1. Minh bạch và lợi ích của minh bạch trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước
Thuật ngữ minh bạch (tiếng Anh là Transparency) được hiểu là cởi mở, thẳng thắn, trung thực trong tất cả giao tiếp, giao dịch và hoạt động(1). Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước (HCNN), minh bạch được hiểu là các thông tin phù hợp, tin cậy, kịp thời về các hoạt động của chính phủ và các cơ quan trong hệ thống HCNN phải có sẵn, dễ tiếp cận cho công dân, tổ chức(2).
Ảnh minh họa: internet |
Do hoạt động của chính phủ và các cơ quan trong hệ thống HCNN bao quát nhiều lĩnh vực nên thông tin về hoạt động của các cơ quan này rất đa dạng và phong phú. Đó có thể là những thông tin liên quan đến các quy định, thủ tục, chính sách, quyết định hoặc những thông tin về tài chính, cơ cấu tổ chức, nhân sự…
Theo Bok, D. (1997)(3), minh bạch đòi hỏi quá trình hoạch định chính sách, thực hiện và các điều chỉnh phải được công khai một cách hợp lý. Theo cách hiểu này, công khai là một khía cạnh của minh bạch. Tuy nhiên, không phải cứ công khai là đảm bảo được minh bạch. Nói cách khác, muốn có minh bạch thì mức độ công khai phải đầy đủ, rõ ràng để các tổ chức, công dân và các chủ thể quan tâm khác trong xã hội có thể biết và hiểu được những lý do tại sao chính phủ và các cơ quan trong hệ thống HCNN lại có quyết định hay thực hiện những hành động đó.
Như vậy, công khai và minh bạch là 2 khái niệm gần nhau nhưng không đồng nhất. Công khai là đảm bảo thông tin được chia sẻ. Ngược với công khai là bí mật và che giấu thông tin. Bí mật và che giấu thông tin sẽ làm cho việc tiếp cận thông tin trở nên khó khăn, phức tạp.
Minh bạch là đảm bảo sự rõ ràng, không chỉ đáp ứng được tính công khai (tức là sự sẵn sàng chia sẻ thông tin) mà còn đảm bảo khả năng tiếp cận được thông tin, sẵn sàng tham gia trao đổi một cách thẳng thắn, trung thực về quá trình ban hành các chính sách và quyết định.
Minh bạch luôn gắn liền với trách nhiệm, đòi hỏi chính phủ và đội ngũ cán bộ, công chức phải công khai quá trình thực hiện công việc cho các bên quan tâm. Ở góc độ này, minh bạch có mối quan hệ chặt chẽ với trách nhiệm, vì có trách nhiệm mới có xu hướng công khai và đảm bảo các điều kiện cho công khai.
Đảm bảo minh bạch trong hoạt động quản lý HCNN sẽ đem lại những lợi ích như:
- Gia tăng niềm tin vào chính phủ và các cơ quan HCNN là mục tiêu quan trọng của tất cả các quốc gia và ở bất cứ giai đoạn nào. Nghiên cứu của các học giả trên thế giới đã cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa công khai, minh bạch, trung thực và niềm tin. Butler and Cantrell (1984)(4) xác định có 5 cơ sở để tạo niềm tin, đó là sự nhất quán, trung thực, công bằng, minh bạch và cởi mở. Một nghiên cứu của Bok (1997)(5) đã cho rằng, công dân thiếu sự tin tưởng vào các cơ quan nhà nước không phải xuất phát từ những sự thật khách quan hay những khiếm khuyết trong hoạt động của những cơ quan này, mà chính là do những ý kiến chủ quan về hoạt động của các cơ quan nhà nước và họ không được cung cấp đầy đủ thông tin để đánh giá chính xác về hoạt động của các cơ quan nhà nước. Campbell (2003)(6) cũng chỉ ra nguyên nhân thiếu sự tin tưởng ở chính phủ và các cơ quan nhà nước là công dân không được cung cấp các tài liệu, thông tin về hoạt động của các cơ quan này. Ông khẳng định, thông tin về hoạt động của chính phủ là yếu tố vô cùng quan trọng để xây dựng niềm tin của công dân. Nếu thiếu thông tin về hoạt động của chính phủ, niềm tin của công dân sẽ giảm sút hoặc ở mức độ thấp và ngược lại, nếu có đầy đủ thông tin về hoạt động của chính phủ thì niềm tin của công dân sẽ tăng lên. Điều này có được khi chính phủ có sự công khai, minh bạch về các hoạt động của mình khiến cho công dân có nhận thức đó là một chính phủ cởi mở, trung thực và sẽ ảnh hưởng tích cực đến niềm tin của họ vào chính phủ.
