Hà Nội, Ngày 28/03/2024

Phát triển tư duy chiến lược của người lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước

Ngày đăng: 22/09/2016   14:35
Mặc định Cỡ chữ

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới mà hội nhập thành công với khu vực và thế giới trở thành một yêu cầu có ý nghĩa quyết định. Chúng ta phải nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển xã hội. Để đảm đương tốt vai trò đó, mỗi nhà lãnh đạo cần phát triển tư duy chiến lược, đó là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các cơ quan nhà nước không ngừng thích ứng với những điều kiện mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của các tổ chức và công dân. Đó cũng là điều kiện cần thiết để các cơ quan nhà nước phát triển, tạo thành những mắt xích vững chắc của bộ máy nhà nước, làm cho Nhà nước ta tiến nhanh và vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa: internet

1. Khái quát về tư duy chiến lược

Thuật ngữ “chiến lược” có nguồn gốc từ thời Hy Lạp cổ đại trong lĩnh vực quân sự, sau đó, thuật ngữ này đã được mở rộng về phạm vi và sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Chiến lược được áp dụng ngày càng rộng rãi trong kinh doanh và trở thành nhân tố quyết địnhcho sự thành công. Hoạt động trong môi trường càng bấp bênh, phức tạp càng khó dự đoán thì tổ chức càng cần phải quan tâm xây dựng chiến lược.

Để tạo lập một chiến lược có khả năng hướng dẫn tổ chức đến thành công, người lãnh đạo cần biết cách tư duy chiến lược.

Vậy tư duy chiến lược là gì?

Lý thuyết trò chơixác định tư duy chiến lược là nghệ thuật vượt trên đối phương, khi biết rằng đối phươngcũng đang cố gắng làm điều mà bạn đang làm. Heracleous mô tả mục đích của tư duy chiến lược là “khám phá ra chiến lược mới lạ, giàu trí tưởng tượng để có thể viết lại các quy tắc của trò chơi cạnh tranh và hình dung ra tương lai tiềm năng khác đáng kể so với hiện tại”(1).

Diễn giải một cách cụ thể, tư duy chiến lược là cách thức, quy trình và năng lực tưduy, nhờ đó có thể xác định được chiến lược phát triển của tổ chức, các điểm mạnh, điểm yếu của tổ chức, biết cách liên tục rà soát môi trường để xác định các cơ hội và các nguy cơ cần khắc phục, từ đó tìm ra con đường và các giải pháp đưa tổ chức đến thành công.

Tư duy chiến lược là sự kết hợp giữa cách tư duy rộng, tư duy sâu và tư duy dài hạn. Tư duy rộng là cách nhìn nhận toàn diện và có hệ thống về môi trường mà tổ chức đang tồn tại, thấy được xu hướng biến đổi của môi trường và vị trí mà tổ chức phải đạt tới trong môi trường thay đổi đó. Tư duy sâu là sự phân tích một cách sâu sắc về các cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức, nhìn thấy điểm tựa làm đòn bẩy cho sự phát triển của tổ chức. Tư duy dài hạn là khả năng nhìn thấy mục tiêu phía trước, nhận thức được các xu hướng thay đổi và không ngừng làm cho tổ chức thích nghi với môi trường để đạt tới mục tiêu mong muốn. Sự kết hợp ba đặc trưng nói trên đòi hỏi gắn tầm nhìn dài hạn với mục tiêu mong muốn và xử lý các vấn đề trong một tổng thể để đạt được mục tiêu đó.

Như vậy, có thể thấy tư duy chiến lược là một quá trình sáng tạo và đa dạng,thể hiện tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, đòi hỏi họ gắn kết các hoạt động hàng ngày với mục tiêu chiến lược dài hạn của tổ chức.Đây là một quá trình mang tính trí tuệ và nhận thức để xem xét cách thức đổi mới hoặc tái tạo lại tổ chức nhằm đáp ứng sự thay đổi to lớn của môi trường.

