Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Bộ Nội vụ trong những năm miền Bắc khôi phục kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất, đấu tranh thống nhất nước nhà (1955-1960)

Ngày đăng: 14/08/2020   15:17
Mặc định Cỡ chữ
Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời dưới quyền kiểm soát của đối phương chờ tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của cách mạng nước ta lúc này thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nhiệm vụ mới về quản lý hành chính nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội đặt ra cho Bộ Nội vụ nhiệm vụ hết sức nặng nề trong công tác nội trị đất nước.

Từ chiến khu trở về Hà Nội, cơ quan Bộ làm việc tại số nhà 12 phố Ngô Quyền. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ được xác định tại Sắc lệnh số 58 ngày 3-5-1946; Sắc lệnh số 150/SL ngày 31-12-1949; Nghị định số 483-TTg ngày 11-3-1955 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ ngày 28-4-1959. Nhiệm vụ của Bộ được thể hiện trên 3 mặt tổ chức, cán bộ, dân sự. Lãnh đạo Bộ có Bộ trưởng Phan Kế Toại, Thứ trưởng Lê Văn Lương, Thứ trưởng Phạm Văn Bạch.

I- XÂY DỰNG, CỦNG CỐ TỔ CHỨC BỘ MÁY HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRUNG ƯƠNG

1. Xây dựng  bộ máy và quản lý biên chế hành chính nhà nước

Từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, thực hiện nhiệm vụ xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà đặt ra những yêu cầu mới về xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Vì vậy phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nhiệm vụ xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước để quản lý các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá; đối nội, đối ngoại... đòi hỏi ở Bộ Nội vụ rất lớn.

Bộ Nội vụ đã tham mưu giúp Hội đồng Chính phủ củng cố, bổ sung các Bộ và xây dựng các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ để kịp thời quản lý đất nước sau giải phóng. Từng bước nghiên cứu tham mưu để Hội đồng Chính phủ trình Quốc hội tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới. Đầu năm 1955 tăng thêm một số Bộ và cơ quan ngang Bộ trong Hội đồng Chính phủ,  giúp Chính phủ kiện toàn một số cơ quan cũ và lập mới một số cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ. Thời gian này cũng  xuất hiện tình trạng tăng đột biến số lượng cán bộ, nhân viên các cơ quan hành chính nhà nước. Nhiệm vụ mới đặt ra cho Bộ Nội vụ là kiểm soát, quản lý số lượng biên chế đội ngũ cán bộ, nhân viên tăng lên quá mức.

Từ đầu năm 1956 cùng với việc nghiên cứu củng cố, kiện toàn các cơ quan, Bộ Nội vụ tập trung quản lý biên chế các cơ quan dân chính Đảng từ Trung ương đến địa phương. Báo cáo của Bộ đã nhận định: “Biên chế hành chính sự nghiệp tăng nhanh vượt quá mức tỷ lệ trung bình so với dân số”. Trước tình hình đó, Bộ đề xuất phương châm quản lý biên chế: năm 1957 không tuyển thêm người, giảm biên chế hành chính hợp lý hoá và tăng cường đúng mức biên chế sự nghiệp, điều chỉnh nơi thừa sang nơi thiếu, sửa đổi lề lối làm việc... Đồng thời đưa ra 17 biện pháp quản lý biên chế như rút bớt số lượng cán bộ đoàn cải cách ruộng đất, cán bộ đi xây dựng các khu tự trị, ngành công an giảm quân các đồn, giảm cán bộ hộ khẩu… Bộ Nội vụ đã tham mưu để Hội đồng Chính phủ lập Uỷ ban điều chỉnh biên chế Trung ương làm nhiệm vụ điều chỉnh kiểm soát biên chế, Văn phòng đặt tại Bộ Nội vụ. Thực tế hoạt động của Uỷ ban điều chỉnh biên chế không đem lại hiệu quả. Ngày 31-3-1958, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 168/TTg về tổ chức hoạt động của Uỷ ban kiện toàn tổ chức Trung ương thay cho Uỷ ban điều chỉnh biên chế. Thứ trưởng Bộ Nội vụ là Uỷ viên của Uỷ ban này. Cùng với hoạt động của Uỷ ban kiện toàn tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đã xây dựng Điều lệ tổ chức bộ máy và biên chế nhân viên công tác của khu vực hành chính sự nghiệp. Điều lệ quy định nguyên tắc về bộ máy biên chế thực hiện quản lý theo luật. Bộ Nội vụ được Chính phủ uỷ nhiệm quản lý thống nhất bộ máy và biên chế. Quá trình xây dựng và theo dõi thực hiện Điều lệ về tổ chức bộ máy và biên chế là bước chuẩn bị quan trọng  để  Bộ Nội vụ tham mưu giúp Hội đồng Chính phủ xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ nhiệm kỳ khoá II và xây dựng Dự thảo Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ và trình Quốc hội khoá II kỳ họp thứ nhất thông qua luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà.

