng định tầm quan trọng của quyền quản lý nhà nước của công dân, còn hai Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội văn hoá năm 1966 đều yêu cầu các quốc gia thành viên phải tôn trọng và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm các quyền được ghi nhận trong hai công ước này. Trong Bình luận chung số 12 của Uỷ ban về các Quyền kinh tế, xã hội văn hoá, cơ quan này nêu rõ: “Quản trị tốt là thiết yếu để hiện thực hoá tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”[34].

Về mối quan hệ giữa quản trị tốt với phòng chống tham nhũng, các nguyên tắc của quản trị tốt như công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình… đồng thời cũng là những yêu cầu, biện pháp nền tảng trong phòng chống tham nhũng. Công ước của Liên hiệp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) có nhiều điều khoản liên quan đến các nguyên tắc của quản trị tốt, cụ thể như sau:

- Điều 5 (Chính sách và hành động phòng chống tham nhũng) yêu cầu các quốc gia thành viên phải xây dựng, thực hiện hoặc duy trì các chính sách chống tham nhũng mà phải thúc đẩy sự tham gia của xã hội  thể hiện nguyên tắc nhà nước pháp quyền, quản lý đúng đắn việc công và tài sản công, tính liêm khiết, minh bạch và trách nhiệm.

- Điều 7 (Khu vực công), quy định, mỗi quốc gia thành viên phải nỗ lực ban hành, duy trì và củng cố chế độ tuyển dụng, thuê, sử dụng, đề bạt và hưu trí đối với công chức dựa trên các nguyên tắc hiệu quả, minh bạch và tiêu chí khách quan như khả năng xuất sắc, công minh và năng lực.

- Điều 9 (Mua sắm công và quản lý tài chính công) yêu cầu mỗi quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp cần thiết để xây dựng được các cơ chế mua sắm phù hợp dựa trên sự minh bạch, cạnh tranh và tiêu chí khách quan trong khâu ra quyết định, giúp phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả.

- Điều 10 (Báo cáo công khai) yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp cần thiết để tăng cường minh bạch trong quản lý hành chính công, kể cả trong hoạt động tổ chức, thực hiện chức năng và ra quyết định.

- Điều 12 (Khu vực tư) yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp để thúc đẩy minh bạch giữa các tổ chức tư nhân, khi thích hợp áp dụng cả các biện pháp nhận dạng thể nhân và pháp nhân tham gia thành lập và quản lý công ty.

- Điều 13 (Tham gia của xã hội) yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp thích hợpnhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của các cá nhân và tổ chức ngoài khu vực công như xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng, vào công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. Sự tham gia đó cần được tăng cường thông qua các biện pháp như: (a) tăng cường tính minh bạch trong các quy trình ra quyết định, thúc đẩy sự đóng góp của công chúng vào các quy trình ra quyết định; (b) đảm bảo cho công chúng được tiếp cận thông tin một cách hiệu quả; (c) tổ chức các hoạt động thông tin cho công chúng góp phần đấu tranh không khoan nhượng chống tham nhũng, cũng như các chương trình giáo dục công chúng, bao gồm cả chương trình giảng dạy trong nhà trường và trường đại học; (d) tôn trọng, tăng cường và bảo vệ sự tự do tìm kiếm, nhận, xuất bản và tuyên truyền thông tin về tham nhũng…/.

 

PGS.TS. Vũ Công Giao - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

---------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO 
 
1. Aristote, Chính trị luận, bản tiếng Việt, tại http://icevn.org/vi/node/366.
 
2. Anwar Shah with Sana Shah, The New Vision of Local Governance and the Evolving Roles of Local Governments, at
 
http://siteresources.worldbank.org/INTWBIGOVANTCOR/Resources/
NewVisionofLocalGovernance.pdf.
 
3.  ADB (2005), Governance: Sound Development Management.Governance: Sound Development Management, at 
 
https://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/32027/govpolicy.pdf.
 
4. Benz, A., Papadopoulos, Y. (eds, 2006) Governance and Democracy: 
Comparing National, European and International Experiences. Routledge, London.
 
