Hà Nội, Ngày 18/04/2024

Thực hiện quy định về quyền sống trong Hiến pháp năm 2013

Ngày đăng: 12/02/2015   13:54
Mặc định Cỡ chữ
1. Quyền sống trong luật quốc tế
Quyền sống (the right to life) là một quyền tự nhiên, cơ bản của con người. Trước khi được ghi nhận trong các văn kiện của luật nhân quyền quốc tế, quyền này đã được đề cập bởi nhiều nhà tư tưởng từ thời cổ đại và được phản ánh trong giáo lý của các tôn giáo, thông qua những lời răn dạy về sự cần thiết tôn trọng cuộc sống của người khác và những giới luật về cấm xâm phạm tính mạng của con người, thậm chí là cả của chúng sinh, tức là mọi sinh vật trên trái đất (Phật giáo).
 
 
Đến thế kỷ 18, quyền sống đã được khẳng định trong các văn bản pháp luật nổi tiếng thế giới như Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ (đoạn 2), Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789 của Pháp (Điều 1)… Trong những văn kiện này, quyền sống - mà đi kèm với nó là quyền tự do - được coi là một thuộc tính bẩm sinh, vốn có của con người, hoàn toàn không phải do ai quy định hay ban phát.
Luật nhân quyền quốc tế đã kế thừa những tư tưởng nêu trên về quyền sống, và lần đầu tiên chính thức khẳng định quyền này như là một tiêu chuẩn pháp lý quốc tế trong Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền (UDHR) năm 1948. Điều 3 văn kiện này nêu rằng: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Như vậy, theo UDHR, giữa quyền sống và các quyền tự do và an toàn cá nhân có sự gắn bó, trong đó các quyền tự do và an toàn cá nhân có thể coi là những điều kiện thiết yếu của quyền sống.
Khoản 1 Điều 6 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị (ICCPR) cụ thể hóa Điều 3 UDHR, trong đó nêu rằng: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện”. Các khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều này quy định các điều kiện cho việc áp dụng hình phạt tử hình ở những nước còn duy trì hình phạt này, có thể tóm tắt như sau: (i) chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện; (ii) việc áp dụng hình phạt tử hình không được trái với những quy định của ICCPR và của Công ước về Ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng; (iii) hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết; (iv) bất kỳ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin và quyền được xét ân giảm hoặc thay đổi mức hình phạt; (v) không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai; (vi) không được viện dẫn Điều 6 để trì hoãn hoặc ngăn cản việc xoá bỏ hình phạt tử hình.
Bên cạnh ICCPR, một số công ước quốc tế khác về quyền con người cũng đề cập đến quyền sống, trong đó bao gồm Công ước về Quyền trẻ em[1], Công ước về Ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng[2], Công ước về Trấn áp và trừng trị tội ác a-pác-thai[3]...
Ngoài những nội dung đã nêu ở Điều 6 ICCPR, trong Bình luận chung số 6 (năm 1982), Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee - HRC) - cơ quan được lập ra theo ICCPR để giám sát việc thực hiện Công ước này của các quốc gia thành viên - đã bổ sung một số khía cạnh về nội hàm của quyền sống, cụ thể như sau[4]:
(i) Quyền sống là “một quyền tối cao (supreme right) của con người mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, cũng không thể bị tạm đình chỉ (derogation) việc thực hiện…” (đoạn 1).
(ii) Quyền sống không chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là sự toàn vẹn về tính mạng, mà còn bao gồm việc bảo đảm sự tồn tại của con người. Vì thế, quyền này đòi hỏi các quốc gia phải thực thi những biện pháp, cả thụ động và chủ động, để bảo đảm cuộc sống của người dân, đặc biệt là của những nhóm yếu thế, ví dụ như để làm giảm tỉ lệ chết ở trẻ em, xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và các dịch bệnh... (đoạn 2).
(iii) Một trong các nguy cơ đe dọa quyền sống là chiến tranh và các tội ác nghiêm trọng như diệt chủng hay tội phạm chống nhân loại. Vì vậy, việc bảo đảm quyền sống cũng đòi hỏi phải cấm các hoạt động tuyên truyền chiến tranh và kích động hận thù, bạo lực như nêu ở Điều 20 ICCPR (đoạn 3).
(iv) Phòng chống những hành động xâm phạm tính mạng con người là biện pháp quan trọng để bảo đảm quyền sống. Các quốc gia thành viên cần tiến hành những biện pháp phòng chống và trừng trị hành động tuỳ tiện tước đoạt tính mạng con người do bất kỳ chủ thể nào gây ra, kể cả do các cơ quan và viên chức nhà nước (đoạn 5). Việc bắt cóc người và đưa đi mất tích cũng bị coi là một trong những hình thức tước đoạt quyền sống (đoạn 4).
(v) Mặc dù ICPPR không bắt buộc các quốc gia thành viên phải xóa bỏ hình phạt tử hình, song các quốc gia có nghĩa vụ giới hạn áp dụng hình phạt này chỉ với “những tội ác nghiêm trọng nhất”, ngoài ra còn phải bảo đảm mọi thủ tục tố tụng công bằng trong các vụ án tử hình (đoạn 6).
Ngoài Bình luận chung số 6, HRC còn thông qua Bình luận chung số 14 (năm 1984) trong đó tái khẳng định tầm quan trọng của quyền sống, coi đó là cơ sở cho tất cả các quyền con người, đồng thời nhắc lại yêu cầu phải thực hiện Điều 6 của ICCPR trong mọi hoàn cảnh. Văn bản này nhấn mạnh rằng, chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân là nguy cơ lớn nhất đe dọa quyền sống và yêu cầu các quốc gia hạn chế và chấm dứt các cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là không thiết kế, thử nghiệm, chế tạo, tàng trữ, triển khai và sử dụng các loại vũ khí hạt nhân - những hành vi mà theo HRC cần bị coi là phạm tội ác chống nhân loại.