2. Sự cần thiết phát triển tư duy chiến lược đối với người lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước

Yêu cầu cơ bản đối với người lãnh đạo là khả năng nhìn thấy tương lai của tổ chức, trong đó xác định rõ: Chúng ta là ai? Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta mong muốn hoàn thành những gì? Làm thế nào để hoàn thành những mong muốn đó. Khả năng hình dung ra bức tranh tương lai và thiết kế con đường đi đến tương lai đó chính là khả năng tư duy chiến lược của người lãnh đạo. Nhiều chuyên gia khẳng định rằng,kỹ năng tư duy chiến lược giữ vị trí trung tâm của lãnh đạo hiệu quả.

Theo Abraham,tư duy chiến lược là một khía cạnh quan trọng của công việc của mỗi nhà lãnh đạo, là cơ sở để lãnh đạo có hiệu quả(2). Viện Tư duy Chiến lược nhấn mạnh tư duy chiến lược được xếp hạng là một trong những năng lực lãnh đạo quan trọng nhất(3). TheoGuns, năng lực tư duy chiến lược được xem như một cấp độ vốn trí tuệ “mới” trong một tổ chức, nó làm gia tăng các nguồn lực theo nhận thứctrước đây bao gồm đất đai, vốn và lao động. Một nhà lãnh đạo phải có khả năng phát triển vốn tri thức của tổ chức để làm gia tăng giá trị của tổ chức so với quan điểm “truyền thống” về các nguồn lực của tổ chức(4).

Khái niệm tư duy chiến lược xuất phát từ khu vực tư, phản ánh năng lực tư duy của người lãnh đạo để đưa tổ chức đến thành công trong môi trường cạnh tranh và thay đổi. Khu vực công cũng tiếp cận đến khái niệm này và nhận thức được rằng khả năng suy nghĩ một cách chiến lược của người lãnh đạo là chìa khóa để tạo ra một tổ chức nhà nước vững mạnh, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với nhà nước trong một thế giới không ngừng thay đổi.

Các cơ quan nhà nước là những mắt xích đặc biệt quan trọng, trực tiếp vận hành các công việc của bộ máy nhà nước. Người lãnh đạo các cơ quan nhà nước là người có vai trò chỉ đạo, quản lý cơ quan trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được phân công, có vai trò quyết định trong sự thành công của tổ chức. Họ có trách nhiệm tham mưu hoạch định chính sách công ở lĩnh vực hoạt động của tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách đó, đồng thời họ là người quản lý các công việc nội bộ trong tổ chức mình.

Sự chuyển đổi về chất sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, sự vận hành nền kinh tế theo các quy luật của thị trường đangtác động sâu sắc và đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ vai trò, chức năng của Nhà nướcViệt Nam. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thị trường, của khoa học-công nghệ, sự phát triển dân trí và dân chủ hóa đời sống xã hội, với xu hướng toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, các nước đều phải đối mặt với những hiểm họa như khủng hoảng kinh tế, bất bình đẳng xã hội, biến đổi khí hậu... Vai trò của nhà nước không thể thiếu trong mối tương tác với thị trường nhằm khắc phục các khiếm khuyết của thị trường. Đồng thời,nhà nướccũng phải không ngừng tự cải cách để khắc phục các khiếm khuyết, bảo đảm thực thi vai trò quản lý xã hộivà duy trì lòng tin của nhân dân vào thiết chế của mình.

Hội nhập quốc tế và khu vực vừa là thời cơ, thuận lợi, vừa đặt ra thách thức mới đối với Nhà nước Việt Nam. Vị thế của nước tatrong cạnh tranh quốc tế phụ thuộc vào tính hiệu lực và hiệu quả của Nhà nước.Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, đòi hỏi Nhà nước phải nhanh chóng tạo lập đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế, thể chế hành chính phù hợp với thông lệ chung của thế giới; phải đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức để có thể hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, cộng đồng khu vực, trong khi Việt Nam đang ở một khoảng cách khá xa so với các nước phát triển trên thế giới.

Trong bối cảnh trên, người lãnh đạo các cơ quan nhà nước phải có tư duy chiến lược để tham gia hoạch định các chính sách công đúng đắn, phù hợp, đồng thời quản lý tốt tổ chức để bảo đảm thực thi có hiệu quả các chính sách đề ra.