5.  Catalin-Valentin RAIU, An Ontology of Good Governance.A Political Theory Approach,
 http://revecon.ro/articles/2015-1/2015-1-8.pdf http://revecon.ro/articles/2015-1/2015-1-8.pdf.
 
6.Corina Adriana Dumitrescu, The Concept of Good Governance in Aristotle’s View,
 
tại eng.pdf">http://cogito.ucdc.ro/nr_3_en/1%20-%20THE%20CONCEPT%20OF
%20GOOD%20GOVERNANCE%20IN%20eng.pdf.
 
7. Commission on Global Governance (1995), “Our Global Neighbourhood”,
 
at http://www.gdrc.org/u-gov/global-neighbourhood/
 
8.  Commonwealth Foundation (1999), Citizens and Governance:
Civil Society in the New Millennium. Commonwealth Foundation, London.
 
9. Daniel Kaufmann, Aart Kraay, Massimo Mastruzzi. The Worldwide Governance Indicators: 
Methodology and Analytical Issues, the World Bank Development Research Group Macroeconomics
and Growth Team, September 2010, 
at file:///Users/macbook/Downloads/SSRN-id1682130.pdf. 
 
10. Good Governance in Multiethnic Communities, Conditions, Instruments, Best Practices, 
Ways to Achieve and Measure Good Governance at the Local Level, A joint publication of the Ethnocultural Diversity Resource Center 
and the King Baudouin Foundation, 2007. 
Xem tại: http://www.annalindhfoundation.org/sites/annalindh.org/files/documents/
publication/pub_1660_good20governance_multiethnic_com_light.pdf
 
11.  Helen Clark (Administrator of the United Nations Development Programme), 
Remark at the Fourth United Nations Conference on the Least Developed
 Countries High Level Interactive Thematic Debate on Good Governance at All Levels, Istanbul, 11 May 2011.
 
12. Miriam Wyman, Thinking about Governance, Discussion Paper Prepared for
 the Commonwealth Foundation Citizens and Governance Programme,
 
at http://www.education.gov.mt/youth/pdf_cyf/CYF_Themes_Concept_Papers/cg_governance_paper.pdf
 
13. Michel Camdessus (IMF Managing Director), Address to the United Nations Economic and Social Council, 2 July 1997.
 
14.  OECD, (2001), Governance in the 21st Century, at https://www.oecd.org/futures/17394484.pdf.
 
15. OECD (2001), Governance in the 21st Century: Future Studies.
 Report from Conference ‘21st Century Governance: Power in the Global Knowledge Economy and Society’, 
Germany, 25–26 March, 2000. OECD, Paris.
 
16. OECD (2004), Principles of Corporate Governance, 
at http://www.oecd.org/corporate/ca/corporategovernanceprinciples/31557724.pdf.
 
17. Seth Lartey and Deepti Sastry, Governance in the Commonwealth: Current Debates trong 
‘Governance in the Commonwealth: Current Debates ( Seth Lartey and Deepti Sastry edited),
© 2010 Commonwealth Foundation, at
 
http://www.commonwealthfoundation.com/sites/cwf/files/downloads/
Governance_in_the_Commonwealth_current_debates.pdf, p.10
 
18. United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific, 
\What is Good Governance? Report of the Commission on Global Governance Our Global Neighbourhood . 
 
Xem tại: http://www.itcilo.it/english/actrav/telearn/global/ilo/globe/gove.htm.
 
19. UNDP (1997), Governance & Sustainable Human Development. A UNDP Policy Document, 
tại http://www.pogar.org/publications/other/undp/governance/undppolicydoc97-e.pdf.
 
20. UN Commission on Human Rights, Resolution 2000/64.
 
21. Victor Hart, Good Governance as an Anti-corruption Tool, in “Governance in the Commonwealth: Current Debates”,
Edited by Seth Lartey and Deepti Sastry, © 2010 Commonwealth Foundation, pp. 41-49.
 