- Việc tiếp cận các thông tin liên quan đến hoạch định chính sách có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng và đối với việc nâng cao chất lượng của các chính sách, vì nó tạo cơ hội để người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Ở góc độ đó, những thông tin được cung cấp từ phía người dân là những thông tin đầu vào cần thiết cho quá trình hoạch định chính sách. Thông qua ý kiến phản hồi của người dân, của các tổ chức xã hội mà các nhà hoạch định chính sách có cơ sở và cơ hội để xem xét, cân nhắc, quyết định các nội dung chính sách một cách đầy đủ và đa diện hơn.
- Đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả trong phân bổ và chi tiêu ngân sách. Theo cách truyền thống, ngân sách thường được phân bổ theo các yếu tố đầu vào như xây dựng, lương… hoặc được phân bổ theo biên chế mà không có sự liên hệ rõ ràng với việc đạt được mục tiêu của các tổ chức. Kiểm soát tài chính chỉ đơn thuần là kiểm soát chi tiêu theo những yếu tố đầu vào để đảm bảo chi đúng cho các khoản mục đã được phê duyệt hoặc phân bổ. Các nhà quản lý cũng không có nhiều quyền lực để phân bổ lại chỉ tiêu ngân sách, cho dù làm như vậy có thể mang lại hiệu quả cao hơn cho tổ chức.
Khi thông tin về kết quả của một tổ chức HCNN phải đạt được xác định và công khai (dưới dạng các chỉ số đầu vào hoặc chỉ số tác động), thì đó sẽ là cơ sở để phân bổ ngân sách đủ cho tổ chức đạt được các chỉ số kết quả đó. Mặt khác, đòi hỏi các nhà quản lý phải có trách nhiệm công khai, minh bạch về các khoản ngân sách đã được chi tiêu và các kết quả được xác định đã đạt đến mức độ nào. Nhờ đó, các nhà quản lý sẽ phải tập trung vào kiểm soát việc thực hiện mục tiêu và tăng cường trách nhiệm trong việc đạt kết quả đã đề ra.
- Gia tăng trách nhiệm của các nhà hành chính. Khi các thông tin và hoạt động của các cơ quan hành chính đảm bảo được công khai, minh bạch sẽ làm tăng trách nhiệm của nhà quản lý đối với công chúng, bởi cách quản lý này cho phép công chúng có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các thông tin về mức độ hoạt động của chính phủ, đồng thời cho phép người dân không chỉ tham gia vào hoạch định định sách, xây dựng các kế hoạch chiến lược mà còn tham gia vào đánh giá các chính sách, các dịch vụ được cung cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền. Điều này gây áp lực và đòi hỏi các nhà quản lý, công chức chuyên môn sẽ phải thay đổi động cơ, điều chỉnh hành vi và có trách nhiệm đối với các hoạt động của mình.
Sự minh bạch sẽ giúp chuyển đổi từ văn hóa hành chính chỉ quan tâm đến việc tuân thủ các quy định, quy trình, thủ tục sang quan tâm đến kết quả và chịu trách nhiệm về các kết quả cần phải đạt được chứ không chỉ là trách nhiệm tuân thủ các quy trình, thủ tục.
- Gia tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan HCNN. Sự minh bạch trong HCNN sẽ giúp gia tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan HCNN vì nó đảm bảo mục tiêu, chương trình, hoạt động, nguồn lực được xây dựng và phân bổ một cách hợp lý. Thông qua phân bổ nguồn lực hợp lý và hiệu quả, hệ thống hành chính sẽ có cơ hội, nguồn lực để cải thiện kết quả hoạt động của các cơ quan hành chính nói chung và trong từng cơ quan nói riêng.
