Hà Nội, Ngày 28/03/2024

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí

Ngày đăng: 21/06/2015   14:48
Mặc định Cỡ chữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969), vị lãnh tụ thiên tài và là nhà báo kiệt xuất. Người đã để lại cho thế hệ chúng ta hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có các quan điểm về báo chí. Qua cuộc đời hoạt động làm báo trên 50 năm, Hồ Chí Minh đã sáng lập nhiều tờ báo, viết trên dưới 2000 bài báo với phong cách luôn rộng mở, bút pháp độc đáo, sáng tạo. Các bài báo của Người đều thể hiện sự sắc sảo về tư duy, chính xác, phong phú về cứ liệu, sự kết hợp sắc bén lý luận với thực tiễn, từ chiều sâu của tri thức, bề dày của văn hóa dân tộc và thế giới, tạo nên tính chiến đấu, sức thuyết phục cao, thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, đồng thời phản ánh nhất quán các quan điểm về báo chí. 

 
Theo Hồ Chí Minh, trước hết báo chí phải là tiếng nói của chính nghĩa, “đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”[1].
 
Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ báo chí là hoạt động thông tin – giao tiếp xã hội nhưng lại có sức mạnh rất lớn để liên kết và can thiệp xã hội từ yếu tố chủ quan của người viết, từ mục đích đăng tải của các tòa báo. Do đó, với quan điểm báo chí phải bảo vệ chính nghĩa, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, ngay từ ngày đầu Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Người căn dặn các nhà báo: “Ngòi bút các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”[2], “cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”[3]. Nhà báo viết “phải đúng sự thật” “không được bịa ra”[4] “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”[5] và coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức số một của người làm báo. Người cũng chỉ rõ “... tất cả những người làm báo là người viết, người in, người sửa bài, người phát hành v.v.”[6] nên một tòa báo từ người sáng tạo ra tác phẩm báo chí đến chủ nhiệm, chủ bút phải có trách nhiệm nói lên tiếng nói chính nghĩa, phục vụ nhân dân. Người từng phê bình các tòa báo là "thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm", tránh né những tiêu cực trong xã hội. Tin tức thì có báo đưa “hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng”, “thiếu cân đối” [7], chỗ đáng khen thì không khen, chỗ đáng chê lại đi khen.
 
Bảo vệ chính nghĩa, phục vụ nhân dân cũng chính là đảm bảo tính chiến đấu của báo chí qua đó khẳng định "thương hiệu" của tờ báo, danh dự, uy tín của nhà báo. Người cũng đã chỉ rõ đối với bản thân báo chí, bản thân người làm báo cũng phải có tính chiến đấu mới làm báo tốt được. Viết một bài báo mà loại được những yếu tố cá nhân cũng là một cuộc đấu tranh.
 
Như vậy, đội ngũ nhà báo, các báo trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều phải thực sự khách quan, không chỉ trong việc phản ánh thông tin mà ngay cả trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin đó. Đối với cái xấu, sự dối trá, với kẻ thù, báo chí phải vận dụng sức mạnh liên kết và năng lực can thiệp xã hội của mình để “động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh”, để “đánh thắng địch về tuyên truyền, cũng như bộ đội đánh thắng địch về mặt quân sự”[8]. Cả cuộc đời hoạt động của Người cũng là sự khẳng định về mục tiêu bảo vệ chính nghĩa của báo chí là không giới hạn phạm vi, từ những sự thật, lẽ phải trong đời sống thường nhật, đến những công việc cần liên kết tạo tiếng nói của cả dân tộc, mở rộng ra là tiếng nói của các dân tộc trước công lý, đạo đức và mục tiêu chung.  
 
Thứ hai, tự do báo chí là là nhu cầu tinh thần quan trọng của mỗi quốc gia, dân tộc, là đòi hỏi cơ bản của quyền con người.
 
Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc đời hoạt động của mình bằng tiếng nói đấu tranh của báo chí. Thực tiễn đó giúp Người nhận thức rõ, tự do báo chí là một nhu cầu quan trọng trong tiến trình tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc; là quyền được thông tin, trao đổi, giao tiếp, thể hiện ý chí và nguyện vọng một cách công khai thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng của mỗi con người. Hồ Chí Minh cũng nhận thấy rằng hoạt động báo chí còn xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của một chế độ chính trị - xã hội, các giai cấp, giai tầng xã hội sử dụng báo chí chuyển tải ý chí và nguyện vọng của mình trước những vấn đề mà cả xã hội cùng quan tâm.
 
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản mới ra đời chống lại giai cấp phong kiến, báo chí tuyên truyền cho tư tưởng dân chủ tư sản, pháp luật tư sản, có tác dụng tích cực, cổ vũ việc xây dựng xã hội dân chủ tư sản. Tuy nhiên, khi giai cấp tư sản đã thiết lập được quyền thống trị của họ, báo chí lại là công cụ đắc lực phục vụ quyền lợi cho một thiểu số bóc lột. Để bảo vệ sự thống trị của mình, giai cấp tư sản đã xếp các loại báo bảo vệ chế độ tư bản là báo chí “tiến bộ”; còn lại các tờ báo nói lên tiếng nói phản kháng của số đông nhân dân thì họ liệt vào loại “phản động”. Các tờ báo của người dân lao động, của giai cấp công nhân đấu tranh cho một xã hội không có người bóc lột người, cũng đều bị coi là phản động! Người đã nêu lên một tình trạng khó mà tin được: “Giữa thế kỷ XX này ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo...Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ”[9] bởi sự cấm đoán của chủ nghĩa thực dân. Do đó, Hồ Chí Minh đã phê phán kịch liệt tình trạng mất tự do báo chí và kiên quyết đấu tranh để báo chí trở thành một bộ phận hữu cơ, một mặt trận, là vũ khí lợi hại trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và xây dựng cuộc sống mới của đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động, của giai cấp công nhân. Từ quyền tự do rộng khắp, báo chí sẽ có đối tượng phục vụ chính là giai cấp công nhân, nhân dân lao động – người không chỉ tiếp nhận các thông tin mà báo chí đem lại mà còn trực tiếp tham gia sáng tạo nên các tác phẩm báo chí làm cho báo chí thực sự trở thành diễn đàn để nhân dân bày tỏ nguyện vọng, tâm tư của mình.
 
Tuy nhiên, tự do báo chí theo Hồ Chí Minh không phải là tự do tuỳ tiện, vô hạn độ mà báo chí được quyền tự do trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Sắc lệnh số 282/SL ngày 14/12/1956 về việc Quy định chế độ báo chí của Người một mặt khẳng định đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, mặt khác, quy định báo chí phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo quyền tự do ngôn luận được sử dụng một cách đúng đắn. Nhà nước đã thừa nhận các quyền tự do dân chủ cho mọi công dân theo Hiến pháp nhưng không cho phép lợi dụng các quyền đó để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Tự do báo chí gắn với pháp luật, với trách nhiệm và nghĩa vụ của các công dân trong xã hội. Thực tiễn ngày thêm sáng tỏ rằng, ở nước ta, tự do ngôn luận, tự do báo chí được nhà nước tôn trọng và bảo vệ trên cơ sở từng người dân, từng nhà báo thực hiện đúng pháp luật, nêu cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bất kỳ ai cố tình lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc đều bị xử lý nghiêm minh. Điều này là hiển nhiên và không có gì khác biệt trong việc thực thi ở bất cứ một quốc gia độc lập có chủ quyền nào.
 