22. World Bank (1992), Governance and Development. World Bank,Washington, DC
 
23.World Bank (2006), Making PRSP Inclusive,
 
at http://siteresources.worldbank.org/DISABILITY/Resources/
280658-1172608138489/MakingPRSPInclusive.pdf.
 
24.  World Bank (2007), Strengthening the World Bank Group Engagement on Governance and Anticorruption.
 
[1] Daniel Kaufmann, Aart Kraay, Massimo Mastruzzi. The Worldwide Governance Indicators
 
Methodology and Analytical Issues, The World Bank Development 
Research Group Macroeconomics and Growth Team, September 2010,
 tại file:///Users/macbook/Downloads/SSRN-id1682130.pdf.
 
[2] World Bank (2006), Making PRSP Inclusive, 
tại http://siteresources.worldbank.org/DISABILITY/Resources/280658-1172608138489/MakingPRSPInclusive.pdf
 
[3]UNDP (1997), Governance & Sustainable
 
Human Development. A UNDP Policy Document, tại www.undp.org/.../undp/.../Democratic%20Governance/Di...
 
[4] ADB (2005), Governance: Sound DevelopmentManagement Governance, 
tại https://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/32027/govpolicy.pdf
 
[5] ADB (2005), Governance: Sound Development Management Governance, 
tại https://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/32027/govpolicy.pdf
 
[6] Report of the Commission on GlobalGovernance “Our Global Neighbourhood” (1995), 
tại http://www.gdrc.org/u-gov/global-neighbourhood/
 
[7] Đối với quản trị quốc gia, có nghiên cứu lại chia thành quản trị ở 
cấp độ toàn quốc (national governance) và quản trị ở cấp địa phương (local governance).
 
[8] Quản trị doanh nghiệp đề cập đến cách thức tổ chức, quản lý, thực hiện các hoạt động trong nội bộ của một doanh nghiệp. 
Về cooperate governance, ví dụ, xem OECD (2004), Principles of Corporate Governance,
 tại http://www.oecd.org/corporate/ca/corporategovernanceprinciples/31557724.pdf
 
[9] Quản trị quốc tế đề cập đến hoạt động của các tổ chức quốc tế và các quốc gia trong việc giải quyết 
các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, xung đột, tranh chấp lãnh thổ, chống khủng bố… Về international governance, 
ví dụ, xem trang web của ChathamHouse, 
tại https://www.chathamhouse.org/research/topics/international-law-
and-governance/international-governance
 
[10]Ví dụ, về quản trị ở cấp địa phương, xem mục Local Governance trên trang web của UNDP
 
http://www.undp.org/content/undp/en/home/ourwork/democraticgovernance/focus_areas/focus_local_governance.html.
 
[11] Corina Adriana Dumitrescu, THE CONCEPT OF GOOD GOVERNANCE IN ARISTOTLE'S VIEW, 
 
tại http://cogito.ucdc.ro/nr_3_en/1%20-%20THE%20
CONCEPT%20OF%20GOOD%20GOVERNANCE%20IN%20eng.pdf
 
[12] Xem World Bank (1992), Governance and Development, World Bank, Washington, DC; 
UNDP (1997) Governance for Sustainable Human Development. UNDP, New York; Commonwealth Foundation (1999),
Citizens and Governance: Civil Society in the NewMillennium. Commonwealth Foundation, London.
 
[13] Benz, A., Papadopoulos, Y. (eds) (2006), Governance and Democracy: Comparing National,
 
European and International Experiences. Routledge, London.
 
[14] Xem, Seth Lartey and Deepti Sastry, Governance in the Commonwealth: Current Debates,
 
in ‘Governance in the Commonwealth:Current Debates (Seth Lartey and Deepti Sastry edited), 
© 2010 Commonwealth Foundation, 
at http://www.commonwealthfoundation.com/sites/cwf/files/downloads/
Governance_in_the_Commonwealth_current_debates.pdf, p.10.
 
[15] OECD (2001), Governance in the 21st Century: Future Studies. 
Report from Conference “21st Century Governance: 
Power in the Global Knowledge Economy and Society’,Germany, 25–26 March, 2000. OECD, Paris.
 