Những quy định trên đã làm rõ một số khía cạnh pháp lý của quyền sống. Dù vậy, vẫn còn nhiều khía cạnh cụ thể khác liên quan đến các vấn đề như nạo phá thai, an tử, giết người trong tình huống để tự vệ và trong chiến tranh, và ngay cả trong vấn đề hình phạt tử hình, vẫn còn đang được các học giả trên thế giới tranh luận, có thể kể như sau:
1.1. Chủ thể của quyền
Liệu quyền sống có áp dụng cho: (i) cả loài vật? (ii) với các pháp nhân? (iii) với những bào thai còn nằm trong bụng mẹ? (iv) với người nước ngoài?
Liên quan đến câu hỏi thứ nhất ở trên, quan điểm chung cho rằng quyền sống chỉ áp dụng cho con người mà không mở rộng đến các loài vật khác. Việc này thể hiện ngay trong việc sử dụng các đại từ nhân xưng là everyone trong Điều 3 UDHR, every human being trong Điều 6 ICCPR mà đều có nghĩa là mọi người[5].
Về câu hỏi thứ hai, trong phán quyết về một số vụ việc, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã khẳng định rằng, quyền sống chỉ áp dụng cho các thể nhân. Pháp nhân (cùng với thể nhân) có thể được hưởng một số quyền con người như quyền sở hữu tài sản, quyền được tố tụng công bằng, quyền tự do biểu đạt, quyền tự do lập hội… nhưng không bao gồm quyền sống[6].
Liên quan đến câu hỏi thứ ba, trong phán quyết về vụ X kiện Vưong quốc Anh (năm 1980), Tòa án Nhân quyền châu Âu cho rằng quyền sống về nguyên tắc không áp dụng với các bào thai người[7]. Phán quyết này có thể coi là đã gián tiếp trả lời một câu hỏi khác, đó là việc phá thai có phải là sự vi phạm quyền sống hay không?
Mặc dù vậy, trong Lời nói đầu Công ước về Quyền trẻ em năm 1989 quy định: ‘Trẻ em, do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời”. Điều này có nghĩa là các quốc gia có nghĩa vụ nhất định trong việc bảo vệ sự sống của trẻ em từ khi còn là bào thai (thông thường qua các chính sách chăm sóc sức khỏe của bà mẹ) song sự bảo vệ đó không đồng nghĩa với việc bảo vệ quyền sống của một tự nhiên nhân.
Về câu hỏi thứ tư, như đã đề cập, chủ thể của quyền sống theo luật nhân quyền quốc tế là tất cả mọi người (everyone, every human being). Bản thân đại từ nhân xưng này đã cho thấy quyền sống không phải là đặc quyền dành riêng cho công dân của các quốc gia như các quyền bầu cử, ứng cử… mà còn là quyền của tất cả các cá nhân khác (công dân nước ngoài, người không quốc tịch, người tỵ nạn, người tìm kiếm cơ hội tỵ nạn..) hiện diện trên lãnh thổ của quốc gia.
1.2. Bản chất của quyền    
Phải chăng quyền sống có nghĩa là cấm các nhà nước không được tước đi tính mạng của cá nhân trong mọi hoàn cảnh?
Về vấn đề này, cần khẳng định rằng xuất phát từ những quy định của luật nhân quyền quốc tế, quyền sống tuy là tối cao (supreme right) và luôn phải được áp dụng kể cả trong trường hợp khẩn cấp của quốc gia nhưng không phải là quyền tuyệt đối (absolute right - tức là quyền không thể bị tước đoạt trong mọi hoàn cảnh). Điều 6 ICCPR vẫn quy định hình phạt tử hình là minh chứng cho điều đó, bởi hình phạt tử hình về bản chất là sự tước đi quyền sống của một cá nhân, nhưng chỉ khi được áp dụng một cách tùy tiện (arbitrarily) thì mới bị coi là vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Nghị định thư thứ nhất bổ sung ICCPR về xoá bỏ hình phạt tử hình (1989) cũng không phải là bắt buộc, mà chỉ là tùy chọn (optional) với các quốc gia thành viên. Nói cách khác, luật nhân quyền quốc tế không cấm các quốc gia sử dụng án tử hình như là một hình phạt để ngăn ngừa và trừng trị tội phạm, nhưng khuyến khích hạn chế và bãi bỏ hình phạt khắc nghiệt đó.