Việc xây dựng, phân bổ nguồn lực dựa trên thông tin về kết quả hoạt động giúp cho các nhà hoạch định và phân bổ nguồn lực, đặc biệt là ngân sách vào những lĩnh vực, những chính sách cần thiết nhất. Thông tin về kết quả hoạt động của các tổ chức HCNN trở thành yếu tố quan trọng trong việc quyết định các lĩnh vực chính sách, mục tiêu, chương trình cần được ưu tiên trong tương lai.
Minh bạch trong HCNN sẽ giúp thay đổi cách thức quản lý, quá trình ra quyết định và cách tổ chức lập kế hoạch dựa trên các thông tin cần thiết, có giá trị. Cách thức quản lý này chuyển tổ chức từ mô hình quan liêu sang mô hình linh hoạt hơn, hoạt động quản lý và ra quyết định dựa trên kết quả, đảm bảo cho các tổ chức hành chính đạt được mục tiêu đề ra.
- Cải thiện tình trạng tham nhũng trong xã hội. Tham nhũng tồn tại trong bất cứ xã hội nào và là yếu tố cản trở sự phát triển đất nước, làm vô hiệu hoá nguyên tắc công bằng trong các cơ quan công quyền, gia tăng chi phí trong hoạt động của các tổ chức, cản trở các hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài… Vì vậy, ở nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, việc tăng cường minh bạch trong hoạt động quản lý HCNN được coi là một yếu tố quan trọng để chống tham nhũng.
Minh bạch trong hoạt động quản lý HCNN là việc đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận tới các thông tin và tài liệu của các cơ quan HCNN, đảm bảo sự tham gia nhiều hơn của người dân vào quá trình ban hành các quyết định có liên quan tới họ nhằm đảm bảo tính hợp pháp, hiệu quả và trách nhiệm của chính quyền đối với dân(7). Nếu sự minh bạch không được đề cao, các chính sách và thủ tục hành chính không rõ ràng sẽ tạo điều kiện để cán bộ, công chức nhũng nhiễu, hạch sách người dân, là môi trường để các hành vi tham nhũng, tiêu cực nảy sinh. Do đó, muốn cải thiện tình trạng tham nhũng cần đảm bảo cho công dân, tổ chức có điều kiện tiếp cận thông tin của các cơ quan nhà nước một cách đầy đủ.
2. Minh bạch với quá trình cải cách hành chính ở Việt Nam
Minh bạch là điều kiện đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy HCNN, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Minh bạch trong hoạt động của các cơ quan HCNN vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu cơ bản trong xu thế cải cách HCNN ở nhiều nước trên thế giới. Công khai, minh bạch cũng là một trong 4 đặc điểm cơ bản của mô hình hành chính mới hiện nay được nhiều nước phát triển và đang phát triển theo đuổi, đó là mô hình quản trị nhà nước tốt (Good Governance)(8).
Ở Việt Nam, việc minh bạch hoá hoạt động quản lý nhà nước nói chung, hoạt động quản lý HCNN nói riêng là yêu cầu quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Luật Phòng, chống tham nhũng đã đưa vấn đề công khai, minh bạch thành một nguyên tắc chung cho hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị và là nguyên tắc cơ bản của quản lý ngân sách nhà nước. Nguyên tắc này nhằm ngăn chặn tham nhũng và bảo đảm nền HCNN tuân thủ các giá trị dân chủ, pháp quyền.
Tuy nhiên, trong hoạt động quản lý HCNN ở Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại những quan hệ mang tính chất xin - cho; trong đội ngũ cán bộ, công chức còn những biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Điều đó gây khó khăn, phiền hà cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi cần giải quyết công việc tại các cơ quan HCNN. Sự quan liêu, hách dịch, cửa quyền cùng với các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo chính là kẽ hở để một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng vị trí công tác của mình phục vụ lợi ích cá nhân.
Do đó, việc nâng cao tính minh bạch trong hoạt động quản lý HCNN là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Đồng thời góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu của chương trình cải cách HCNN giai đoạn 2011-2020, đó là: 1) xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; 2) tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc tuân thủ thủ tục hành chính; 3) xây dựng hệ thống các cơ quan HCNN từ Trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và của các cơ quan HCNN; 4) bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, của đất nước; 5) xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.