Sau 5 năm thực hiện hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục kinh tế, Bộ Nội vụ đã góp phần tích cực vào xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước phục vụ thời kỳ phát triển mới, triển khai kế hoạch 05 năm lần thứ nhất xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.             

2. Công tác cán bộ và chế độ tiền lương

Thực hiện Nghị quyết số 17, 18 và Chỉ thị 21 CT/TƯ ngày 9-6-1955 của Ban Bí thư Trung ương về công tác tổ chức cán bộ trong tình hình mới, phục vụ cho kế hoạch nhà nước, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ phải bảo đảm cung cấp đủ cán bộ đáp ứng nhu cầu cho các ngành, các cấp về số lượng và chất lượng. Bộ nghiên cứu, thực hiện kế hoạch điều động, phân phối đào tạo, đề bạt đủ số cán bộ cung cấp kịp thời cho công tác cải cách ruộng đất, phục hồi kinh tế và công tác của các khu tự trị. Trong 3 năm 1957-1960, việc điều chỉnh lực lượng cán bộ cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đã được tiến hành tốt. Trong số hơn 22.000 cán bộ, công nhân viên đã bổ sung vào cơ quan Trung ương, hơn 70% tập trung cho các ngành kinh tế tài chính, văn hoá. Học sinh mới tốt nghiệp được phân phối về các ngành kiến thiết cơ bản, cơ sở sản xuất, cơ sở sự nghiệp. Các địa phương được bổ sung thêm 12.750 cán bộ, nhân viên. Bộ Nội vụ cũng đã nghiên cứu, sử dụng số công chức lưu dung sắp xếp làm việc tại các cơ quan Trung ương và địa phương.

Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Nội vụ vừa có trách nhiệm chỉ đạo về huấn luyện nghiệp vụ hành chính cho cán bộ địa phương, đồng thời Bộ cũng tham gia công tác chiêu sinh các trường đại học, chuyên nghiệp. Bộ Nội vụ giúp các ngành chỉ đạo việc lựa chọn cán bộ, bộ đội cho các trường đại học, chuyên nghiệp và việc chọn học sinh đi học ở nước ngoài. Bộ Nội vụ tham gia theo hình thức công văn thoả thuận với các Bộ đề bạt trưởng, phó phòng. Năm 1959, đã giải quyết được số lớn yêu cầu cấp bách, làm cho công tác của các ngành, địa phương được bảo đảm, đi sâu nghiên cứu bố trí cán bộ thích hợp, phát hiện sử dụng chưa hợp lý để điều chỉnh. Đồng thời có chủ trương kịp thời giao cho các tỉnh, thành tự đào tạo cán bộ địa phương.