1.3. Giới hạn áp dụng của hình phạt tử hình
Hình phạt tử hình là chế tài hình sự nghiêm khắc nhất của một nhà nước, dẫn đến hậu quả là tước đi quyền sống, vĩnh viễn loại trừ một cá nhân ra khỏi xã hội. Luật nhân quyền quốc tế không cấm nhưng khuyến khích bỏ và buộc các quốc gia giới hạn áp dụng hình phạt này chỉ với “các tội phạm nghiêm trọng nhất”. Theo HRC, cụm từ “các tội phạm nghiêm trọng nhất” phải được giải thích với ý nghĩa rằng hình phạt tử hình phải là một biện pháp ngoại lệ. Nó không bao gồm các tội phạm về kinh tế, tội tham nhũng, các tội phạm về chính trị, tội cướp, bắt cóc mà không gây hậu quả chết người, bội giáo và các tội liên quan đến ma túy[8]. Uỷ ban Nhân quyền của Liên hợp quốc (UN Commission on Human Rights - cơ quan trực thuộc Hội đồng Kinh tế - Xã hội ECOSOC, đã được thay thế bởi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc) thì giải thích rằng, khái niệm “các tội phạm nghiêm trọng nhất” không bao gồm các hành vi phi bạo lực như các tội phạm tài chính, việc thực hành tôn giáo hoặc thể hiện tín ngưỡng hoặc quan hệ tình dục đồng thuận giữa những người trưởng thành[9]. Còn theo đoạn 1 của Văn kiện “Các bảo đảm về quyền của những người đối mặt với án tử hình” được ban hành kèm theo Nghị quyết 1996/15 ngày 23/7/1996 của ECOSOC thì các tội phạm nghiêm trọng nhất chỉ là “...những tội phạm với lỗi cố ý, gây ra hậu quả chết người hoặc các hậu quả nghiêm trọng khác”.
Từ những quy định ở trên, có thể thấy rằng, theo quan điểm của Liên hợp quốc, phạm vi tội danh có thể áp dụng hình phạt tử hình là rất hẹp.
1.4. Quyền sống trong xung đột vũ trang
Liệu việc giết người trong bối cảnh chiến tranh/xung đột vũ trang có phải là sự vi phạm quyền sống? Hành vi giết người trong bối cảnh chiến tranh/xung đột vũ trang hiện được điều chỉnh bởi cả hai ngành luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế. Theo quan điểm chung hiện nay, nếu hành vi này diễn ra giữa các lực lượng vũ trang của các bên tham chiến mà tuân thủ đúng các quy định của luật nhân đạo quốc tế (cấm tấn công vào thường dân và các mục tiêu dân sự, cấm sát hại binh lính đối phương khi họ đã đầu hàng hoặc không còn khả năng chống cự… hay nói cách khác, việc giết người khi thực hiện các hành vi chiến tranh hợp pháp (deaths resulting from lawful acts of war) thì không bị coi là vi phạm quyền sống được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế[10].
1.5. Quyền sống trong trường hợp tự vệ, trấn áp tội phạm
Quan điểm chung cho rằng, việc buộc phải sử dụng vũ lực để bảo vệ tính mạng của bản thân và/hoặc của những người khác khi đang bị đe dọa mà dẫn tới chết người thì sẽ không bị coi là vi phạm quyền sống, nếu như hành động sử dụng vũ lực đó là hợp pháp, cần thiết và tương xứng với sự đe dọa. Ngoài ra, hành động sử dụng vũ lực gây chết người trong các vụ bắt giữ, trấn áp tội phạm hoặc các vụ nổi loạn, nếu như hợp pháp và hợp lý, thì cũng không bị coi là sự vi phạm quyền sống.
1.6. An tử
Có nhiều định nghĩa về an tử (hay “cái chết êm ả” - euthanasia), song ở góc độ tổng quát nhất, có thể coi đây là hành vi (hành động hay không hành động) trợ giúp một người mắc bệnh nan y không có khả năng chữa trị được giải thoát khỏi tình trạng sống trong đau đớn kéo dài và vô vọng.
Xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp nhưng đến nay, vấn đề an tử vẫn gây nhiều tranh cãi, xuất phát từ tính chất phức tạp trong việc xác định ý chí của người bệnh và ý định của người trợ giúp. Từ phương diện quyền sống, an tử thực chất là việc tự nguyện từ bỏ cuộc sống, từ bỏ quyền sống với sự hỗ trợ của người khác (thông thường là bác sĩ). Có hai cách thức trợ tử chủ yếu, đó là: tiêm thuốc có tác dụng chấm dứt sự sống cho bệnh nhân nan y và ngưng việc điều trị duy trì sự sống của bệnh nhân (rút ống dẫn, tắt các thiết bị y tế…) - những trường hợp này có sự hỗ trợ trực tiếp của người khác. Ngoài ra, có trường hợp người bệnh tự kết thúc cuộc sống của mình với sự tư vấn của người khác, ví dụ, tự tiêm loại thuốc cần thiết, tự rút ống dẫn hay tắt các thiết bị y tế…[11]. Tuy nhiên, trong trường hợp nào thì câu hỏi về việc vi phạm quyền sống chỉ đặt ra với những người hỗ trợ, bởi hành vi tự sát không bị coi là có tội, xét từ phương diện tội phạm học.
Luật nhân quyền quốc tế chưa đề cập cụ thể đến vấn đề an tử. Song ở cấp châu lục, Nghị viện của Hội đồng châu Âu, trong một khuyến nghị đưa ra vào năm 1999[12], đã nêu rằng, các quốc gia thành viên cần: “Bảo đảm rằng, trừ khi người bệnh tự lựa chọn, tất cả những người bệnh nan y hoặc sắp chết đều phải được hưởng các biện pháp chăm sóc để làm giảm sự đau đớn, kể cả khi các biện pháp đó có thể gây ra tác dụng phụ là làm giảm thời gian sống của họ”. Ở đây, khuyến nghị này hàm ý rằng việc hỗ trợ ngưng các thiết bị điều trị duy trì sự sống của bệnh nhân theo ý nguyện của người đó sẽ không bị coi là vi phạm quyền sống. Mặc dù vậy, nếu việc này được thực hiện với những bệnh nhân không có khả năng thể hiện ý chí của mình (ví dụ, sống thực vật) thì sẽ bị coi là vi phạm quyền sống[13].