Thứ ba, sức mạnh của báo chí là ở tính định hướng và năng lực dự báo    
 
 Báo chí là vũ khí đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng và có tác động nhiều mặt tới đời sống xã hội. Do đó, bên cạnh việc đáp ứng quyền được thông tin của người dân, báo chí phải giữ vai trò tiên phong trong việc định hướng, truyền bá những tư tưởng và tri thức tiến bộ. Theo Hồ Chí Minh, để đảm bảo tính định hướng, các sản phẩm báo chí phải được ra đời, xuất bản đúng thời điểm và có hình thức phù hợp. Người cũng đã thực hiện đúng lời dạy của V.I. Lênin: “tờ báo không phải chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ vũ tập thể, mà lại còn là người tổ chức tập thể”[10]. Do đó, mỗi tờ báo do Người sáng lập ra đều đảm bảo “nhiệm vụ là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chung đến mục đích chung”[11]. Mỗi bài báo do Người viết ra đều cần có cho tổ chức, cho đời sống, cho phong trào cách mạng. Hồ Chí Minh lập tờ Người cùng khổ vào thời điểm phải thức tỉnh phong trào đấu tranh chống chế độ thực dân ở các xứ thuộc địa. Người đã viết 38 bài là những truyện ngắn, tiểu phẩm báo chí bằng bút pháp độc đáo, có sức thuyết phục, hấp dẫn, thâm thúy, trào lộng sâu cay, phê phán gay gắt bộ mặt giả dối, tàn ác của bọn người tự xưng là đi khai hóa, điển hình là những tên đầu sỏ như Méclanh, Anbe Xaro, Varen… Tờ Thanh niên, Người cho ra đời với mục đích định hướng nhận thức của lớp thanh niên ưu tú trước những trào lưu cải cách, cải lương trong nửa đầu thế kỷ XX, góp phần đưa phong trào cách mạng sang một giai đoạn phát triển mới. 88 số báo đầu tiên đều do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp biên tập, viết bài và vẽ nhiều tranh minh hoạ phù hợp với tâm lý thanh niên. Năm 1941, sau thời gian hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người lập ra tờ Việt Nam độc lập hướng dẫn phong trào cách mạng chuẩn bị cho cao trào đấu tranh thời kỳ Cách mạng Tháng 8 với hình thức bài viết giản dị, dễ đi sâu vào lòng người đọc. Báo Việt Nam độc lập là mẫu hình của tờ báo phát triển từ phong trào cơ sở. Điều vĩ đại là trong con người Hồ Chí Minh như có nhiều nhà báo khác nhau, ở nhiều nơi khác nhau để viết được các đề tài quốc tế, để phản ánh sinh động những vấn đề chính trị, văn hóa, đời sống xã hội của dân tộc trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội; cổ vũ kịp thời cái tốt cái mới, phê phán quyết liệt cái hạn chế, tiêu cực. 
 
Cơ sở của tính định hướng cao trong báo chí Hồ Chí Minh là ở các luận điểm thường chứa đựng những dự báo, tiên đoán về nhiều vấn đề, sự kiện quan trọng của thời đại. Đây là một chức năng đặc thù của văn học và nghệ thuật, nhưng trước hết đó là sản phẩm sáng tạo của một trí tuệ lớn trên tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử nên càng có phẩm chất dự liệu đặc biệt. Chính bởi yếu tố này mà phần lớn các tác phẩm báo chí Hồ Chí Minh đến nay vẫn có sức sống, tác động tới hiện tại, là suối nguồn chưa bao giờ cạn cho các nghiên cứu về chính trị, xã hội, lịch sử, triết học, văn học. Do vậy, Người luôn yêu cầu các nhà báo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị, đồng thời phải hoà mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm tư, nhu cầu và nguyện vọng của họ.
 
 Thứ tư, báo chí phải có đặc điểm và sắc thái của riêng mình
 
Sự hấp dẫn của báo chí là bởi sự đa dạng trong loại hình, nội dung, tôn chỉ, mục đích và hình thức thể hiện. Nếu nhiều tờ báo cùng sử dụng một tin tức, trùng lặp về hình ảnh, không có phản ánh mang tính cá nhân của người viết sẽ gây nhàm chán, không thu hút được người đọc. Sau Cách mạng Tháng 8, với việc hàng trăm tờ báo của nhà nước, đoàn thể được phép xuất bản, Người đã yêu cầu báo chí phải có đặc điểm riêng, báo cho đối tượng nào phải phù hợp cho đối tượng đó từ nội dung đến hình thức. Người nêu rõ: “Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới. Nhưng mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo phụ nữ, v.v., nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng khô khan, làm cho người xem dễ chán”[12].
 
Bên cạnh đó, đặc điểm, sắc thái riêng của báo chí còn ở thể hiện ở trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Trong Thư gửi báo Quân du kích, Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu các nhà báo: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”[13]. Theo lời dạy của Người, viết cho đơn giản, dễ hiểu đòi hỏi ngôn ngữ báo chí phải thích ứng với mọi tầng lớp công chúng, phải ngắn gọn, súc tích, không viết "tràng giang đại hải", "dây cà ra dây muống" , không làm loãng thông tin, ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp nhận của người đọc, người nghe. Không viết kiểu "cầu kỳ". Nhà báo viết khó hiểu có thể do dùng từ ngữ cao xa, đối tượng đọc không hiểu, cũng có thể do không gần dân, không nói đúng suy nghĩ và yêu cầu của dân. Như thế thì mục đích tuyên truyền không đạt, cần sửa lại.
 
Yếu tố thiết thực được Người nói đến đòi hỏi ở ngôn ngữ báo chí tính cụ thể với yêu cầu nhà báo tường thuật, miêu tả cặn kẽ tới từng chi tiết nhỏ của hiện thực giúp người đọc, người nghe có cảm giác mình là người trong cuộc, đang  trực tiếp được chứng kiến những gì nhà báo nói tới trong tác phẩm của mình. Cuối cùng để nhớ được và thực hiện những hành động mà người viết mong muốn (làm được) cần tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí với việc sử dụng các từ ngữ, lối nói mới lạ, giàu hình ảnh, in đậm dấu ấn cá nhân, sinh động hấp dẫn hoặc gây được ấn tượng đối với độc giả. Chính tính biểu cảm vốn là hiện thân của cái hay, cái hấp dẫn mới là nhân tố tác động mạnh mẽ tới tâm hồn của người nghe, người đọc, làm cho họ đạt tới một trạng thái tâm lý, cảm xúc nhất định, để từ đó có những hành động mà người viết vẫn chờ đợi. Tính chất phong phú của những sắc điệu ngôn ngữ cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên phong cách báo chí đặc sắc Hồ Chí Minh.
 
Thứ năm, người làm báo phải phải có ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân
 