3. Công tác tiền lương và chế độ, chính sách đối với cán bộ

Sau hoà bình, cán bộ, công nhân viên thành phố, đô thị vùng mới giải phóng đã có chế độ phụ cấp đắt đỏ tạm thời, nhưng ở vùng tự do cũ thì giữ nguyên mức sinh hoạt phí tối thiểu. Đó là tình trạng bất hợp lý giữa các địa phương. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính đã ra Thông tư liên Bộ số 185/LB ngày 7-8-1955 về điều chỉnh tạm thời sinh hoạt phí và phụ cấp của cán bộ, công nhân viên chức cũ. Từ ngày 1-7-1955, chế độ lương mới ban hành bảo đảm tương đối đầy đủ cho mỗi người về các mặt. Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính, Bộ Lao động nghiên cứu để cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp của cán bộ. Bộ đã hoàn thành và được Chính phủ thông qua biểu cấp phí 17 bậc thay cho 25 bậc và 12 bậc trước đó, làm thí điểm sắp xếp cấp bậc, hoàn thành cấp biểu phí kỹ thuật cho ngành kỹ thuật, xây dựng, y tế, giáo dục, xây dựng cấp phí tối thiểu, tối đa, thống nhất cấp phí cho cán bộ miền Nam, xây dựng lương tuyển dụng, quy định cấp phí cho những cán bộ cần chiếu cố. Trong kế hoạch 3 năm (1957-1960), có hai  lần cải tiến chế độ lương và tăng lương nhằm cải thiện đời sống cán bộ, công nhân viên chức. Chế độ lương năm 1958 có những tiến bộ nhất định so với trước, giảm được tính bình quân, điều chỉnh một phần quan hệ đãi ngộ giữa các loại cán bộ, nhân viên, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Thống nhất được chế độ lương. Tuy nhiên, kế hoạch lương năm 1958 vẫn còn những điểm chưa hợp lý, do vậy trên cơ sở lương năm 1958, Bộ tiếp tục nghiên cứu cải tiến chế độ lương năm 1960 theo chỉ tiêu lương của kế hoạch 3 năm. Đó là vận dụng nguyên tắc phân phối theo lao động cho thích hợp với hoàn cảnh kinh tế - chính trị- xã hội trong nước, phù hợp với đặc điểm của tổ chức bộ máy sắp xếp cán bộ chưa thật ổn định. Đi đôi với việc thực hiện lương theo chức vụ, đã bổ sung chế độ phụ cấp khu vực, giảm bớt những bất hợp lý cũ, chiếu cố đúng mức các vùng cao, biên giới khó khăn.

II- CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG, CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

1. Củng cố chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã

Sau hoà bình, việc xây dựng, củng cố chính quyền địa phương phải đảm bảo tính thông suốt, nhất là vùng mới giải phóng được đặt ra cấp thiết. Trước tình hình đó, Bộ Nội vụ đã tham gia giải tán ngụy quyền, tăng cường cán bộ và bộ máy để phục vụ cho việc tiếp quản trên 1.000 xã, 42 huyện, 12 thị trấn và các tỉnh thuộc vùng mới giải phóng. Sau Hiệp định đình chiến, các Uỷ ban kháng chiến hành chính đều đổi lại thành Uỷ ban hành chính. Uỷ ban hành chính được thiết lập từ khu tới tỉnh, huyện, xã.  Tháng 3-1956, Bộ Nội vụ đã ban hành Hướng dẫn thực hiện Thông tư số 694-TTg ngày 11-2-1956 về việc chỉnh đốn chính quyền huyện và tỉnh trong cải cách ruộng đất và Thông tư số 1155/TTg ngày 1-12-1956 về việc kiện toàn tổ chức, sắp xếp cán bộ các cấp tỉnh, huyện ở những nơi đã qua cải cách ruộng đất. Cuối năm 1956, sau khi phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ điều động cán bộ tham gia sửa sai và quy định nguyên tắc củng cố lại chính quyền các cấp. Bộ tham gia hướng dẫn sửa sai, tiến hành kiện toàn lại Ban chi uỷ, Uỷ ban hành chính xã, Ban Chấp hành các đoàn thể quần chúng bằng cách chỉ định bổ sung những cán bộ, đảng viên tốt, tăng cường sự lãnh đạo của chi bộ và chính quyền ở cấp xã, đến cuối năm 1957 bộ máy đi vào hoạt động ổn định.

Bộ Nội vụ tham gia xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương được kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá I thông qua và sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh Luật số 110-SL.12, ngày 31-5-1958, công bố Luật tổ chức chính quyền địa phương. Sau khi Sắc luật được công bố, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện.