2. Quyền sống trong pháp luật Việt Nam: Thực trạng và đề xuất
Ở Việt Nam, quyền sống đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, thông qua việc nhắc lại một mệnh đề trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, quyền sống không được đề cập như một quyền cụ thể, mà chỉ được thể hiện thông qua các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền này được nêu trực tiếp trong Điều 19 và được gắn với sự bảo hộ pháp lý về tính mạng: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.
Ngoài quy định nêu trên, quyền sống hiện còn được bảo vệ qua một số điều khoản khác của Hiến pháp năm 2013 và trong một số đạo luật như: Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 - sửa đổi năm 2009, Bộ luật Tố tụng  hình sự (BLTTHS)  năm 2003, Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005, Luật Chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em 2005… và nhiều văn bản dưới luật.
Như vậy, về quyền sống, pháp luật Việt Nam hiện đã tương thích với luật nhân quyền quốc tế ở mức độ những nguyên tắc cơ bản; tuy nhiên, nếu so sánh với những yêu cầu cụ thể về quyền này trong luật nhân quyền quốc tế, vẫn còn một số khoảng cách cần nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp hơn với pháp luật quốc tế và xu hướng chung trên thế giới, cụ thể như sau:
2.1. Về hình phạt tử hình
Như một số quốc gia khác, Việt Nam vẫn duy trì hình phạt tử hình trong BLHS. Hình phạt này trong thời kỳ 1989-1997 đã từng được nhấn mạnh, thể hiện ở sự gia tăng số lượng các tội danh có thể bị kết án tử hình từ 29 trong BLHS năm 1985 lên 44 vào năm 1997, sau 4 lần sửa đổi (vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997), trong đó nhiều nhất là các tội danh về ma túy. Tuy nhiên, kể từ năm 1999, Nhà nước Việt Nam đã liên tục giảm số tội danh có thể bị tuyên hình phạt này, cụ thể là từ 44 xuống còn 29 trong BLHS năm 1999, và tiếp xuống còn 22 trong lần sửa đổi năm 2009 của BLHS năm 1999[14]. Hiện tại, tỷ lệ các tội danh có quy định hình phạt tử hình trên tổng số tội danh của BLHS là 22/272 (trên 8%), giảm khoảng 3% so với BLHS năm 1999; khoảng 6,87% so với BLHS năm 1985 và 12,64% so với BLHS năm 1985[15].
Mặc dù BLHS hiện hành quy định hình phạt tử hình đối với 22 tội danh, nhưng trên thực tế, thời gian vừa qua các Tòa án chủ yếu áp dụng hình phạt này với tội giết người và các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy[16].
Bên cạnh việc giảm dần số tội danh có quy định hình phạt tử hình, pháp luật hình sự cũng có những sửa đổi về thủ tục áp dụng hình phạt này nhằm phù hợp hơn với các tiêu chuẩn của luật nhân quyền quốc tế. Ví dụ, BLHS năm 1999 đã bãi bỏ quy định liên quan đến việc thi hành án tử hình ngay sau khi xét xử trong trường hợp đặc biệt, mà đã được ghi trong các BLHS trước đó, đồng thời bổ sung đối tượng không bị áp dụng và thi hành hình phạt này là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử[17]. Gần đây, pháp luật hình sự cũng được sửa đổi để cho phép người thân của tử tù được mang xác về chôn, và thay đổi cách thức hành quyết từ xử bắn sang tiêm thuốc độc (được coi là nhân văn hơn với cả tử tù và những người thi hành án). Tuy nhiên, cần thấy rằng, phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trong BLHS của Việt Nam hiện vẫn còn rộng so với nhiều nước và so với quan điểm của Liên hợp quốc (đã nêu ở phần trên). Để phù hợp với quan điểm của Liên hợp quốc, xu hướng chung trên thế giới và thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó chủ trương từng bước hạn chế, giảm tối đa quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm, trong lần sửa đổi BLHS tới đây, nên nghiên cứu giảm đến mức tối thiểu hoặc có thể xóa bỏ hình phạt tử hình. Trong trường hợp vẫn còn duy trì, chỉ nên giữ lại hình phạt này với tội giết người và tội phản quốc.
Nên quyết tâm xóa bỏ hình phạt tử hình với những nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội khủng bố và hầu hết các tội trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định của BLHS hiện hành, bởi theo quan điểm của Liên hợp quốc, đây là những tội phạm không thể bị kết án tử hình, và trong thực tế ở nước ta thời gian qua rất ít khi áp dụng. Cũng nên xóa bỏ hình phạt tử hình với nhóm tội xâm hại an ninh và hòa bình thế giới, bởi trong thực tế nước ta hầu như không áp dụng, nhưng quan trọng hơn là ngay trong các điều ước của luật hình sự quốc tế (Quy chế Rôm về Tòa án Hình sự quốc tế năm 1998) cũng không quy định hình phạt tử hình với những tội danh này.
Cũng nên quyết tâm xóa bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm ma túy - mặc dù đây là các tội phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội. Cộng đồng quốc tế phản đối rất gay gắt việc áp dụng hình phạt tử hình với tội phạm ma túy do nhiều người phạm tội là người nghèo, do số lượng người bị tử hình rất cao so với các loại tội phạm khác, và do tác dụng ngăn chặn của hình phạt tử hình với dạng tội phạm này là vấn đề rất gây tranh cãi. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, ở một số nước khi bỏ hình phạt tử hình thì tội phạm, đặc biệt là các tội nguy hiểm như giết người, không tăng, thậm chí giảm[18], trong khi ở một số nước khác thì tăng. Tuy nhiên, trong những trường hợp thứ hai, người ta vẫn chưa bóc tách được rõ ràng việc bỏ hình phạt tử hình đóng góp đến mức nào trong rất nhiều yếu tố về chính trị, kinh tế, xã hội mà dẫn đến làm gia tăng tội phạm. Có nhiều trường hợp sự gia tăng đó do nhiều yếu tố khác gây ra và mang tính chất ngẫu nhiên trùng vào thời điểm hình phạt tử hình được xóa bỏ.