[16]United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific, What is Good Governance? 
Tại http://www.unescap.org/sites/default/files/good-governance.pdf.
 
[17]Xem quyển 3 và 6 của tác phẩm Chính trị luận, bản tiếng Việt, tại http://icevn.org/vi/node/366.
 
[18] Cũng xem Corina Adriana Dumitrescu, tlđd.
 
[19]Xem Good Governance in Multiethnic Communities, Conditions, Instruments, Best Practices, 
Ways to Achieve and Measure Good Governance at the Local Level, A joint publication of the Ethnocultural Diversity Resource 
Center and the King Baudouin Foundation, 2007,
 at http://www.annalindhfoundation.org/sites/annalindh.org/files/documents/publication/
pub_1660_good20governance_multiethnic_com_light.pdf, p.13. 
Cũng xem Miriam Wyman, Thinking about Governance: A Draft Discussion Paper, 
prepared for The Commonwealth Foundation Citizens and Governance
 
Programme, at http://www.education.gov.mt/youth/pdf_cyf/CYF_
Themes_Concept_Papers/cg_governance_paper.pdf.
 
[20]Nguồn: http://www.ohchr.org/EN/Issues/Development/GoodGovernance
/Pages/GoodGovernanceIndex.aspx.
 
[21]Nguồn: Remarks by Helen Clark, Administrator of the United Nations Development
 
Programme, at the Fourth United Nations Conference on the Least Developed
 
Countries High Level Interactive Thematic Debate on Good Governance at All Levels,
 
Istanbul, 11 May 2011.
 
[22] Paul Wolfowitz, World Bank President, Jakarta, 11 April 2006.
 Nguồn: World Bank, Strengthening the World Bank Group Engagement on Governance and Anticorruption, 21 March 2007, p. 1
 
[23] Nguồn: ADB, Governance: Sound Economic Management (August 1995), pp. 3, 4, 8
 
[24]Nguồn: EC, ‘European Governance: A White Paper’, Brussels, 25 July 2001, fn. 1 on p. 8, p. 10 (sic).
 
[25] Michel Camdessus, IMF Managing Director, Address to the United Nations Economic and Social Council, 2 July 1997.
 
[26]OECD, Directorate for Public Governance and Territorial Development, ‘Principal Elements of Good Governance’, 
tại http://www.oecd.org/governance/regulatory-policy/irrc.htm.
 
[27]Trong một số tài liệu gọi là các nguyên tắc (principles) của quản trị tốt.
 
[28]United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific, What is Good Governance? và 
Good Governance in Multiethnic Communities, Conditions, Instruments, Best Practices, 
Ways to Achieve and Measure Good Governance at the Local Level, các tlđd.
 
[29]Xem Good Governance in Multiethnic Communities, Conditions, Instruments, Best Practices, 
Ways to Achieve and Measure Good Governance at the Local Level, tài liệu đã dẫn, tr.12.
 
[30] Xem Miriam Wyman - Thinking about Governance: 
A Draft Discussion Paper Prepared for The Commonwealth Foundation Citizens and Governance Programme
 
- http://www.education.gov.mt/youth/pdf_cyf/CYF_Themes_Concept_Papers/cg_governance_paper.pdf.
 
Cũng xem Catalin-Valentin RAIU, An Ontology of Good Governance.A Political Theory Approach,
 http://revecon.ro/articles/2015-1/2015-1-8.pdf http://revecon.ro/articles/2015-1/2015-1-8.pdf.
 
[31] Commission on Human Rights, Resolution 2000/64.
 
[32] Xem Good Governance in Multiethnic Communities, Conditions, Instruments, 
Best Practices, Ways to Achieve and Measure Good Governance at the Local Level, tài liệu đã dẫn, tr.13.
 
[33] Good Governance and Human Rights, 
at http://www.ohchr.org/EN/Issues/Development/GoodGovernance/Pages/GoodGovernanceIndex.aspx
 
[34]CESCR General Comment No. 12: The Right to Adequate Food (Art. 11), 
at http://www.refworld.org/pdfid/4538838c11.pdf.

 

Theo nclp.org.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.