3. Một số kiến nghị nhằm đảm bảo minh bạch trong hoạt động quản lý HCNN
Thứ nhất, cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Tiếp cận thông tin.
Ở Việt Nam hiện nay chưa xây dựng được Luật Tiếp cận thông tin nên chưa có những quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin của các chủ thể trong xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện, các thủ tục hành chính còn rườm rà, mâu thuẫn... gây những tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của HCNN. Trên thực tế, việc nhiều cơ quan có thẩm quyền tùy tiện đóng dấu mật cho văn bản và tự quy định danh mục "mật" có thể làm vô hiệu hóa những hoạt động giám sát của xã hội nói chung đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước và quá trình minh bạch hoá hoạt động quản lý HCNN trở nên khó khăn.
Luật Tiếp cận thông tin được xây dựng không chỉ giúp cho công dân tiếp cận thông tin của các cơ quan chính phủ, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước mà còn tăng cường trách nhiệm của công chức và đảm bảo cho công dân tham gia tích cực và hiệu quả vào công việc quản lý của nhà nước.
Tuy nhiên, khi xây dựng Luật này cần theo cả hai hướng: 1) Nhà nước có nghĩa vụ chủ động cung cấp thông tin cho các chủ thể trong xã hội, để có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và chủ động; 2) các chủ thể yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp những thông tin mà họ quan tâm. Tuy đây là hai hướng khác nhau nhưng đều thể hiện nguyên tắc nhất quán, đó là các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin và các chủ thể khác nhau trong xã hội có quyền yêu cầu từ phía các cơ quan nhà nước. Luật cần xác định rõ những loại thông tin nào thuộc danh mục bí mật, những thông tin nào thuộc loại cấm trong một danh mục. Báo chí, công dân và các chủ thể khác trong xã hội có thể tiếp cận được mọi thông tin mà họ cần ngoài danh mục cấm để tham gia và giám sát hoạt động của các cơ quan HCNN.
Thứ hai, tăng cường sự tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý HCNN.
Sự tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý hành chính không chỉ làm cho các quyết định và chính sách của nhà nước được ban hành sát với thực tế mà còn là cơ sở tăng cường tính minh bạch của hệ thống HCNN. Sự tham gia của người dân trong quản lý HCNN được thể hiện ở những khía cạnh sau đây:
- Tăng cường sự tham gia của nhân dân trong hoạch định chính sách và ra các quyết định. Để làm được điều này, cần có những quy định pháp lý cụ thể về việc đảm bảo sự tham gia của nhân dân trong việc ra quyết định cũng như hoạch định chính sách công ở tất cả các cấp chính quyền. Tham gia vào quá trình chính sách có thể tiến hành ở mọi giai đoạn của quy trình xây dựng chính sách với quy mô khác nhau. Sự tham gia của nhân dân trong quản lý nhà nước không chỉ được thực hiện thông qua các đại diện do nhân dân bầu ra mà còn được thực hiện trực tiếp thông qua trưng cầu dân ý (hỏi ý kiến trực tiếp người dân) và thông qua đối thoại trực tiếp qua truyền hình hoặc internet.
- Đề cao vai trò của công dân trong đánh giá hoạt động của nhà nước. Công dân phải được tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đồng thời có ý kiến đánh giá về các kết quả đó.
- Đa dạng hóa các hình thức phản hồi của các tổ chức và công dân đối với hoạt động của cơ quan HCNN hoặc các dịch vụ công do nhà nước cung cấp.
- Tăng cường sự giám sát của công dân đối với hoạt động của các cơ quan HCNN bằng nhiều hình thức.
Thứ ba, ứng dụng mạnh mẽ và hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý HCNN.
Ở nhiều nước, công nghệ thông tin được coi là công cụ hữu hiệu để hạn chế tham nhũng, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan HCNN. Ứng dụng công nghệ thông tin có thể được thực hiện thông qua các khía cạnh sau:
- Cung cấp các loại thông tin của chính phủ cho công dân, các nhà doanh nghiệp ngay tại cổng internet;
- Trao đổi thông tin giữa chính phủ và công dân, các nhà doanh nghiệp, các tổ chức khác thông qua mạng dưới hình thức: e.mail; đường dây nóng qua internet;
- Cung cấp các loại dịch vụ (dịch vụ hành chính/pháp lý) cho công dân, doanh nghiệp: đăng ký kinh doanh, giấy phép lái xe, trả thuế, trả thanh toán các dịch vụ khác, đơn đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn...