Vấn đề bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ xã, huyện  cũng được đặt ra cấp thiết. Năm 1958, Bộ đã hoàn thành biên soạn tài liệu huấn luyện cấp xã, hướng dẫn đôn đốc các tỉnh mở lớp huấn luyện. Năm 1958, mở được 21 khoá cho 1.700 uỷ viên Uỷ ban hành chính xã, phần lớn là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực. Cuối năm 1959, Trường Hành chính của Bộ đã khai giảng khoá I cho 214 học viên, đa số là uỷ viên Uỷ ban hành chính huyện, một số là uỷ viên, cán bộ Uỷ ban hành chính tỉnh. Bộ đã trực tiếp giúp đỡ mở lớp huấn luyện uỷ viên Uỷ ban hành chính huyện ở Khu tự trị Việt Bắc.

2. Chỉ đạo bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp

Nhiệm vụ quan trọng của Bộ Nội vụ về xây dựng bộ máy nhà nước là tăng cường các cơ quan dân cử. Đầu năm 1956, Bộ hướng dẫn tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính ở 158 xã.  Đầu tháng 1-1960, khi Luật bầu cử Quốc hội công bố, Bộ Nội vụ đã tích cực chuẩn bị mọi mặt để kịp thời phục vụ cho cuộc bầu cử. Sau bầu cử, tổ chức chính quyền các cấp ở địa phương được tăng cường về số và chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền các cấp. Vai trò chính quyền của địa phương được nâng cao góp phần bảo đảm hoàn thành kế hoạch 03 năm.

3. Công tác điều chỉnh địa giới hành chính

Căn cứ Sắc lệnh số 126 ngày 19-7-1946 ấn định thủ tục thiết lập hoặc sửa đổi các đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ đã ra Nghị định số 72/NV chia Hà  Nội thành 12 khu phố; tháng 9/1955, Bộ đã hướng dẫn điều chỉnh địa giới Hải Phòng, Kiến An…Cũng theo Sắc lệnh trên và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chính phủ ra Nghị định về việc sáp nhập một số xã từ huyện này vào huyện khác. Sau khi nghiên cứu nhiều đơn vị hành chính cấp xã, thôn từ 1957-1959, Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều nghị định điều chỉnh đổi tên các xã. Thủ tướng phủ điều chỉnh lại địa giới của nhiều huyện thuộc tỉnh Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nam, Hoà Bình… Đến cuối năm 1959, toàn miền Bắc có tổng số 5.523 xã và 56 thị trấn. Từ năm 1960, địa giới các đơn vị hành chính dần ổn định.

III- XÂY DỰNG VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN, THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ

1. Xây dựng và thực hiện chế độ chính sách cho quân nhân phục viên

Ngày 12/6/1957 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 250/TTg ban hành Bản điều lệ quy định về chính sách đối với quân nhân phục viên.Trên cơ sở đấy, Bộ Nội vụ nghiên cứu, chỉ đạo thi hành chính sách ưu đãi về ruộng đất, thuế nông nghiệp, công thương nghiệp, dân công, công ăn việc làm, đi học đối với tất cả quân nhân phục viên về xã, chuyển ngành; ưu đãi đối với phục viên chuyển ngành và chuyển sang các xí nghiệp, công nông trường quốc doanh về ngạch, bậc lương, chế độ đãi ngộ; sinh hoạt chính trị trong các đoàn thể; chính sách đối với quân nhân miền Nam, người dân tộc thiểu số, ở từng khu vực. Năm 1959, Bộ Nội vụ tiếp tục thi hành chủ trương phục viên của Đảng và Chính phủ đối với hàng vạn quân nhân phục viên và chuyển ngành. Từ hòa bình lập lại đến năm 1960, số bộ đội phục viên chuyển ngành hơn 16 vạn. Có 13 cán bộ quân nhân giữ chức Bộ, Thứ trưởng, 6 chánh phó văn phòng các Bộ, 79 chánh phó giám đốc các vụ, 16 chánh phó quản đốc, 12 hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông... 7 đại sứ và bí thư sứ quán ở nước ngoài. Từ năm 1956 - 1957, hơn 80% quản đốc nông trường là quân nhân phục viên, hàng chục ngàn quân nhân phục viên là những người đầu tiên xây dựng nông trường quốc doanh.