Phát triển tư duy chiến lược giúp người lãnh đạo cơ quan nhà nước nâng cao khả năng phân tích chính sách trong một bối cảnh rộng lớn hơn, biết cách xử lý các vấn đề nảy sinh trong hiện tại, sự kết nối với mục tiêu của tương lai, thường xuyên tiếp nhận và phân tích các thông tin phản hồi để đánh giá và điều chỉnh chính sách.

Phát triển tư duy chiến lược giúp người lãnh đạo cơ quan nhà nước nhận thức về tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức, nhìn thấy môi trường mà tổ chức được đặt trong đó một cách toàn diện; làm rõ được mục tiêu của tổ chức; đánh giá thực trạng hiện tại của tổ chức, các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức và các vấn đề đặt ra đối với tổ chức; hình thành kịch bản và lựa chọn phương án tốt nhất để đạt tới mục tiêu.

3. Những yêu cầu cơ bản để phát triển tư duy chiến lược đối với người lãnh đạo cơ quan nhà nước trong môi trường không ngừng thay đổi

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người lãnh đạo cần rèn luyện khả năng tư duy chiến lược theo những yêu cầu cơ bản như sau:

Thứ nhất,xem xét tổ chức và những vấn đề đặt ra của tổ chức trong một môi trường rộng hơn mà tổ chức là một bộ phận của môi trường đó, xác định vị thế mong muốn của tổ chức trong tương lai, từ đó đưa ra tầm nhìn, sứ mệnh và các mục tiêu của tổ chức.

Để phát triển tổ chức, nhà lãnh đạo cần tách mình ra khỏi tổ chức để nhìn từ ngoài vào và từ trên xuống, từ đó có thể thấy rõnhững gì đang diễn ra trong môi trường mà tổ chức là một bộ phận cấu thành, tác động của môi trường đó đến tổ chức của mình và đến các tổ chức khác. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, các cơ quan nhà nước sẽ phải đổi mới cách thức hoạt động, quản lý lĩnh vực được phân công một cách thực sự có hiệu lực và hiệu quả, trở thành một mắt xích vững chắc, không thể thiếu trong bộ máy nhà nước. Từ sự định vị tổ chức trong tương lai với môi trường thay đổi, người lãnh đạo quay trở về với thực tại của tổ chức và hiểu được khoảng cách mà tổ chức cần phải vượt qua để đạt đến vị trí mong muốn trong tương lai. Việc vượt qua khoảng cách đó phải được cụ thể hóa thành các mục tiêu, bao gồm mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể.

Thứ hai, tìm kiếm con đường để đưa tổ chức đạt tới các mục tiêu và vị thế mong muốn. Để làm được điều này, người lãnh đạo cần phân tích rõ những yếu tố bên ngoài và bên trong tổ chức để tìm ra được con đường tối ưu đưa tổ chức đi đến mục tiêu. Do đó, kỹ thuật phân tích SWOT cần được vận dụng một cách nghiêm túc. Đặc biệt, các yếu tố bên ngoài cần được thường quyên quan tâm trong bối cảnh luôn thay đổi để người lãnh đạo có thể tận dụng các cơ hội một cách kịp thời và có biện pháp ứng phó hợp lý trước các thách thức.

Đối với các cơ quan nhà nước, các cơ hội thường gắn với các chính sách mới ban hành, xu hướng phát triển trong lĩnh vực chuyên môn, nhu cầu của xã hội về dịch vụ do tổ chức cung ứng, các triển vọng trong hợp tác quốc tế và tiến bộ trong khoa học quản lý, trong công nghệ... liên quan đến hoạt động của tổ chức. Các thách thức của cơ quan nhà nước thường xuất phát từ sự thay đổi trong môi trường chính sách, yêu cầu ứng dụng công nghệ mới, đòi hỏi của khách hàng về chất lượng dịch vụ, các khó khăn từ quá trình hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế. Đồng thời, người lãnh đạo phải biết rõ về các điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức mình, kết hợp chúng một cách nhuần nhuyễn khi hình thành các phương án và giải pháp đi đến mục tiêu. Đặc biệt, cần khắc phục những yếu kém trong cơ chế phân công và phối hợp giữa các bộ phận của tổ chức, các hạn chế về năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách, trong chất lượng dịch vụ công và thái độ ứng xử với các tổ chức và công dân.

