Hà Nội, Ngày 24/09/2023

Về quy định thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước

Ngày đăng: 01/07/2016   14:17
Mặc định Cỡ chữ

Theo hiến định, Chủ tịch nước là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, cần ban hành, sửa đổi pháp luật; kiện toàn một số tổ chức và bổ sung những nhiệm vụ, chức danh cần thiết… nhằm bảo đảm việc thực thi nhiệm vụ và quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước.

Ảnh minh họa: internet

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh. Thực thi nhiệm vụ, quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước, được quy định tại Hiến pháp năm 2013, là một trong những nhiệm vụ quan trọng đó.

Để hiểu một cách toàn diện, đầy đủ về nhiệm vụ này, trước tiên cần hiểu chính xác về nghĩa của từ “thống lĩnh”. Từ điển phổ thông quan niệm “thống lĩnh là cai trị”. Từ điển mở Wiktionary quan niệm “thống lĩnh là chỉ huy toàn thể quân sĩ”. Đây còn là một chức võ quan thời xưa, có quyền chỉ huy toàn thể quân sĩ. Vì vậy, có thể hiểu thống lĩnh lực lượng vũ trang là sự chỉ huy, chỉ đạo toàn diện, tuyệt đối lực lượng vũ trang nhân dân. Về thực chất, Chủ tịch nước là Tổng Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 tại Điều 88 khẳng định: Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Trước đây, khoản 9, Điều 103 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Chủ tịch nước quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân”. Tuy nhiên, hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân là những hàm, cấp nào, thuộc thẩm quyền phong hàm, cấp của Chủ tịch nước, thì Hiến pháp không quy định. Điều này chỉ có thể được làm rõ thông qua Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và Luật Công an nhân dân năm 2005. Điều 25 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam quy định: “Chủ tịch nước phong, thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng; Thủ tướng Chính phủ phong, thăng quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng”. Tương tự, Điều 25 Luật Công an nhân dân năm 2005 cũng quy định: “Chủ tịch nước phong, thăng cấp bậc hàm Thượng tướng, Đại tướng. Thủ tướng Chính phủ phong, thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng, Trung tướng”. Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Theo đó, Chủ tịch nước “quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân” (khoản 5, Điều 88). Với quy định này, thẩm quyền phong, thăng cấp hàm Trung tướng, Thiếu tướng trong quân đội và công an trước đây thuộc về Thủ tướng Chính phủ thì nay thuộc về Chủ tịch nước. Trước đây, việc bổ nhiệm “Phó Đô đốc Hải quân, Chuẩn Đô đốc Hải quân” là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì nay, Hiến pháp năm 2013 quy định quyền này thuộc về Chủ tịch nước. Theo cấp bậc quân hàm sĩ quan thì Chuẩn Đô đốc Hải quân tương đương cấp hàm Thiếu tướng, còn Phó Đô đốc Hải quân tương đương cấp hàm Trung tướng. Như vậy, Chủ tịch nước có quyền phong hàm sĩ quan từ cấp Thiếu tướng trở lên trong các lực lượng vũ trang nhân dân.

Để vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân” của Chủ tịch nước được bảo đảm thực thi, trên quan điểm khoa học, những đề xuất, kiến nghị được đưa ra như sau:

Một là, kiện toàn Hội đồng Quốc phòng và An ninh thực quyền như các nước Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Trung Quốc,…

Đối với Hội đồng Quốc phòng và An ninh, cần bổ sung chức danh Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh và chức danh này có hàm ngang Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, có tầm quan trọng sau Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Toàn bộ những vấn đề đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh của đất nước đều do Hội đồng này bàn bạc và quyết định, sau đó xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội.

Cần làm rõ hơn những vấn đề mà Hiến pháp năm 2013 còn quy định ở tầm khái quát chung, như vấn đề biểu quyết của Hội đồng Quốc phòng và An ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch.

Khoản 1, Điều 89 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Hội đồng Quốc phòng và An ninh làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số”. Tuy nhiên, trong trường hợp “hai bên biểu quyết ngang nhau” thì giải quyết như thế nào lại không được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Do đó, sẽ là hợp lý nếu vấn đề này được quy định trong Luật về hoạt động của Chủ tịch nước. Trường hợp này có thể quy định: “Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh đã biểu quyết”. Quy định như vậy một mặt, vẫn đề cao hình thức hoạt động tập thể của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, nhưng mặt khác, cũng tăng cường vai trò cá nhân của Chủ tịch nước. Thiết nghĩ, đây là một sự bổ sung quan trọng nhằm làm rõ vai trò “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh” của Chủ tịch nước.

Cần giao cho Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyền giải quyết, chỉ đạo trực tiếp các vấn đề an ninh phi truyền thống, như khủng bố, an ninh mạng và tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, an ninh năng lượng, an ninh lương thực,… đã và đang nổi lên ở nước ta, thế giới và khu vực.

Chủ tịch nước có thẩm quyền chỉ đạo, giải quyết các vấn đề phòng thủ dân sự được quy định tại Chương V Luật Quốc phòng năm 2005.

Chủ tịch nước và Hội đồng Quốc phòng và An ninh có quyền chỉ đạo trực tiếp công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cần thành lập Cơ quan Tình báo quốc gia với tư cách là một cơ quan ngang bộ. Chủ tịch nước có quyền chỉ đạo trực tiếp cơ quan này. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy tất cả các quốc gia muốn phát triển và thực thi quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang của người đứng đầu nhà nước như Chủ tịch nước hoặc Tổng thống, cần phải thành lập Cơ quan Tình báo quốc gia. Cơ quan này có quyền báo cáo trực tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, với vai trò“thống lĩnh lực lượng vũ trang”, Chủ tịch nước có quyền chỉ đạo, điều hành trực tiếp các hoạt động quốc phòng và an ninh.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Chủ tịch nước phải có những quyền mang tính trực tiếp, như tổ chức lực lượng, thực hiện các biện pháp xử lý… Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc thực hiện các biện pháp kể trên chưa phải thuộc quyền chủ động hoàn toàn của Chủ tịch nước.

Theo Điều 30 Luật Quốc phòng năm 2005, Chủ tịch nước có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương, tuy nhiên, Chủ tịch nước lại không có quyền ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ nếu không được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giả sử, trong trường hợp chiến tranh xảy ra một cách nhanh chóng, chớp nhoáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại không thể họp được thì quyền ban hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ của Chủ tịch nước sẽ bị “treo” vô thời hạn. Điều này rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng ứng phó của cả đất nước khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Bên cạnh đó, trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp về quốc phòng hay chiến tranh, khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì cần phải áp dụng biện pháp thiết quân luật. Việc áp dụng biện pháp thiết quân luật thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, Chủ tịch nước sẽ không thể ra lệnh thiết quân luật nếu không có đề nghị của Chính phủ. Nếu như vậy, quyền chủ động ứng phó với tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh, trách nhiệm chính trị của Chủ tịch nước đã chuyển sang cho Chính phủ. Trong khi đó, trên thực tế, về lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Chính phủ không thể có vị trí, tính chất pháp lý như Chủ tịch nước. Ngược lại, nếu Chủ tịch nước tự ý ra lệnh thiết quân luật thì lại trái với quy định pháp luật. Nếu như điều này xảy ra thì không thể huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đối phó kịp thời với tình trạng bất ổn xảy ra.

Là một thiết chế thực hiện quyền hành pháp, Chủ tịch nước cần phải được trao những quyền hạn phù hợp với khả năng nhanh chóng, kịp thời đối phó với những diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh. Do đó, trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, nên trao quyền cho Chủ tịch nước căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương hay trong phạm vi cả nước để ra lệnh thiết quân luật mà không cần có “sự đề nghị” của Chính phủ. Trong trường hợp này, chúng ta có thể tiếp thu kinh nghiệm lập hiến của Hàn Quốc. Điều 77 Hiến pháp Hàn Quốc quy định: “Khi cần thiết phải đối phó về mặt quân sự hoặc để duy trì trật tự và an toàn công cộng và nhằm huy động lực lượng quân sự vào thời điểm chiến tranh, xung đột vũ trang hoặc tình trạng khẩn cấp tương tự, Tổng thống có thể tuyên bố thiết quân luật theo các điều kiện do luật định. Khi Tổng thống ban bố thiết quân luật, Tổng thống cần phải thông báo ngay lập tức cho Quốc hội”. Nếu tiếp thu kinh nghiệm này thì Luật về hoạt động của Chủ tịch nước cần quy định một cách cụ thể, rõ ràng về vấn đề này.

Ngoài ra, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật thì khoản 1, Điều 32 Luật Quốc phòng năm 2005 cũng cần được sửa đổi như sau: “Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật. Khi ra lệnh thiết quân luật, Chủ tịch nước phải thông báo cho Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong trường hợp Quốc hội không thể họp được”.

Về vai trò của Chủ tịch nước đối với Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương: Chủ tịch nước tham gia Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, trực tiếp bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng về an ninh, quốc phòng nói chung và Quân đội nhân dân, Công an nhân dân nói riêng.

Hiện nay, Hiến pháp năm 2013 không quy định về quyền ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, trên thực tế, Chủ tịch nước vẫn thực hiện quyền này. Do đó, cần có luật quy định rõ quyền ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước. Trong luật này cần quy định về nguyên tắc, điều kiện ân giảm, trình tự thực hiện và thời hạn tối đa kể từ ngày nhận được đơn xin ân giảm của phạm nhân mà Chủ tịch nước phải trả lời… Quy định này góp phần thực hiện quyền hạn của Chủ tịch nước trong lĩnh vực tư pháp.

Chủ tịch nước cần có thẩm quyền chỉ đạo hoạt động điều tra hình sự. Theo đó, Chủ tịch nước bổ nhiệm, cách chức thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên cao cấp thuộc cơ quan điều tra cấp bộ - thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ Công an có nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác điều tra hình sự. Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế thực hiện nhiệm vụ quản lý này. Cần phải thành lập Ủy ban Điều tra quốc gia (hoặc Cơ quan Điều tra quốc gia) do Bộ trưởng Bộ Công an (hoặc Thứ trưởng Bộ Công an) làm Chủ tịch; các Phó Chủ tịch là thủ trưởng ngành kiểm sát, quân đội, kiểm lâm, hải quan, kiểm ngư. Chủ tịch nước có quyền trực tiếp chỉ đạo cơ quan này.

Ngoài thẩm quyền “quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam”, Chủ tịch nước cần có thêm các thẩm quyền khác. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam: bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tư lệnh các quân khu, quân đoàn, binh đoàn, các quân, binh chủng. Đối với Công an nhân dân Việt Nam: bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Cục trưởng Tổng Cục Chính trị Công an nhân dân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Những vấn đề nêu trên cần được quy định rõ trong Luật về Chủ tịch nước.

Ngoài thẩm quyền “quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam”, Chủ tịch nước cần có thêm các thẩm quyền khác. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước cần có quyền: bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tư lệnh các quân khu, quân đoàn, binh đoàn, các quân, binh chủng. Đối với Công an nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước cần có quyền: bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Cục trưởng Tổng Cục Chính trị Công an nhân dân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ.

Những vấn đề nêu trên cũng cần được quy định rõ trong Luật về Chủ tịch nước./.

Trung tướng, GS. TS. Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân

 

Theo: tapchicongsan.org.vn

Bình luận

Theo hiến định, Chủ tịch nước là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, cần ban hành, sửa đổi pháp luật; kiện toàn một số tổ chức và bổ sung những nhiệm vụ, chức danh cần thiết… nhằm bảo đảm việc thực thi nhiệm vụ và quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước.

" />

Tin tức cùng chuyên mục

Cơ cấu, tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở chính quyền đô thị tại Việt Nam hiện nay

Ngày đăng 07/09/2023
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII yêu cầu: “Kiện toàn tổ chức, tinh giản hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế”(1) phải gắn với: “Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức”(2). Trên cơ sở đó, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng đề án tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Đến nay, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết để thí điểm áp dụng xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở 03 thành phố trực thuộc Trung ương nói trên(3). 

Bàn về tính khoa học, hợp lý của phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương ở Việt Nam hiện nay

Ngày đăng 29/08/2023
Trên cơ sở luận giải, phân tích cơ sở pháp lý và kết quả triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trong thời gian qua, bài viết đề xuất một số giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII.

Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số hiện nay

Ngày đăng 28/08/2023
Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nhằm nâng cao chất lượng trong cơ quan nhà nước là nội dung quan trọng trong quá trình cải cách nền hành chính nhà nước nói chung và cải cách công vụ, công chức nói riêng. Công tác này trở nên cấp thiết hơn khi tình trạng không ít CBCCVC có năng lực nghỉ việc thời gian qua và khi triển khai Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong bối cảnh đang thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Bài viết đi sâu phân tích nội hàm lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế về quản lý CBCCVC theo vị trí việc làm và khung năng lực, có so sánh với một số cách thức quản lý nguồn nhân lực khác, qua đó đối chiếu với thực tiễn trong nước để làm rõ, đóng góp một số nội dung tham khảo trong quá trình thu hút, giữ chân và phát triển CBCCVC có năng lực trong cơ quan nhà nước thời gian tới.

Chuyển đổi số và thách thức đối với thực thi quyền lực nhà nước

Ngày đăng 09/08/2023
Chuyển đổi số đang tạo ra những tác động đa chiều lên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội hiện đại, trong đó có lĩnh vực hoạt động của khu vực công (căn bản là thực thi quyền lực nhà nước) trên cả hai phương diện thời cơ và thách thức. Bài viết tập trung phân tích, nhận diện những thách thức đối với thực thi quyền lực nhà nước từ công cuộc chuyển đổi số, từ đó đưa ra một số gợi mở đối với Việt Nam hiện nay.

Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay

Ngày đăng 28/07/2023
Sau 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1). Trong đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đóng vai trò rất quan trọng, được xác định là triệt để nhất, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nâng cao vị thế, uy tín và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Tiêu điểm

Triển lãm số "Không gian Mộc bản triều Nguyễn"

Tối ngày 22/9/2023, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức khai mạc Triển lãm số “Không gian Mộc bản triều Nguyễn” và sự kiện “Hành trình di sản trong thời đại số” với sự tham gia của gần 200 đại biểu, khách mời là lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ công tác trong lĩnh vực lưu trữ và văn hóa ở trung ương và địa phương.