2. Chỉ đạo thực hiện các chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sĩ      

Trong thời gian này, Bộ Nội vụ đã  nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách và chỉ đạo các địa phương làm công tác chính sách thương binh, liệt sĩ. Năm 1959, Bộ đã cấp gần 22.500 bằng ghi công liệt sĩ; cấp tiền tuất cho khoảng 15.000 gia đình; cất bốc 6.446 mộ liệt sĩ ở đồng bằng và trung du. Bộ đã cùng Bộ Văn hoá, Quốc phòng, Kiến trúc nghiên cứu xây dựng nghĩa trang Điện Biên Phủ và giao cho Uỷ ban hành chính Khu tự trị Thái Mèo phụ trách... Năm 1960, cùng với việc xác nhận ghi công liệt sĩ, đã tích cực vận động giúp đỡ gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hoá. Đối với những gia đình neo đơn, túng thiếu, địa phương không thể giúp đỡ thì được hưởng trợ cấp khó khăn. Đối với con liệt sĩ, trước đây chưa có hướng giải quyết một cách toàn diện. Ở Trung ương có một trại con liệt sĩ thu nhận trên 100 cháu, còn nhiều cháu khác hoàn cảnh khó khăn chưa được chăm sóc. Xét thấy việc tập trung các cháu lại để nuôi chưa phải là cách giải quyết tốt, vì vậy  Bộ đã liên hệ với Hội phụ nữ nhận đỡ đầu các cháu. Sau khi đã có kinh nghiệm ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Lạng Sơn, Bộ đã chỉ đạo nhân rộng thành phong trào đỡ đầu con liệt sĩ ở các nơi. Đầu năm 1960, trại con em liệt sĩ đã chuyển giao sang Bộ Giáo dục để hợp lý việc nuôi dạy.

IV- CÔNG TÁC DÂN CHÍNH

1. Công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, giải quyết đơn thư khiếu tố, quản lý biên giới và đấu tranh thống nhất

Để phục vụ công tác quản lý xã hội, quản lý nhà nước Bộ Nội vụ triển khai nắm tình hình công tác hộ tịch ở các địa phương, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng các thể lệ quy định. Thực hiện phương châm thống nhất và đơn giản các thủ tục, tiện cho việc khai báo của nhân dân, dễ dàng cho cán bộ trong việc cấp phát, giữ gìn sổ sách. Chấp thuận tờ trình của Bộ Nọi vụ Ngày 8-5-1956 Thủ tướng phủ ra Nghị định số 764/TTg ban hành bản điều lệ đăng ký hộ tịch, theo căn cứ trên ngày 25-5-1956 Bộ Nội vụ ra Thông tư số 6/NV/NC-TT hướng dẫn thi hành điều lệ đăng ký hộ tịch mới. Tháng 12- 1957 Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Công an ra Thông tu liên Bộ hướng dẫn thực hiện quy định thể lệ cấp phát giấy chứng minh do Thủ tướng phủ quy định. Việc xây dựng Điều lệ hộ tịch mới giúp cho công tác hộ tịch dần đi vào nền nếp, việc đăng ký hộ tịch từng bước đạt kết quả tốt.

Bộ Nội vụ là một trong số cơ quan của Đảng, Nhà nước được giao tham gia giải quyết thư khiếu tố. Bộ đã nhận được nhiều thư khiếu nại và đề đạt nguyện vọng. Thời gian này, các đơn thư  phần lớn xin giải quyết vấn đề riêng tư như thăm hỏi tin tức gia đình, khiếu thuế.

Theo đề nghị của Bộ Nội vụ, ngày 14-6-1955 Thủ tướng phủ ra Nghị định số 550/TTg về thành lập Ban Quan hệ Bắc Nam, trực thuộc Thủ tướng phủ để bảo đảm thống nhất lãnh đạo cuộc vận động lập lại quan hệ Bắc Nam. Đến tháng 9-1955 Bộ Nội vụ đã tổ chức hướng dẫn đón tiếp gần 4.000 đồng bào miền Nam đấu tranh ra miền Bắc, làm cho người dân hiểu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước tạo sự an tâm, phấn khởi để người dân trở về địa phương. Bên cạnh đấy, Bộ Nội vụ hướng dẫn kiểm tra, bổ cứu việc bảo quản và trả lại tài sản cho đồng bào bị dụ dỗ cưỡng ép di cư, vận động địa phương tương trợ đồng bào hồi cư trong sinh hoạt và sản xuất.

Để giải quyết những vấn đề về biên giới do lịch sử để lại với các nước láng giềng, Chính phủ đã uỷ nhiệm cho Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ và các cơ quan Trung ương liên quan nghiên cứu tổ chức thực hiện. Để củng cố biên giới Việt - Lào, năm 1956 Bộ Nội vụ chỉ đạo ở Liên khu IV đã mở đợt vận động đoàn kết sản xuất, đồng thời liên kết chỉnh đốn chính quyền ở 124 xã thuộc Thanh Hoá, Nghệ An; ở Quảng Bình, Khu tự trị Thái - Mèo cũng mở đợt vận động đoàn kết sản xuất để củng cố 4 xã biên giới thuộc châu Điện Biên. Năm 1957, Bộ Nội vụ tham gia tiến hành điều tra, thu thập thông tin để giải quyết vấn đề biên giới hai tỉnh Sầm Nưa, Phong Xa Lỳ. Tháng 7-1958 Bộ Nội vụ đã tham gia tổ chức họp bàn về vấn đề biên giới Việt - Trung. Toàn bộ công tác biên giới Bộ Nội vụ bước đầu tiến hành đã đạt kết quả tốt về tổ chức điều tra thu thập tài liệu giúp Chính phủ  làm cơ sở đàm phán với các nước láng giềng. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ phức tạp, lâu dài, liên quan đến nhiều ngành, nhiều Bộ, do vậy Bộ Nội vụ đã đề nghị Thủ tướng phủ xem xét giao cho một cơ quan chuyên trách về vấn đề biên giới.

2. Quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hội

Bộ Nội vụ đã tham gia dự thảo sửa đổi sắc lệnh về lập hội và hội họp; xây dựng hai đạo luật để Chính phủ trình Quốc hội thông qua: Luật số 101 SL/L003 ngày 20-5-1957 quy định quyền tự do hội họp; Luật số 102 SL/L004 ngày 20-5-1957 quy định quyền lập hội. Luật mới bảo đảm quyền lập hội và hội họp của nhân dân nhằm những mục đích chính đáng, phù hợp với luật lệ nhà nước, lợi ích của nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân góp phần xây dựng chế độ mới. Luật cũng đề cao yêu cầu chuyên chính ngăn ngừa, trừng trị âm mưu và hành động lợi dụng quyền lập hội, hội họp để chống chế độ, pháp luật Nhà nước. Căn cứ vào các văn bản trên, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, xem xét ban hành các nghị định cho thành lập nhiều hội và hoạt động trong phạm vi luật lệ hiện hành và đúng với điều lệ của hội.

3. Giải quyết vấn đề ngụy binh và hàng binh Âu - Phi

          Theo chính sách được Hội đồng Chính phủ thông qua tháng 3-1954 về sĩ quan, binh lính ngụy bỏ hàng ngũ địch trở về với Tổ quốc được khoan hồng, được hưởng tự do và quyền công dân. Quy định những lính và sĩ quan trong quân đội Pháp và ngụy quân còn ở lại vùng mới giải phóng, đến ghi tên trình diện đều có thể được giúp đỡ về quê quán, hoặc được tuyển dụng tuỳ theo năng lực. Theo đó, Bộ Nội vụ cùng với Bộ Tài chính xét lại lương bổng của ngụy binh lưu dung và điều chỉnh lại theo đúng chính sách. Bộ Nội vụ cùng với các Bộ khác nghiên cứu chỉ thị về tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp những trí thức đang thất nghiệp lâm vào cảnh quá khó khăn để đưa họ vào làm việc. 

Thi hành Nghị định số 519/TTg ngày 30-4-1955 của Thủ tướng phủ, Bộ Nội vụ được phân công phụ trách công tác hàng binh Âu - Phi. Tháng 5-1956 Bộ Quốc phòng bàn giao sang Bộ Nội vụ toàn bộ công tác này gồm 3 nội dung: Theo dõi, chỉ đạo việc chấp hành chính sách đối với số hàng binh Âu - Phi làm ở công trường, xí nghiệp, cơ quan hoặc tự túc đi các nơi; quản lý Trạm hàng binh Nho Quan; phụ trách vấn đề hồi hương. Tháng 10-1956, Bộ Nội vụ tiếp thu Trại hàng binh Nho Quan do Bộ Quốc phòng giao sang. Bộ Nội vụ đã tổ chức, hướng dẫn giáo dục, cũng như phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích cực giúp đỡ tạo điều kiện về việc làm cho hàng binh. Những hàng binh xin về nước đã được Bộ Nội vụ tạo điều kiện thuận lợi tổ chức cho hồi hương.

4. Công tác Việt kiều

Trước tình hình kiều bào tự động về nước, xu hướng về ngày càng đông, Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ phụ trách tổ chức đón tiếp. Bộ Nội vụ đã thành lập Ban đón tiếp Việt kiều. Tuy nhiên, do tình hình thay đổi, Ban đón tiếp Việt kiều này đã được giải tán. Công tác Việt kiều thu hẹp lại, giao về Vụ Dân chính và Bộ Nội vụ  có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng gấp chủ trương chính sách để đón tiếp Việt kiều về nước, tuy nhiên đây là công tác lớn không thể đặt trong phạm vi một ngành nào phụ trách riêng, cần phải có sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp và của toàn dân. Bộ Nội vụ đã đề nghị thành lập Ban Việt kiều Trung ương để giúp Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Năm 1959  Ban Việt kiều Trung ương được thành lập, nhiệm vụ đón tiếp Việt kiều của Bộ được chuyển giao cho Ban này. Bộ Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu phân ra từng loại để bố trí, sử dụng.

V- CÔNG TÁC XÂY DỰNG NỘI BỘ

1. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Bộ

Để củng cố tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, từ năm 1955 đến năm 1960, Bộ Nội vụ đã thực hiện nhiều quyết định của Hội đồng Chính phủ về việc kiện toàn tổ chức cơ quan Bộ, thành lập các vụ, phòng mới thuộc cơ quan Bộ.

Về lãnh đạo Bộ, từ ngày 20-9-1955 Bộ trưởng Phan Kế Toại được bầu làm Phó Thủ tướng kiêm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tháng 4-1957, Thứ trưởng Phạm Văn Bạch chuyển công tác, ông Tô Quang Đẩu được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Tiếp đó, ông Lê Tất Đắc - Giám đốc Vụ Tổ chức - Cán bộ được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ngày 11-3-1955, Thủ tướng phủ ra Nghị định thành lập Vụ Dân chính, tách Vụ Tổ chức và Cán bộ thành 2 vụ: Vụ Tổ chức và Vụ Cán bộ. Ngày 6-1-1960, giải thể Phòng Việt kiều thuộc Vụ Dân chính, chuyển giao sang Ban Việt kiều Trung ương phụ trách. Tuy Ban Việt kiều Trung ương trực thuộc Thủ tướng phủ, nhưng về quản trị hành chính vẫn do Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm.Ngày 29-5-1959 Bộ Nội vụ thành lập Trường Hành chính trực thuộc Bộ.

 Ngày 28-4-1959 Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết về việc chuyển giao công tác thương binh của Bộ Thương binh cho Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ tiếp tục phụ trách công tác thương binh, liệt sĩ. Như vậy, tháng 6-1959 Bộ Thương binh thống nhất vào Bộ Nội vụ, tổ chức thành Vụ mới: Vụ Thương binh và Phục viên. Đồng thời Bộ cũng trực tiếp quản lý các cơ sở trực thuộc Bộ Thương binh trước đây. Để tiếp tục thực hiện chủ trương kiện toàn tổ chức, ngày 28-7-1960, Bộ trưởng  Bộ Nội vụ quyết định hợp nhất Vụ Dân chính, Vụ Thương binh và Phục viên thành Vụ Dân chính và Thương binh.

Về biên chế, tháng 6-1954, Bộ Nội vụ mới có 59 người, cuối năm 1955 là 320 cán bộ nhân viên. Năm 1956, biên chế là 382 người. Năm 1958, Bộ điều chỉnh cán bộ và điều đi học, rút biên chế, đầu năm 1959, biên chế cơ quan là 240 người, giữa năm 1959, biên chế còn 218 người nhưng khi nhập Bộ Thương binh vào Bộ Nội vụ, số người tăng thêm, cuối năm là 311 người (không kể Xưởng chân tay giả và Ban Việt kiều Trung ương). Đầu năm 1960, Bộ xét duyệt 346 người, nhưng các Vụ đều có xu hướng muốn tăng lên, giữa năm 1960 tổng số biên chế của Bộ là 338 người.