Hồ Chí Minh tự học viết báo từ lúc còn bôn ba, lao động kiếm sống để hoạt động cách mạng ở Pari (1917 -1923). Ban đầu, Người cũng viết và gửi đăng những tin ngắn, rất ngắn. Nếu được báo đăng, bao giờ Người cũng đem so lại với bản lưu, xem tòa báo sửa chữa ra sao, vì sao lại chữa. Dần dần, Người viết dài thêm, thành tin sâu, thành bài viết ngắn rồi lại viết lại lần nữa để cũng những sự việc như vậy nhưng được viết rõ, gọn hơn. Người tổng kết: “Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện”[14]; “Một người phải biết học nhiều người. Hơn nữa, cần phải làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp”[15]. Người cũng nhiều lần căn dặn các nhà báo phải có trách nhiệm đối với người đọc khi viết bài, phải học cách nói của nhân dân, phải trau dồi kiến thức, chịu khó học hỏi, khiêm tốn, tự phê bình và thành khẩn đón nhận sự phê bình của nhân dân, để khi viết ra, người dân dễ dàng tiếp nhận. Đặc biệt, kể cả đối với những tác phẩm, bài viết đã được công chúng đón nhận, người làm báo vẫn phải tiếp tục lắng nghe quần chúng. Người nhắc nhở: “Ngành nào cũng phải làm công tác tuyên truyền, giới thiệu. Và các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu “Hoan nghênh bạn đọc phê bình”. Từ nay trở đi, trên sách hay trên báo, các chú nên luôn luôn có câu đó. Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tay nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”[16]. Đó chính sự tôn trọng đối với nhân dân và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong từng con chữ, từng dòng viết trước nhân dân.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất các quan điểm sâu sắc và toàn diện về hoạt động báo chí. Làm theo chỉ thị của Người, báo chí Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng 8, phục vụ tích cực cho hai cuộc  kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Trong những năm gần đây, báo chí tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện, đóng góp thiết thực vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong hoạt động báo chí của ta cũng còn những yếu kém, khuyết điểm biểu hiện ở việc: một số cơ quan báo chí có biểu hiện coi nhẹ chức năng chính trị, xa rời tôn chỉ, mục đích; bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thương mại, chạy theo thị hiếu tầm thường. Một số tờ báo đăng những thông tin sai sự thật, khai thác và sử dụng thông tin thiếu chọn lọc, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống văn hóa của dân tộc... tác động xấu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của quốc gia dân tộc, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng bôi nhọ, đả kích, chống phá, làm xấu hình ảnh đất nước. Một số báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương chậm đổi mới, nội dung và hình thức chưa đủ hấp dẫn, chưa thuyết phục, chất lượng và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục chưa cao, chưa làm tốt vai trò định hướng thông tin và dư luận xã hội.  Vì vậy, việc tìm hiểu sự nghiệp báo chí của Hồ Chí Minh, nắm vững các quan điểm sâu sắc của Người về báo chí vẫn là một yêu cầu cấp thiết giúp người làm báo vững tâm hơn với nghề, không ngừng học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo để xứng đáng là chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân; đóng góp hiệu quả vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
 
 
[1] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 1094
 
[2] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 368
 
[3] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.616
 
[4].  Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 568
 
[5] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 543
 
[6] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 422
 
[7] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 614
 
[8] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 284
 
[9] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 404
 
[10] . V.I. Lênin (1980), Toàn tập, tập 6, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.210
 
[11] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 625
 
[12] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 414
 
[13] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 655
 
[14] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 615
 
[15].  Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 559
 
[16] . Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 562
 
 
Hà Quang Trường
TS. Tạp chí Tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ
 

Tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa

Ngày đăng 28/03/2024
Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Điện Biên tập trung nguồn lực cho Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày đăng 28/03/2024
Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cơ quan, mỗi cá nhân cần toàn tâm, toàn ý, phát huy cao nhất trách nhiệm, năng lực thực hiện tốt phần việc được giao, đảm bảo Lễ kỷ niệm thành công tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu thành phố Hà Nội

Ngày đăng 27/03/2024
Chiều tối 27/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu của thành phố Hà Nội. Đánh giá cao và biểu dương đóng góp của cộng đồng nhân sĩ, trí thức, tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, trong đó có cộng đồng nhân sĩ, trí thức, tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội, khơi dậy khát vọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (02/4/1904 - 02/4/2024)

Ngày đăng 07/03/2024
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ, Hai Nam, Triệu Vân…), thường được các đồng chí hoạt động cách mạng cùng thời gọi là Anh Cả; sinh ngày 02/4/1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện, nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước. Đồng chí là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Yêu cầu đối tượng thực hiện giải trình làm rõ các vấn đề chưa thực hiện được, đề xuất giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện

Ngày đăng 27/03/2024
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng, khi tiến hành lựa chọn vấn đề yêu cầu thành viên Chính phủ giải trình cần bám sát thực tiễn những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên trong đời sống, đồng thời yêu cầu đối tượng thực hiện giải trình báo cáo, làm rõ những vấn đề đã thực hiện được, chưa thực hiện được và đề xuất các giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện đối với những vấn đề được yêu cầu giải trình.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.