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý HCNN cần chú ý những điều kiện cơ bản sau:
- Phải có một nền tảng phát triển ở mức độ nhất định của hạ tầng công nghệ thông tin.
- Hoạt động của chính phủ phải có những chuyển đổi cơ bản để có thể khai thác, sử dụng thành tựu của công nghệ thông tin.
- Xã hội, công dân, các tổ chức có điều kiện để tiếp cận cách thức hoạt động quản lý mới của chính phủ thông qua việc khai thác lợi ích của công nghệ thông tin.
Thứ tư, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Các phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin tới các cá nhân trong xã hội, tạo diễn đàn tranh luận cho công chúng, thúc đẩy sự giao tiếp giữa các cá nhân và nhóm người khác nhau, đồng thời góp phần định hướng dư luận. Do đó, các phương tiện truyền thông đại chúng là một công cụ quan trọng để người dân có thể tiếp cận thông tin của các cơ quan HCNN một cách chính xác và khách quan nhất. Bằng các hoạt động của mình, các phương tiện truyền thông có thể gây áp lực thông qua dư luận để thúc đẩy nhanh tiến trình và nội dung minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan HCNN.
Để các phương tiện truyền thông đại chúng phát huy được vai trò cần chú ý đến các vấn đề sau:
- Đẩy mạnh truyền hình trực tiếp các cuộc họp quan trọng của các cơ quan nhà nước, tăng cường các cuộc đối thoại trực tiếp của các cơ quan có thẩm quyền, đưa tin đầy đủ về các sự kiện mà đại bộ phận nhân dân quan tâm hay những quyết sách liên quan mật thiết đến lợi ích của nhân dân cả nước.
- Thực hiện nghiêm Luật Báo chí, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Báo chí của các cơ quan, công chức.
- Nghiên cứu để từng bước xã hội hoá các phương tiện truyền thông nhằm góp phần khắc phục những hạn chế mà các phương tiện truyền thông hiện nay đang gặp phải.
PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Hải - Học viện Hành chính quốc gia
------------------------
Ghi chú:
(1) Xem: Renee Kuriyan và các cộng sự (2012). Technologies for Transparency and accountability: Implication for ICT policy and implementation.
(2) Xem: Erna Scholtes Transparency, symbol of a drifting government. Transatlantic Conference on Transparency Research Utrecht, The Netherlands8 and 9 June 2012.
(3) Xem: Bok, D. (1997). ''Measuring the Performance of Government.'' In Why People Don't Trust Government, eds. Joseph Nye, Jr., Philip Zelikow, and David King. Cambridge, MA: Harvard, University Press, pp. 55 -75.
(4) Butler, J.K., and Cantrell, R.S. (1984), 'A Behavioral Decision Theory Approach to Modeling Dyadic Trust in Superiors and Subordinates. 'Psychological Reports,Vol. 55, pp. 19-28.
(5) Sđd.
(6) Campbell, A. L. (2003). How Policies Make Citizens: Senior Political Activism and the American Welfare State.Princeton, NJ: Princeton University Press.
(7) Ploiesti (2011), Transparency and efficiency of public administration in relation with the citizens, Q-cities, March 5th 2011.
(9) Theo Ngân hàng Thế giới (1994), Quản trị nhà nước tốt (Good governance) có 4 đặc điểm sau: trách nhiệm giải trình, tức là cán bộ, công chức phải có trách nhiệm giải trình về các quyết định và hành vi hành chính của mình; sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý HCNN; môi trường pháp lý phải đảm bảo thuận lợi cho các hoạt động phát triển; minh bạch, tức là thông tin phải sẵn có và dễ dàng tiếp cận đối với công chúng, các thủ tục, quy định của cơ quan HCNN phải rõ ràng, dễ hiểu.
tcnn.vn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục