Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Nâng cao vai trò của nhân dân trong quá trình ra quyết định của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

Ngày đăng: 24/06/2016   14:56
Mặc định Cỡ chữ

Thực tiễn hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội ở nước ta thời gian qua đã chứng minh: ra quyết định có vai trò rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, quản lý bởi vì việc ra quyết định sẽ chi phối toàn bộ quá trình tổ chức, thực hiện một nhiệm vụ nào đó trong thực tế. Việc ra quyết định đúng hay sai, chính xác hay không chính xác dù ở cấp độ nào cũng quyết định đến sự thành công hay thất bại của công việc. Ra quyết định nếu như không đúng, không trúng, không khách quan, khoa học, không mang lại lợi ích cho xã hội thì hậu quả rất lớn thậm chí gây bất bình trong nhân dân, mất ổn định xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ở tầm lãnh đạo, quản lý càng cao thì sức nặng của quyết định càng lớn, tầm ảnh hưởng càng rộng. Chỉ một quyết định không đúng sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, điều mà các phương tiện truyền thông hàng ngày đưa tin, trở thành một vấn đề thu hút dư luận hiện nay. Nhìn rộng hơn, năng lực ra quyết định sẽ quyết định năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ ở mọi cấp. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm nước ta có hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật và rất nhiều quyết định hành chính của các bộ, ngành, địa phương không được thẩm định kỹ trước khi ban hành. Những sai sót trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Có thể thấy, ra quyết định lãnh đạo, quản lý phụ thuộc vào hai nhân tố cơ bản. Một là, tự thân người lãnh đạo, quản lý phải có đạo đức và giỏi chuyên môn, có năng lực, phương pháp lãnh đạo, quản lý. Hai là, về khách quan, năng lực ra quyết định  lãnh đạo, quản lý chịu sự chi phối rất mạnh của dư luận xã hội mà về thực chất chính là mức độ tham dự của người dân vào quá trình ra quyết định; phụ thuộc vào sức nặng của pháp luật, đây chính là hàng rào để ngăn ngừa các hành vi, hoặc các dấu hiệu thâu tóm quyền lực vì lợi ích cục bộ trong việc ra các quyết định lãnh đạo, quản lý. Với cách tiếp cận đó có thể khẳng định, mức độ tham dự của nhân dân có vai trò mang tính quyết định đến chất lượng các quyết định của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Theo đó, mức độ tham dự của người dân trong quá trình ra quyết định của cán bộ lãnh đạo, quản lý có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt hiện nay khi dân chủ tiếp tục được mở rộng và bảo đảm, nhận thức của người dân ngày càng tốt hơn, ý thức chính trị của họ được nâng cao hơn, người dân có trách nhiệm hơn và đồng thời đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với những người mà họ ủy nhiệm quyền lực. Để các quyết định đưa ra phù hợp, một vấn đề có tính nguyên tắc được quy định bằng luật là phải đưa ra trước nhân dân để bàn thảo, lấy ý kiến. Tuy nhiên, nhiều quyết định đã mạo danh “được sự đồng thuận của nhân dân”, không tham khảo ý kiến của nhân dân, không được người dân đồng thuận, thậm chí người dân không đồng tình nhưng vẫn ra quyết định. Đây là căn nguyên dẫn tới nhiều bất bình trong xã hội.

Hiện nay, người dân có nhiều kênh khác nhau cả trực tiếp và gián tiếp để tham dự vào quá trình ra quyết định. Thông qua các cơ quan đại diện thực hiện dân chủ gián tiếp và thông qua hình thức dân chủ trực tiếp. Trong đó, cần đặc biệt phát huy tốt vai trò của truyền thông đại chúng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, vai trò và tính tích cực của người dân trong tham dự vào quá trình ra quyết định của các cấp lãnh đạo, quản lý.

Tăng cường sự tham dự của người dân trong quá trình ra quyết định đòi hỏi các chủ thể lãnh đạo, quản lý phải chủ động lấy ý kiến nhân dân, thăm dò dư luận, nâng cao tính thiết thực của hoạt động tiếp dân, của đối thoại dân chủ ở cơ sở, cung cấp đầy đủ thông tin về lĩnh vực liên quan các quyết định.v.v.. để nhân dân giám sát, thụ hưởng lợi ích từ các quyết định mang lại. Cùng với sự chủ động ấy thì tự thân mỗi người dân phải đề cao trách nhiệm, góp tiếng nói của mình.

Mặt khác, người lãnh đạo, quản lý, chính quyền các cấp và các cơ quan có trách nhiệm phải đập tan những luận điệu của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, bóp méo chủ trương, chính sách, quyết sách lãnh đạo, quản lý các cấp để trục lợi hoặc phá hoại sự nghiệp cách mạng; chủ động, thường xuyên, tích cực tuyên truyền về các quyết sách hay, thiết thực nhằm cổ vũ nhân dân, khích lệ người lãnh đạo, quản lý với những quyết sách mang lại lợi ích xã hội.

Tăng cường sự tham dự của người dân trong quá trình ra quyết định phải toàn diện, cả quy trình, mọi bước đi đều có sự giám sát của nhân dân. Khi soạn thảo văn bản nội dung quyết định lãnh đạo, quản lý phải tham khảo ý kiến của dân để bổ sung, điều chỉnh quyết định cho phù hợp với thực tiễn. Khi thực hiện phải lắng nghe phản hồi từ nhân dân để tiếp tục điều chỉnh phương pháp, cách thức, thậm chí nội dung quyết định cho phù hợp. Như vậy, sự tham gia của nhân dân không những tác động đến nội dung mà cả quá trình tổ chức thực hiện quyết định.