Ở nước ta hình phạt với các tội ma túy trong những năm gần đây có xu hướng liên tục tăng nhưng tình hình tội phạm vẫn không giảm mà vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn. Điều đó chứng tỏ hình phạt tử hình không tác động đến biến động của loại tội này. Thực tế đó nhắc nhở chúng ta cần có cách nhìn khách quan, khoa học khi nói về tác dụng ngăn ngừa của hình phạt tử hình. Trước hết, cần khẳng định rằng hình phạt tử hình - giống như bất cứ hình phạt nào khác - đều có tác dụng ngăn ngừa tội phạm, chỉ khác nhau về mức độ. Sự cần thiết đánh giá ở đây là liệu hình phạt tử hình có tác dụng ngăn chặn vượt trội so với các loại hình phạt khác hay không? Nếu nó không có tác dụng vượt trội thì nên xóa bỏ nó và thay thế bằng hình phạt khác, vì hình phạt tử hình gây ra rất nhiều rủi ro và rắc rối với quốc gia hơn các loại hình phạt thông thường, do: tính chất không lấy lại được tính mạng của người bị xét xử oan sai; sự khủng hoảng, tàn phá mà nó mang lại cho gia đình tử tù; và áp lực ngày càng cao của cộng đồng quốc tế đòi phải xóa bỏ hình phạt này. Ở nước ta, từ năm 2009, sau khi xóa bỏ hình phạt tử hình với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS 1999), tội phạm loại này tăng cao cả về số lượng và tính chất nguy hiểm (số lượng tài sản bị lừa đảo chiếm đoạt ngày càng lớn). Có quan điểm cho rằng, việc đó là do xóa bỏ hình phạt tử hình với tội này, tuy nhiên, đây là một quan điểm mang nặng cảm tính, vì chưa hề đánh giá đến tác động của một loạt yếu tố khác đến sự gia tăng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có sự phát triển quá nóng của hệ thống ngân hàng trong khi khuôn khổ pháp luật về vấn đề này còn lỏng lẻo. Chúng tôi cho rằng đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất lớn ở nước ta mấy năm vừa qua. Với nguyên nhân này, kể cả khi hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ, tình hình phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể vẫn tăng trong thời gian qua.
Đối với những tội vẫn quy định hình phạt tử hình, BLHS chỉ nên quy định áp dụng trong những trường hợp hành vi phạm tội mang tính bạo lực, dã man, tàn bạo, gây bất bình trong nhân dân, hoặc phạm tội có tổ chức với quy mô lớn, có sự câu kết chặt chẽ giữa các băng, nhóm tội phạm trong việc thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho nhiều người, đối tượng thực hiện là những kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp[19]. Về phạm vi chủ thể được miễn áp dụng hình phạt tử hình, ngoài các đối tượng là người chưa thành niên, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và người bị tâm thần như quy định hiện hành, nên bổ sung những người trên 70 tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử như quy định trong luật hình sự của một số quốc gia.
Ngoài các khía cạnh trên, liên quan đến hình phạt tử hình, Nhà nước nên:
(i) Nghiên cứu việc tái công khai các số liệu thống kê về việc áp dụng hình phạt tử hình (như đã từng làm trước đây) để phù hợp với một loạt Nghị quyết trong các năm 2007, 2008, 2010 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc không áp dụng án tử hình, trong đó kêu gọi các quốc gia “cung cấp cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc thông tin về việc áp dụng hình phạt tử hình và việc thực hiện các biện pháp bảo vệ những người đối mặt với án tử hình”, và “công bố thông tin về việc áp dụng án tử hình thông tin nào có thể đóng góp vào các cuộc tranh luận quốc gia về sự minh bạch”. Việc công khai thông tin về tình hình áp dụng hình phạt tử hình sẽ góp phần nâng cao uy tín về nhân quyền của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, thảo luận chuyên sâu về vấn đề này ở nước ta.
(ii) Tiếp tục tăng cường khuôn khổ pháp lý và các biện pháp bảo vệ, thúc đẩy các quyền của những người bị kết án tử hình, bao gồm những tử tù chờ được hành quyết phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan.
(iii) Nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc quy định các hình phạt thay thế hình phạt tử hình và những quy định đặc biệt có tính chất nhân đạo về việc áp dụng hình phạt này, ví dụ như quy định về án tử hình cho hoãn thi hành trong 2 năm để có thể được xem xét giảm xuống tù chung thân (Trung Quốc), hay việc kết án nhưng không thi hành trên thực tế.
(iv) Nghiên cứu khả năng tham gia Nghị định thư Tùy chọn thứ hai của ICCPR về xóa bỏ hình phạt tử hình.
(v) Khuyến khích các nghiên cứu và tranh luận trong xã hội về các vấn đề lý luận, thực tiễn và pháp lý quốc tế và quốc gia về hình phạt tử hình. Đề nghị Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các quốc gia đã bãi bỏ hình phạt này tư vấn và trợ giúp trong việc sửa đổi pháp luật, chính sách về hình phạt tử hình.