Thứ ba, huy động sự tham gia của các thành viên trong tổ chức để phát triển tư duy chiến lược và thúc đẩy việc hình thành văn hóa tổ chức phù hợp với tầm nhìn mong muốn. Người lãnh đạo có thể có đầu óc sáng suốt, song việc huy động trí tuệ của các thành viên trong tổ chức là điều kiện hết sức quan trọng để tập hợp được những ý tưởng hay nhất hỗ trợ cho việc phát triển tư duy chiến lược, để đưa ra tầm nhìn, sứ mệnh và các mục tiêu then chốt của tổ chức một cách rõ ràng, hợp lý. Đặc biệt, sự tham gia của các thành viên là không thể thiếu trong việc xác định các cơ hội, thách thức cũng như các điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức, từ đó định hình ra con đường và các giải pháp phù hợp nhất để đưa tổ chức đi tới mục tiêu.

Mức độ tham gia của các thành viên vào việc xây dựng và thực hiện chiến lược phụ thuộc rất lớn vào văn hóa của tổ chức đó. Một tổ chức đề cao các giá trị tốt đẹp và chân chính, được mọi người trong tổ chức thừa nhận và hướng đến, sẽ là điều kiện cần thiết để hỗ trợ cho việc hình thành tư duy chiến lược và phát triển tổ chức theo tầm nhìn mong muốn. Vì vậy, cùng với việc phát triển tư duy chiến lược, người lãnh đạo phải định hình rõ các giá trị văn hóa của tổ chức, đề cao những giá trị tốt đẹp và làm cho những giá trị đó thấm vào mỗi con người trong tổ chức. Các giá trị cần có của một cơ quan nhà nước là: tính chuyên nghiệp, trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, bảo đảm sự hài lòng của người dân về dịch vụ công, sự sáng tạo và đổi mới.

4. Các trở ngại cần khắc phục để phát triển tư duy chiến lược của người lãnh đạo cơ quan nhà nước

Tư duy chiến lược là hết sức cần thiết để người lãnh đạo có thể phát triển tổ chức của mình một cách bền vững trong môi trường thay đổi. Tuy nhiên, việc phát triển tư duy chiến lược đối với người lãnh đạo tại các cơ quan nhà nước thường gặp phải các trở ngại sau đây:

Tư duy nhiệm kỳ làm giới hạn tầm nhìn của người lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo được bầu hoặc được bổ nhiệm thường chỉ giới hạn tầm nhìn về mục tiêu của tổ chức trong nhiệm kỳ mà mình phụ trách, coi những gì xa hơn là công việc của người phía sau. Đây là cách nhìn hạn hẹp, làm cho cơ quan nhà nước không thể đổi mới một cách mạnh mẽ trước những đòi hỏi của thực tiễn.

Nhiều nhà lãnh đạo bị sa vào những vấn đề cụ thể của tổ chức và tìm cách giải quyết vấn đề trong khuôn khổ các điều kiện hiện tại của tổ chức. Khi quá bận rộn với các công việc quản lý hàng ngày, không ít lãnh đạo cho rằng việc suy nghĩ đến một tương lai xa là không cần thiết. Thế nhưng, tư duy chiến lược là cách tư duy duy nhất đúng đắn để có thể giải quyết những vấn đề của hiện tại trong sự gắn kết với mục tiêu tương lai. Tư duy chiến lược giúp người lãnh đạo xác định và hiểu được môi trường hoạt động trong tương lai của tổ chức và vị thế của tổ chức đó, để đưa ra quyết sách đúng đắn.