Thực tế hiện nay, trình độ dân trí ngày càng cao, các phương tiện truyền thông ngày càng có khả năng, điều kiện truyền tải thông tin phản biện chính sách từ quần chúng đã làm gia tăng vai trò, sức mạnh trong thực tế của nhân dân. Tuy nhiên, gia tăng quyền lực thực sự của người dân vào quá trình ra chính sách lại phụ thuộc quyết định ở tính nghiêm minh của pháp luật. Một mặt là căn cứ xác định quyền hạn, trách nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong mối quan hệ với nhân dân; là cơ sở pháp lý để các quyết định được thực thi đồng thời là cơ sở để ngăn chặn tính tự phát chệch hướng của quyền lực trong các quyết định. Cho nên, Singapore mới ban hành chính sách để làm sao cán bộ không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng. Chính sức mạnh ưu việt của pháp luật mà tình trạng tham nhũng ở Singapore ở mức thấp.

Ở nước ta, tình trạng lạm dụng quyền hạn, chức vụ để trục lợi, xa dân, thiếu coi trọng dân vẫn còn. Cho nên có nhiều quyết định đưa ra đi ngược với quyền lợi chính đáng của người dân, bị dư luận phản đối. Nhiều quyết định “chết yểu” bởi nó không phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Trong khi đó, người ra quyết định sai lại chưa bị xử lí có tính nghiêm minh và răn đe do những lỗ hổng và sự lỏng lẻo của luật pháp. Từ đó, muốn gia tăng quyền lực nhân dân thì cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện luật pháp theo hai hướng sau:

Một là, xây dựng luật theo hướng kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người lãnh đạo, quản lý ở mọi cấp chính quyền. Pháp luật phải hoàn thiện để ngăn chặn việc lợi dụng ra các quyết định để trục lợi. Tất yếu phải không ngừng hoàn thiện pháp luật, quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm cán bộ các cấp, đặc biệt hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng; kê khai tài sản; Luật Cán bộ, công chức… nhằm quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, ngăn chặn các nguy cơ lạm quyền; đồng thời có căn cứ xử lý nghiêm minh, có tính răn đe cao.

Công tác thanh kiểm tra của các cơ quan nhà nước cũng phải được thực hiện tốt nhằm phát hiện các quyết định không đúng. Đặc biệt, hiện nay cần có cơ chế để xử lý đối với các quyết định không đúng, không để xảy ra tình trạng sai lại sửa rồi rút kinh nghiệm là xong. Do đó, trong công tác lập pháp cần xác lập khuôn khổ pháp luật hữu hiệu ngăn chặn tối đa tình trạng ra các quyết định không đúng gây hậu quả ở các mức độ khác nhau. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý trong quá trình ra quyết định, là cơ sở để việc coi trọng nhân dân trở thành nguyên tắc của quá  trình ra quyết định.

Hai là, cần cụ thể hóa trong luật nhằm vừa làm rõ, vừa có tính khả thi cao trong quy định của pháp luật về quyền lực của nhân dân, làm cơ sở nâng cao tính ưu việt của nó trong thực tiễn. Ví như: quy định rõ cơ chế thực thi quyền lực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc ra các quyết định lãnh đạo, quản lý; về cơ chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; về quy định bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng, tiêu cực trong quản lý xã hội.v.v.. Đây là những vấn đề nan giải cần phải giải quyết hiện nay. Trong đó, cần đặc biệt nâng cao chất lượng phản hồi của cơ quan nhà nước các cấp đối với ý kiến của nhân dân về các quyết định lãnh đạo, quản lý ở mọi cấp, đặc biệt ở cấp cơ sở. Điều này làm hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài, sự suy giảm niềm tin trong nhân dân.v.v..

Mặt khác, để nhân dân tham dự vào quá trình ra quyết định, thiết nghĩ về sâu xa phải từ một chính quyền mạnh. Theo quan điểm xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước phục vụ hiện nay thì nhà nước thực sự mạnh là nhà nước có tổ chức bộ máy tinh gọn, chặt chẽ, hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả. Tình trạng lạm quyền, tham nhũng được kiểm soát tốt; hệ thống luật pháp thực sự là tối thượng; người dân thực sự làm chủ; cán bộ công chức ý thức được mình là người phục vụ dân chúng chứ không phải là “quan” như Bác Hồ vẫn thường nhắc nhở. Chỉ khi bộ máy nhà nước mạnh thì hiệu quả hoạt động mới cao. Tự thân nhà nước ngày càng được củng cố thì trách nhiệm đối với dân chúng mới cao, tất yếu nhân dân càng được coi trọng, theo đó quyền lực nhân dân càng được tăng cường. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà nước càng mạnh thì càng gần dân, nhà nước càng yếu thì càng xa dân, tiếng nói của dân càng bị xem nhẹ. Do đó, để nhân dân tham dự vào quá trình ra quyết định lãnh đạo, quản lý có hiệu quả thì tự thân nhà nước phải không ngừng hoàn thiện theo hướng lấy dân làm gốc, tất cả quyền hạn, lợi ích, công việc đều của dân, do dân, vì dân.

Thanh Hải - Tuấn Anh

Theo: danvan.vn

Bình luận

Thực tiễn hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội ở nước ta thời gian qua đã chứng minh: ra quyết định có vai trò rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, quản lý bởi vì việc ra quyết định sẽ chi phối toàn bộ quá trình tổ chức, thực hiện một nhiệm vụ nào đó trong thực tế. Việc ra quyết định đúng hay sai, chính xác hay không chính xác dù ở cấp độ nào cũng quyết định đến sự thành công hay thất bại của công việc. Ra quyết định nếu như không đúng, không trúng, không khách quan, khoa học, không mang lại lợi ích cho xã hội thì hậu quả rất lớn thậm chí gây bất bình trong nhân dân, mất ổn định xã hội.

" />

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.