2.2. Về bảo đảm các điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là các cá nhân và nhóm  yếu thế
Việt Nam đã tham gia cả hai Công ước quốc tế cơ bản về Nhân quyền năm 1966 (ICCPR, ICESCR) và một số điều ước quốc tế khác về quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như Công ước về Quyền trẻ em 1989, Công ước về Xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979… Việt Nam cũng đã ký và dự định sớm phê chuẩn Công ước về Quyền của những người khuyết tật 2006. Đây là những cơ sở pháp lý quốc tế để thúc đẩy các quyền của những nhóm yếu thế, bao gồm quyền sống ở Việt Nam.
Việt Nam cũng đã có một khuôn khổ pháp luật quốc gia khá hoàn chỉnh để bảo đảm quyền của những nhóm yếu thế, bao gồm quyền sống của họ. Ví dụ, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em được thông qua từ năm 1991 (được sửa đổi, bổ sung năm 2004) đã quy định các quyền cơ bản của trẻ em, trong đó bao gồm quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 12). Luật cũng dành hẳn chương IV (Điều 40-58) quy định về việc bảo vệ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em vi phạm pháp luật) mà có ý nghĩa quan trọng với việc bảo đảm sự sống còn và phát triển của những trẻ em này.
Ở phạm vi rộng hơn, một số văn bản pháp luật khác của Việt Nam đã ghi nhận các quyền liên quan đến quyền sống, như:
(i) Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (Điều 20). BLDS 2005 cũng quy định quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng sức khỏe và thân thể (Điều 32), còn BLTTHS năm 2003 thì xác định trong các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật này có: Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân (Điều 4); Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật (Điều 5); Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân (Điều 6); Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân (Điều 7); Bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan (Điều 27); Bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự gây ra (Điều 28).
(ii) Pháp lệnh Dân số năm 2003 (sửa đổi năm 2008) có quy định về việc nâng cao chất lượng dân số (Điều 21), trong đó nêu rõ: Nhà nước có biện pháp triển khai thực hiện chính sách dân số, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao  chất lượng dân số, ưu tiên đối với người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Điều 7 Pháp lệnh quy định các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
BLHS hiện hành dành một chương riêng (Chương XII) quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (Điều 93 - 122). Theo nghĩa rộng (quyền sống gắn với quyền tự do và an ninh cá nhân) thì tất cả các quy định trong chương này đều có tác dụng bảo vệ quyền sống, trong đó nhiều quy định trực tiếp bảo vệ tính mạng của con người, bao gồm: Điều 93 (Tội giết người); Điều 94 (Tội giết con mới đẻ); Điều 97 (Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ); Điều 98 (Tội vô ý làm chết người); Điều 99 (Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính); Điều 100 (Tội bức tử); Điều 101 (Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát); Điều 102 (Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng); Điều 103 (Tội đe dọa giết người); Điều 104 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 107 (Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ); Điều 108 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 109 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính); Điều 110 (Tội hành hạ người khác).
Mặc dù vậy, hiện tại BLHS ViệtNam chưa quy định riêng về các tội tra tấn và bắt cóc người đưa đi mất tích mà rất được nhấn mạnh trong luật nhân quyền quốc tế (ngoài quy định trong ICCPR còn có hai công ước riêng về hai vấn đề này) mà mới chỉ có quy định về dùng nhục hình và tội bắt cóc nói chung. Các tội tra tấn và bắt cóc người đưa đi mất tích được coi là sự vi phạm quyền sống (do thường dẫn đến cái chết và việc thủ tiêu nạn nhân), vì thế trong lần sửa đổi sắp tới, Nhà nước nên bổ sung quy định về các tội này vào BLHS. Sự bổ sung như vậy cũng là để phù hợp với các quy định mới về quyền sống trong Hiến pháp năm 2013 đã nêu ở trên.
Thêm vào đó, pháp luật Việt Nam cũng chưa có các quy định cụ thể và thống nhất để xác định trách nhiệm của các cơ quan cứu hộ, cứu nạn trong việc tìm kiếm người mất tích, nạn nhân của các tai nạn do thiên tai… Một số quy định về bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự, đặc biệt trong các giai đoạn điều tra và thi hành án, còn thiếu hoặc chưa chặt chẽ, gây nguy cơ xảy ra vi phạm nghiêm trọng các quyền sống và quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm của bị can, bị cáo và tù nhân. Những bất cập này cũng cần được nghiên cứu sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan trong thời gian tới nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả quyền sống trong Hiến pháp mới.
2.3. Về vấn đề an tử
Quyền được chết êm ả chưa từng được quy định trong các Hiến pháp cũng như pháp luật của Việt Nam (đặc biệt là BLDS). Nói cách khác, trong pháp luật Việt Nam, quyền này chưa được coi là quyền nhân thân của con người. Tuy nhiên, quyền được chết êm ả đã được đưa ra Quốc hội khóa XI (Kỳ họp thứ 6 và 7, các năm 2004, 2005) thảo luận khi bàn về Dự thảo sửa đổi BLDS năm 2005[20].
Mặc dù không được đưa vào BLDS hiện hành, song vấn đề an tử vẫn nên được thảo luận trong lần sửa đổi BLDS tới đây vì: thứ nhất, giống như ở mọi quốc gia khác, nhu cầu và những đòi hỏi về quyền được chết êm ả ở nước ta là có thật, mà xét từ một góc độ của những bệnh nhân mắc bệnh nan y, việc đáp ứng nhu cầu đó cũng chính là bảo đảm quyền sống theo đúng nghĩa của con người; thứ hai, việc Hiến pháp năm 2013 bổ sung quy định trực tiếp về quyền sống đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về tất cả các khía cạnh liên quan đến quyền này trong hệ thống pháp luật, trong đó bao gồm vấn đề an tử; thứ ba, quốc tế có xu hướng thừa nhận quyền này trong thời gian gần đây (dù chậm). Cụ thể, tính đến nay, đã có một số quốc gia bao gồm Hà Lan, Bỉ và Luxembourg hợp pháp hóa quyền này, trong khi một số nước khác như Thụy Sĩ, CHLB Đức, Albania, Colombia, Nhật Bản, Đan Mạch, Thụy Điển, Vương quốc Anh và một số bang của Mỹ (Washington, Oregon, Vermont, New Mexico và Montana) hợp pháp hóa hành vi hỗ trợ an tử với những bệnh nhân nan y, kèm theo những điều kiện khác nhau.
Việc chấp nhận hay không quyền an tử ở Việt Nam chắc chắn sẽ cần thêm những nghiên cứu chuyên sâu và sự thảo luận rộng rãi, bởi đây là một vấn đề rất phức tạp. Kể cả khi được hợp pháp hóa, an tử cũng đòi hỏi thêm nhiều công sức lao động lập pháp để cụ thể hóa (mà có thể cần một đạo luật riêng), với những quy định đồng bộ, chặt chẽ để loại trừ khả năng lạm dụng dẫn tới vi phạm quyền sống của con người. Xét nhu cầu thực tế, xu hướng trên thế giới và kinh nghiệm của một số quốc gia, Việt Nam có thể nghiên cứu để bước đầu thừa nhận quyền trợ giúp an tử với những bệnh nhân đã trưởng thành mắc những bệnh nan y không có hy vọng chữa trị và đang chịu nhiều đau đớn về thể chất và tinh thần mà đã thể hiện mong muốn chấm dứt cuộc sống một cách rõ ràng, chân thực và kiên định (nhiều lần).
3. Một số nhận xét, kết luận
Quyền sống là một quyền tự nhiên, cơ bản, tối cao của con người nhưng không phải là quyền tuyệt đối, xét theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế hiện hành. Quyền này có nội hàm rộng, không chỉ liên quan đến việc bảo vệ các cá nhân khỏi bị tước đoạt tính mạng một cách tùy tiện, mà còn gắn với những điều kiện vật chất và xã hội bảo đảm cho sự tồn tại và an ninh của con người. Với nội hàm rộng như vậy, bên cạnh những khía cạnh đã được khẳng định rõ ràng, quyền sống vẫn còn những nội dung đang được tiếp tục nghiên cứu làm rõ.
Được ghi nhận trong những văn kiện cốt lõi của luật nhân quyền quốc tế, quyền sống ràng buộc nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi của các quốc gia. Trong số các nghĩa vụ quốc gia về các khía cạnh của quyền sống, việc giới hạn phạm vi áp dụng và đối xử nhân đạo với những người bị kết án tử hình được đề cập nhiều và cụ thể hơn cả trong luật nhân quyền quốc tế.
Ở Việt Nam, quyền sống được trực tiếp quy định kể từ Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên đã được bảo vệ từ lâu trong hệ thống pháp luật thông qua các quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, danh dự, nhân phẩm, cũng như các quyền được trợ giúp của những cá nhân và nhóm yếu thế. Nhìn chung, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam đã tương thích với những nguyên tắc cơ bản về quyền sống trong luật quốc tế. Mặc dù vậy, giống như nhiều quốc gia khác, pháp luật Việt Nam vẫn cần được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện và tương thích ở mức độ cao hơn với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền này. Những sửa đổi, bổ sung cần thiết, như đã nêu ở phần trên, chủ yếu tập trung vào vấn đề cốt lõi nhất của quyền sống, đó là hình phạt tử hình. Từ những định hướng của Đảng trong Chiến lược cải cách tư pháp và động lực từ những phát triển tiến bộ to lớn về chế định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, có thể tin tưởng rằng khuôn khổ pháp luật về quyền sống của Việt Nam tới đây sẽ được hoàn thiện một cách đáng kể./.
   
   
   
TS. Vũ Công Giao - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
-------------------------------------------
[1] Điều 6 Công ước này quy định, các quốc gia thành viên thừa nhận rằng tất cả trẻ em đều có quyền cố hữu là quyền sống.
[2] Điều 2 Công ước này đưa ra định nghĩa về tội diệt chủng, trong đó bao gồm hành động giết các thành viên của một nhóm dân tộc, chủng tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo nhất định.
[3] Điều 2 Công ước này đưa ra định nghĩa về tội ác a-pác-thai, trong đó bao gồm hành động giết các thành viên của một nhóm chủng tộc hoặc giết cả nhóm chủng tộc đó.
[4] Human Rights Committee, General Comment 6, Article 6 (Sixteenth session, 1982), Compilation of General Comments and General Recommendations Adopted by Human Rights Treaty Bodies, U.N. Doc. HRI/GEN/1/Rev.1 at 6 (1994).
 [5]Những đại từ đó cũng được sử dụng trong quy định về quyền sống ở các Công ước về Nhân quyền của châu Âu, châu Mỹ và Hiến chương châu Phi về Quyền của con người và quyền của các dân tộc.
[6] Xem Douwe Korff, A guide to the implementation of Article 2 of the European Convention
on Human Rights, Human Rights Handbook No.8, Council of Europe, 2006, tr.8.
[7] Xem vụ X v. the United Kingdom, Appl. No. 8416/79, admissibility decision of 13 May 1980. Tại http://hudoc.echr.coe.int/sites/eng/pages/search.aspx?i=001-57602#{"itemid":["001-57602"]}
[8] Xem, Tập thông tin về các hình phạt thay thế cho hình phạt tử hình (Alternative Sanctions to the Death Penalty Information Pack) của Dự án cải cách hình sự quốc tế (Penal Reform International), xuất bản tháng 4/2011, tại www.penalreform.org.
[9] Xem chú thích 8.
[10]Ví dụ, xem phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu trong vụ McCann và những người khác kiện Vương quốc Anh (McCann and others v. the United Kingdom), 1995, tại http://hudoc.echr.coe.int/sites/eng/pages/ search.aspx?i=001-57943
[11]Xem Trương Hồng Quang, “Những vấn đề lý luận chung về quyền được chết”,
tại https://hongtquang.wordpress.com/2009/07/23/nh%E1%BB%AFng-v%E1%BA%A5n-d%E1%BB%81-ly-lu%E1%BA%ADn-chung-v%E1%BB%81-quy%E1%BB%81n-d%C6%B0%E1%BB%A3c-ch%E1%BA%BFt/#more-22
Có quan điểm cho rằng việc trực tiếp hành động để giúp mang đến cái chết nhẹ nhàng cho một cá nhân thì gọi là an tử, còn việc cung cấp phương tiện hay tư vấn để một cá nhân tự mang đến cái chết nhẹ nhàng cho mình thì gọi là trợ tử. Mặc dù vậy, cách phân biệt này không phổ biến. Thực tế hai thuật ngữ an tử và trợ tử thường được sử dụng thay thế cho nhau.
[12] Parliamentary Assembly of the Council of Europe, Recommendation 1418 (1999), paragraph 9, at (a) (vii)), tại http://assembly.coe.int/main.asp?link=/Documents/AdoptedText/ta99/ EREC1418.htm
[13] Xem Douwe Korff, A guide to the implementation of Article 2 of the European Convention on Human Rights, Human Rights Handbook No.8, Council of Europe, 2006, tr.17.
[14] Các tội phạm vẫn còn quy định hình phạt tử hình trong BLHS hiện hành bao gồm:
- Nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia: Tội phản quốc (Điều 78); Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79); Tội gián điệp (Điều 80); Tội bạo loạn (Điều 82);Tội hoạt động phỉ (Điều 83); Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84); Tội phá hoại cơ sở vật chất của Nhà nước (Điều 85).
- Nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người: Tội giết người (Điều 93); Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112).
- Nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu: Tội cướp tài sản (Điều 133)
- Nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157)
- Nhóm tội phạm về ma túy: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 193); Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194); Tội khủng bố (Điều 230a); Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); Tội tham ô (Điều 278); Tội nhận hối lộ (Điều 279).
- Nhóm tội phạm xâm phạm nghĩa vụ trách nhiệm quân nhân: Tội chống mệnh lệnh (Điều 316); Tội đầu hàng địch (Điều 322).
- Nhóm tội về phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh: Tội phá hoại hòa bình (Điều 341); Tội chống loài người (Điều 342); Tội phạm chiến tranh (Điều 343).
[15]Xem Nguyễn Văn Hoàn, tham luận tại Hội thảo “Quyền sống trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” do Viện Chính sách công và Pháp luật thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 22/9/2014 tại Hà Nội.
[16]Xem Nguyễn Văn Hoàn, tlđd.
[17]Xem Nguyễn Văn Hoàn, tlđd.
[18] Ví dụ, theo các số liệu nghiên cứu của UNODC về các vụ giết người trên thế giới được công bố năm 2011, tỷ lệ án mạng ở 5 quốc gia Trung và Đông Âu (bao gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Moldova, Ba Lan và Romania - cả 5 nước đều đã bãi bỏ án tử hình từ những năm 1990) đã giảm 61% từ 4,5 xuống còn 1,6 trên 100.000 vụ giữa các năm 2000 và 2008, đặc biệt với các vụ án có nạn nhân là nam giới. Ở Canada, ở thời điểm trước khi xóa bỏ hình phạt tử hình, tỷ lệ các vụ giết người đang tăng lên, nhưng sau 40 năm bãi bỏ hình phạt này, con số đó đã giảm xuống 44% so với trước đó. Xem Roger Hood, “Xóa bỏ hình phạt tử hình - Một yêu cầu cấp thiết về nhân quyền”, tham luận tại Hội thảo “Quyền sống trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”.
[19]Xem Nguyễn Văn Hoàn, “Chính sách, pháp luật của Việt Nam về hình phạt tử hình”, tlđd.
[20] Xem Trương Hồng Quang, tlđd
 

Theo: nclp.org.vn

Bình luận

1. Quyền sống trong luật quốc tế
Quyền sống (the right to life) là một quyền tự nhiên, cơ bản của con người. Trước khi được ghi nhận trong các văn kiện của luật nhân quyền quốc tế, quyền này đã được đề cập bởi nhiều nhà tư tưởng từ thời cổ đại và được phản ánh trong giáo lý của các tôn giáo, thông qua những lời răn dạy về sự cần thiết tôn trọng cuộc sống của người khác và những giới luật về cấm xâm phạm tính mạng của con người, thậm chí là cả của chúng sinh, tức là mọi sinh vật trên trái đất (Phật giáo).
" />

Tin tức cùng chuyên mục

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.

Tỉnh Nghệ An phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày đăng 21/03/2024
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp công tác tôn giáo, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động; tích cực đóng góp các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.

Tiêu điểm

Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Sáng 17/4, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2024).