2. Chăm lo chế độ chính sách, phúc lợi cho cán bộ nhân viên của Bộ

Ngày 29-7-1957, Bộ Nội vụ quyết định thành lập Ban Kiểm tra tạm thời của Bộ nhằm kiểm tra việc thực hiện các chế độ đối với cán bộ, công nhân viên trong cơ quan của Bộ. Ngày 9-6-1960, Bộ Nội vụ thành lập Hội đồng xét duyệt sắp xếp lương năm 1960 nhằm phổ biến chủ trương, chính sách, nguyên tắc, phương hướng và nội dung cải tiến chế độ lương, tăng lương trong cơ quan, các đơn vị thuộc Bộ; bảo đảm tương quan hợp lý việc sắp xếp lương cho cán bộ công nhân viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ; tham gia ý kiến với các Uỷ ban địa phương trong việc sắp xếp lương cho các đơn vị ty, phòng thương binh và phục viên các tỉnh; tổng kết công tác sắp xếp lương trong cơ quan.

Bộ Nội vụ tổ chức đón tiếp Việt kiều về nước xây dựng Tổ quốc, năm 1960.

 

Nơi giữ trẻ của Ban Tổ chức Hoa Kiều
 

3. Công tác khen thưởng, kỷ luật của Bộ

Năm 1955, Bộ có 3 chiến sĩ thi đua, 40 cán bộ được tặng Huy hiệu kháng chiến và Kỷ niệm kháng chiến. Năm 1957, Bộ tặng thưởng 25 bằng khen, 50 giấy khen cho cán bộ, công nhân viên, đề nghị Thủ tướng phủ khen thưởng cho 06 cán bộ nhân dịp ngày Quốc tế lao động 1-5-1958. Bộ cũng khen thưởng cho các Ty Thương binh (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá) về thành tích hoàn thành tốt kế hoạch năm 1959 trong việc giải quyết việc làm, động viên thương binh ra trại sản xuất và công tác. Năm 1959, Bộ phát động thi đua với nội dung: Tích cực học tập chính trị, văn hoá, nghiệp vụ; thường xuyên cải tiến lề lối làm việc, chống quan liêu, lãng phí dưới mọi hình thức. Tổng kết công tác thi đua năm, Bộ đã bầu ra 22 chiến sĩ thi đua, 96 lao động tiên tiến (chiếm 34,9% cán bộ, công nhân viên). Đến cuối tháng 11-1960, Bộ đã xét cấp 348 Huy hiệu kháng chiến, 346 Kỷ niệm kháng chiến cho cán bộ, nhân viên thuộc các đơn vị của Bộ.

Năm năm sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Bộ Nội vụ đã đảm đương, hoàn thành nhiều nhiệm vụ to lớn trên các mặt. Tích cực tham gia củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, chỉnh đốn chính quyền nông thôn vững mạnh, xây dựng chính quyền các khu tự trị, góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ; xây dựng chính quyền thành thị, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển trong giai đoạn cách mạng mới; kiện toàn, xây dựng biên chế, tổ chức lề lối làm việc các cấp, các ngành, phục vụ công cuộc xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà; chỉ đạo tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thành công tốt đẹp, góp phần xây dựng chính quyền nhà nước; hướng dẫn thực hiện các luật về hội và quản lý Nhà nước về tổ chức hoạt động của hội, bảo đảm quyền tự do dân chủ, thực hiện công tác dân chính, quản lý hộ tịch, hộ khẩu...Bộ Nội vụ với tư cách là một thành viên đã cùng Chính phủ thực hiện trọng trách đối với đất nước, góp phần xứng đáng vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất, đấu tranh thống nhất nước nhà. Đó chính là đóng góp to lớn của Bộ Nội vụ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong giai đoạn mới.

Lịch sử Bộ Nội vụ

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng 22/09/2020
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng 23/09/2020
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.