Một số nhà lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức đến các ý kiến phản hồi và đánh giá của bên ngoài (các cơ quan có liên quan, các đối tác, các tổ chức và công dân) đối với tổ chức của mình. Trong bối cảnh dân trí được nâng cao và dân chủ hóa, đòi hỏi của người dân đối với Nhà nước ngày càng cao. Sự phản hồi của xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước là thước đo quan trọng và có tác động mạnh đến vị thế của cơ quan đó. Nếu không quan tâm theo dõi, khảo sát ý kiến từ các đối tác, các tổ chức và công dân để biết chính xác về các điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức mình, người lãnh đạo không thể tìm ra các giải pháp phù hợp để đưa tổ chức đến thành công.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới mà hội nhập thành công với khu vực và thế giới trở thành một yêu cầu có ý nghĩa quyết định. Chúng ta phải nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển xã hội. Để đảm đương tốt vai trò đó, mỗi nhà lãnh đạo cần phát triển tư duy chiến lược, đó là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các cơ quan nhà nước không ngừng thích ứng với những điều kiện mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của các tổ chức và công dân. Đó cũng là điều kiện cần thiết để các cơ quan nhà nước phát triển, tạo thành những mắt xích vững chắc của bộ máy nhà nước, làm cho Nhà nước ta tiến nhanh và vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế.

PGS, TS. Lê Chi Mai - Học viện Hành chính quốc gia

------------------------------------

(1) Loizos Heraculous: “Strategic Thinking or Strategic Planning?,” Long Range Planning, 31, no 3 (1998): 482, accessed April 29, 2010, WilsonWeb.

(2) Stan Abraham: “Stretching Strategic Thinking,” Strategy & Leadership 33, no. 5 (2005): 5, accessed April 28, 2010, Business Source Complete database.

(3) Strategic Thinking Institute, Home Page, 2009, accessed November 27, 2009, http://www.strategyskills.com/home.asp.

(4) Guns, Bob. “The Chief Knowledge Officer’s Role: Challenges and Competencies.” Journal of Knowledge Management 1, no. 4 (1998): 315-319. Accessed November 27, 2009.Emerald Management Extra.

Theo: lyluanchinhtri.vn

Bình luận

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới mà hội nhập thành công với khu vực và thế giới trở thành một yêu cầu có ý nghĩa quyết định. Chúng ta phải nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển xã hội. Để đảm đương tốt vai trò đó, mỗi nhà lãnh đạo cần phát triển tư duy chiến lược, đó là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các cơ quan nhà nước không ngừng thích ứng với những điều kiện mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của các tổ chức và công dân. Đó cũng là điều kiện cần thiết để các cơ quan nhà nước phát triển, tạo thành những mắt xích vững chắc của bộ máy nhà nước, làm cho Nhà nước ta tiến nhanh và vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế.

" />

Tin tức cùng chuyên mục

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.

Công chức và vấn đề quản trị bản thân

Ngày đăng 05/03/2024
Cấu trúc quản trị bản thân và điều chỉnh nhận thức, hành vi của công chức trong hoạt động công vụ rất đa dạng. Môi trường công vụ với những hoạt động, quan hệ của công chức tạo nên các yếu tố cấu trúc kiểm soát nhận thức và hành động của họ. Bài viết phân tích các vấn đề tự do và khuôn khổ, quản trị bản thân của công chức hiện nay.

Một số khuyến nghị khi xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng

Ngày đăng 27/02/2024
Chính quyền đô thị là mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với xu hướng của thế giới. Ở Việt Nam, mô hình này đã được triển khai và thí điểm triển khai thực hiện 03 thành phố trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Hải Phòng là thành phố cảng biển quan trọng, trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học thương mại và công nghệ thuộc Vùng Duyên hải Bắc Bộ. Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đồng thời đặt ra yêu cầu tất yếu phải xây dựng mô hình chính quyền đô thị để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bài viết phân tích đặc trưng đô thị của thành phố Hải Phòng, những thuận lợi và khó khăn của thành phố khi xây dựng mô hình chính quyền đô thị và một số khuyến nghị về xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

Xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra - từ thực tiễn hoạt động của Thanh tra Bộ Nội vụ

Ngày đăng 27/02/2024
Thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra là tổng thể các quyền và nghĩa vụ của cơ quan thanh tra được pháp luật quy định để xem xét, kết luận nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể trong hoạt động thanh tra. Từ thực tiễn của Thanh tra Bộ Nội vụ, bài viết khái quát thực trạng việc thực hiện thẩm quyền và đề xuất một số giải pháp nhằm xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong trong hoạt động thanh tra.  

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.